Đi đến tận cùng của nỗi buồn, Thạch đã gặp những bài thơ đích thực của mình. Những bài thơ xót xa, nhức buốt ấy lại như bàn tay đỡ tâm hồn con người đứng dậy. Vì thế, những bài thơ nước mắt ấy đã được hàng chục nhạc sĩ đồng cảm, phổ nhạc như Phú Quang, Ngọc Đại v.v... Riêng nhạc sĩ Ngọc Đại đã phổ nhạc hơn hai chục bài thơ Nguyễn Khắc Thạch trong tập thơ “Dòng sông một bờ”.
Thạch mồ côi cha từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Rồi mẹ phải đi bước nữa ở một vùng quê khác, làm vợ lẽ trong một gia đình con cái chung, riêng nhếch nhác. Bị phân biệt đối xử, bị hắt hủi, bị đày đi ở thuê, làm mướn tủi nhục, Thạch từ giã mẹ về lại quê là làng Diệu, xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An... Nhưng ở quê lúc đó bên nội bên ngoại đều bị quy địa chủ, nên đã khuynh gia bại sản. Thạch phải chịu cảnh kiếm ăn đói khát và rách rưới của tuổi mồ côi buồn thảm. Năm 15 tuổi, anh phải lên ở với người chị họ ở làng Sẻ, miền trung du Tân Kỳ, cách làng hơn 60 cây số kiếm sống. Anh đi làm trăm thứ công việc nặng nhọc như vào rừng đốn gỗ, gánh đất, cày ruộng..., lại có thời gian làm nghề rèn, suốt ngày đe búa.
Cố hương trong anh chỉ còn là hình bóng mẹ già gầy gò, khắc khổ vì phải nhiều lần chồng con, sinh nở, mà lâu lâu anh mới được về thăm. Mẹ cũng phải lang bạt nhiều nơi cho đến khi mẹ thành nấm đất ở Đồng Hới, Quảng Bình. Thạch khóc mẹ: “Con về tang mẹ, mẹ ơi/ Nén hương vĩnh biệt cháy trời mồ côi...”
Có lẽ Nguyễn Khắc Thạch là một trong số ít nhà thơ Việt Nam có tuổi thơ đơn côi buồn tủi. May mà trời cho chàng trai ấy một sức khỏe hơn người. Ở làng Sẻ, Tân Kỳ, anh cày ruộng, đào đất suốt ngày không biết mệt, gánh lúa, gánh phân bảy tám chục cân chạy băng băng trên đồng. Tuổi 20, có lần Thạch đã một mình vác chiếc máy bơm Trần Hưng Đạo nặng hàng tạ đi từ ao lên đồi hơn cây số.
Những tháng năm đơn côi làm cho Nguyễn Khắc Thạch lầm lì ít nói, nghĩ nhiều, sống đầy tâm trạng, bản lĩnh và vô cùng quyết liệt trong học hành, nung nấu tìm lối đi riêng cho mình. Sống ở làng quê heo hút miền tây Nghệ An ấy, Thạch luôn đến nhà ông giáo Nguyễn Sĩ Ngọ ở làng Sẻ để đọc sách và học nhạc. Lúc học cấp 3, anh đã học lỏm biết chơi violon, đàn bầu, đàn nhị... Thạch học nhạc giỏi, đam mê violon mà không thành, nên sau này anh quyết cho đứa con trai Nguyễn Khắc Thành đi học violon. Và bây giờ cháu đã thành cây violon chính, rất thiện nghệ trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam.
Tốt nghiệp Trường Kinh tế kế hoạch, làm việc ở Ủy ban Kế hoạch tỉnh nhưng Thạch lại cảm thấy đó không phải là chỗ của mình. Dù đã có vợ con, nhưng Thạch vẫn quyết liệt đi tìm bản thể của mình ở phía trước. Chị Bích Thủy, vợ nhà thơ bây giờ, thời trẻ là cô văn công Bộ đội Biên phòng Quảng Bình xinh đẹp, hoa khôi của đoàn, vận động viên bơi lội và rất mê hát. Thạch đã tặng người yêu những ca khúc đầu tiên của mình. Chị đã hiểu chồng, chiều chồng, chung thủy sắt son, tần tảo nuôi hai đứa con khôn lớn, nuôi chồng đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Chị đã chịu nhiều hi sinh và nước mắt cho việc đam mê thi ca của chồng.
Thời ở Đồng Hới, Thạch kết bạn với toàn những người sáng tác thơ ca, âm nhạc như Dương Mạnh Đạt, Hoàng Vũ Thuật, Lâm Thị Mỹ Dạ... Lúc đó Thạch đã sáng tác nhiều bản nhạc, nhưng anh không dám công bố với ai. Năm 1976, nhập tỉnh vô Huế, đang làm cán bộ kế hoạch "hét ra lửa", lại lặng lẽ xin sang Trường Quốc gia âm nhạc Huế làm "tạp vụ", cốt để học nhạc, sáng tác nhạc... Chưa nóng chỗ lại xin qua NXB Thuận Hóa làm chân biên tập để được đọc nhiều thơ văn hơn, mặc dù ở đó "đói hơn". Nhờ đó mà anh dần có vốn liếng văn chương. Cuối cùng, đến tuổi "tri thiên mệnh", Thạch mới chịu đứng chân lâu dài với Tạp chí Sông Hương...
Chặng cuối cuộc hành trình tìm kiếm, Thạch đã tìm ra cái của mình: Đó là THƠ! “Anh cứ đi như chiếc bóng giữa trời/ Mong tìm được những gì không mất..”.. Cái "không mất" đó là THƠ - thứ mà ngườì đời ít ai chuộng, nhưng nó làm nên cái tên Nguyễn Khắc Thạch trong làng văn Việt Nam.
Vì tên là Thạch nên rất kiệm lời. Thạch đã từng ngồi với tôi bên chai rượu Chuồn của người đẹp Huế gửi tặng, suốt một đêm ròng ở bờ đá Cửa Tùng khi chúng tôi mới ba chục tuổi, không một lời. Thơ Thạch cũng kiệm lời đến cô đặc. Đối với Thạch, mỗi bài thơ là một cuộc đào bới, lặn tìm chữ. Có rất nhiều nhà thơ cứ ngồi trước trang giấy là thơ tuôn chảy từng câu từng câu. Thạch lại khác. Anh làm thơ như người "làm nghề khắc đá", cứ đục đẽo tạo dáng từng con chữ, mồ hôi mồ kê khó nhọc. Tôi đã nhiều lần mục kích bản nháp thơ của Thạch. Ngoài Thạch ra không ai đọc được. Cả trang giấy gạch xóa, móc nối, sửa chữa nhem nhuốc. Gạch xóa đến rách cả giấy vẫn chưa tìm thấy chữ ưng ý. Vất vả mất cả tuần, cả tháng để có được một bài thơ mấy câu.
Có lẽ vì thế, Nguyễn Khắc Thạch dù làm thơ từ rất sớm nhưng mãi năm 1988, khi 40 tuổi, Thạch mới có tập thơ đầu tay mỏng mảnh “Dòng sông một bờ”, in lụa 300 cuốn tặng bạn bè. 5 năm sau, tập thơ “Nơi ta sẽ về” (in năm 1993); 9 năm sau nữa, tập thơ “Mưa hai mặt mới” (in năm 2002) ra đời.
Bây giờ đã lục tuần, về hưu, Thạch cũng chỉ có 3 tập thơ. Mà tập nào cũng chỉ trên dưới ba chục bài, in với số lượng rất ít ỏi. Đến nay, Nguyễn Khắc Thạch vẫn chưa dám in tập thơ thứ tư của mình. Người yêu thơ anh, chờ đợi thơ anh. Với Thạch, "thơ là âm bản của nước mắt", vậy phải bao nhiêu nước mắt cuộc đời để có một chữ thành thơ? Để phát hiện ra những vết thương rớm máu trong tâm hồn con người, phải sống hết lòng, yêu hết lòng. Nguyễn Khắc Thạch trăn trở, tìm kiếm, luôn đẩy tới tận cùng bản chất sự vật, dù đó là nỗi đau đớn nhất mà nhiều người không đủ can đảm để đối diện.
Lao động thơ nghiêm cẩn như thế, nên thơ Thạch bài nào cũng ngắn, rất ngắn mà làm xao động lòng người. Chỉ 3 tập thơ, Thạch đã giành được chỗ đứng vững chắc trong chiếu thơ Việt. Rất nhiều nhà thơ, nhà phê bình như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Ngọc Hiến,... đã liên tục có những bài viết rất sâu về thơ Thạch.
Nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, thơ Thạch là những nhịp thơ "đá vỡ", đó là những câu thơ khắc tạc vào đá, không thể tẩy xóa được. Ví dụ như bài thơ có tên là Thiền, chỉ có 5 câu và 15 chữ: “Bên thềm hoang/ Thiếu phụ/ Thoát y nằm/ Ngọn nến cháy/ Sau vầng trăng khuyết”. Thơ ấy đọc lên nghe nổi da gà như thơ Haiku Nhật Bản. Cô đọng, dồn nén để bật lên cái đẹp bất ngờ đến lạnh người. Theo Thái Doãn Hiểu, thơ Thạch là "Mạch thơ sám hối, trầm uất lung linh lan tỏa... Giống như chúa Giê-su lê nặng cây thánh giá... Nhà thơ phơi trần góc khuất tâm linh, chiếu rọi ánh sáng lương tri lương năng để phục sinh mình. Nhà thơ phán xét sự vật đến tận cùng bản chất, can đảm "hôn xác chết", tự tin, lặng lẽ đối đầu với chúng...". Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: "Nguyễn Khắc Thạch nói về nỗi buồn, nỗi cô đơn không chạy đâu thoát, những ám ảnh vò xé, những đòi hỏi nghiệt ngã, giọt nước mắt tái sinh, đến cả chút tủi thân đầy kiêu hãnh... thành nỗi buồn tận đáy, những khát vọng và vô vọng cắn xé linh hồn như những con sư tử...".
Thạch luôn băn khoăn trăn trở về số phận con người. Nhà thơ quyết liệt tách mình ra khỏi con lốc sân si về vật chất cuộc đời để nuôi dưỡng tâm thơ bằng ngồi thiền, đọc sách thiền, bằng ăn chay và đi bộ. Hiện nay mỗi ngày anh ngồi thiền ba lần, mỗi lần hai tiếng đồng hồ và gần bốn năm nay, Thạch bắt đầu chuyển qua ăn trường chay và đi bộ. Không phải đi bộ thể dục để luyện gân cốt, chống béo phì, mà lấy đôi chân mình làm phương tiện di chuyển trên đường hằng ngày hẳn hoi. Nghĩa là đi làm, đi họp, đi chơi, đi đám cưới, đám ma... tất tật, Thạch đều cuốc bộ.
Hai vợ chồng cùng đi dự một đám cưới con bạn, chị Bích Thủy đi xe máy, còn Thạch cứ lặng lẽ cuốc bộ. Không phải ăn chay ngày rằm, cuối tháng để "nhớ Phật" như mấy người "tu tại gia" ở Huế, mà trường chay quanh năm ngày tháng. Hơn chục năm trước, Thạch đã tập ăn chay mấy đợt dài. Hình như mỗi khi có chuyện gì đó bức xúc, chấn động trong tâm, Thạch lại chuyển từ mặn sang chay. Từ trai kỳ đến trường trai là một sự thoát, tức là chay đã thành nghiệp rồi. Ăn chay để hướng thiện và ăn chay vì con người đã ngộ ra mình trong đời sống tâm linh thăm thẳm. Nhưng cũng bởi chay trường, sợ làm phiền mọi người, nên Thạch ít đi dự tiệc tùng khi bạn bè hay cơ quan mời, đi thì hay tự mang đi một lọ muối mè... Hôm trước anh đến nhà chơi, bảo với tôi rằng bây giờ anh ở một mình trên núi để tiện việc thiền!
Chay tịnh và đi bộ như thế nên Thạch là người tự do quan sát, nghiền ngẫm được nhiều điều phía sau những hiện thực cuộc sống, làm cho những câu thơ của anh mang sức nặng nhân văn, đầy đồng cảm và phản tỉnh. "Ai đã thấy những gì cao hơn các tượng đài/ Những gì sâu hơn đáy cốc trên bàn tiệc/ Ai đã từng lấy ngực che Tổ quốc/ Còn ai đem Tổ quốc che thân".
Yếu tố triết và thiền được Nguyễn Khắc Thạch khai thác tạo nên những hình tượng thơ mang tính hai mặt rất sâu sắc. Đặc trưng là bài thơ “Mưa hai mặt”: "Hồn của mưa làm lạnh cơn mưa xác/ Khiến cơn mưa đồng lõa giọt buồn/ Để em thấy mưa là nước mắt.../ Để em thấy mưa là chia cắt/ Phía thành sông vẫn chảy rẽ chia bờ...".
Tạp chí Sông Hương là tờ báo văn nghệ cấp tỉnh, nhưng được độc giả trí thức, văn nghệ sĩ trong nước và người Việt ở nước ngoài đón đọc. Gần 7 năm làm Tổng Biên tập Sông Hương, Nguyễn Khắc Thạch đã giữ vững chất lượng tạp chí như mọi người mong đợi. Để giữ được "thương hiệu" cho Sông Hương, Thạch đã phải luôn bắt được mạch văn chương cả nước, mời được các cộng tác viên là những nhà văn tiếng tăm như Hoàng Ngọc Hiến, Lê Ngọc Trà, Phong Lê, Nguyễn Đăng Mạnh, Đặng Tiến v.v... nên Sông Hương ngày càng chững chạc. Tạp chí Sông Hương đã góp phần đào tạo nên rất nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ như Văn Cầm Hải, Lê Mỹ Ý, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành, Võ Tấn Cường v.v...
Từ một thiếu niên mồ côi, phải sớm đi làm thuê ở mướn kiếm sống, Nguyễn Khắc Thạch đã đến với thơ một cách muộn màng, thận trọng, nhưng rất thành công. Anh đã tự khắc tạc chân dung mình vào lòng độc giả bằng những bài thơ triết, thiền sâu sắc. Thơ Nguyễn Khắc Thạch đẹp như nỗi buồn!
Nguồn: ANTG cuối tháng