Sau 15 năm chìm nổi, chỉ có thể xuất hiện một cách lén lút, tiểu thuyết Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh đã chính thức được “xóa án” để lần đầu tiên có thể xuất hiện trở lại trước bạn đọc trong thanh thiên bạch nhật, chịu sự phán xét của bạn đọc cũng trong thanh thiên bạch nhật*. Trong lời giới thiệu của Nhà xuất bản, có đoạn: “Không phải ngẫu nhiên mà kể từ khi ra đời, tác phẩm luôn nhận được sự quan tâm khám phá của bạn đọc và giới phê bình văn học. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh (Thạc sỹ và tiến sỹ) khi viết luận văn về tác giả, đã luôn đặt Đi tìm nhân vật ở vị trí trung tâm và đều đưa ra những đánh giá rất tích cực cả trên phương diện nghệ thuật, chiều sâu tư tưởng cũng như trách nhiệm xã hội của nhà văn”
Xin chúc mừng tác giả và tiện đây không thể không ghi nhận và biểu dương thái độ minh bạch, tự tin, thượng tôn pháp luật của Cục xuất bản trong việc trả lại danh phận cho một tác phẩm văn học.
Sau đây chỉ xin trích một vài nhận xét về cuốn tiểu thuyết ngay từ khi nó ra mắt lần đầu vào năm 2002.
“Đi tìm nhân vật chối bỏ tất cả mọi cố gắng sắp xếp có tính toán của chúng ta chỉ vì một lý do duy nhất: những khái niệm không có nội hàm thì hiển nhiên không có giá trị gì với bất cứ ai. Không gian của tiểu thuyết Đi tìm nhân vật giới hạn trong một con phố G đầy tính phiếm chỉ những nó có mối liên hệ với toàn bộ thế giới còn lại. Thực hiện mối liên hệ này, nhà văn Tạ Duy Anh đã phá bỏ lối kể chuyện đơn tuyến, thậm chí anh phá bỏ cả lối kết cấu mạch thẳng hay mạch vòng của chủ nghĩa cấu trúc thô lậu mà người ta thường nói nhiều đến nó hơn là hiểu nó. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết chỉ là cuộc kiếm tìm không mỏi mệt để trả lời một câu hỏi cổ xưa: Ta là ai? Trên con đường tìm kiếm ấy, cả người đọc và tác giả sẽ gặp rất nhiều chuyện ngớ ngẩn dở cười dở khóc đến nỗi bị loạn chức năng nhận thức và đâm ra sợ khi phải nhìn thấy mặt người”.
(Trần Quang Hải)
“ Đi tìm nhân vật gồm nhiều tiểu thuyết trong một tiểu thuyết, nhiều “tác giả” trong một tác giả, nhiều nhân vật trong một nhân vật. Trong những “nhân vật” ấy, Thảo Miên bước ra từ giấc ngủ, một thứ Lolita ngơ ngác, thất lạc trong cuộc đời. Thảo Miên “thành người” từ khi được mục kích những thác loạn tình dục của mẹ. Nàng lao vào vùng cấm địa của “tội lỗi”, với bề ngoài băng trinh; Thảo Miên như một tiên nữ sa lầy mà Chu Quý tìm cách giải thoát để xây dựng một tình yêu tuyệt với, thánh thiện, để có thể tin rằng: Ngoài tất cả sự xấu xa tàn mạt, con người vẫn còn có tình yêu”
(Thụy Khuê-Pháp)
“Tôi bắt đầu câu truyện của mình bằng việc đi dò hỏi một vụ án mạng một người đàn ông đâm chết một đứa bé đánh giầy. Sự thật có không? Sự thật thế nào? Việc có đó mà không có đó. Người có đó mà không có đó. Ai cũng biết và ai cũng không biết. Tôi đi và lạc mất tôi. Chính tôi cũng có thật không? Tôi đang đi tìm hay đang bị đi tìm? Tôi đi tìm tôi, và tôi cùng tôi, lạc vào một labyrinth thời gian. Hôm nay như đánh mất trí nhớ. Hôm qua như là bị đánh mất. Một đặc điểm tách con người ra khỏi con vật là con người có quá khứ. Và người chỉ trở thành người khi nó biết tư duy truy tìm quá khứ. Con vật không có quá khứ. Con người trốn tránh quá khứ không còn là con người. Cái chuyện thằng bé đánh giầy thành sợi dây Arian dắt tôi đi tìm hắn. Hắn là ai? Không tìm được hắn, tôi chưa thành tôi - con người tự do. Tôi đi theo con đường tôi đi”.
(Phạm Xuân Nguyên)
“Thế giới tiểu thuyết Tạ Duy Anh (qua Đi tìm nhân vật) không chỉ có sự sa đoạ dục tình dưới bộ áo giả dối của Tartuffe, không chỉ có những quật quã cá nhân dưới đáy vực đạo lý suy đồi của Raskolnikov hay Karamazov, không chỉ có thái độ khước từ bướng bỉnh phảng phất nét hồn nhiên của nhân vật thần thoại Protee, mà chính là những vết hằn nhức nhối ghi lại tình trạng đổ vỡ toàn diện vô phương cứu vãn của cuộc sống. Đó là cái thế giới mà trong đó con người phải tuân hành tuyệt đối những đòi hỏi phải phủ nhận chính mình, đoạn tuyệt với chính mình, phải thực sự biến thành một loại bột sẵn sàng chịu nhào nặn cho phù hợp với một khuôn mẫu do các cơ chế quyền lực đúc sẵn”
(Trần Phong Vũ-Hoa Kỳ)
____________________________________________________________
* Sách do Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp ấn hành tháng 12 năm 2016.