Trang chủ » Truyện

NGỌN NGUỒN KHÚC NÔI

Đàm Lan
Thứ tư ngày 12 tháng 5 năm 2010 5:44 AM
 
Truyện Ngắn

         “Tại sao mình lại đứng ở đây ? vào giờ này. Cái khung gỗ hình vòng cung này, chưa bao giờ mình thử tưởng tượng sẽ sờ vào nó, mà bây giờ mình đang chống tay vào nó. Nó đang là một bức tường thành ngăn mình với thế giới quen thuộc của mình ngoài kia. Lẽ ra, thay vào cái khung gỗ hình vòng cung này là một chiếc bàn dài mới phải. Cho dù, mình chả ưa nó một tí nào cả. Và cho dù không hề ưa thích, không hề gắn bó, cũng không hề phải nhọc công hì hục, bằng một thứ thủ tục đơn giản nào đó, vẫn cứ mỗi năm mình lại bước vào một ngưỡng cửa theo số thứ tự đi lên. Mình cũng chẳng cần tìm hiểu vì sao lại thế ? đơn giản là mình làm theo ý muốn của những người sinh ra mình, và cũng là một cách thức cần thiết để được đáp ừng nhiều nhu cầu khác.Nhưng cho dù thế nào thì nơi đó vẫn tốt hơn là chỗ đứng này nhiều, rất nhiều. Một chỗ đứng mình không hề mảy may mơ tưởng đến, ba mẹ mình cũng không bao giờ mong muốn, mà trên đời này, không một ai, không bao giờ mong muốn. Vậy cái gì đã đẩy mình vào đây ? Minh không biết. Thực sự không biết. Mà tại sao con dao ấy lại ở trong tay mình đúng vào lúc ấy ? Mình cũng không biết nốt. Hình như đã khuya, rất rất khuya rồi, vẫn còn đến cả nửa thùng 33, mà trước đó đã mấy cái thùng không lăn lóc rồi nhỉ ? Cũng chịu thôi, mình chả nhớ nổi. Khuya quá, uống nhiều, nóng, cồn, lại như có một cái gì thúc mạnh trong lòng trong dạ mình, không chỉ riêng mình, mà cả tụi nó nữa chứ. Cả tụi nó, bảy thằng, cái này thì mình nhớ rất rõ, rất rõ là bởi vì sau lưng mình là sáu thằng cũng đang đứng xếp hàng ngang kia. Bảy thằng tụ tập nhau từ lúc chiều, uống và uống, thì lần nào chả thế. Huống chi lần này mình đi hơn nửa năm mới có dịp về, phải gặp nhau, phải uống và phải quậy nữa, quậy càng tưng càng vui. Muốn quậy tưng thì phải ra đường, ở trong nhà thì quậy cái gì được, chán chết. kéo nhau đi, đi thôi tụi mày ơi. Cái này thì mình nhớ. Ra đường lúc nửa khuya thú không chịu được. Chẳng có mấy ai ngoài đường vào giò ấy cả. Tha hồ mà tay lái lụa, không chỉ lụa bình thường đâu nhá, lụa đẳng cấp cơ đấy. Chà cực kỳ khoái. Gió mát vù vù, tay ga tăng maximum vun vút. Ba cái xe thi nhau biểu diễn, thằng nào cầm lái cũng quái xế xa lộ cả mà. Lẽ ra cứ chạy thẳng chứ, cứ chạy thẳng trên đại lộ ấy, sao lại bỗng dưng cua vào một đường ngang ? À, cua vào đường ngang để biểu diễn một cú ôm cua ngoạn mục. Cái đường ngang ấy lại có dải phân cách, có bao lớn đâu mà bày đặt dải phân cách. Mình ôm cua ngọt lịm, dải phân cách chẳng là cái đinh ri rỉ chi cả. Hứng chí hét một hơi cho hả. Chẳng nghe thằng nào hét phụ. Cái gì ? dóc tổ, dzậy mà đòi…coi coi…Cái đầu mình sao bỗng nhiên ong ong lên vậy ? Người ta đang nói gì thế ?...
- Một hành vi hết sức côn đồ và dã man. Một hành vi mất nhân tính
không thể tha thứ được. Tôi đề nghị…
         “…Côn đồ và dã man. Cái thứ ngôn từ này sao mà gớm ghiếc vậy. Mình vẫn thường được nghe những thứ ngôn từ khác cơ, mỹ miều và hoành tráng hơn nhiều. Gia Cát đại ca. Bạch Kim công tử. Người hùng thế kỷ. Cụm từ nào nghe cũng sướng cái lỗ tai. Còn phải nói. Năm thông bảy thạo những trò những cuộc lắm mới được phong tặng như rứa chứ. Gì chứ Bạch Kim công tử là ga lăng, là sành điệu miễn chê. Gì chứ Gia Cát đại ca là chịu chơi tới bến từ sòng ra bãi, từ nhà hàng này đến karoke nọ là chuyện bình thường. Xa lộ Đại Hàn may ra mới tạm gọi là đủ chỗ cho những ngón nghề thượng đẳng của những cuộc đua bá chấy cho Người hùng thế kỷ này nhé. Các em mắt xanh môi đỏ cứ gọi là tha hồ mà chen… Vậy mà sao bây giờ mình lại đứng đây ? lại có những cụm từ không lọt tai tí nào thay thế cho những gì hàng ngày hàng ngày mình vẫn nghe như rót nhạc. Máu. Đúng là máu đã tứa theo bàn tay mình, mình còn chùi nó vào quần. Không chỉ có máu, mà còn một đôi mắt mở hết cỡ, nhìn chết trân vào mình. Sao thế nhỉ ? Mình quay xe lại khi thấy các chiến hữu lăn lê ra đường. Mình quẳng xe đánh rầm một cái khi thấy các chiến hữu alaso vào phe bên kia. Mình cũng nhảy vào, mình làm gọn một nhát. Một nhát một thôi. Một nhát đáng một nhát. Rồi có tiếng hét to “Chạy đi”. Chạy. Ừ, mình chạy. Chạy miết chạy miết…”
         “Chưa bao giờ tôi thấy mình thật sự bất lực như lúc này. Nó kia. Cái thằng con trai của tôi mặt mày sáng láng bảnh bao đang đứng kia. Chỉ cách có mấy bước chân, mà tôi không thể sờ nắm lấy nó, không thể lôi tuột nó ra khỏi cái chỗ chết tiệt mà nó đang phải đứng kia. Mà thật là tôi cũng không ngờ, không thể ngờ được, cái bàn tay thanh mảnh trắng trẻo như con gái kia mà lại có thể thực hiện được một động tác cực kỳ nhuần nhuyễn đến thế. Nhuẫn nhuyễn đến độ nạn nhân đã không còn một mảy may cơ hội nào. Tôi chưa từng dạy nó một điều gì liên quan đến hành động ấy, cho dù rất ít khi cha con ngồi lại được với nhau mà tâm sự mà hỏi han, nhưng tôi thề từ trong tận cùng tâm can, tôi chưa từng mong muốn bàn tay thư sinh của nó kia lại nhúng vào một thứ chất dịch màu đỏ. Không, không hề. nhưng tại sao ? tại sao ? tại sao ? Có ai trả lời giùm tôi cái câu hỏi oan nghiệt này không ? Nó chỉ mới hai mươi tuổi thôi. Cái tuổi này, với tôi thuở xa xưa thì đã biết lấm lem dầu mỡ, đã biết cắn răng chịu đựng những lời nặng tiếng nhẹ cho đi qua được một bước đường, một bước đường cay cực nhưng lại là tiền đề cho những bước đường thẳng thớm thênh thang về sau. Tôi đã không muốn cho các con tôi phải cay cực như thế. Tôi đã hết sức hết mọi khả năng cho chúng có những bước đi thuận lợi suôn sẻ hơn tôi gấp vạn lần. Tôi đã sai sao ? sai ở đâu ? Không lý nào lại thế. Làm gì có chuyện một người cha mang hết cuộc đời mình ra trải thảm cho những bước chân con mà lại là sai. Tôi không sai, không hề sai. Nhưng tại sao giờ phút này tôi phải chứng kiến một cảnh tượng, một cảnh tượng mà dù trong một giấc mơ hãi hùng nhất tôi cũng chưa từng mơ thấy. Không chỉ bây giờ mới ngồi đây chứng kiến. mà từ khi nghe hung tin, tôi đã bằng mọi cách thu dọn cái hậu quả khủng khiếp từ bàn tay rất đỗi thư sinh của nó kia. Tiền. Tiền. Là cái thứ mà lúc này tôi vô cùng thấm thía trị giá của nó. Mặc dù, tôi đã từng vận dụng không biết bao là cách thức, đòn phép để chất nó cho đầy (mà vẫn luôn thấy chẳng bao giờ đầy) vào những nơi có thể chất được. Bây giờ, những ngày qua, nó ùn ùn kéo đi, kéo đi như những chiến binh thực thụ để thi hành một sứ mạng. Cái sứ mạng hiển nhiên ai cũng có, luôn luôn có, nhưng bất chừng lại để tuột nó khỏi tay và rồi lại tìm hết cách mà lôi nó trở lại, van nài nó trở lại. Tự do.Những con số làm tôi chóng mặt, nhưng không chóng mặt bằng khi đôi tay mảnh khảnh kia bị thòng vào một thứ vật dụng. Cái thứ vật dụng luôn biểu trưng cho một thứ hạng người đáng lên án trong xã hội. Vậy mà lại được tròng vào cổ tay con trai tôi. Để cái mặt tôi hầu như không thể ngẩng ngang với bất kỳ khuôn mặt nào, kể cả bác lao công trong công ty hàng ngày luôn cúi chào thật cẩn thận. Bây giờ tôi vẫn nhận được những cái cúi chào đấy thôi, nhưng tôi cảm nhận một cách rõ rệt, rằng đằng sau những cúi chào ấy là những tràng cười ngạo nghễ, những lời châm chọc, phỉ báng, những ánh mắt khinh khi miệt thị. Tôi biết hết, cảm nhận được hết, nhưng lại không thể tỏ ra được một thái độ tức tối giận dữ nào, không thể lớn giọng mà quát tháo rằng “các người cười gì, nói gì, không phải lỗi tại tôi, tôi cũng đã khổ sở lắm rồi…” Không phải lỗi tại tôi. “Lỗi tại tôi lỗi tại tôi mọi đàng” Một câu kinh hằng vang của đạo Thiên Chúa. Lội tại tôi. Hình như thế. Không thể bảo rằng tồi không hề có lỗi. Tôi đã sinh ra nó mà. Tôi đã sinh ra cuộc đời này một con người. Nhưng là một con người thế nào ? Trời ơi ! Tôi vỡ đầu ra mất thôi. ..”
- Cho dù phía gia đình bị cáo cũng đã hết sức khắc phục hậu quả, bản
thân bị cáo là sinh viên, chưa từng có tiền án tiền sự, nhưng xét thất tính chất vụ việc hết sức nghiêm trọng, là một mối hiểm họa cho xã hội nếu như không bị trừng trị thích đáng…
         “Trừng trị thích đáng. Trời ơi ! Con tôi. Con ơi ! Liệu người ta sẽ kết án con bao nhiêu năm đây ? Con ơi, con có biết mẹ dang đứt từng khúc ruột ra đây không con ơi ? Từ khi con chào đời, mẹ chưa từng đánh con một roi đau, chưa từng mắng con một lời khó nghe, Vậy mà bây giờ mẹ cắn răng ngồi đây để nghe bao người sỉ vả nhiếc móc con, Con ơi, làm sao mẹ ngờ được có ngày hôm nay. Biết bao lần mẹ khóc lóc van nài con lo học hành cho tử tế, con cần bao nhiêu tiền mẹ cũng cho, con thích gì mẹ cũng mua, con trai của mẹ là hay nhất là giỏi nhất trên đời này. Vậy mà bây giờ con có nghe người ta đang nói gì không ? “Con hư tại mẹ”. Mẹ đã hết sức thương yêu chìu chuộng con, vậy là mẹ sai sao ? Ai sinh con ra mà không thưong yêu chăm sóc. Ai sinh con ra mà không muốn con mình rạng rỡ mặt mày. Mẹ yêu chìu con, chăm lo cho con cũng chỉ mong có thế thôi. Vây mà bây giờ con đã làm nên chuyện gì đây ? Mẹ hoài nghi, mẹ ngờ vực, đứa nào ? đứa nào đã đổ vấy tội ác ấy cho con, mẹ không thể tin con trai mẹ lại có thể giết người. Mẹ không tin. Không bao giờ tin. Vậy mà chính miệng con…Trời ơi ! Giá như mẹ chết ngay được lúc mới nghe tin ấy để bây giờ không đau đớn vò xé trong lòng thế này. Mẹ van nài người ta, mẹ lạy lục người ta, mẹ chẳng còn kể gì đến sĩ diện, lòng tự trọng mà quỳ xuống trước mặt người đàn bà ấy để cầu xin cho con. Giá mà bà ấy đánh đập chửi mắng mẹ thế nào đi nữa mà tha cho con thì mẹ cũng chịu đựng được hết. Nhưng con ơi ! Cho dù bà ấy có tha thì pháp luật cũng không tha. Ba mẹ cũng đã chạy đủ các cửa rồi, bây giờ chỉ còn biết trông vào một vận may, vận may ấychỉ có thể giành giật lại cho con thêm một chút thời gian tự do, bớt đi một chút những cực nhục chốn lao tù. Nhưng có bớt đi được ít nào thì từ đây con cũng đã mang một vết chàm loang lổ trên mặt rồi con ơi. Ba mẹ và các anh em con cũng không còn dám nhắc đến hai chữ công bằng với ai được nữa. Có ai nhìn được bằng một ánh mắt công bằng với một tội danh kinh khủng thế đâu. Con ơi là con ! Con đã dìm cả nhà ta vào một vũng bùn đen đúa, đã đánh mất tương lại cả một cuộc đời chỉ vì một giây nóng vội. Người ta đâu có thù oán gì với con mà con lại dễ dàng ra tay đến thế hở con ? Mẹ bây nhiêu tuổi đầu rồi cũng chưa từng hung hãn với ai kể cả khi có phải chịu thiệt thòi. Vậy mà sao con trai mẹ lại…Vì sao con lại có thể làm thế ? Con muốn chứng tỏ sự anh hùng của mình trước mặt những đứa bạn hư hỏng của con chăng ? Mà sao con không biết chọn bạn mà chơi ? con lại đi với những đứa mà chỉ nhìn mặt thôi mẹ cũng đã thấy lo lắng rồi. Vậy mà con từng ăn ngày ngủ đêm với chúng, từng đem không biết bao nhiêu tiền của mẹ, những đồng tiền ba mẹ đã tích cóp, những đồng tiền mẹ đã dấm dúi cho con, con đem đi bao đài chúng, để rồi chúng dẫn dắt con đến ngày hôm nay như thế này đây. Chúng cho con được những gì hở cơn ? Ngoài những lời tán tụng vô chừng khiến con thấy mình sung sướng. Mẹ và các anh chị em con không thể nói được những lời cho con sung sướng thế, nên con thường quay ngoắt đi mỗi lúc mẹ bắt đầu lên tiếng. Con có biết không ? Bao đêm mẹ không ngủ dược vì lo lắng cho tương lai của con. Con sẽ có một tương lại thế nào khi con cứ thích chơi đùa ngỗ ngược, con không hề quan tâm một chút nào đén chuyện học hành. Để rồi năm nào mẹ cũng phải đến nhà cô kia thầy nọ, với những chiếc phong bì xin điểm cho con, cho con không phải xấu hổ với bạn bè vì sự dốt nát, cho con vẫn có đủ tư thế đĩnh đã đàng hoàng như mọi người. Mẹ cũng rất biết đó là việc không nên làm, lẽ ra mẹ nên gây dựng cho con bằng một cách khác cơ. Nhưng mẹ vẫn hoài vọng rằng, sẽ một ngày con biết ngẫm nghĩ, biết lo lắng, biết tự lớn lên một chút chứ không trẻ con mãi như lâu nay. Vậy mà khi con chưa kịp lớn thì đã…Trời ơi ! Con ơi ! Mẹ chết mất con ơi !”
- Tôi. Luật sư bào chữa cho bị cáo xin quý toà xem xét những tình
tiết giảm nhẹ, mới phạm tội lần đầu, tự thú và hết sức khắc phục hậu quả, để bị cáo có cơ hội tu tỉnh, hối cải, làm lại cuộc đời.
“Giảm nhẹ ư ? Tôi chỉ muốn băm vằm nó ra thôi. Trả lại con cho tao,
Hỡi kẻ ác nghiệt kia ! Cái mặt mày còn non choẹt thế mà đã dám làm chuyện tày trời, thì để mày sống mà làm gì hả ? Nếu cha mẹ mày không quỳ mọp mà van lạy thì mày phải đền mạng con tao rồi. Mày không nhìn thấy mẹ mày lăn lộn khóc lóc thế nào đâu cái thằng bất hiếu bất nhân kia ? Mẹ mày đã ăn phải một lời nguyền rủa gì khi sinh ra mày ? Nhưng tao không thể sắt đá trước sự đau khổ của cha mẹ mày, vì tao cũng là mẹ. Là mẹ. Ôi con ơi ! Từ giờ mẹ không còn được nhìn thấy con nữa, không được nghe con cười, con nói, cho dù con cũng lắm lần nói những lời mà mẹ không vui. Bao ước vọng mà mẹ luôn gửi gắm vào con, trông mong vào con, giờ trắng tay tất cả rồi. Không còn nữa đôi bờ vai chắc khoẻ cho mẹ và các am cậy nhờ khi vì cha con không còn nữa. Không còn nữa cái tương lai khanh khách những tiếng cười vui của những đứa cháu nội yêu dấu gọi bà. Con ơi ! Mẹ đã van nài con bao lần rồi, con có đi chơi bạn bè gì thì cũng liệu giờ mà về, để mẹ khỏi trông mong, khỏi lo lắng. Mà con có chịu nghe lời mẹ đâu. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Không chỉ gặp ma, mà con đã gặp quỷ. Quỹ dữ đã lấy mất con khỏi mẹ rồi, con ơi ! Cha con mất sớm, mấy mẹ con mình vẫn nó đủ cùng nhau, sao con nỡ bỏ mẹ và các em mà đi sớm thế hở con ? Con đi mà không kịp nói với mẹ một lời Giờ này con đang ở đâu ? Con đã gặp cha con chưa ? Con kể chuyện gì cho cha con nghe ? Trời ơi trời! Tôi kêu trời cao, trời cao không thấu nổi. Chỉ có những làn hương khói trắng trả lời tôi. Con ơi ! Con ơi !”
- Sau khi nghị án. Bị cáo nghe toà tuyên án.
         “Mình làm sao thế này ? Mình như mất hết cảm giác rồi. cái điều kinh khủng nhất nó đang đến kia rồi. Mình không thể chạy thoát được nó nữa rồi. Mình muốn chạy ngay khỏi nơi này. Mình sợ quá, có phải mình sắp chết rồi không ? Người ta sẽ tử hình mình sao ? Ba nói yên tâm, ba lo liệu cả rồi. Vậy thì chắc mình không chết đâu. Thế thì tù, Tù. Nhưng bao lâu ? Mấy chục năm hay hết cả đời mình ? mà mấy chục năm thì cũng coi như hết đời rồi còn gì. Bạn bè chắc chạy hết rồi, mấy cô bé xinh xinh của mình chắc cũng chạy hết luôn. Ừ mà tụi nó chạy hết cũng đúng thôi, ai lại đi bạn với một thằng tù, yêu một thằng tù. Thế là mình hết thật rồi. Trời ơi ! Sao mình muốn vặn ngược kim đồng hồ quá. Không cần phải vặn đến mấy năm, chỉ cần vặn ngược lại được chừng hơn hai tháng thôi là đủ rồi. Để đêm đó mình không đi chơi, để con dao oan nghiệt đó đừng lọt vào tay mình, Để…để… Mình lạnh quá. Mẹ ơi ! Ba ơi ! Con lạnh quá.”
- Nay toà tuyên án. Bị cáo…mười tám năm tù giam. Cho phép bị cáo
nói lời cuối cùng.
         “Lời cuối cùng. Mười tám năm. Mười tám năm. Mười tám năm. Là chưa đến hai mươi năm. Là mình sẽ ra tù lúc chưa đến bốn mươi tuổi. Vẫn còn,,,”
- Bị cáo có muốn nói lời cuối cùng không ?
- Dạ có. Con xin lỗi bác. Con xin lỗi ba mẹ.
- Con ơi !
- Ba mẹ ơi !