Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÁ BÀNG XANH NGOÀI CỬA SỔ - KHÚC TRÁNG CA

Đặng Văn Sinh
Thứ hai ngày 9 tháng 1 năm 2017 9:33 AM




Phần lớn các truyện trong tập Lá bàng xanh ngoài cửa sổ đều được phát triển trên bối cảnh hai cuộc kháng chiến mà điểm xuất phát của các nhân vật thường là một làng quê nghèo vùng nam sông Thưa thuộc địa hạt tỉnh Đông. Đó là làng Cao, làng Thị, xóm Cò với những phong tục rất đặc trưng từ ngàn năm trước của nền văn minh lúa nước: bao dung, nhân hậu, nhẫn nại nhưng cũng đầy quyết đoán.

Ra khỏi làng, thời chiến tranh cũng như lúc hòa bình, những chàng trai nhà quê tỏa đi khắp chiều dài đất nước, có người bay xa đến nửa vòng trái đất với khát vọng cao cả, để rồi, dù thành công hay thất bại, lúc tuổi xế chiều, lại trở về sống bình yên dưới lũy tre làng, hồi tưởng về một thời trận mạc.

Đặc điểm truyện của Tô Đức Chiêu thường là dùng ngòi bút lách vào những miền ký ức. Hiện tại và quá khứ cứ đan xen nhau trong một chuỗi liên tưởng mang tính gợi mở nhưng lại tuân thủ nghiêm ngặt tính thống nhất của quy luật thời gian. Hai dòng thời gian, một xuôi, một ngược cùng song hành trong cái phông của làng quê và chiến tranh. Mỗi khi chúng giao thoa hoặc hòa vào nhau là lập tức bùng nổ hiệu ứng thẩm mỹ. Đó là cách nhìn nhận lịch sử thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ nhưng hàm chưa tính biện chứng (Đất ngàn năm yên tĩnh, Bài ca bất tử…), là sự bao dung, độ lượng của một người lính nhiều lần xuýt bỏ mạng dưới làn mưa bom B52 (Đất ngàn năm yên tĩnh, Phái viên Bộ tổng).

Khai thác đến tận cùng hiệu quả của những miền ký ức, tác giả khắc họa chân dung chiến sĩ khá đậm nét của một trung đội trưởng pháo cối 120ly. Đó là chàng trai có học vấn, xuất thân từ thành phần bị coi là tiểu tư sản chỉ vì ông thân sinh là hương sư. Đức hay Đạt đều là hiện thân của lớp thanh niên thập kỷ sáu mươi, ham học, giàu lý tưởng. Anh quý trọng, tôn thờ ông giáo (Lá bàng xanh ngoài cửa sổ), trân trọng mối tình với cô bán bánh mỳ (Cổng tỉnh) và tự dằn vặt mình là kẻ phụ bạc khi đã ra khỏi cuộc chiến đến mấy chục năm, tóc chớm bạc , mới giật mình nghĩ đến cố nhân (Bài ca bất tử).

Những trang hồi ức đặc tả về cảnh đói nghèo, lam lũ của một thời thơ ấu, quả thật làm người đọc sững sờ bởi sự chân thành trong cách kể của người viết. Ấy là một thời thật khổ nhưng thật đẹp, gần như một đi không trở lại nhưng “rất oai hùng” như nhân vật chính đã nhắc đi nhắc lại không dưới năm lần, “Bởi cô đã bật khóc và co cẳng chạy khi đứa em út của anh kêu lên nhận phần: ‘Em còn ăn nữa đấy nhớ’ nhưng còn đâu nữa mà ăn” ( Cổng tỉnh). Ký ức trong Lá bàng xanh ngoài cửa sổ là thứ ký ức đắng cay nhưng đậm chất lãng mạn. Các nhân vật trong vùng ký ức ấy đều cao thượng, giầu lòng nhân ái, đức hy sinh, có tâm hồn nghệ sỹ tuy vẫn ít nhiều ảo tưởng về một xã hội công bằng tốt đẹp ngày mai (Đức, Đạt, Nga, Khang). Họ có phẩm cách của bậc quân tử, ham học hỏi, dám hy sinh và thường lấy chữ “nhẫn” làm phương châm ứng xử, nhất là với những cấp trên có nguồn gốc từ thành phần bần cố nông, ít chữ nhưng “nhiều chính trị” và nhiệt tình cách mạng cháy đến “nghìn độ” (!). Đức trong Đường về Khabêca, Nga trong Đất ngàn năm yên tĩnh, Trang trong Phái viên Bộ tổng…đều là mẫu người mang dấu ấn lịch sử của một thời đại tuy biến dộng dữ dội nhưng tâm hồn trong sáng, phẩm chất cao thượng, đặc biệt là giữ được niềm tin, một thứ báu vật mà có nó, chúng ta mới đủ dũng khí sống được sau một phần ba thế kỷ tao loạn.

Một đặc điểm nữa trong tập Lá bàng xanh ngoài cửa sổ là, những người lính được kể phần đông thường ở cấp binh nhì (Ngọc, Khang, Thìn, Tác), nếu cố gắng phấn đấu thoát ra khỏi “cái đuôi tiểu tư sản” thì cao lắm cũng chỉ đến chức phái viên hoặc trung đội trưởng (Đức, Trang, Nga). Tuy ở vị trí gần như thấp nhất của cấp hàm nhưng họ lại đầy tinh thần phụ trách, tâm hồn nhạy cảm và sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào kể cả việc gọi pháo bắn vào trận địa diệt quân tăng viện của Mỹ cho dù mình có thể hy sinh (Trang trong Phái viên Bộ tổng).

Về một mặt nào đó, có thể thấy truyện của Tô Đức Chiêu thường có xu hướng lý tưởng hóa. Không ít đoạn hồi ức đẹp như một bài thơ trữ tình (Bài ca bất tử, Lúa đang thì con gái, Lá bàng xanh ngoài cửa sổ), đặc biệt hình tượng người phụ nữ đạt đến độ lung linh như những huyền thoại. Có đến 9 trên 12 truyện, các nhân vật nữ xuất hiện với mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng đều được tác giả chăm chút khá công phu. Phái yếu ở đây có đủ các lứa tuổi, từ Marie Loan tức bà Thanh Việt kiều đã ngoại ngũ tuần, đến cô bé Lan bán bánh khoai cổng tỉnh còn là trẻ vị thành niên. Hoàn cảnh xuất thân của họ rất khác nhau, không ít kẻ nghèo và bất hạnh nhưng đều có một nét chung là, người nào cũng xinh đẹp, nhân hậu, nặng lòng với quê hương (Bà Thanh, cô giáo Minh,người con gái Cẩm Duệ…). Lớp nhân vật này hiện diện như một đối trọng trong một không gian chiến tranh khốc liệt, đói nghèo và sự hủy diệt, tạo ra thứ niềm tin và tình yêu vĩnh hằng bằng nụ cười và cả những giọt nước mắt. Marie Loan từ Pháp về sau gần nửa thế kỷ lưu lạc, trả nghĩa làng Thị và cha con ông Tác chỉ với điều kiện được cấp 2 mét vuông đất làm chỗ yên nghỉ sau khi nhắm mắt, người con gái Cẩm Duệ Hà Tĩnh lặn lội mưa bom bão đạn ra Bắc tìm người yêu rồi trở thành phế nhân, bà Huệ, giám đốc công ty mà giầu lòng nhân ái…, tất cả đều khơi dậy trong lòng người đọc những tình cảm cao thượng, đức hy sinh, hóa giải hận thù.

Về mặt cốt truyện, Tô Đức Chiêu không có chủ trương lạ hóa, ngòi bút anh luôn hướng về lối viết truyền thống. Mạch truyện bao giờ cũng phát triển theo trình tự thời gian thông qua lời kể hoặc những dòng hồi ức đậm chất sử thi. Hai mảng hồi ức về làng quê và chiến tranh luôn song hành, tùy theo mức độ đậm nhạt của hoàn cảnh, tầm vóc sự kiện và những yếu tố xã hội chi phối, mà các tuyến nhân vật hình thành cùng với mức độ điển hình khác nhau.

Hồi ức về chiến tranh qua ngòi bút của người lính, nghĩa là anh khẩu đội trưởng trực tiếp khênh bàn đế, nòng hoặc bộ phận càng của pháo cối 120 ly, sự thật không chỉ là máu lửa và dãy tử thi xếp hàng đợi nước sông rút về bên bờ Bắc, là tiếng trực thăng phành phạch và những tờ truyền đơn tâm lý chiến, mà còn là những trang viết xúc động về tình bạn, tình yêu và thân phận con người. Mỗi câu chuyện đều có bố cục hoàn chỉnh với những chi tiết tình tiết sống động về mối quan hệ đa dạng, phức tạp giữa người với người ở cái thời mà mua mớ rau cũng phải xếp hàng, và cô gái ngoại ô mặc tấm áo popéline trứng sáo cũng bị coi là lãng mạn tiểu tư sản. Ba trong số truyện được xem là hay nhất trong tập, đồng thời cũng là những truyện xuất sắc của của nền truyện ngắn Việt Nam viết về chiến tranh mấy chục năm qua là Cổng tỉnh, Lá bàng xanh ngoài cửa sổ và bài ca bất tử, viết rất sinh động về tình người, tình đời, là điểm nhấn của chủ nghĩa nhân văn nếu nhìn dưới góc độ chiến tranh. Hình ảnh người cha - ông giáo già – và cây bàng ngoài cửa sổ ở tầng hai thị xã H gắn liền với những kỷ niệm của người chiến binh thời trai trẻ. Tâm trạng người cha già như nhớ về đất tổ vùng biển Thụy Anh Thái Bình và sự kiện người em trai ra đi mãi mãi được tác giả kể lại bằng một trường đoạn giống như một tráng ca. Hình ảnh cây bàng mùa thu như một biểu tượng, cứ ám ảnh mãi tâm trí người anh. Người cha là một công chức bình thường mà cao cả, bởi chính ông chứ không phải ai khác, đã nhọc nhằn nuôi dạy những đứa con trưởng thành đủ tư cách làm người. Cây bàng và ông giáo là hình tượng kép mang tầm vóc lịch sử, cho dù lịch sử có lúc bỏ quên họ.

Ở truyện Bài ca bất tử, dòng ký ức được đẩy lên đến tận cùng của cảm xúc, một trạng thái tình cảm phức tạp, đầy mâu thuẫn cùng với ý thức phản tỉnh về thái độ thờ ơ của người lính sau chiến tranh. Ông già cựu chiến binh làm một cuộc hành trình ngược thời gian sau một đêm đứng trên tầng gác nhà khách thị xã miền Trung. Những mảnh hồi ức dần dần hiện về trong bộ nhớ. Nó lớn dần, và cuối cùng trở thành thôi thúc để người chiến binh một thời máu lửa thuê xe ôm, tìm về nơi cách đây mấy chục năm chót hẹn với một người con gái. Cái nền của thiên truyện vẫn là màn sương khói chiến tranh ở một vùng quê nghèo nhưng giá trị nhân đạo và ý nghĩa thẩm mỹ của nó có tính phổ quát. Xét đến cùng, nó là chuyện không mới, bởi nó nằm trong loại mô típ khá phổ biến, nhưng đọc rồi ta vẫn cứ bị ám ảnh bởi cách kể, cách xử lý tình huống, nhất là phần kết của thiên tình sử bi thương mà đẹp như bài ca bất tử. Hình ảnh người con gái lặn lội ra Bắc tìm về làng Thị vùng nam sông Thưa mất đi một cánh tay sau trận bom làm những người ngoài cuộc cũng phải rơi lệ.

Về bố cục, phần lớn truyện đều có kết cấu đơn tuyến, nhưng trong Lá bàng xanh ngoài cửa sổ, ta gặp không ít truyện mang tầm vóc tiểu thuyết bộn bề chất liệu với thời gian hai chiều vô tận, không gian trải khắp mọi vùng miền và những nhân vật đầy tâm trạng cuồn cuộn chảy như dòng sông mùa lũ. Đường về Khabêca là một điển hình. Truyện ngắn này có những đoạn dồn nén cao độ tuy không hiếm trường hợp rẽ nhánh. Đến Mátxcơva, tình cờ gặp lại Nhung, một thiếu phụ Việt Nam trên đất Nga, Đức hồi tưởng lại hình ảnh cô bé Giang Pao bên thượng nguồn sông Bến Hải cùng với những trận bom B52 quét sạch cả vùng dân cư gây nỗi khủng khiếp cho những đứa trẻ mồ côi. Cuộc gặp lại ân nhân với Nhung là sự may mắn ngàn năm có một. Cuộc hành trình trên tàu hỏa đi Khabêca cũng là một trường đoạn đầy kịch tính khi nhà cựu chiến binh “lậu vé” tiếp xúc với cô gái trực toa. Trước khi xảy ra sự cố “bốn mươi rúp”, tác giả đã rất thành công trong việc “vẽ” chân dung người trung đội trưởng pháo binh bằng một loạt hồi ức về quá trình tự học tiếng Nga. Anh đã bị các ông công an cảnh cáo khi lần đầu nói chuyện với người Nga, thậm chí còn bị chính trị viên tiểu đoàn “uốn nắn lập trường” chỉ vì trong chiến trường dám hát bài “Đợi anh về”. Cuộc đối thoại bất đắc dĩ bằng tiếng Nga giữa Đức với Galina Kôdưrơnôva trên cu pây và sự giải hòa bằng món quà Việt Nam tặng cô gái Nga là một chi tiết đắt, rất tiểu thuyết.

Sự thành công của tập truyện còn được ghi nhận ở phong cách ngôn ngữ.Tô Đức chiêu có lối kể đầy tâm trạng. Tác giả thường sử dụng lớp từ giàu tính biểu cảm tạo nên khá nhiều đoạn mang âm hưởng anh hùng ca, một hình thức sử thi, ít nhiều lý tưởng hóa về một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt: Thời gian bao giờ cũng là niềm vui và nỗi đau cộng lại chứa chất kỷ niệm càng sáng lên bao nhiêu thì nỗi xót xa càng được nhân lên và tích tụ lại bấy nhiêu (Bài ca bất tử); Quá khứ gợn về làm lòng dạ xót xa và êm ái. Nhưng mỗi người đều thấy khoảng cách của họ thực lớn, đứng trước mặt nhau đấy mà vời vợi muôn trùng của đằng đẵng bốn mươi năm, sự khác biệt về lối sống, về sự tiếp nhận những nền văn hóa và về những đồng tiền trong túi (Quê cha). Ngôn ngữ Lá bàng xanh ngoài cửa sổ giàu chất thơ, ngọt ngào, giản dị, giàu nhạc điệu : Đêm ấy trời mưa to. Sấm chớp tàn phá bầu trời. Một tiếng sét thực lớn đánh xuống chẻ đôi cây bàng bên ngoài cửa sổ. Cành lá gẫy vụn. Quả rụng tứ tung.Và thằng con nhỏ của ông đầu trọc nhẵn đang trèo lên cái đoạn thân còn sót lại. Tay nó chới với. Miệng nó nghêu ngao…(Lá bàng xanh ngoài cửa sổ). Vì câu hỏi hãi hùng không thể thành tiếng nhưng lóe lên qua ánh mắt người già: Em có về không? Người con lớn chính là Đạt, không trả lời mà cũng run bắn lên thầm hỏi cha : Em con đã về chưa? (Lá bàng xanh ngoài cửa sổ).

Cùng với lời kể, xen giữa những sự kiện là những đoạn phân tích tâm lý điển hình hoặc tả cảnh rất đặc trưng của thi pháp truyện ngắn Tô Đức Chiêu. Tác giả khéo chọn lớp từ chắt lọc, được điển hình hóa, là những hình ảnh gắn liền với làng quê như cây đa, con đường lát gạch nghiêng, giếng nước, sân đình và những phong tục, tập quán thuần hậu : Thứ gạch chỉ ken nghiêng bắt mạch xi măng khiến sau mỗi trận mưa lại đỏ bóng lên lân vân như là vệt cầu vồng trên nền trời xanh thăm thẳm (Xóm Cò). Và đây, một cảnh trong Đất ngàn năm yên tĩnh : Một vạt mây tứa đỏ in sẫm màu trên nền trời với mấy cành khô tơi táp chọc nát không gian vàng ủng…

Đi sâu vào miền ký ức, gợi ra những kỷ niệm của thời thơ ấu hay thời chinh chiến, phân tích rất tinh tế trạng thái tâm lý nhân vật bằng thứ ngôn ngữ giàu chất thơ là đặc trưng thi pháp của Lá bàng xanh ngoài cửa sổ. Ngoài thế mạnh đó, Tô Đức Chiêu còn tỏ ra khá chủ động trong việc xử lý các tình huống truyện khi anh xen vào, với tư cách người kể, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề mang phong cách tráng ca như một chứng nhân lịch sử. Đọc truyện của anh, người ta thấy thấp thoáng giữa những trang văn là cuộc đời anh.

ĐVS

*Tập truyện ngắn của Tô Đức Chiêu, NXB Hội Nhà văn, 2003