Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"NHÀ CĂM HỌC" VÀ CHUYỆN CON CÁ BỊ VẶT CHỤI LÔNG

Châu Phú
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2016 10:44 AM


“Con cá bị vặt trụi lông, bị khóa chặt vây, bị rút hết xương, vật vờ trôi trên chăn bông đệm mút, thở bằng máy điều hòa…”

Ông bạn cùng phòng ký túc thời quần loe, tóc dài ấy, cơm chiều xong biến đi một lúc, khi về ào ập mặt đầy trịnh trọng mà rằng: sau 3 tháng tập trung lực lượng, làm việc nghiêm túc, khẩn trương, nay đã tìm ra nguyên nhân vụ mất trộm 1 kí-lô mì chính gây xôn xao tại nhà ăn trường N. nhé.

Cả phòng há hốc mồm, bỏ cả sách vở bút mực, vặn to đèn dầu lên mà hóng hớt. Hắn thủng thẳng, có 3 nguyên nhân. Một, trộm từ bên ngoài đột nhập vào khoắng gọn. Hai, trộm từ chính nhà ăn của trường luồn từ trong tuồn ra. Ba, có sự kết hợp của trộm ngoài lẫn trong nhưng không tìm thấy dấu vết…

Tác giả câu chuyện vốn là tay khôi hài có cỡ, học giỏi, ra trường làm nghiên cứu rồi lên đến chức “trưởng” ở một viện khoa học xã hội, ngành Căm-pu-chia học. Gặp nhau anh em cứ là “Chào viện sỹ, chào “nhà căm học”. Có 3 nguyên nhân rằng, thì, là…”

***

Hôm kia, đang tủm tỉm cười một mình khi vào mạng đọc tin về thủy triều đỏ thì “nhà căm học” của tôi nhảy vào, điệu bộ chả khác tẹo nào so với mấy chục năm về trước.

Rằng có hiện tượng một dải nước biển đỏ kéo dài chừng hơn cây số gần bờ ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình vừa được loan đi hôm trước thì ngay hôm sau, các nhà khoa học tâm huyết của nước nhà đã nhanh chóng vào cuộc và sớm đưa ra... 3 kết quả khác nhau nhé.

Một. Tối 4/5, các nhà khoa học lấy mẫu nước tại chỗ và đã có cuộc họp kéo dài tại tỉnh Hà Tĩnh. GS khoa học Dương Đức Tiến, nguyên giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đưa nhận định chung khẳng định đây là hiện tượng thủy triều đỏ!

Cá chết hàng loạt, cô giáo Trần Thị Lam, thủy triều đỏ

Cá chết hàng loạt được phát hiện tại bờ biển Quảng Bình Ảnh: Hoàng Phúc/ Người Lao động


Hai. Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, nếu chỉ nhìn bằng mắt, qua hình ảnh thì chưa thể khẳng định được điều gì về vệt nước đỏ 1,5 km dọc bờ biển Quảng Bình, bởi phải đề phòng khả năng ngụy tạo. Nhà khoa học này “không nghĩ là thủy triều đỏ”.

Còn theo TS Nguyễn Hữu Huân - trưởng phòng sinh thái biển Viện Hải dương học Nha Trang, nếu là “thủy triều đỏ” thì thường trong nước biển có độ nhớt cao và có những mảng xác tảo kết dính với nhau nổi bập bềnh trên mặt nước. Do đó, về vệt nước đỏ ở Quảng Bình, TS Huân cho rằng ông không nghĩ nhiều đó là hiện tượng do “thủy triều đỏ” gây ra.

Ba. Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người trực tiếp lấy mẫu nước biển đỏ ở Quảng Bình, cho biết dải nước biển đỏ xuất hiện ngày 4/5 không phải là thủy triều đỏ.Theo khảo sát khu vực quanh nơi xuất hiện dải nước đỏ có nhiều đất đỏ, không loại trừ khả năng đất đỏ bị sóng đánh ra biển, tạo thành vệt nước dài có màu đỏ!

***

Hôm nay, “Nhà căm học” lại đến phòng tôi và “độp” ngay là chỉ nói chuyện… thơ, cho vui cửa vui nhà, lại là món “tủ” truyền đời của dân Văn Tổng hợp. Tất nhiên liên quan đến... 3 xu hướng thơ!

Một – Thơ in lập “kỷ lục” về… độ nặng, những hơn 50 kí-lô. 121 bài thơ với 720 câu thơ, được Giáo sư David. G.Lanoue - Trường ĐH Xavie, Lousiana (Mỹ) biên dịch sang tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc trên toàn thế giới. Nội dung của tác phẩm đã được in thành 2 vạn bản, trong đó có 2.500 cuốn “Hoa Lư thi tập” của Hoàng Quang Thuận được in song song ba ngôn ngữ Việt – Anh – Pháp để giới thiệu rộng rãi ra độc giả thế giới.

Hai. Bài thơ “Đất nước mình ngộ quá…” của cô giáo Trần Thị Lam trên mạng cũng lập kỷ lục về… ngộ, phải không cô, khi “nó” được đọc nhiều, bình nhiều, sáng tác “ăn theo” hay “ăn liền” nhiều vô kể. Tôi với ông bình câu nào là hỏng, sai câu đó nên tốt nhất để người yêu thơ tự thưởng thức, không khen thưởng hay kỷ luật gì hết.

Ba. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú quê Hà Tĩnh, từng là học viên Học viện Kỹ thuật quân sự, vì yêu thơ mà chuyển “ngành” về Trường viết văn Nguyễn Du, trở về thâm canh biển quê để chất mặn mòi ấy hòa tan vào máu, chảy trong huyết quản, làm nên từng tế bào của cơ thể và từng “tế bào thơ”, để có lúc nhìn thấy: con cá bị vặt trụi lông, bị khóa chặt vây, bị rút hết xương, vật vờ trôi trên chăn bông đệm mút, thở bằng máy điều hòa…

Châu Phú