Trang chủ » Truyện

HAI TRUYỆN NGẮN CỦA NGÔ THỊ Ý NHI

Ngô Thị Ý Nhi
Thứ tư ngày 21 tháng 4 năm 2010 10:51 PM
Em là Ngô Thị Ý Nhi, hiện ở Sàigòn. Em cũng có viết lách lung tung đôi chút. Vừa rồi bạn bè có giới thiệu cho em trang web của anh. Em mở ra và thích lắm. Em không rõ muốn tham gia phải như thế nào nhưng cứ liều mạng gởi anh 2 truyện ngắn. Anh xem có dùng được không. Truyện "Đất lạ" đăng trên Văn Nghệ TW nhưng lại để tên tác giả "Đinh Thị Ý Nhi". Anh coi, đáng buồn cho em không. Em có khiếu nại. Các anh chị trong ban biên tập nói sẽ đính chính cho em. Rồi năm nay ra tuyển tập truyện ngắn hay 2009 các anh chị lại..."Đinh Thị Ý Nhi" nữa. Nhưng sách gởi tặng và nhất là nhuận bút thì vẫn gởi đúng Ngô Thị Ý Nhi. Em chỉ cười tự an ủi thôi thế cũng được. Chắc tại các anh chị bận nhiều việc quá.
Lần này em gởi "nó" cho anh. Xin anh cho lại "nó" cái tên của người sinh ra "nó". Em là tác gỉả, thật đấy. Anh có tin em không?
Em gởi anh hình và cả ...lý lịch văn học. Không biết anh có cần làm gì không. Thôi kệ, ít ra thì cũng để anh em mình làm quen với nhau.
Chúc anh luôn vui khỏe và hạnh phúc .Ngô Thị Ý Nhi
 
 
ĐẤT LẠ
     Con bé đứng trước mặt tôi, bé loắt choắt so với cái tuổi mười bốn, mười lăm của nó. Đen điu, còm cõi, tóc hoe vàng khô đét như cái bắp ngô nướng già lửa.Tôi rã rời tay chân. Ngao ngán, ngao ngán đến tận cùng. Thế đấy, người giúp việc của tôi đấy. Nó giúp được gì cho tôi trong những ngày tháng căng thẳng sắp tới. Vừa qua kỳ sinh nở, công việc cũ mất rồi, cứng tay lắm người ta mới dành cho mình một vị trí mới đầy xương xóc. Xương cũng cố mà gặm, cố mà phấn đấu rồi từ từ… Cuộc sống mà. Đồng tiền đâu dễ đến khơi khơi.
     Dưới nhà, tiếng dép bà mẹ chồng kéo lệt sệt. Bà quen đi dép trong nhà. Tuổi già, lỡ rủi ro trượt té lại sinh chuyện. Tôi chỉ vào phòng tắm:
     _ Có giỏ áo quần dơ trong đó. Mà trước khi giặt rà sóat lại xem túi áo, túi quần còn sót cái gì không.
     Để quên giấy tờ tiền bạc là tật cố hữu của chồng tôi. Con bé lục cà lục cục một hồi trong phòng tắm rồi bước ra với giỏ đồ ngồn ngộn. Tôi đứng dậy:
     _ Lên đây, cô chỉ cho cách dùng máy giặt. Cố mà nhớ lấy. Không cẩn thận chập điện cháy nhà đấy.
     Bất chấp câu hù dọa, mắt nó sáng rỡ lên, khệ nệ ôm giỏ quần áo tất tả chạy theo tôi. Trời ạ, bật cái bếp ga nó bật cũng không xong. Vậy mà máy nước nóng, nước lạnh, máy bơm, máy giặt, máy lạnh, hệ thống cửa khóa… Với trình độ bỏ học từ năm lớp sáu như nó thì máy móc nhà này cũng đến tan hoang. Cái gì cũng hướng dẫn, chỉ vẻ, sai bảo… Mà tôi thì đang lúng túng vụng về với vai trò làm mẹ. Phải nói cả tôi lẫn nó đều rối tung lên. Rồi cau có, gắt gỏng, tức tối đến ứa nước mắt. Không, tôi cần một người làm khác kia. Chững chạc, thông thạo, nhanh nhạy và biết phải làm gì. Để đáp ứng đủ tiêu chuẩn này tôi đã bàn với chồng tìm kiếm hoặc nhờ dịch vụ. Thế mà… Tiếng dép lệt sệt, nặng nề từ tầng dưới lại làm tôi xốn xang. Có cái gì đè ngang ngực tôi. Nghe tin tôi sinh cháu đầu lòng, mẹ chồng tôi tức tốc lùng sục người làm từ quê nhà đưa tuốt vào đây. Dự định của tôi bị gạt bỏ ngay lập tức. Không, dịch vụ là cái gì. Thời buổi này tin ai được. Vợ chồng bây đi làm cả ngày giao con cho người lạ. Biết gốc gác ở đâu, thật giả ra làm sao. Để đó, mẹ vào giúp ít tháng, kèm cặp con bé cho quen việc, thằng cu cứng cáp rồi mẹ ra. “Con so về nhà mẹ”. Tôi không có mẹ thì đã có mẹ chồng. Đơn giản là thế! Nhưng mẹ chồng và mẹ ruột  là hai phạm trù mà cái chung thì ít, cái riêng thì nhiều. Tôi phải biết kiềm chế, phải tự điều chỉnh sao cho ổn thỏa đôi đường. Nhưng vấn đề vượt ngòai sức chịu đựng của tôi vẫn là nó, con Lang. Nó tên Nguyễn thị Lang, viết đúng như tờ giấy khai sinh mà bà mẹ chồng tôi giữ khư khư để vào đây “khai báo với địa phương”. Có lẽ ở quê nó “Lang” là giây lang giây muống gì đó. Tôi ác cảm với nó ra mặt. Khuôn mặt choắt lại, cặp mắt mở to nhìn chỗ này, ngó chỗ kia cứ như rình mò, lùng sục. Nó như con chuột nhắt lấm lét, chui rúc, phá phách. Mới hôm đầu tiên, nữa chai nước tẩy trang của tôi bị trút vô tội vạ vào thau giặt chỉ vì tưởng… xà phòng dành cho em bé. Một bữa, nó táy máy bấm nút cửa phòng rồi đóng sập lại. Cả thằng Bin và chùm chìa khóa đều ở trong phòng. Tôi xanh mặt run rẩy. Chồng tôi phải bỏ dở công việc từ công ty tức tốc chạy về mở cửa. Đuổi việc nó? Không xong! Chồng tôi cũng không mấy tin vào dịch vụ. Hơn nữa, mẹ đã cất công lùng sục mang vào. Hai bà cháu đi tàu hỏa mấy ngày đường phờ phạc, nhếch nhác. Việc gì thì cũng phải từ từ. Tôi uất ức. Đụng đến nó là động chạm đến mẹ. Tôi chìu mẹ chồng rồi còn phải chịu đựng cả người làm vì mẹ chồng nữa sao trới. Đây cũng là một lọai ô dù. Nó cũng có ô dù như ai nên tha hồ tác oai, tác quái. Mà cặp mắt nó nhìn tôi kìa. Ranh mãnh cứ như thách thức, cứ như nó biết chắc chỗ đứng vững vàng của nó trong ngôi nhà này. Đến phát điên vì nó!
     Rồi cũng đến lúc tôi phải rời xa con để trở lại công việc. Nấn ná sáu tháng rồi. Sáu tháng trời quen hơi hớm mẹ con, quen ôm ấp hình hài bé bỏng ấy vào lòng, cả lúc ăn, cả lúc ngủ. Bốn tháng hay sáu tháng vẫn là quá ít cho một bà mẹ, dù là mẹ thời hiện đại như tôi. Giao con cho mẹ chồng, lòng dạ tôi ngổn ngang trăm mối. Đành rằng con tôi là cháu bà, cháu cưng cháu qúy nhưng cách nuôi con mỗi thời mỗi khác. Tôi trình bày, dặn dò cặn kẻ. Bà làm theo cái được cái không, lúc quên, lúc nhớ. Có cái bà kiên quyết giữ vững lập trường. Một bữa đi làm về, đẩy cửa phòng bước vào tôi sững người vì hình ảnh trước mắt. Con Lang nằm trên giường tôi. Cái thân hình đen thui nhếch nhác ấy ôm lấy thằng con tôi, miệng còn ư ử hát ru nữa, trời ạ. Tôi nhìn nó, cái nhìn nói lên tất cả. Con bé lật đật ngồi dậy, bỏ hai chân xuống đất, cúi đầu:
     _ Mệ  đang tắm, mệ bảo con lên với em vì sợ em khóc.
     Tôi nuốt giận vào trong, chờ đến tối ấm ức nói lại với chồng. Anh không hề ngạc nhiên:
     _ Mẹ đã bắt con Lang tắm rửa hàng ngày rồi.
     Mẹ, hể chạm đến mẹ thì lẽ phải không bao giờ thuộc về tôi. Tôi đay nghiến:
     _ Em không muốn nó chạm đến con mình. Anh không thấy nó đen điu, hôi hám.
     Chồng tôi ném chiếc áo vừa cởi ra xuống giường:
     _ Mướn người làm hay chọn hoa hậu? Muốn trắng, rồi thì có trắng, muốn thơm, rồi thì có thơm.
     Trắng mà thơm! Tôi chợt tỉnh cả người. Người ta bảo “khẩu xà tâm phật”. Tôi lấy một ông chồng thuộc lọai “khẩu xà” là chuyện rõ như ban ngày nhưng còn tâm gì thì chỉ có trới biết. “Đàn ông năm bảy lá gan”! Tôi, một phụ nữ đầy tự tin và thông minh nên biết rõ mình chỉ có một lá. Cầm lấy chiếc áo trên giường tôi máng vào mắc áo rồi đi pha sữa. Ngòai đời, tôi hội nhập dễ dàng với dòng chảy của thời đại mới. Công việc, thành công, thăng tiến… Có lẽ vì thế mà muộn chồng, muộn con. Lấy nhau hơn ba năm, không thấy dấu hiệu gì mẹ chồng tôi bắt đầu hốt hỏang. Bà thăm hỏi, dò xét, bóng gió rồi rên rĩ: “Trời ơi, sáng Sàigòn, chiều đã bay ra Hà Nội. Lại còn đi Tây, đi Mỹ. Đàn bà chi mà chạy như ngựa vía.” Tôi cũng hoang mang. Hai vợ chồng bắt đầu đi đến phòng khám này, phòng khám nọ. Kết quả bình thường nhưng tháng tháng điều mong mỏi vẫn không đến. Tôi thu xếp lại công việc, né tránh bớt những hội thảo chỗ này, chỗ nọ, bó tay, sốt ruột ngồi nhìn cơ hội thăng tiến nhởn nhơ trôi qua trước mặt. Rồi tiền triệu bắt đầu tuôn ra.Vài ba tháng lại nghĩ hai tuần nằm một chỗ. Nghĩ có phép, nghĩ thường niên đến nghĩ không ăn lương… Cuối cùng hạnh phúc đẩy cửa ùa vào gia đình tôi chóang ngợp. Thằng bé, thằng cháu đích tôn cả nhà mong mỏi đã cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay tôi. Tôi làm mẹ. Một cảm giác lâng lâng bay bỗng tràn về những khi tôi âu yếm ngắm nhìn con. Nhưng một khi cửa đã mở, hạnh phúc vào được thì những hệ lụy cũng kéo vào theo. Tôi làm mẹ đồng thời dần dần thấm thía những phức tạp của cuộc sống… làm dâu. Từ trước đến giờ tung tăng theo chồng, tự do, thỏai mái quen rồi. Bây giờ bắt đầu thấy ra vào tù túng, phải ý tứ nọ kia.
     Mới hôm qua đây thôi, đi chợ về, sọan giỏ thức ăn ra con Lang đã la lên thảnh thót:
     _ Mệ không ăn cá lóc, cô mua chi hòai.
     Rõ ràng nó đã tạt vào mặt tôi một gáo nước. Tôi ngó con cá lóc to đùng, tươi rói trong rỗ. Hình như nó nói đúng nhưng con này tinh ranh qủy quái. Một tuần chỉ có hai lần lo chợ búa. Thì giờ đâu để tôi quan tâm mọi sự. Trăm công ngàn việc đổ dồn vào tôi. Thằng bé ói, ho, khóc đêm là chuyện thường xuyên. Năm bữa nửa tháng lại ấm đầu. Tôi thức đêm sâu cả mắt. Việc của công ty cũng điên đầu. Với chừng đó vốn, tiền tỷ đấy nhưng chiến lược đề ra thế nào để tăng doanh số, biện pháp nào để điều khiển “lính lác” dưới tay mình họat động hiệu qủa. Cái “ghế” tôi ngồi bao nhiêu đứa lăm le xô ngã. Doanh số cuối năm luôn ám ảnh tôi. Không đạt yêu cầu người ta không tuyên bố đuổi việc thẳng thừng nhưng bằng cách này, cách khác, không chịu nỗi mình cũng phải tự ý ra đi. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt này thần kinh cứ căng như dây đàn. Mà căng quá coi chừng đứt. Mẹ chồng tôi cầm rỗ cá lên xuê xoa:
     _  Mẹ ăn không được thứ ni thì ăn thứ khác. Mua cho cả nhà ăn chớ con.
     Mẹ chồng tôi lúc nào cũng thủng thẳng, từ tốn nhưng nói vậy mà chưa chắc nghĩ vậy. Bà nghĩ gì chỉ mình bà biết. Không như tôi, mọi chuyện cứ hụych tọet, thẳng thừng ra với nhau. Như vậy có phải dễ sống hơn không. Người ta “giận cá chém thớt”. Còn tôi, đã giận cá thì cứ lôi cá ra mà chém. Tôi quay sang con Lang, sẵn sàng dao kiếm. Nó tránh tia nhì sấm sét của tôi, né đòn rất nhanh:
     _ Để con đem rác đi quăng kẻo lát nữa xe rác đi mất
     Nó gom hết nhũng cọng rau già, những vỏ tôm, lòng cá dồn một bịch, nhanh nhẩu dội cái sàn nước sạch bóng , lủi nhanh ra cửa.Tôi nhìn theo nó rồi nhìn quanh căn bếp. Thịt đã rửa xong, sạch sẽ đỏ hồng trong rỗ chờ ráo nước. Cá đã màu mè đâu vào đó, chỉ cần đặt lên bếp kho. Rau đã nhặt xong xanh mơn mỡn. Thần kinh tôi giãn ra từ từ nhè nhẹ. Thôi cũng được, miễn là nó biết việc. Tôi không thể phủ nhận một điều là con bé tiếp thu mọi chuyện rất nhanh. Nó tiến bộ hồi nào không biết nhưng máy móc nhà này với nó bây giờ là chuyện nhỏ. Liếng thoắng, nhanh nhẩu, nó biết đón ý mọi người làm chồng tôi hài lòng ra mặt. Tôi thì không chấp nhận được cái ranh ma láu lỉnh của nó. Mà cũng không lâu nữa đâu. Bà về quê rồi, năm bữa nửa tháng sau tôi sẽ tìm cách tống khứ nó thôi. Kiếm người làm khác. Miễn có tiền, lo gì!
                                                         
                                                                *                   *
                                                                           *
     “Bà về quê thật rồi, Bin ạ”. Tôi lẩm bẩm nói với con như nói với chính mình. Không còn tiếng dép lệt sệt, không còn tiếng ho khan buổi sáng, không còn những câu nói hiểu đầu này suy đầu nọ. Dưng không lại thấy thiếu thốn. Chồng tôi lại công tác nước ngòai, Bin lại ốm. Lần này sốt nặng. Hơi thở nặng nề, mệt nhọc, nó vừa ho vừa khóc trên vai tôi. Tôi bế con tới lui sốt ruột. Sao taxi gọi hòai vẫn chưa tới. Không khéo trể giờ phòng mạch. Tôi lại quay số gọi hãng khác. Trời lại mưa. Thời tiết này xe rất hiếm. Còn con Lang nữa. Bảo ra ngòai đường vẫy đại một chiếc taxi giờ vẫn chưa thấy về. Có tiếng xe ngừng. Hú vía! Tôi nhìn ra cửa sổ. Xe đang có khách. Một cô gái cúi người bước xuống. Tóc buộc đuôi cheval, chiếc áo hai dây đỏ chói kéo hất lên để hở cả một khúc lưng. Tiếng cửa xe đóng sập lại, cô gái ngước lên. Trời ạ, con Lang. Nó mở khóa chạy ùa vào. Còn tôi thì giận điên người bế con tới lui hậm hực. Chỉ chờ nó ló mặt vào phòng, tôi quát:
     _ Bảo đi đón xe hay đi xem hát mà ăn mặc thế kia. Có biết là sắp trể giờ rồi không?
     Con bé xách giỏ đồ hối hả:
     _ Con phải thay cái áo, cái quần tươm tất mới đón được xe chớ đánh bộ đồ ngủ đứng giữa đường vẫy, xe nào thèm ngừng.
     _ Hễ nói là cãi. Bỏ thêm mấy cái khăn sạch vào xách rồi đi. Lẹ lên.
     Tôi bế con chạy vội ra đường, giao cửa nẻo một tay nó khóa.
     Tối đó, nhà tôi không nấu cơm, mà cũng chỉ có tôi với con Lang. Miệng tôi đắng ngắt. Tôi bảo nó ra đầu ngõ mua bánh mì chim cút. Biết là không thể nào nuốt nổi khúc bánh mì khô cứng đó nhưng kệ! Bụng dạ đâu mà ăn với uống. Tôi không muốn bảo nó đi xa. Tôi cần một người quanh quẩn bên mình. Căn nhà trống trãi quá. Đêm đó tôi thức trắng. Bin vã mồ hôi đầm đìa và cơn sốt lui dần. Đến sáng hơi thở nhẹ nhàng hơn, nó ngủ thiếp đi. Tôi bước ra khỏi phòng, đụng ngay con Lang ngồi trong góc cầu thang, quay lưng vào tường ngủ gục. Trên chiếc bàn ăn hai ổ bánh mì chim cút còn quăng lăn lóc. Tôi chớp mắt. Cút chiên bơ là món tủ của nó. Lâu lâu, nhà có khách, thiếu cơm, tôi đưa tiền cho nó. Nó mừng cuống quýt chạy ra đầu hẻm. Tôi cầm ổ bánh mì nguội ngắt lên rồi lại đặt xuống lặng lẽ nhìn Lang.
     Không biết từ bao giờ ý nghĩ “cho con Lang về quê theo bà” không còn hiện lên trong tôi nũa. Và cũng trái với quy ước ban đầu con Lang không về quê ăn tết. Nhịp sống sôi động của thành phố này đã hớp hồn nó. Sàigòn mùa Giáng sinh. Sàigòn những ngày cận kề nguyên đán. Anh đèn màu chớp tắt, tiếng nhạc xập xình từ những quán càphê. Người người chở nhau, sánh vai nhau tưng bừng phố xá… Con Lang mê mệt với những con đường những cửa hiệu hàng hóa sell off đổ ra ngồn ngộn, giá cả rẻ đến bất ngờ. Tuổi của nó, tuổi ăn, tuổi lớn tôi không nở hẹp hòi. Tối tối nó hòan tất nghĩa vụ tươm tất, chóng vánh tôi cho phép nó ra đường nhưng phải trở về trước chín giờ rưỡi. Nó phơi phới như một bông hoa đầm đìa sương sớm. Một tối, nó xô cửa ùa vào phòng tôi, khuôn mặt còn nguyên nét phấn khích:
     _ Cô ơi, Đan Trường mới bắt tay con.
     Tôi bật cười. Nó ngồi lên giường tôi, hai chân đong đưa, mắt sáng long lanh miệng huyên thuyên ríu rít:
     _ Cô biết không, hát xong Đan Trường bước xuống sân khấu. Người ta túa lên, túa lên. Con cũng chen vào. Đan Trường ngó quanh rồi quay về phía con chìa tay ra.
     À, đây là tiết mục giao lưu văn nghệ. Có chương trình ca nhạc tổ chức ở gần nhà, nó năn nỉ. Tôi cho phép nó đi chơi, còn cho thêm tiền mua vé. Tôi nhìn nó, con Lang của tôi. Nó bây giờ quần jean bó sát, áo hai dây bé tẹo có đính hạt cườm lấp lánh, tóc cắt đúng mốt Hàn quốc. Bây giờ nó là Nguyễn Thy Lan như một cú điện thọai anh chàng nào đó gọi đến mà tôi tình cờ bắt máy. Đến lượt chồng tôi cảnh báo: “Em phải kiểm sóat con Lang kỷ hơn. Coi chừng nó giao thiệp bậy bạ. Nhà cửa giao cho nó, con cái giao cho nó.” Tôi cũng ý thức được điều đó. Phải kiểm sóat. Nhưng nhiều lúc tôi cảm thấy mình bất lực trước một cái gì như sức sống cứ bùng lên. Bùng lên đúng quy luật tự nhiên của nó. Thôi thì những vấn đề vụn vặt tôi xuê xoa không để ý. Thức ăn trong tủ lạnh nó tha hồ tự do. Chocolat và bánh kẹo. Không, những thứ đó vừa lên cân vừa nổi mụn. Nó “chuyên trị “ trái cây. Buổi sáng, tôi đi làm, nó xay sinh tố uống. Tệ lắm cũng vài quả cà chua pha đường. Cho đẹp nước da!.Tôi biết nhưng lờ đi. Tôi đang cần nó. Hết cái thời động một tí là sẵn sàng “cho mày về quê”. Tôi lệ thuộc vào nó thật rồi. Nói như chồng tôi, nhà cửa, con cái nó thay tôi quán xuyến. Tôi rảnh tay, rảnh chân lao vào công việc, cũng cố lại vị trí của mình trong công ty, ngửng cao đầu trước  những đôi mắt thèm thuồng, ganh tị. Ở đời, phải biết bỏ cái nhỏ để thu về cái lớn chứ. Vả lại, tôi vẫn tự hào rằng mình vốn công bằng trong cách nghĩ. Tôi có cái thành đạt của tôi thì nó cũng có cái “thành đạt” của nó. Nó giỏi thật mà. Đi bên tôi, nó không hề kém cạnh. Mà tôi “tha” nó đi khắp. Nó bế thằng cu Bin. Tôi tỉnh bơ giới thiệu với mọi người “con nhỏ cháu”. Sạch sẽ, điệu đàng, mốt, ai dám bảo nó là người làm. Một bữa, ngồi trên chót vót một cao ốc Sàigòn ăn kem, nhìn xuống thành phố ánh đèn màu rực rỡ, dòng xe cộ nhỏ li ti phía dưới, mắt nó thẩn thờ rồi chớp chớp quay sang tôi tâm sự: “Hồi đó mệ bảo con vào giúp cô. Cô trả tám trăm ngàn một tháng. Tám trăm chứ năm sáu trăm con cũng đồng ý. Con đi cho biết Sàigòn.” Tôi cũng biết điều đó. Cặp mắt của nó buổi đầu tiên, cặp mắt mở to  nhìn chỗ này, ngó chỗ kia như rình mò như lùng sục. Cặp mắt đó đang háo húc trước cuộc đời. Nó hăm hở thọc tay vào cuộc sống cũng như trước đây hăm hở vọc tay vào mọi thứ máy móc của nhà tôi. Tôi biết nó không ngừng lại vị trí ôsin trong nhà này nhưng nó sẽ tiến về phía nào thì tôi còn mù mờ chưa rõ.
     Thêm một cái tết nũa rồi. Ngòai đó nhắn vào mẹ nó bệnh, năm nay dứt khóat nó phải về. Con Lang cười thản nhiên bảo bệnh chỉ là một chiêu bài mẹ nó đem ra để gọi nó về. Nhưng về thì về. An tết xong con sẽ vào với cô. Bà nội cu Bin, vẫn cái tính lo xa và tính tóan gọi điện bảo tôi: “Con lo cho nó ít đòn bánh tét, nó ăn đường đỡ tốn kém.” Chồng tôi cười khà khà:
     _ Bà nội lạc hậu rồi. Con Lang bây giờ mà đem bánh tét theo ăn đường.
     Rồi anh đứng dậy mặc áo đi đăng ký xe cho nó. Đi xe Sinh càphê cẩn thận. Anh quay sang nó hăm hở:
     _ Chuyến này cho mày đi xe với tụi Tây. Biết đâu chẳng hớp hồn được một thằng rồi bay đi ngọai quốc.
     Con Lang đang rửa chén, vẫy bàn tay tóe nước cười ngất:
     _ Tối nay cô dạy con mấy câu tiếng anh làm vốn. Chữ nghĩa con chỉ có hê-lô với ô-kê.
     Tôi cũng cười ngồi xuống chân cầu thang, đặt tay lên thềm đá lạnh. Chỗ này đây, tôi bắt gặp Lang ngồi ngủ gật sau một đêm thức trắng vì cu Bin sốt nặng. Đây cũng là chỗ ngồi quen thuộc của tôi. Mỗi tối, cơm nước, dọn dẹp xong xuôi, tôi ngồi xuống đây, tựa người vào thành vịn trong khi con Lang lúi húi mở tủ lạnh kiểm điểm lương thực còn dự trử. Nó hô, tôi “phán”. Chỉ trong vòng mươi phút là cả hai đã quyết xong một thực đơn hòan chỉnh, ngon lành cho ngày mai. Hôm sau, nó cứ thế mà thực hiện. Cuộc sống trôi đi nhịp nhàng, suông sẽ, dễ chịu. Tôi sắp mất một cái gì chăng? Tôi ngửng đầu lên bắt gặp con Lang cũng đang ngồi tựa lưng vào chiếc tủ lạnh  đóng kín. Nó nhìn tôi:
     _ Ra tết chừng mồng bốn, mồng năm là con vào. Kẹt quá cô gọi người làm giờ đến phụ lau dọn nhà cửa.
     Thế là Nguyễn Thy Lan lên đường. Cực kỳ mốt, cực kỳ hiện đại. Mái tóc duỗi thẳng thoang thỏang mùi nước hoa. Nó mất một buổi chiều trong tiệm làm đầu  cọng thêm bao nhiêu tiền bạc thì tôi không biết. Vẫn áo hai dây, quần bó sát bắp chân tròn lẳn, nón kết trên đầu. Vai mang một cái ba lô đỏ chói nó hiên ngang hòa nhập với đám du khách qúy tộc, chẳng kém cạnh một ai. Một vài cặp mắt hướng về phía nó, ngưỡng mộ. Với tuổi trẻ của nó, nhan sắc vừa đúng độ, phải nói nó đẹp rỡ ràng. Đưa nó ra xe, không vội trở về, tôi nấn ná ngắm “tác phẩm” của mình. Tôi có quyền hãnh diện chứ. Dù sao đó cũng là “tác phẩm” của tôi.
     Giờ thì tôi đã thay hai ba người làm rôi nhưng vẫn không ai bằng con Lang. Nó không vào nữa. Gọi điện vào nó phân trần với tôi là mẹ nó bệnh. Bà nội cu Bin nhận xét: “Ở ngòai mình con gái lớn không ai thả đi rông rứa cả. Nó về nhà cả làng chạy hết. Không biết nó vô Sàigòn mần cái chi.” Ít lâu sau tôi lại nghe tin nó sang Lào, theo dì nó làm nghề uốn tóc. Chồng tôi cười bảo: “Mẹ nó làm sao giữ được nó. Với nó, cuộc đời này là một cục nam châm.” Tôi chợt rùng mình. Tôi vẫn cảm nhận rằng nó sinh ra không phải để làm ôsin. Tôi biết, nó đầy ham muốn, đầy khát khao, tràn trề sức sống. Nhưng còn sự chín chắn, sự khôn ngoan, cái văn hóa căn bản để nhận chân những giá trị cuộc sống… Nguy hiểm quá,Lang ơi!
     Hôm nay, cầm tờ báo Tuổi trẻ chủ nhật đọc một lọat bài phóng sự về thế giới mại dâm, về những hang ổ tột cùng của trụy lạc và tôi ác ở Campucha tôi rùng mình ngước mắt nhìn chồng. Như đọc được điều lo nghĩ của tôi anh nhỏ giọng; “Đất Lào hiền hơn em à.” Tôi thầm cầu mong như thế. Có tiếng chuông điện thọai. Tôi với tay cầm lấy ống nghe:
     _ Allo!
     _ Cô ơi, con đây, con đây cô.
     Tôi kêu lên:
     _ Thy Lan phải không con?
     Tiếng cười ròn rã phía đầu dây kia:
     _ Dạ, Lang đây. Dây lang dây muống của cô đây.
     Tôi dồn dập:
     _ Con đang ở đâu? Con làm gì? Ra sao rồi?
     Nó không vội trả lời tôi. Im lặng một chút rồi kể tôi nghe công việc làm ăn của nó. Nó sang Lào làm nghề uốn tóc thật. Ban đầu, phụ việc, dần dần ra riêng. Nó thuê một gian quán nhỏ phục vụ xóm lao động, mấy bà nội trợ có nhu cầu làm đẹp. Cư trú bất hợp pháp, giai đọan căng quá công an đuổi gắt. Dẹp tiệm, xách bộ đồ nghề đi làm dạo , lang thang. Tình hình lắng xuống lại mày mò trở về tìm cách gầy dựng lại. Nó khoe tôi bây giờ ổn rồi. Mỗi tháng, sau khi trừ hết mọi phí tổn ăn tiêu cũng còn được hơn trăm đô. Nó lại cười:
     _ Con bây giờ biết tính cả tiền đô.
     Tôi ứa nước mắt:
     _ Cô mùng, mùng lắm.
     Tất cả những gì tôi muốn khuyên bảo, dặn dò  bỗng  bay đâu mất. Trước mắt tôi hiện ra cái vóc dáng nhỏ nhoi của nó trên con đường gió bụi. Con đường biên giới nắng như quạt lửa vào mặt người. Tám mươi cây số từ Đông Hà đến cửa khẩu Lao Bảo. Con đường Lang khoe vẫn đi lại dễ dàng. Dễ bằng mấy lần vào cái xứ “Sài gòn của cô”.Giọng nó bỗng nhiên trầm xuống:
     _ Cu Bin chắc lớn bộn rồi hả cô? Không biết nó còn nhớ chị Lang đen của nó không. Thế nào rồi con cũng về thăm cô chú. Con chỉ muốn gom chút vốn rồi về Việt Nam làm ăn. Con sẽ kiếm chỗ mở tiệm. Ở với cô thì sung sướng trắng da dài tóc nhưng con thích… thích… cô đừng cười, con thích làm chủ. Biết đâu mai mốt con có tiệm làm tóc ở Sàigòn. Cô đến chơi. Cô sẽ ngã người trên ghế cho lính lác con làm tóc, giũa móng tay, trong khi con, con kéo ghế ngồi tiếp chuyện cô. Con sẽ… sẽ… Á, mà cô ơi, mệ nội dạy đàn bà không được ham muốn, không được thèm khát. Thèm khát rồi tối mắt, tối mũi, rồi… hư thân!
     Tôi nghe phía đầu dây kia một chuỗi cười giòn tan như pháo tết.
 

HOA LƯNG CHỪNG NÚI
 
       Đêm. Yên tĩnh bao trùm lấy căn phòng nhỏ. Suốt một ngày ngồi xe làm tôi mệt rã rời. Chiếc giường tôi nằm cứ như lắc lư, chao đảo.Tôi kéo chăn đến tận cằm. Tấm chăn bông mềm mại ấm áp, tấm nệm êm êm dưới lưng. Mùi thơm thoang thỏang của mái tóc mới gội xong chưa khô hẳn. Chiếc áo ngủ mới mặc lần đầu, sợi vải mịn màng cọ vào thân thể. Tôi duỗi người. Mẹ vẫn bảo khi nằm tôi cong người như con tôm. Cái dáng nằm đó rồi thì cả đời không thảnh thơi được. Tôi nhớ đến căn gác nhỏ của tôi với tấm nệm thước hai đặt nơi xó góc. Trời nóng, nằm trên nệm. Trời lạnh, tự động tôi lăn xuống sàn. Đêm, trăm thứ âm thanh lọt vào cho đến tận khuya. Tiếng vợ chồng hàng xóm cãi nhau, trẻ con khóc. Tiếng xe rú ga vào hẻm nhấn còi inh ỏi. Tiếng mì gõ lóc cóc. Xô chậu nhà ai va đập lỏang xỏang. Tôi ngủ thiếp đi trong mớ âm thanh hỗn tạp đó sau một ngày làm việc mệt nhòai. Phải rồi, một ngày tám tiếng hoặc hơn tôi ngồi thẳng lưng trước bàn làm việc. Nhẫn nại, cần cù, tỉ mẫn. Có lẽ như một quy luật bù trừ, đợi đêm về, ngã người xuống nệm cái lưng tôi tự động uốn cong. Trong mơ tôi nghe tiếng mẹ khẽ khàng lên xuống thang gác. Khẽ khàng vì sợ tôi thức giấc. Trên chiếc giường đặt cuối phòng kia, bố trở mình ho, đòi uống nước, đòi tiểu đêm, cằn nhằn gọi mẹ. Giấc ngủ tôi chìm và nặng. Giấc mơ tôi không có cánh. Giấc mơ luẩn quẩn như cuộc đời của mẹ. Trên đầu giường của bố có một ô cửa nhỏ. Cái ô cửa lạ thường cao gần sát mái mở ra một chút trời xanh. Phía dưới ô cửa, chạm ngay mái nhà bên cạnh  nên nếu nhà người ta xây cao thêm chút nữa thì chút xíu trời xanh này cũng phải bịt kín luôn. Tôi thấy mẹ thường ngồi trên chiếc ghế con, bên giường bố và ngước nhìn ô cửa đó. Trời mưa, dăm ba hạt nước hắt vào. Trời nắng được một mảng nắng vàng hoe. Oi, mảnh trời cỏn con của mẹ.Nếu như suốt ngày người ta chỉ sống với một mảnh trời cỏn con như thế!.. Không ngăn được tôi ngồi bật dậy đưa tay lùa cánh cửa sổ. Hơi lạnh ùa vào làm tôi rùng mình. Đêm ẩm ướt nồng nàn mùi đất, mùi nhựa cây, mùi lá khô ỏai mục. Tôi nghe tiếng gió rong ruỗi qua các ngọn cây. Mênh mông gió. Tôi nhìn xa xa… Một vùng sáng nhạt nhòa trong màn sương bàng bạc. Có lẽ đó là trung tâm thành phố. Đèn màu, xe cộ và du khách. Tôi, tôi cũng chỉ là du khách. một du khách trên mảnh đất mẹ sinh ra và sống hết thời thiếu nữ. Thời thiếu nữ của mẹ cũng như thành phố này, bàng bạc mù sương. Tôi chỉ lóang thóang nghe rằng gia đình bên ngọai tôi khá giả. Ong bà ngọai mất đi, căn nhà ở một con đường nào đó trong thành phố này cũng biến mất không hề lưu một dấu ấn nào trong chị em tôi. Lớn lên tôi chỉ thấy khuôn mặt mẹ khép kín, lặng lẽ, chịu đựng và những giọt nước mắt âm thầm… Tôi ý thức rất sớm rằng gia đình tôi không hạnh phúc. Nước mắt của mẹ thấm vào tim tôi từ khi mới lên hai, lên ba. Bố không cam phận làm một anh công chức xòang, bỏ việc nhảy ra ngòai hội nhập với nền kinh tế thị trường dầu sôi lửa bỏng. Người ta bảo bố thức thời; người ta bảo bố đầy bản lĩnh.Vây bọc lấy người đàn ông phong độ đó là rất nhiều phụ nữ. Họ ngang nhiên xuất hiện bên cạnh bố, thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc chỗ này, khi chỗ khác. Mẹ chỉ là chiếc bóng mờ trong cuộc đời sôi động của bố. Đau đớn, nhẫn nhục mẹ co người lại sống cuộc đời hẫm hút bên tôi. Vậy mà vẫn có thêm em Thương. Mẹ không muốn có em, quyết liệt không muốn có nhưng cuối cùng em vẫn phải ra đời. Mẹ ôm em mà khóc rồi đặt tên em là Thương. Thương em lắm! Từ đó, tôi không thấy mẹ khóc nữa. Tôi đọc được trên khuôn mặt khép kín ẩn nhẫn kia cái quyết tâm của một người từng bước một lê dần đến đích. Mẹ thầm lặng dạy chúng tôi rằng lòng tự trọng chỉ thực sự sống khi con người biết tự nuôi sống bản thân. Chị em tôi hiểu, hiểu lắm. Tôi chờ đợi ngày tôi đi làm, ngày tôi góp nhặt từng đồng xu để vun vén lo toan, và mẹ có thể đàng hòang xin phép bố được một lần rạch ròi mọi lẽ.Rạch ròi cả trên tình cảm và cả trên pháp lý. Tự do dẫu muộn màng vẫn là điều tuyệt diệu. Lần đầu tiên chạm tay vào đồng tiền mình kiếm được tôi bồi hồi như chạm tay vào một cánh cửa có thật, cánh cửa sẽ mở tung ra và bên ngòai là trời xanh… Công việc đi dần vào ổn định, thu nhập vừa có dấu hiệu khả quan, em Thương đậu vào Đại học thì đùng một cái, bố trở về. Bố đột qụy. Có cái gì vỡ toang ra từng mãnh. Tôi chóang váng. Cánh cửa đóng sập lại trước mắt tôi. Trần trụi và nghiệt ngã. Cả bầu trời xanh lồng lộng của tôi thu lại thành ô cửa như cái lỗ thông hơi trên đầu giường người bệnh. Thấy tôi xớ rớ đến gần , mẹ xua tay nuốt nước mắt nói như van vĩ: “Để đó cho mẹ. Con ra ngòai đi.” Con ra ngòai đi! Mẹ đẩy tôi về phía trời xanh. Đẩy tôi hòa nhập vào dòng đời náo động ngòai kia. Tôi đi sao đành! Tim tôi nức nở. Giữa bạn bè, giữa đám đông tôi vẫn hòan tòan cô độc. Thì đó, bạn bè tôi dưới kia, tưng bừng phố xá. Còn tôi, tôi ẩn mình vào bóng đêm như con thú tật nguyền. Đêm, bóng tối và tôi. Ngọn đèn đường nhòe nhọet. Sao lại có một thành phố buồn đến thế này. Lạnh lẽo, mịt mù sương…

*                 *
          *
     Tôi đặt bàn chân mình lên cỏ. Phía xa, mặt trời kéo một vệt sáng phớt hồng trên nền trời xanh biếc. Gío sớm lùa qua hàng thông rồi sà xuống bên tôi. Tôi rùng mình kéo cao cổ áo. Con đường dẫn tôi đi. Những mái nhà còn ngái ngủ sau hàng giậu đẫm sương. Vài người chở rau củ đạp xe cọc cạch. Màu đất đỏ bê bết, hồn nhiên. Tôi ngửng cao đầu. Gió thổi ngược tóc tôi. Những chiếc lá hình kim trên đầu lại lao xao, lao xao… Gió đưa tiếng lá đi xa về gần rồi chợt vỡ òa rạt rào chóang ngợp. Giữa hai bờ đá tảng con đường len lỏi đi. Và tôi, tôi đi về phía mặt trời. Núi đồi trở mình trong nắng ấm. Giọt nắng óng vàng như ướp bằng sương và mật. Hai bên đường chợt rực lên, nồng nàn một mầu dã qùy hoang dại. Tôi đứng trên nền đá cao nhìn những con đường quanh co uốn lượn dưới chân mình. Rất gần tôi, trên sườn đồi thoai thỏai, một ngôi nhà hiện ra dưới ánh mặt trời. Bình thường, giản dị mà sao như cổ tích. Mái ngói đỏ, cửa kính trắng, mấy gốc thông non… Ngôi nhà trông ngon lành như miếng bánh bông lan bày trên dĩa sứ. Tôi tựa mình vào gốc cây khép mắt rồi lại mở mắt ra. Bừng lên trong màu nắng, một góc nhỏ bên hông nhà là một ô cửa sổ mở tung ra. Rèm voan trắng buộc lửng,và bên thành cửa sổ, một lọ hoa vàng rực rỡ,bình yên. Hồng vàng. Tôi biết chắc đó phải là hoa hồng vàng. Tôi bước xuống những bậc đá, len lỏi dưới rặng thông và băng qua một chiếc cầu gỗ thô sơ chênh vênh không tay vịn. Như người mộng du tôi bước dần về phía giấc mơ. Không, không phải là mơ. Tay tôi đang chạm vào cánh cổng sắt đen mát lạnh. Màu sơn còn mới lắm. Những hoa văn điệu đàng uốn cong, quấn quýt vài giây tường vi hoa lấm tấm. Mộtmảnh sân nhỏ tràn trề sắc xanh cây lá. Tôi nhìn vào ô cửa mở. Mình không mơ. Chắc chắn đây là sự thật. Nhưng ô cửa kia, tấm rèm kia, mầu vàng dịu dàng của mấy cánh hồng kia… Tôi nhặt một viên sỏi nhỏ nắm chặt trong tay mình rồi quay bước. Một quán cà phê bên đường chênh vênh như mở cửa ra đón gío. Quán mộc mạc, đơn sơ và vắng vẻ. Tôi chọn một chiếc ghế, thả mình xuống úp mặt vào đôi tay. Ngôi nhà… Tôi đã thấy một lần trong tấm ảnh rất xưa của mẹ. Cánh cửa sổ mở rộng, rèm voan trắng và lọ hồng vàng… Mẹ đứng nhòai người bên thành cửa, xõa tóc, đưa tay ra như đang nói điều gì đó. Vâng, thiếu nữ đó là mẹ mặc dù chẳng giống chút gì với mẹ của tôi bây giờ. Khi tôi đưa tấm hình ra hỏi, mẹ lặng lẽ cầm lấy cất đi và không trả lời tôi. Vẫn khuôn mặt héo hắt, những giọt nước mắt cạn kiệt đã khô tận đáy lòng. Mặt trái cuộc đời… Khi hiểu ra thì đã muộn. Việc thanh không biết, việc thô không hay, mẹ hòan tòan lệ thuộc vào chồng. Một sự lệ thuộc đầy tủi nhục. Tôi biết, dưới sự phủ phàng của bố, mọi thứ trong mẹ sụp đổ chóng vánh tan tành. Tuổi thanh xuân, ước mơ, niềm tin yêu cuộc sống… Nhưng có một điều vẫn tồn tại, kiên trì và ngấm ngầm tồn tại trong vóc dáng mảnh mai, tàn tạ đó. Lòng tự trong. Tự trọng đến mức quằn quại vì đau đớn. Vậy mà mẹ vẫn phải bám vào bố. Dứt khóat với bố thì lại phải tựa vào người khác. Mẹ rùng mình… Còn hai đứa con… Bố là cha. Bố có bổn phận. Chị em tôi có quyền đàng hòang nhận sự dưỡng nuôi từ bố. Mẹ biết, một khi đã dứt khoát thì ba mẹ con đừng hòng nhận được một đồng trợ cấp. Bố cũng biết, biết rất rõ nên tháng tháng chị em tôi vẫn nhận  vừa đủ tiền ăn học. Vừa đủ để cả ba sống hẩm hút trong căn hẻm tồi tàn. Lâu lâu bố ghé qua. Khi thì một mình, khi thì một cô, một dì nào đó kèm theo. Bố nhìn quanh nhà, nhún vai cười khẩy: “Mẹ con bà thì đâu cần nhà cao cửa rộng. Những thứ đó… đời thường quá mà”. Mẹ lặng lẽ quay đi, đau đớn không phải vì ghen. Tôi nhìn hai người và hiểu, hiểu tất cả.
      Nắng đã lên cao rồi. Mặt trời hào phóng ném những tia nắng vàng kim xuống núi đồi xanh biếc. Rặng thông chở đầy những búp non xòe tay vươn mình đón nắng. Mầu nắng trong veo. Bầu trời trong veo, Tiếng chim, tiếng gió cũng trong veo… Tất cả trãi ra trước mắt tôi như một mảnh đời bằng pha lê, chạm vào sẽ vỡ.
     _ Này, đây là quán cà phê, không phải đang ngồi trước cái máy tính đâu nhé.
     Tôi giật mình quay đầu lại.Quân đang vịn tay vào thành ghế nhìn tôi cười. Rồi cũng rất tự nhiên anh kéo một chiếc ghế ngồi đối diện tôi:
     _ Đi ngòai kia nhìn cái dáng em ngồi trong quán là nhận ra ngay. Không nhầm vào đâu được. Cái lưng lúc nào cũng thẳng chín mươi độ.
     Tôi cười. Thay vì ngả lưng ra thì lại nhòai người xuống bàn tựa cằm vào đôi tay. Anh là sếp của tôi, dĩ nhiên chỗ ngồi và cách ngồi phải khác. Tôi nhìn lên bàn. Chiếc máy ảnh đựng trong túi da đen bóng của anh đặt bên cạnh chiếc ví cũ sờn của tôi. Chiếc ví nhỏ có con bướm bạc tôi mua từ hôm nhận được đồng lương đầu tiên. Anh vớ lấy chiếc máy ảnh loay hoay mở nắp đưa ống kính ngắm nhìn xung quanh rồi hỏi bâng quơ:
     _ Em đi làm được mấy năm rồi nhỉ?
     _ Dạ ba năm.
     _ Ừ, tôi cũng nhớ là ba năm. Thế có bao giờ em chán Cao Đăng và muốn tìm nơi khác không?
     Tôi cúi đầu. Chán! Hình như trong công việc chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến điều này. Tôi nghiêm túc, cần cù, tỉ mẩn. Tôi kiên trì, thận trọng từng bước một. Quân vẫn loay hoay với cái máy ảnh, không nhìn tôi:
     _ Cứ ngồi mãi một chỗ thì cũng chán.
     _ Nhưng với em, để có một chỗ ngồi cũng khó lắm anh. Người ta đâu có dành sẵn chỗ cho mình.
     Anh đặt chiếc máy xuống, nhìn thẳng vào mắt tôi cười:
     _ A, thế nghĩa là vẫn có những cái ghế dành sẵn. Như tôi… Mà em nói đúng. Nếu tôi không là con giám đốc có lẽ tôi đã ngồi ở một chỗ khác, thú vị hơn.
     Tôi không trả lời anh. Anh nhấp một ngụm cà phê, vẫn nhìn vào mắt tôi:
     _ Nói thật nhé. Em làm việc cần mẫn và đầy tinh thần trách nhiệm. Em có năng lực và thông minh nữa …
    Anh bỏ lửng câu nói, nhẩn nha nhấp một ngụm cà phê nữa rồi thong thả:
     _ Nhưng em thiếu một chút liều lĩnh của tuổi trẻ. Một chút thôi mà đôi khi nhờ nó lại thay đổi hẳn cả tương lai.
     Tôi như vừa bước hụt chân. Liều ư? Nếu sơ sẩy tôi bám vào đâu? Bạn bè cùng lứa với tôi ra trường tụi nó nhảy năm bảy chỗ. Có đứa thành công, lên vùn vụt, có đứa mất việc cả năm trời không tìm được chỗ làm. Tôi dám liều không? Không! Cả mấy mẹ con trông chờ vào đồng lương của tôi. Giờ thêm cả bố…
     Đột qụy lần thứ nhất, chị em tôi hay tin tìm đến thăm. Bố nằm phòng lạnh. Sữa ngọai, trái cây đắt tiền chất đầy chiếc bàn con. Dì Mai đón được bố về chăm sóc cười hể hả: “Ong cứ như ông trời con.” Chị em tôi giấu mấy trái cam dưới gậm bàn. “Ong trời con” nằm đó vẫn tràn trề quyền uy và sức sống. Rồi bố dần dần hồi phục. Rồi du lịch, rong chơi, biệt mù tăm cá. Đột qụy lần thứ hai. Lần này thì không gượng dậy được nữa. Chị em tôi hay tin, chưa biết tìm đến đâu thăm viếng . Bố trở về, trên chiếc taxi với một ông bạn già. Mẹ là người tỉnh táo đầu tiên chạy ra đón bố. Không ai nói với ai lấy nửa lời. Ong bạn gìa ngượng ngập, lúng túng “bàn giao” xong vội vã cáo lui. Từ đó, tấm thân bất động nằm dán xuống giường. Đầu óc không bình thường nữa, lúc quên, lúc nhớ.Không còn gì cả. Sạch sành sanh!... Thực tế giáng vào mặt tôi một đòn chí tử. Tôi không có quyền gục ngã nhưng tôi lảo đảo bước chông chênh… Liều lĩnh! Thiếu một chút liều lĩnh có nghĩa là tôi thiếu tự tin và có nghĩa là mặt năng động có phần hạn chế. Tôi hoang mang. Một ông sếp đang mổ xẻ nhân viên. Đắn đo cân nhắc như cầm một công cụ trong tay để liệu cách dùng. Sếp đang nhìn rõ vào điểm yếu của tôi nhận định rạch ròi. Tôi sắp mất việc làm ư? Quân vẫn hướng thẳng tia nhìn vào tôi:
     _ Tôi có trách nhiệm với Cao Đăng, công ty của gia đình tôi. Tôi phải ngồi đúng chỗ của tôi để tiếp tục gánh vác công việc. Tôi có bổn phận phải phát triển công ty cho xứng tầm của nó. Để đảm nhận gánh nặng này tôi cần phải tích lũy kinh nghiệm, phải vạch chiến lược năm năm, mười năm. Đó là chuyện của một công ty. Còn việc của mỗi cá nhân lại khác. Tương lai một con người đôi khi chỉ quyết định trong thời gian ngắn. Thời gian ủng hộ tôi và công việc của tôi, nhưng thời gian không chờ đợi em.
     Tôi nhìn anh, lòng đầy lo sợ. Anh nói với tôi những điều đó để làm gì? Liệu đây có phải là cách vào đề khéo léo…
     _ Nói thẳng ra là thế này. Cao Đăng không rộng đường cho em thăng tiến. Mà em thì có năng lực và tuổi trẻ. Nhìn cách em làm việc tôi thấy rõ điều này. Tôi quen vài chỗ. Tôi mạnh dạn giới thiệu em đến đó. Em sẽ mở rộng tầm nhìn, sẽ rộng đường bay.
     Tôi mở to mắt, có cảm tưởng mình vừa rơi xuống từ đâu đó:
     _ Nhưng em…
     _ Em sợ chứ gì? Không dám liều chứ gì? Cứ thử đi, nếu không thích hợp thì trở về. Cao Đăng sẳn sàng mở cửa.
     Anh đứng dậy, quay lưng về phía tôi. Lại đưa máy ảnh lên thản nhiên nhìn ngắm, bấm máy:
     _ Về công ty em đến gặp tôi nhé. Mình bàn vấn đề này cụ thể hơn.
      Vẫn không quay lại, anh nhảy xuống từng bậc đá, cười thành tiếng:
     _ Mà tôi nói trước nhé, không có ghế dành sẵn cho em đâu. Em phải chứng tỏ có đủ năng lực ngồi vào chỗ đó.
     Tiếng cười anh giòn tan trong màu nắng trong veo.
*                      *
            *
    
     Tôi không ngủ được. Làm sao tôi ngủ được. Lời đề nghị lạ lùng của anh ám ảnh tôi. Liệu tôi có nên thả mồi bắt bóng? Nhưng cánh cửa tương lai vừa hé mở kia hứa hẹn một bầu trời thênh thang quyến rũ quá. Tôi có đủ sức bay không? Điều gì chờ đợi tôi phía trước? Tôi đang tựa vào đâu đây? Lòng tốt ư? Lòng tốt… Tôi chợt rùng mình. Mai tôi về rồi. Bỏ lại thành phố đầy những điều kỳ diệu. Thành phố như mơ, như thần thọai. Ba hôm liền tôi bỏ bạn bè đi lang thang. Đi theo đòan thì cũng chỉ có lên xe, xuống xe, tạo dáng chụp hình và mua sắm. Nhưng tối qua mấy cô bạn cùng phòng bắt đầu bàn tán về chuyến tham quan du lịch lạ thường của tôi. Càng lạ lùng hơn nữa là mấy hôm rồi sếp cũng biệt tăm. Không đi theo đòan vậy thì đi đâu? Người ta nhìn tôi ngờ vực. Không, tôi đâu biết gì, tôi chỉ gặp anh một lần duy nhất, bữa đầu tiên. Sếp có việc của sếp. Quan tâm làm gì. Nhưng bạn bè không nghĩ như tôi. Người ta xầm xì khúc khích: “Một kiểu Lọ Lem thời a còng”. Tôi nghe nhưng bỏ ngòai tai. Nói chung, tôi chẳng mơ gì đến Lọ Lem, dù a còng, a móc gì cũng vậy. Cứ ngồi nhặt hạt đậu đen đậu trắng, đậu trắng đậu đen và chờ hòang tử. Mà nếu hòang tử không đến thì cuộc đời chẳng lẽ chỉ đậu trắng với đậu đen… Phớt lờ trước những ánh mắt hòai nghi tôi lại kéo cao cổ áo ra đi một mình từ sáng sớm. Ba hôm liền, sáng nào cũng vậy, điểm đến đầu tiên trong ngày là ngôi nhà nhỏ. Tôi không gặp ai trong nhà nhưng ô cửa thì cứ mở rộng như chờ đợi tôi. Tôi nhìn trời nhìn đất nhìn ô cửa nhỏ ứa nước mắt. Đây cũng là một cảnh đời ư? Thế còn cảnh đời tôi đang sống? Một lần về muộn, vừa bước lên gác tôi nghe tiếng bố quát tháo:
     _ Này, tôi biết chán đi chứ. Tối nào cũng la cà ngòai xe hủ tiếu gõ. Thằng cha đó, nó chết vợ, nhưng còn bà, bà phải biết, chồng bà vẫn còn sống nằm đây.
     Mẹ ngồi dưới sàn lênh láng nước, chiếc thau nhựa lăn lóc, xuôi hai tay ngước nhìn trần nhà rên rĩ:
     _ Ong để cho tui sống với. Tui sống, tui hầu hạ ông.
     Bà nuốt nước mắt cúi đầu nhìn tô hủ tiếu của “tình nhân” .Tôi nhìn theo súyt cười thành tiếng. Một tô nước lỏng bỏng loe ngoe mấy cọng mì với mấy miếng thịt mỏng tang như giấy. Tối tối chị em tôi về muộn, mẹ chờ cơm vẫn thường lót dạ tô mì. Tôi ngao ngán. Nguyên nhân cơn thịnh nộ là đây. À, thì ra con người tung hòanh ngang dọc một thời giờ đây trở về ghen với anh… hủ tiếu gõ. Sau lần đột qụy, đầu óc không còn bình thường đó vẫn còn đủ sáng suốt để hiểu rằng bà vợ già, héo hắt mà mình quăng lăn lóc giờ đây là chiếc phao cuối cùng phải bám vào. Và ông sợ hãi bám riết. Đêm, ông bắt mẹ phải kê giường nằm bên. Tôi nhìn tấn bi hài kịch đó không biết nên khóc hay cười.  Tôi ấm ức. Vậy thì các cô, các dì đâu hết? Còn con riêng, con chung… Tôi không rõ gì mấy. Chỉ nghe một dạo bố có con trai, rồi một thời gian sau nghe đâu bố bị người khác đòi lại quyền làm bố. Nào ai hiểu. Bây giờ họ lặn mất cả. Chỉ còn một người biết có trước có sau đưa lưng vào gánh hết…
     Tôi lại đứng trước cánh cổng sơn đen. Thôi nhé, ngày cuối cùng. Chào ô cửa nhỏ, chào lọ hồng vàng, chào núi đồi, dã qùy rực ấm. Tôi đưa tay kéo cao cổ áo.
     _Đã đến thì vào.
     Tôi giật mình nhìn lên. Quân ở đó. Chưa hết bàng hòang, tôi đứng chôn chân nhìn anh mở rộng cửa:
     _ Thì em cứ vào chơi.
     Tôi ngỡ ngàng, hoang mang nghe anh nhắc lại lời mời lần thứ hai. Những viên sỏi dưới chân tôi lạo xạo. Không dám mạnh chân tôi cứ sợ chúng bằng pha lê. Tôi đi giữa vạt thạch thảo tím mênh mông, hoa bươm bướm nhún nhảy, xòe cánh tung bay. Tôi qua một dãy hành lang lao xao thông xanh và chiếc bàn đá thấp. Tôi bước lên  những bậc thang mát lạnh  và cuối cùng đứng trước ô cửa “của tôi”. Ô cửa mở tung. Gió lay rèm voan trắng. Tôi nhòai người ra cửa sổ, chạm tay vào đóa hồng vàng. Tôi nhìn Quân, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
     _ Em ngồi chơi. Tôi thay mặt chủ nhân… tiếp khách.
     Rồi anh lại cười:
     _ Chủ nhà đang bận chút việc. Mà thôi, nói để em khỏi ngạc nhiên. Tôi cũng như em thôi, cũng rất thích cái vẻ bình yên thanh thản của ngôi nhà này. Nhưng tôi gõ cửa. Thấy ngôi nhà đẹp, tôi gõ cửa làm quen. Chuyện đơn giản là thế.
     Một thiếu phụ bước vào, chiếc khay nhỏ trên tay khoan thai từ tốn nhìn tôi mỉm cười:
     _ Cô Thư đấy phải không? Anh Quân có nhắc đến cô. Mà tiếc thật. Mai hai em lại về Sàigòn rồi.
     Quân hất mái tóc ngã người ra ghế:
    _ Về rồi … đến hẹn lại lên.
     _ Cà phê buổi sáng nhé. Ừ, có những cái hẹn như thế đó. Đôi khi chẳng hẹn với ai, chỉ hẹn với lòng mình. Như tôi với thành phố này… Mấy chục năm trước tôi cũng ở thành phố này. Rồi bôn ba xứ ngươi… nhớ lắm.
     Bà đẩy chiếc tách men sứ trắng tinh về phía chúng tôi. Càphê sóng sánh, một làn khói mỏng tanh tỏa hương ấm áp. Giọng bà đầy hòai niệm:
     _ Hồi đó tôi ở dưới kia, gần chợ. Nhà nghèo, mẹ tôi gánh hàng bán rau củ. Tôi phải rửa cả thúng khoai tây, cà rốt bên cái giếng gần nhà. Trời rét cắt da, đất đỏ nhầy nhụa… Tay chân tê cóng như không còn cảm giác.
     Tôi nhìn thiếu phụ. Chiếc áo khóac, cổ áo kéo cao lên như một chiếc kimono ôm lấy cần cổ mảnh mai. Mái tóc vén cao, vài sợi lòa xòa vì gió.
     _ Tuổi mới lớn tôi mơ một căn phòng riêng để được tự do một mình. Đơn giản chỉ để giấu đi một cuốn nhật ký, giấu đi những vui buồn riêng tư. Tôi có một cô bạn thân, là hiện thân những gì tôi mơ ước. Đến chơi, bạn đưa tôi vào phòng riêng đóng cửa lại vui đùa với nhau. Nhưng ô cửa sổ thì lúc nào cũng mở rộng. Ô cửa sổ có rèm voan trắng và cắm một lọ hồng vàng…
     Tôi lặng người đi. Ai đó đang chạm vào những đường tơ rất mảnh tận đáy lòng tôi. Những đường tơ ngân lên đau đớn.
     _ Nhà bạn tôi ở trên một con dốc . Dạo đó thành phố không như bây giờ, còn nguyên sơ lắm. Sau này cô bạn bé nhỏ của tôi lấy một ông chồng cao lớn vững vàng như thông. Cảnh đời mỗi đứa một khác. Bạn tôi lúc nào cũng an nhàn hạnh phúc. Còn tôi, lăn lộn với cuộc đời, nổi trôi, phiêu bạt.
     Tiếng Qưân cười khẽ:
     _ Nhưng cuối cùng thì bác vẫn trở về đây.
     _ Về chứ. Tôi chọn mua một mảnh đất xây một ngôi nhà nhỏ mang dáng dấp ngôi nhà mơ ước ngày xưa. Tôi cũng mở cửa sổ và cắm lọ hồng vàng… Này các bạn trẻ, cô bạn trong veo của tôi giờ không biết nơi đâu nhưng nếu hôm nào vô tình qua đây nhìn thấy ô cửa này biết đâu chẳng gõ cửa.
     Quân nâng tách càphê, mắt anh lung linh sau làn khói mỏng:
     _ Cô ấy sẽ gõ cửa bác ạ. Như cháu… Mặc dù cháu không phải là người bác mong đợi.
     _ Không, tôi vẫn mong đợi tất cả những tấm lòng. Hai bạn như tôi, yêu thành phố này, yêu một ban mai trong lành, yêu một ô cửa mở rộng. Chúng ta gặp nhau như một căn duyên. Và cả bạn tôi nữa. Cô ấy sẽ trở về…
     Tôi khép mắt tựa lưng vào chiếc ghế mây. Không, cô ấy đã trở về. Từ trong tiềm thức, những gì tinh khôi trong lành nhất vãn sống. Như những mầm cây, ngủ vùi trong đất nâu để một mai bừng dậy. Như những bụi dã qùy hoang dại cứ đến mùa lại hồn nhiên vàng rực núi đồi. Tôi mang một trái tim đau trở về giữa mùa hoa. Học bài học vỡ lòng từ cây cỏ. Núi đồi uốn những đường cong thanh xuân bao năm rồi vẫn đợi. Và màu hoa vàng, màu hoa vàng dung dị, sao quá đỗi nồng nàn rực ấm caû loøng toâi.