Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VIỆT NAM CHỈ CÓ NHẤT

Vĩnh Trà/VOV
Thứ hai ngày 17 tháng 10 năm 2016 5:04 AM






Trước khi nói đến những cái nhất đáng sợ nhất trên đất nước này thời hiện tại, hãy nhớ về một vài cái nhất đáng yêu, đáng quý, đáng nâng niu từ quá khứ.

Có người hỏi “rễ cây gì dài nhất”

Trả lời ngay là “rễ cây cơ nia” của cố nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong ca khúc “Bóng cây cơ nia” sống ở Tây Nguyên, sống mãi cùng năm tháng. “Mẹ hỏi cây có nia: rễ mày uống nước đâu ? Uống nước nguồn Miền Bắc”. Nghĩa bóng lời ca thấm đẫm tình cảm Nam Bắc để một thời chinh chiến làm nên chiến thắng, giành lại non sông cho hôm nay dựng xây hạnh phúc, ấm no, hiện đại. Chiều dài của rễ cây khát khao độc lập của Tây Nguyên, mang tình cảm của đồng bào các dân tộc nơi đây với Miền Bắc, với Bác Hồ muôn vàn kính yêu, với suối nguồn Pắc Bó lịch sử.

Nếu ai hỏi “tai ai thính nhất?” Xin trả lời cố nhạc sỹ Trần Hoàn: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” khoan thai mà lắng đọng nghĩa tình của người dân Nghệ Tĩnh. Quê hương, xứ sở, tình rộng, nghĩa dày, “dù ở nơi mô” cũng nhớ về. Cái tình lai láng ấy với người Việt ta dài vô tận, thấm sâu qua các địa tầng lịch sử. Câu đố vui, trả lời dân dã, nhưng ẩn bên trong là những nghĩ suy, trăn trở.

Trần Hoàn, Đại biểu Quốc hội, Nguyễn Bá Thanh, Nguyễn Thị Kim Ngân
Cố nhạc sỹ Trần Hoàn

Cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái lành, cái thân thiện, trung thực, nghĩa hiệp, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam được chắt lọc qua lịch sử phát triển văn hóa kể mãi không hết. Nhưng những cái khiếm khuyết, cái xấu, ích kỷ, cá nhân, sống theo cảm tính, kinh nghiệm tự nhiên mà không theo luật lệ đã sàng lọc qua bao đời, nay vẫn bám riết và bộc lộ rõ hơn, tồi tệ hơn trong kinh tế thị trường. Cha ông xưa nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, nay hô khẩu hiệu to hơn, hiện đại hơn “phê bình và tự phê bình” là kim chỉ nam cho mỗi người. Hô hào to vậy, nhưng khi có khuyết điểm thì nói ngay, không cần suy nghĩ là của chung tập thể, cùng chịu trách nhiệm, cùng rút kinh nghiệm sâu sắc để cùng tiến lên.

Trong bối cảnh ấy đã xuất hiện nhiều cái nhất. Nay xin kể ra đây ba cái nhất... đáng sợ nhất đang diễn ra.

“Con đường dài nhất”

Khi thảo luận sôi nổi về tình hình kinh tế xã hội của Đất nước trước diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu nêu khoảng cách giữa văn bản chính sách, lời hứa hẹn của các thành viên Chính phủ với thực tiễn sản xuất và đời sống quá xa vời. Nhất là con đường cải cách hành chính để doanh nghiệp tiếp cận với tiền, hàng, buôn bán, sao cho “một vốn bốn lời”. Đại biểu Vũ Tiến Lộc nói: “Cử tri nói với tôi rằng con đường dài nhất ở Việt Nam không phải từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau là từ lời nói tới việc làm". Dân nói đấy. Ngấm lắm rồi, suy nghĩ chín rồi, không thể không nói được mới cất lời như vậy. Thế mới hiểu con đường này dài nhất Việt Nam, nhưng không thể là vô tận. Nghĩ vậy để mà hy vọng, mà có quyết đáp mạnh hơn, sáng hơn, hiệu quả trông thấy.

“Sợi dây dài nhất”

Đã từ lâu lắm rồi, “rút kinh nghiệm” trở thành thuật ngữ, sử dụng quen thuộc đến mức không thể thay thế. Hễ có sự cố, có khuyết điểm là báo cáo lên trên: “chúng tôi đã kịp thời rút kinh nghiệm một cách sâu sắc, xin chịu trách nhiệm hoàn toàn và xin hứa là không để tái diễn những việc tương tự.” Văn bản gửi đi rồi sự việc đâu lại vào đấy. Sau lần rút kinh nghiệm thứ nhất, lần hai, làn ba, lần n…sai phạm nghiêm trọng hơn.

Trước khi ra Hà Nội nhận chức Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư thành ủy Đà Nẵng nói với cử tri: “Không ở đâu có sợi dây kinh nghiệm dài như Việt Nam. Rút hoài, rút mãi mà không hết” Đại biểu Trần Thị Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội mới đây nhắc lại, cụ thể hơn: “Nhiệm kỳ nào cũng rút kinh nghiệm, năm nào cũng rút kinh nghiệm. Sợi dây kinh nghiệm rất dài, rút mãi không hết.”. Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải nhắc lại “sợi dây kinh nghiệm Việt Nam quá dài” như một căn bệnh trầm kha.

“Con đường ngắn nhất”

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội khóa XIII, đại biểu Trần Ngọc Vinh đã dành hầu hết thời lượng để nói về thực phẩm bản tràn lan, kéo dài, gần như vô phương cứu chữa. Thực phẩm bẩn không chỉ làm tổn hại sức khỏe của dân, của nguồn lực lao động nước nhà mà còn làm suy yếu nòi giống. Thực phẩm bẩn là một tác nhân nguy hiểm gây căn bênh ung thư cho mọi người, đẩy Việt Nam vào tốp hai mắc bệnh nan y này trên toàn cầu. Ông Trần Ngọc Vinh nghẹn ngào: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng đến thế.”

Những cái nhất thật kinh hoàng!./.

Theo Vĩnh Trà/VOV

* Tít bài do TNc đặt lại