Viết lách ngày xưa không có chế độ nhuận bút như bây giờ. Tác giả, tác phẩm nào may mắn được “con trời” (vua – Thiên tử) để mắt đến thì được thưởng (có trường hợp, không những không được thưởng mà lại còn bị phạt nữa); còn thưởng (hoặc phạt) nhiều hay ít thì ...tuỳ hứng! Song, dù là chuyện “dăm thì mười hoạ”, quanh việc này cũng khối chuyện để nói: Vui có, buồn có, mà sau đây chỉ là vài chuyện điển hình.
1. “Nhuận bút” dành cho việc sưu tầm.
Năm Mậu tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đời Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Sâm xuống lệnh tìm kiếm bộ: “Thiên Nam dư hạ tập”. Bộ sách này là một công trình tập thể, do Đông các đại học sỹ Thân nhân Trung, phó Đô ngự sử Quách Đình Bảo, Đông các hiệu thư: Đỗ Nhuận, Đào Cử và Hàn lâm viện thị thư Đàm Văn Lễ khởi thảo từ năm Quý Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483) theo lệnh của Lê Thánh Tông. Sách gồm 100 cuốn, nói về điều lệ, điển chương, chính sự triều Lê (có bài tựa của Lê Thánh Tông). Sở dĩ có lệnh này là vì đến lúc đó bộ sách đã bị tản mát mất nhiều. Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) là Hiến sát sứ Thanh Hoa, tìm được hơn 20 cuốn đem dâng, được triều đình thưởng cho 30 lạng bạc. Thật trớ trêu, là tác giả của những tác phẩm như: “Anh ngôn thi tập” (12 quyển), “Ngọ phong văn tập” (22 quyển), “Việt sử tiêu án” (10 quyển), “Xuân thu quản kiến” (12 quyển), v.v.... nhưng chẳng cuốn nào được “nhuận bút”, trong khi sưu tầm hơn 20 cuốn sách của người khác, không những được “nhuận bút”, mà lại “nhuận bút” rất cao! So sánh thế thôi, công bằng mà nói, việc chúa Trịnh Sâm thưởng cho Ngô Thì Sĩ 30 lạng bạc là xứng đáng, nếu hiểu được giá trị của bộ: “Thiên Nam dư hạ tập”. Xin dẫn lời của Phan Huy Chú nói về bộ sách này (50 năm sau việc Ngô Thì Sĩ dâng sách) ở phần “Văn tịch chí” trong “Lịch triều hiến chương loại chí”:
“Thiên nam dư hạ tập” (100 quyển), từ sau thời Trung hưng, cả bộ tản mát mười phần chỉ còn một hai phần, tuy các triều vẫn tìm mua, nhưng khó mà thu nhặt được. Đời Cảnh Hưng, năm Mậu Tý (1768), Tĩnh vương (Trịnh Sâm) tìm kiếm được độ hơn 20 quyển, đến khi loạn lạc lại gặp binh hoả cháy mất. Nay các cố gia còn giữ được, tôi được trông thấy chỉ độ bốn, năm quyển thôi. Sách điển chương của một triều đại làm khuôn phép đời đời mà mất mát như thế, có đáng tiếc không?”
2. “Nhuận bút” cho một công trình biên soạn:
Đó là trường hợp bộ “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn (1726 – 1784). Để soạn bộ sách này, Lê Quý Đôn đã phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức sưu tầm tư liệu (không chỉ tác phẩm mà cả thân thế và sự nghiệp của tác giả của nó) rồi ghi chép, phân loại, đối chiếu, so sánh, và sắp xếp lại. Theo bài: “Lệ ngôn” (của tác giả) nói về nội dung và thể lệ làm sách, thì sách này được soạn theo lệnh của triều đình (phụng biên) khi Lê Quý Đôn đang giữ chức Hàn lâm viện thừa chỉ. Đây là một “Hợp tuyển thơ” 5 thế kỷ, gồm trên dưới 3000 bài thơ của trên 200 tác giả từ triều Lý đến đời Tương Dực đế (nhà Lê). Sách làm song năm Mậu Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29 (1768) đời Lê Hiển Tông. Khi dâng lên ngự lãm (để vua xem), ông được Lê Hiển Tông khen và thưởng cho 20 lạng bạc.
Trường hợp bộ “Lịch triều hiến chương loại chí”, bộ “Bách khoa toàn thư” đầu tiên ở nước ta của Phan Huy Chú (1782 – 1840) thì lại khác. Soạn bộ sách này, Phan Huy Chú phải bỏ ra mất 10 năm (1809 – 1819) từ khi còn đang học để đi thi. Như vậy, việc “làm sách” của ông là tự giác, không theo lệnh của ai và cũng không ai bắt buộc. Sách gồm 49 quyển phân theo các chí: 1) Dư địa chí; 2) Nhân vật chí; 3) Quan chức chí; 4) Lễ nghi chí; 5) Khoa mục chí; 6) Quốc dụng chí; 7) Hình luật chí; 8) Binh chế chí; 9) Văn tịch chí; 10) Bang giao chí (đã được Viện sử học dịch và xuất bản). Là người trọng thực học, năm Tân Tị (1821) vua Minh Mệnh đã cho vời ông về Kinh làm Biên tu Quốc tử giám, mặc dù - về học vị - hai lần đi thi ông chỉ đỗ tú tài (vì ông ở làng Thày, lại đỗ tú tài hai lần, nên để tránh gọi thẳng tên, người ta còn gọi ông là ông “Kép Thày”). Bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” đã được Minh Mệnh khen thưởng (cả tiền và hiện vật, cái gì cũng 30, chỉ có áo là một: 30 lạng bạc, 30 ngọn bút lông, 30 thoi mực, và.... một chiếc áo sa.
3. “Nhuận bút” cho thơ.
Để thử tài số phi tần mới tiến cung, năm Mậu Thân (1848), ông vua hay chữ Tự Đức đã ra một cái đề là “Tảo mai” (Hoa mai buổi sớm) và bắt mỗi người phải làm một bài thơ. Bài của tiệp dư Nguyễn Nhược Thị Bích đã được Tự Đức cho điểm cao nhất và thưởng cho 20 nén bạc (“nhuận bút” một bài thơ như thế phải nói là cực cao).
Nguyễn Nhược Thị Bích (1830 – 1909) tự Lang Hoàn, người huyện An Phước, tỉnh Ninh Thuận (có sách nói bà người làng Phúc Yên, tổng Phúc Yên, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên). Nổi tiếng là người đủ cả công, dung, ngôn, hạnh, năm 19 tuổi, bà được tiến cung. Là thầy dạy của Kiến Phúc và Đồng khánh khi hai ông vua này còn nhỏ. Năm Ất dậu (1885), bà hộ giá hai cung theo vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị phát động phong trào Cần Vương. Tác phẩm “Hạnh thục ca” (dài 1036 câu) bằng chữ nôm của bà được viết trong thời gian này.
Một trường hợp khác là tác phẩm: “Đại Nam quốc sử diễn ca” của Lê Ngô Cát (1827 – 1876). Tác phẩm này được viết vào năm Canh Thân, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) khi Lê Ngô Cát làm việc ở Quốc sử quán, gồm 1887 câu, chép việc từ đời Hồng Bàng đến hết thời hậu Lê. Đây là tập sử ca thứ hai được viết bằng chữ nôm ở nước ta, sau “Thiên Nam ngữ lục”. Xem tập diễn ca, Tự Đức phải chịu tài thơ của Lê Ngô Cát, nhưng không hiểu sao chỉ thưởng cho tác giả của nó có một vuông đũi với 2... đồng, một giải thưởng có tính tượng trưng hơn là giá trị vật chất! Đã đành “một nén tiền công không bằng một đồng tiền thướng”, hơn nữa đây còn là của vua ban, nhưng... một vuông đũi... thì đúng là chỉ đủ may được... cái khố! Vốn có óc khôi hài, Lê Ngô Cát liền tức cảnh hai câu thơ:
Vua khen thằng Cát có tài
Ban cho cái khố với hai đồng tiền.
Tưởng làm là chỉ để đọc cho vui, nào ngờ chuyện đến tai Tự Đức. Kết quả là Lê Ngô Cát “được” 30 roi “nhuận bút” vào mông, vì tội làm hai câu thơ có ý “xược” (ấy là vẫn còn may, chứ nếu bị khép vào tội “khi quân” có khi còn chết người).
Một trường hợp nữa là tác phẩm “Truyện Kiều” nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du. Tuy là người hay bắt bẻ, đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, Tự Đức cũng phải công nhận đúng là: “hàng hàng châu ngọc lời lời gấm thêu” ; nhưng sau đó, chẳng hiểu do suy diễn hay do sự xúc bẩy của đám bồi thần, Tự Đức bỗng dưng đùng đùng nổi giận: “Nếu Tố Như (tên tự của Nguyễn Du) mà còn sống, phải nọc nằm xuống đánh cho 30 roi!” Nguyên nhân của sự nổi giận này là do câu: “Thì con người ấy ai cầu làm chi” (đoạn Kiều nói với Kim Trọng về chữ “hạnh”, một trong tứ đức của người con gái, khi Kiều tìm sang với Kim Trọng, trong dịp Vương ông, Vương bà và hai em về bên ngoại ăn mừng sinh nhật) đã được ngắt thành: “Thì / con người ấy / ai cầu làm chi” và được hiểu theo nghĩa: “Một con người như Tự Đức thì chẳng ai cầu làm gì!” (chả là tên huý của Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì). Như vậy là tác giả của nó đã mắc vào tội vừa phạm huý, vừa phạm thượng! Chẳng hiểu trong chuyện này, Tự Đức nói thật hay nói đùa, chứ quy tội “vừa phạm huý lại vừa phạm thượng” (với mình) cho một tác phẩm được viết ra từ lúc mình còn chưa đẻ (Nguyễn Du mất năm 1820, Tự Đức sinh năm 1829) thì quả là..... thậm vô lý, nếu không muốn nói là buồn cười! Mà không hiểu sao một ông vua nổi tiếng hay chữ lại cũng là người sáng tác như Tự Đức, lại hay ỷ lại vào quyền hành để đòi đánh văn nghệ sĩ đến thế!
4. “Nhuận bút” cho một công trình viết “theo đơn đặt hàng”.
Để phục vụ cho âm mưu xâm lược nước ta, năm 1886 toàn quyền Pôn Be (Paul Bert) đã cho tổ chức một cuộc thi tìm hiểu về Việt Nam. Những người tham dự cuộc thi phải viết một cuốn sách, trong đó có những số liệu cụ thể về cương vực, địa giới hành chính cũng như tài nguyên, sản vật, phong tục, tập quán, vv.... của các dân tộc hiện đang sinh sống trên đất Việt Nam. Giải nhất được treo cho cuộc thi này là 800 đồng và giải nhì là 200 đồng. Đồng Khánh đã hạ lệnh xuất 500 đồng nữa thêm vào cho giải, nâng tổng số tiền thưởng lên 1500 đồng, trong đó 1200 đồng dành cho giải nhất và 300 đồng dành cho giải nhì. Mặc dù treo giải cao như vậy, song cuộc thi đã hoàn toàn thất bại vì không được một ai hưởng ứng! Trước tình hình đó, tháng 10 – 1886, theo “sáng kiến” của Viện cơ mật, Đồng Khánh đã xuống chiếu cho Hoàng Hữu Xứng phải viết cuốn sách này. Lúc đó Xứng đang mang hàm Quang lộc tự khanh, lãnh Thị lang bộ Lại; Đồng Khánh cho Xứng được mang nguyên hàm, sung làm Đổng lý, và - để giúp Xứng lấy tư liệu – Đồng Khánh đã cấp cho Xứng ấn “Khâm phái quan phòng”, cho phép Xứng được vào làm việc ở Nội các và Sở tu thư thuộc Quốc sử quán. Tháng 12 – 1886, theo đề nghị của Xứng, sách sẽ có tên là: “Đại Nam cương giới vựng biên” và – trong cuốn sách – cương giới nước ta chỉ được ghi chép từ Bình Thuận trở ra, vì: “sáu tỉnh Nam kỳ nay đã là quản hạt của nước Đại Pháp”! Những đề nghị này đã được Đồng Khánh chuẩn y. Tháng 4 – 1887, sách “Đại Nam cương giới vựng biên” viết xong, gồm 7 quyển và một bức bản đồ. “Nhuận bút” cho cuốn sách, ngoài khoản tiền thưởng ra, Xứng còn được thực thụ hàm Thị lang Bộ Lại, thự Tả tham tri, sung Toản tu Quốc sử quán (nhân đây, cũng cần phải nói thêm, khi thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ 2 (1882), Hoàng Hữu Xứng lúc đó đang là Tuần phủ Hà Nội, sợ quá, đã cáo ốm, trốn vào hành cung!)
Mới hay: “Người ba đấng...” nhuận bút cũng có dăm bảy loại và chợt ngộ ra câu thơ của Viên Mai: “Lập thân tối hạ thị văn chương”...
Địa chỉ liên hệ: Phùng Thành Chủng
Khu Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nộ