Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN CHÓ TÂY

Nguyễn Tiến Hóa
Chủ nhật ngày 13 tháng 11 năm 2016 2:13 PM




Kết quả hình ảnh cho Chó Tây



Vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, lưu học sinh Việt Nam đã chịu đựng một chế độ quản lý hà khắc, ngặt nghèo nhất trong lịch sử du học của sinh viên ta. Đành rằng đất nước có chiến tranh, nên có nhiều điều phải cấm đoán nghiêm ngặt, khác hẳn với quyền tự do sinh hoạt của lưu học sinh các nước bạn. Có rất nhiều điều cấm kỵ phi lý mà lưu học sinh phải cam chịu, không được thắc mắc, chỉ có nhiệm vụ chấp hành.

Cấm! cấm đủ thứ. Nào cấm nhảy, cấm xem phim mỹ, cấm xem phim Nam tư.Cấm yêu,cấm nhận mẹ nuôi, con nuôi, anh em kết nghĩa với nguời nước ngoài. Cấm mặc quần loe, tóc dài. Cấm gọi bạn là “Tây”v.v... Vì những cấm đoán vô lý đó nên đã xảy ra không ít chuyện dở khóc dở cười. Số là có một bí thư chi bộ đi xem bộ phim SPARTAC của Mỹ về nhà khen nức nở: đây là bộ phim rất cách mạng. Người nô lệ khởi nghĩa vùng lên chống lại chủ nô. Một cậu sinh viên hay bị anh này soi mói, thấy vậy liền nói:“Chết rồi phim đó là phim Mỹ sao anh lại nói là cách mạng, Anh không nhìn ở biển quảng cáo có chữ USA à?” “Chú Thông cảm anh đọc không hiểu chữ viết tắt đó bằng tiếng Nga, chú giữ kín cho”. Từ lần ấy anh ta không thấy cao giọng, xét nét với cậu này nữa. Khi đó chiến tranh đang diễn ra khốc liệt ở Việt Nam.Tại Liên Xô có rất nhiều phong trào tình nguyện giúp Việt Nam. Họ thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, dạ hội, chào mừng Việt Nam. Nếu hội thảo, dạ hội như ở ta thì không có chuyện gì đáng nói, nhưng ở Liên Xô sau phần hội thảo, mít tinh, nói chuyện, bao giờ cũng có chương trình khiêu vũ. Đây là tập quán, một nếp sống văn hóa lành mạnh không thể thiếu của các bạn Liên Xô. Sinh viên Liên Xô và sinh viên các nước khác họ hồ hởi tham gia rẩt nhiệt tình để chào mừng Việt Nam. Nhưng chủ thể Việt Nam đến dự phần này lại bỏ về hết. Nếu có ai dũng cảm ở lại, thì phải khéo léo từ chối khi bạn mời khiêu vũ với lý do lãng xẹt “ Xin lỗi! Tôi bị đau chân”. Một lần từ chối thì người ta tin, nhưng nhiều lần, và mọi người đều nói như vậy làm người ta hết tin và thấy lạ nhìn người mình như người ngoài hành tinh đến trái đất. Các bạn Cu-Ba biết việc Việt Nam cấm yêu thì phục ta sát đất. Có bạn bộc trực thổ lộ:“ Tôi cũng cùng trang lứa với các bạn, mà sao các bạn lại nhịn yêu được mà chúng tôi thì không ? Tôi có thể nhịn đói được nhưng nhịn yêu thì chịu. Bái phục, bái phục”. Thực tình nhu cầu tình cảm ai mà chẳng có. Chỉ có điều người ta phải tự kiềm chế vì những hệ lụy nguy hiểm xảy ra cho bản thân, gia đình. Nếu vi phạm qui chế, nhất là lại yêu và lấy người nước ngoài, người ta chỉ có một trong hai con đường lựa chọn, hoặc là về nước, hoặc là “lưu vong” mà lúc ấy người ta coi “lưu vong” như một tội phản quốc.

Lại xảy ra một chuyện dở khóc dở cười nữa, khi một cô bạn Nga cưa được một chàng Việt Nam học giỏi, điển trai. Cậu này chưa kịp dặn dò người yêu giữ kín, thì cô ấy đã khoe ầm lên với mấy cô bạn gái Việt Nam cùng lớp như một chiến tích. Vụ việc lùm xùm ầm ĩ, thành một “Xicanđan”, đơn vị tổ chức họp kiểm điểm, cậu ấy xuýt phải ‘về nước’ may nhờ có thành tích học tập cứu lại. Đã có một số kết cục thương tâm xảy ra: tự vẫn, nhảy tầu do ý nguyện của hai bên không đạt đươc.Vì những điều khoản ngặt nghèo của qui chế quản lý mà sinh viên ta khi được mời, không dám đi một mình đến nhà người nước ngoài, cũng như không dám mời họ đến phòng ở của mình trong những dịp tụ hội.

Vào những năm cuối của thập kỷ 60, trong qui chế lưu học sinh lại có thêm điều khoản mới, chưa bao giờ công bố, đó là việc cấm sinh viên ta không được gọi bạn là “Tây”. Theo quan niệm của ta trước đây gọi “Tây” để ám chỉ bọn thực dân xâm lược có xuất xứ từ Tây phương. Nên tất cả những người Âu kể cả người Phi châu, dân ta đều gọi là Tây: Tây đen, hoặc Tây trắng. Vì vậy gọi bạn là “Tây” là biểu thị thái độ miệt thị, thiếu tôn trọng. Đã có chuyện đáng tiếc xảy ra: Có một anh nghiên cứu sinh vào Sứ quán làm việc. Một chị phụ nữ đứng tuổi thấy anh này cứ thao thao gọi bạn là “Tây” liền đến nhắc nhở, chấn chỉnh. Anh ta cự lại :“Chị là ai mà có quyền cấm đoán tôi”.Chị ta không trả lời, nhưng một tuần sau anh nghiên cứu sinh này bị kỷ luật về nước vì vi pham qui chế. Nghe nói chị phụ nữ này là cán bộ cao cấp sang Liên Xô công tác.

Trong một lần đến trường tôi phổ biến qui chế mới không được gọi bạn là “Tây” và cấm quần loe, tóc dài, một cán bộ sứ quán bị các sinh viên cật vấn:

  • Thưa chú! Thế nào gọi là quần loe ạ?

  • Quần loe là loại quần có chu vi đầu gối so với chu vi của chân gấu ,lớn hơn một xăng zem.

  • Thưa chú! Tóc dài bao nhiêu thì không được phép ạ?

  • Quá ba phân!

  • Sao tóc chú trên mái dài đến hơn mười phân mà vẫn không sao ?

  • Ba phân là độ dài áp dụng với hàng tóc cuối cùng

  • Thưa chú! Theo qui chế mới: Không được gọi bạn là Tây.Thế khoai Tây và chó Tây thì gọi là gì ạ?

Chú cán bộ sứ quán cứng miệng như gà mắc tóc trước câu hỏi bất ngờ. Người chú vã mồ hôi, miệng ú ớ: Qui chế này là qui chế cho người, chưa có qui chế cho . . .

NTH