Dân ta yêu thơ. Thơ hay dễ đi vào lòng người cùng nhiều điều thi vi nữa không thể lột tả hết. Tuy vậy trào lưu xính làm thơ nay đã bão hòa, thành lạm phát. Phàm cái gì quá chớn đều ớn.
Thi sĩ “Thời cuộc”
Là Hội viên của Hội Thơ của Phường ắt Cụ là Nhà thơ nổi tiếng Khu Dân cư. Gần như sự kiện nào ở Khu dân cư, Cụ đều được mời đọc thơ trong phần khai vị. Cụ có tài, nhưng chắc ít ai tài như cụ. Thiên hạ xuất khẩu thành đô la, Cụ “xuất khẩu” thành thơ. Không kể các đề tài phải suy ngẫm lung lắm, Cụ còn có biệt tài ra thơ nhanh theo dòng thời sự. Khiếp thật, tin nóng đài báo vừa đưa là Cụ nảy thơ ngay, và để thu hút bạn thơ và kiểm định tài năng của mình, nó được đọc liền cho các Cụ đang mải túm tụm bên bàn cờ thế hay hờ hững hóng mát ven hồ. Bởi thế Cụ còn được phong là Thi sỹ “Thời cuộc”.
Thấy tài năng đã chín mọng, đầy bồ thơ, một hôm Cụ kẽo kẹt đạp xe đến Tòa soạn, gặp đích thân Tổng Biên tập. Chủ nhà niềm nở. Biết thời gian bây giờ là vàng là bạc, không xã giao, Cụ đưa Vị Tổng tờ giấy viết nắn nót bài hay nhất trong tuyển tập thơ của mình. Ông Tổng tỏ ra hờ hững: Cụ cứ để đấy. Chút chạnh lòng, Cụ nói vớt: Nhưng xin đồng chi duyệt và cho đăng sớm vì bài thơ về vấn đề đang nóng. Vẫn không nhìn vào Nhà thơ, Ông thủng thẳng: Cụ cứ cho từ từ. Hàng ngày chúng tôi nhận được cả trăm bài thơ. Bây giờ cả nước làm thơ mà Cụ.
Hý hửng khi bước vào bao nhiêu thì giờ cũng đôi chân ấy bước ra nặng nề bấy nhiêu còn cái đầu thì hơi choáng. Từ đấy ông nản, thơ ra chậm như mọi cái chậm ở cái tuổi Cổ lai hy.
Thơ trong tang lễ
Trời nóng, trưa hè, nhà tang lễ ẩm thấp, chen chân, song ai nấy cũng nán chờ xong bài điếu của Vị Trưởng Ban mặt trận Cụm Dân cư. Đèn mờ, kính xước, Vị Trưởng Ban đọc bập bõm, tiếng rõ, câu không nhưng cũng đủ cho gia chủ tự hào về người quá cố. Bà con xóm giềng ngỡ ngàng Bà lão thế mà cũng một thời cống hiến. Cụ Trưởng Ban dứt lời, gia chủ chưa kịp cám ơn để chuyển cữu bỗng một Cụ lom khom bước lên trước cái mi-crô xin đọc bài thơ “Vĩnh biệt chị”. Lời ai điếu nghẹn ngào; ngợi ca quá trình; hứa hẹn làm tiếp sự nghiệp chị còn dang dở. Nội dung đủ đầy, lớp lang “thơ hóa” bài điếu vừa công diễn. Mọi người nén lòng chịu tiếp tra tấn của sự oi nồng quện hơi người, mùi hoa tang, khói hương quẩn quanh…, những biết làm sao. Đợi câu thơ kết mà thấy thời gian dài vô tận.
Thơ phát theo đầu người
Nhân đến chúc tết đầu xuân một đơn vị trực thuộc, vị Thủ trưởng đầu Ngành tầm cỡ vua biết mặt chúa biết tên, hứng khởi: Mình vừa xuất bản tuyển tập thơ, in mấy nghìn cuốn. Quần thần trố mắt ồ lên, thán phục, tụng ca Xếp đa tài, dù bị cuốn vào guồng máy công quyền vậy mà ông vã có phút giây đắm đuối với nàng thơ. Biết thuộc cấp chưa hay đầu cua tai nheo thơ của mình, Thủ trưởng dơ tập thơ bìa cứng cùng ảnh tác giả dáng dấp lãng tử khác hẳn vẻ uy nghiêm góc cạnh thường nhật, khoe: Mình làm thơ tâm tình với vợ, tặng con, cho đồng nghiệp, ngợi ca quê hương, đất nước, tôn sùng vĩ nhân. Thơ của ông tuôn trào cả khi công du ngoại quốc, bật ra sau những giờ đàm phán căng thẳng.
Đáp lại, Giám đốc đơn vị vừa chúc tết Ông vừa ca ngợi tài năng của Nhà thơ tay ngang mà xuất chúng. Chợt một chuyên viên ngắt lời: “Thơ của Anh quái ai nó thèm đọc. In có nơi tài trợ. Anh có hàng nghìn quân, chỉ việc ấn vào tay mỗi nhân viên một cuốn thay quà chúc tết, đứa nào dám chối”. Khán phòng đang sôi động bỗng im phắc. Giám đốc tái mặt, như trời trồng.
Thơ rải khắp
Quảng cáo thuốc men thời cả nước làm thơ cũng phải bằng thơ. Người ngâm thơ ắt là nghệ sỹ tên tuổi. “Thân hình của mẹ cha cho/Đỡ đau xương khớp là do Tân Bình”. Tân Bình là một hãng thuốc Nam khi tán dương dù mới chỉ là “bán thành phẩm thơ” nhưng cũng vần điệu “Tân Bình mang cả tâm tình trong từng sản phẩm”
Rồi đến cả người đẩy xe hàng rong khi mùa xả hàng đại hạ giá cũng chào hàng bằng thơ “Khi đi tôi đã dặn bà/ Nơi nào siêu rẻ thì sà vào mua”
Lại có bài thơ đúng ra là bài vè, nhặt nhạnh nét đặc tả của mỗi quý ông, quý bà gò theo vần điệu ghép thành bài, truyền nhau thành bia miệng thế sự.
Dừng xe trước cầu thang Khu chung cư đang ngơ ngác tìm chỗ gửi thì vấp ngay câu thơ “Dựng xe khóa cổ, khóa càng/ An ninh, trật tự, an toàn giao thông”. Qua nhiều nơi đều thấy nhắc nhở đó, mới biết nó được đục vào mảnh nhựa cứng, áp lên tường, quét sơn loáng cái là xong.
Vui thật, cái thời cả nước làm thơ !./.