Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦN THAY ĐỔI NỀN GIÁO DỤC QUYỀN UY BẰNG NỀN GIÁO DỤC ĐỐI THOẠI

Trần Đình Sử
Thứ bẩy ngày 14 tháng 5 năm 2016 6:12 AM




Theo kết luân đã thành định luận, hiện nay các nhà giáo dục đang soan thảo chương trình giáo dục mới theo định hướng năng lực, khắc phục các tệ nạn của giáo dục nặng về truyền thụ tri thức.
Tuy nhiên, theo tôi, các tệ nạn như học để thi (không hẳn là sai), học nhồi nhét, học không sáng tạo, chủ yếu bắt nguồn từ nền giáo dục quyền uy, chứ không phải giáo dục truyền thụ tri thức. Mục đích của toàn bộ giáo dục quyền uy – được coi là nhiệm vụ chính trị – là nhồi nhét cho học sinh và người học nói chung, từ học sinh trong các trường từ tiểu học, trung học , đại học, cho đến người học trong các lớp học chính trị, lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng, lớp học ngắn ngày cho cán bộ văn hoá, văn nghệ… các tri thức chuẩn cho đến nghị quyết, chủ trương, quan điểm của lãnh đạo, các quan điểm chính thống, được cho là duy nhất đúng. Đặc biệt trong các đại học, tri thức về chủ nghĩa Mác Lê, về lịch sử Đảng là nội dung chiếm thời lượng lớn, không thể giảm nhẹ. Trong nền giáo dục ấy, người học không được có quan điểm riêng. Kết thúc lớp học, người học phải thu hoạch được các quan điểm của trên (bất kể là thu hoạch thật hay thu hoạch chép, miễn là “đúng đáp án” là được) để sau đó đem ra thực hành, quán triệt vào đời sống. Mô hình giáo dục của chúng ta trong hàng chục năm qua kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 về thực chất là nền giáo dục quyền uy được thực hiện trên mọi cấp độ, cho mọi đối tượng, từ trẻ em cho đến người lớn. Nền giáo dục ấy không chấp nhận các tư tưởng khác, tư duy khác, không bàn bạc về triết lí giáo dục. Cho nên khi nêu vấn đề này, ông Phạm Vũ Luận trong một bài trả lời phỏng vấn đã nói rõ: “Triết lí giáo dục có ở trong các nghị quyết của Đảng rồi”. Ý thức quyền uy đã ăn sâu trong tâm não của các quan chức cấp cao của nền giáo dục. Ý thức quyền uy thể hiện rõ nhất trong việc dạy môn lịch sử. Trong môn sử, người ta đồng nhất lịch sử với những lời kể lại lịch sử của sách giáo khoa, đồng nhất lịch sử với diễn ngôn lịch sử của người cầm quyền, và như thế, học sinh chỉ có cách học thuộc những lời ấy. Các em không tiếp xúc với sử liệu mà tiếp xúc với diễn ngôn chính thống, coi đó như là chân lí cuối cùng. Như vậy học sinh không có suy nghĩ độc lập về lịch sử. Đó chính là lí do khiến học sinh bị ức chế, chán học sử, vì họ thấy mình đang học vẹt, theo những lời nhất định. Trong cách học đó, trí tuệ người học không có giá trị gì hết, nó chỉ là một cái bình chứa, một máy ghi âm, không hơn không kém. Môn văn học cũng được cấu tạo theo nguyên tắc quyền uy. Người thầy dạy cho học cách cảm thụ, cách hiểu của thầy về văn bản, học sinh phải học thuộc và trình bày lại cho giống, cho đúng theo barem đã ghi trong đáp án lí tưởng. Mọi suy nghĩ khác của học sinh có thể có hại cho họ, có thể bị điểm kém. Như vậy thực chất kiểu học truyền thống là giáo dục quyền uy, thiếu tinh thần dân chủ và đối thoại. Kiểu đào tạo ấy không thể đào tạo ra người sáng tạo, mà chỉ đào tạo ra người thừa hành. Lối đào tạo này có truyền thống từ thời phong kiến, thực dân và tiếp tục với ý thức hệ mới trong suốt nhiều chục năm qua. Giáo dục quyền uy rút gọn giáo dục vào cái nghi thức duy nhất là người dạy (giáo viên) truyền đạt tri thức có sẵn cho người học (học sinh) để cho người học ghi nhớ. Mọi giáo án, mọi cách nêu câu hỏi chỉ để thực hiện nghi thức truyền đạt đó.
Giáo dục quyền uy cũng không hề coi trọng tri thức. Cái ý kiến cho rằng giáo dục ta nặng tri thức hàn lâm, thật oan cho nó. Chúng ta đã có điều kiện trau giồi tri thức hàn lâm bao giờ đâu mà “vu” cho nó như thế. Sau CM 1945 ta bận kháng chiến. Sau 1954 ta theo các tri thức Liên xô. Chúng ta chỉ nghiên cứu tri thức theo định hướng, có bao giờ nghiên cứu vì hoàn thiện bản thân tri thức đâu mà có hàn lâm. Các nhà giáo dục Việt Nam chỉ biết một ít tri thức của các nhà giáo dục xô viết trước đây, còn học thuyết giáo dục của các học giả phương Tây có mấy người được biết? Giảng viên đại học ta đã mấy người được đào tạo ở các trường danh tiếng ở phương Tây đâu mà bảo là “hàn lâm”. Thế mà nay chuyển sang đào tạo năng lực, thì chắc chắn là sẽ coi nhẹ tri thức, coi trọng “thực hành”, “hoạt động trên lớp” với những tri thức cũ, hạn hẹp thì sẽ đào tạo ra năng lực gì?
Đồng thời, cũng cần ghi nhận giáo dục trước đây không hề coi nhẹ kĩ năng. Tri thức và kĩ năng luôn đi đôi với nhau trong mọi chương trình. Chỉ có hiệu quả thấp, vì bệnh nhồi nhét, bệnh học để thi, vì dạy học đọc chép, chứ không phải vì coi nhẹ kĩ năng. Các nhà giáo dục hiện nay đã lập luận không đúng. Đã lập luận không đúng thì chưa có đủ logic để đổi mới giáo dục.
Hiểu được điều đó thì việc đổi mới giáo dục phải thay thế nền giáo dục quyền uy bằng nền gáo dục dân chủ và đối thoại, chứ không đơn giản chỉ là năng lực. Việc chuyển hướng giáo dục năng lực so với giáo dục đọc chép tất nhiên là một điểm mới, nó hướng tới việc chuyển hoá tri thức thành năng lực, khắc phục tri thức thuộc lòng chóng quên và vô bổ. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng hai chữ “năng lực” rất hạn chế. Một là nó không bao gồm các phẩm chất nhân cách, mà chương trình bắt buộc phải ghi vào. Thứ hai, nó có thể coi nhẹ kiến thức (tri thức), mà thiếu tri thức hiện đại thì không hình thành được ý thức của người hiện đại. Thứ ba, hai chữ năng lưc chưa nói được gì. Năng lực nào? năng lực nói theo nói leo, nói lại hay là năng lực sáng tạo? Hai chữ năng lực tưởng là mới mẻ thực ra rất chung chung. Chúng ta phải đào tạo một lớp trẻ với phẩm chất tinh thần sáng tạo, dân chủ, có tinh thần yêu nước, tinh thần hợp tác, trách nhiệm, thì hai chữ năng lực chưa nói gì cả. Xem một số tài liệu mới soạn thảo thì thấy nó cũng chỉ là nội dung kĩ năng trước đây đã nói mà thôi, chỉ khác là trước đây nêu tri thức lên trước, nay nêu kĩ năng lên trước, tri thức nêu sau.
Vì vậy chúng tôi đề nghị các nhà giáo dục nên suy tính kĩ trước khi bấm nút giờ G đổi mới giáo dục. Trước mắt không nên đối lập cực đoan giáo dục truyền thụ kiến thức với đào tạo năng lực, mà nên coi đó là hai mặt của tờ giấy, khắc phục tri thức chết, hình thức, đề cao năng lực vận dụng tri thức hiện đại, sống động, sáng tạo, năng động.
Kì sau: Nền tảng của giáo dục giao tiếp – đối thoại