Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỐ PHẬN BULGACOV VÀ “NGHỆ NHÂN VÀ MARGARITA”

Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 16 tháng 5 năm 2016 9:03 PM




(Đọc “Nghệ nhân và Margarita”, NXB Lao động & Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2006)
Gặp nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến - một người “chơi” sách có hạng ở đất Hà Thành - tại nhà sách lớn của Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây mới khai trương trên khu Cầu Giấy, trước ngày hội thảo về tiểu thuyết “Mẫu Thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, tôi hỏi: “Có đúng là ông đã nói trên một tờ báo rằng “Một tác phẩm kiệt xuất như “Nghệ nhân và Margarita” (NNVM) mà chưa có một nhà phê bình Việt Nam nào sờ đến cả! “Đúng vậy không?” Đoàn Tử Huyến cười nhăn cả mũi: “Thì đúng vậy chứ sao!”
Tôi đọc lần đầu tác phẩm lớn này từ mười mấy năm trước (cùng với tiểu thuyết “Trái tim chó” của cùng tác giả), câu chuyện cụ thể đã quên, nhưng ấn tượng bàng hoàng sau khi gấp sách lại vẫn rõ nét đến mức, trong tham luận tại Hội nghị phê bình lý luận (lần 2) tại Đồ Sơn, tôi đã đưa “NNVM” dẫn chứng cho lập luận “...bất cứ “chủ nghĩa” nào cũng không nên tôn thành ngọn cờ, thành “phương pháp” buộc các văn nghệ sĩ phải theo. Nói cách khác, trong văn chương, không có chuyện “chủ nghĩa” nào hết! Trước trang giấy trắng (hay trước màn hình vi tính) nhà văn không vướng bận gì đến các “chủ nghĩa” đã (hoặc sẽ) được đúc kết thành “giáo điều”. Quả là lần này, đọc lại “NNVM” vừa được tái bản nhân kỷ niệm 115 sinh Bulgacov, tôi bắt gặp mấy dòng của nhà thơ Xô viết K.Simonov, tác giả bài “Đợi anh về” nổi tiếng: “Bulgacov có ba tài năng cùng song hành suốt đời tranh đoạt nhau vị trí số một: đó là tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn giả tưởng và tài năng của nhà văn hiện thực.” Và chính nhờ không tự trói mình vào “chủ nghĩa hiện thực XHCN” đang thịnh hành ở Liên Xô hồi đó, nên mới có tuyệt tác “NNVM”. (Có phải vì thế mà chưa có nhà phê bình Việt nào “đụng” đến “NNVM”?)
Trớ trêu thay là chính vì vậy mà cuộc đời tác giả (1891-1940) cũng như nhiều tác phẩm của ông đã gặp vô vàn gian truân, mặc dù từ năm 1925, khi phần đầu tiểu thuyết “Bạch vệ” của ông ra mắt, nhà thơ M.Volosin đã đánh giá: “...Đây là một tác phẩm rất lớn và độc đáo; với tư cách là tác phẩm trình làng, chỉ có thể so sánh nó với sự ra mắt của Dostoevski và Tolstoi...” Tác phẩm này lập tức được ông chuyển thành kịch, đích thân Stalin xem 15 lần. Tuy vậy, từ năm 1929, sau ý kiến Stalin cho rằng vở kịch “Chạy trốn” của ông là một hiện tượng chống Xô Viểt, trên báo chí có đến 298 bài buộc tội ông bôi nhọ cách mạng! Hầu hết các vở kịch và sách của ông bị cấm; ông xin làm người gác cổng cũng không ai dám nhận! Thật may là ông đã không tự sát như các tài năng hồi đó như nhà thơ Maiakovxki, nhà văn Fadeev... vì 4 ngày sau khi Maiacovxki bắn vào đầu tự tử (ngày 18/4/1930), đích thân Stalin gọi điện cho Bulgacov hứa giúp đỡ... và ông đã vứt khẩu súng đã nạp đạn sẵn...
Mặc dù suốt từ đó cho mãi đến gần một phần tư thế kỷ sau khi ông mất, tác phẩm của Bulgacov không được in dòng nào, nhưng ông đã không buông bút. Nhờ đó, mới có “NNVM”, một tác phẩm đỉnh cao của ông và của văn học Nga thế kỷ 20, được dịch in và dựng thành phim, kịch ở nhiều nước trên thế giới. Và không thể kể hết những công trình nghiên cứu về tác phẩm đặc biệt này.
Bulgacov viết “NNVM” trong 12 năm (1928-1940) với cái tên dự định là “Tiểu thuyết về quỷ sứ”, từng bị xé, bị đốt, viết đi viết lại 7 lần! Một cuốn sách không dễ đọc, nhưng lại có sức cuốn hút và ám ảnh kỳ lạ. Không dễ đọc, trước hết vì độ dày của nó (gần 800 trang khổ lớn), vì hệ thống nhân vật đông đảo (506 nhân vật - 156 có tên và 249 vô danh), nhưng chủ yếu vì nó không tầm thường, không chỉ là kiểu “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (“2 trong 1”) mà nhân vật, sự kiện của hai tiểu thuyết cách nhau đến... 1900 năm, lại thật-hư lẫn lộn... Tuy vậy, nó vẫn cuốn hút vì cách viết mới lạ, vì độc giả như được sống, được bay lượn trong một thế giới khác - với cách “phù phép” của nhà hắc ảo thuật Voland từ nước ngoài đến, các nhân vật có thể `tàng hình, hoá thân, bay khắp nơi, trò chuyện với người đã chết... Điều thú vị là nhờ sống trong “thế giới khác”, chúng ta có cơ hội được thấy rõ chân tướng của cuộc sống thật hôm nay (trong sách là hiện thực xã hội ở thành phố Moskva những năm 20-30 của thế kỷ trước, khi Liên Xô thực hiện chính sách “kinh tế mới”; cũng gần giống hoàn cảnh Việt Nam thời kỳ đầu”Đổi Mới”). Cuộc sống sau bao năm tù hãm vừa được “giải phóng” đã bị bóc trần với đủ trò lố lăng bi-hài. Ví như cảnh đoàn người rồng rắn xếp hàng mua vé trước Nhà hát Tạp kỹ vì nghe đồn đêm qua cả ngàn con người đến xem đã tha hồ nhặt các tờ bạc 10 rúp (đồng tiền Liên Xô), còn quý bà quý cô thì chen nhau lột áo xống cũ để đổi lấy những bộ cánh theo “mốt” mới, nhưng thực ra, do Voland phù phép, khi chị em ta ra khỏi nhà hát thì trên mình chỉ còn đồ lót và hôm sau những tờ 10 rúp đã biến thành giấy lộn. Rồi cảnh cả đoàn người xếp hàng để xin căn hộ của Berlioz, khi nghe tin ông vừa bị xe điện chẹt chết. (Ông là “Chủ tịch Hội Nhà văn Moskva, Tổng biên tập một tờ tạp chí lớn, đọc nhiều biết rộng, vẻ ngoài hiền lành, lịch sự, dưới ngòi bút của Bulgacov, ông ta hiện lên thành một hiện tượng xã hội đáng sợ. Với tư cách là người “lãnh đạo” văn học, chính ông ta đã góp phần biến văn học thành thứ nghệ thuật khẩu hiệu thô thiển kiểu thơ Riukhin, đã dung túng khuyến khích các nhà phê bình đồ tể kiểu Latunski...” - Trích từ bài của Đoàn Tử Huyến) ; rồi các vị chức sắc ăn hối lộ, hám đô-la, ngoại tình vụng trộm... dần lộ mặt...
Tiểu thuyết “NNVM” hấp dẫn, giàu tính trí tuệ còn vì đề tài mà “Nghệ nhân” (nhân vật chính của “NNVM” và là “cái tôi thứ hai” của tác giả) chọn để viết cuốn tiểu thuyết chính là câu chuyện đã xảy ra 1900 năm trước với hai nhân vật chính là quan tổng trấn Ponti Pilat và Christ Giesu. Cuốn tiểu thuyết bị những tên Giuda “hiện đại” xúc xiểm, tố cáo, không ai dám in, tác giả bị đưa vào bệnh viện tâm thần sau khi đã cho bản thảo vào lửa. Thật may là tình yêu vĩ đại của Margarita đã cứu được bản thảo và giải thoát “Nghệ nhân” cuộc sống bế tắc...
Đã có nhiều tác phẩm văn học dựa vào các sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng Bulgacov chỉ tập trung xoay quanh tâm trạng của Pilat trước và sau khi chàng trai quê ở Nazaret bị hành hình trên Núi Trọc (còn gọi là “đồi Sọ”). Quan tổng trấn tuy có thiện cảm với “nhà triết học lang thang rách rưới”, từng muốn cứu chàng khỏi tội chết (bằng cách gợi ý cho chàng chối bỏ việc tên Giuda tố cáo rằng chàng đã nói những lời xúc phạm đến Hoàng Đế...), nhưng rồi vẫn tuyên án tử hình và sau đó thì ân hận. Nhân vật Pilat hèn nhát không dám từ bỏ danh vọng, bổng lộc để thực hiện thiện chí của mình cứu người vô tội vì dù sao y cũng là vị quan của Hoàng Đế để rồi lương tâm cắn rứt cho mãi...1900 năm sau (cảnh gặp lại Chúa Giesu ở cuối tiểu thuyết) cũng như hình ảnh kẻ từ tù không thể nói dối để giữ mạng sống (chàng đã đáp lại “gợi ý” của quan tổng trấn: “Nói sự thật dễ dàng và dễ chịu hơn...”) và việc anh nhường những giọt nước lúc sắp chết khát cho tên tội phạm bên cạnh trên Núi Trọc có ý nghĩa đến muôn đời vì nó tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa THIỆN và ÁC của nhân loại...
Giới thiệu Bulgacov và NNVM, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã viết:
“Hành trình cuộc đời, hành trình văn chương của ông trên dưới trăm năm đầy gian nan thăng trầm nhưng hướng về bất tử. NNVM là cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Bulgacov, một trong những đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ Nga... Đây là công trình dịch thuật lớn nhất, công phu và tâm đắc nhất của tôi...
...Bi kịch của Nghệ Nhân là anh không được người đương thời hiểu và đánh giá đúng. Nó cũng là bi kịch của đời riêng Bulgakov và nhiều thiên tài khác. Nhưng ở đây có điểm khác biệt giữa cuộc đời Nghệ Nhân và đời thực của nhà văn: Bulgacov đã đấu tranh quyết liệt cho số phận của mình, còn Nghệ Nhân thì không. Có lẽ điều khác biệt này thể hiện lập trường của Bulgacov trong nghệ thuật. Về điều này một nhà nghiên cứu Bulgacov viết: “Nghệ Nhân không phải là chiến sĩ. Nghệ Nhân là nghệ sĩ. Mỗi người cần phải là chính mình. Và Nghệ Nhân, hơn bất kì một ai khác, đã sống đúng là mình -là hiện thân vừa của sức mạnh vô biên, vừa của sự yếu đuối vô bờ của sự sáng tạo.
Tất nhiên, mỗi nhà văn, như bất kì một nghệ sĩ nào, cũng mong muốn thành đạt. Nhưng một nhà văn lớn không chỉ sáng tác vì sự thành đạt. Bởi vì ý nghĩa của sự sáng tạo dù sao cũng không ở sự thành đạt, mà là ở trong một cái gì khác. Mục đích của sự sáng tạo là sáng tạo, và sự đánh giá tối cao đối với sự sáng tạo là sự tự đánh giá của chính bản thân người nghệ sĩ. Và nghĩa vụ của nhà văn, nói thẳng ra, kết thúc khi tác phẩm của anh ta kết thúc. Cuộc đấu tranh vì sự công nhận đã là một cốt truyện khác, một chủ đề khác, của tác giả và cuốn tiểu thuyết khác... Có lẽ chính vì vậy mà Bulgacov đã chọn cho Nghệ Nhân - mà cũng chính là chọn cho mình - phần thưởng sau khi chết là sự yên tĩnh, phần thưởng dành cho những tâm hồn mệt mỏi, chịu đau khổ nhưng lương tâm trong sạch và thanh thản...”
Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đã đánh giá Bulgacov “đã là người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với chúng ta và sẽ là người đương thời của con cháu chúng ta” - nói một cách khác: NNVM là một tác phẩm vượt qua thử thách của thời gian, một tác phẩm “trường Xuân bất lão”.
(Tạp chí “Sông Hương”Tháng 2/2007)