Trang chủ » Truyện

TÔI VÀ NGƯỜI MỸ ẤY

Trần Ngọc Dương
Chủ nhật ngày 16 tháng 5 năm 2010 8:41 PM

(Truyện ngắn này còn có tên: Sự sám hối muộn mằn)        
                                                                
Truyện ngắn 
      Chúng tôi có mặt ở địa bàn đúng như dự tính. Những người lính  ở khắp mọi miền đất nước về đây, nằm quây quần bên nhau trong các nghĩa trang liệt sỹ, sao tôi chẳng thấy anh đâu? Ngày ấy trong sơ đồ mộ chí tôi chỉ biết ghi: Đồng chí Thanh, giao liên K75 hy sinh ngày...tháng  ...năm ...tại tây Bến Cát
      Địa hình thay đổi quá nhiều, chúng tôi  cố gắng lắm mới tìm thấy cứ cũ. Nơi ấy, giờ thành xóm làng trù phú, cây cối um tùm. Nhân dân cho biết: Ngày mới giải phóng, có một số hài cốt liệt sĩ được qui tụ  về nghĩa trang huyện Bến Cát.
      Tiến hành khai quật  hai chỗ, cả hai đều không thấy. Tôi tự an ủi, hay Thanh nằm trong số những ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Sau khi cân nhắc, ngắm nghiá đo đạc xác định, tôi quyết định đào thêm vị trí thứ ba. Mới bổ được nhát cuốc đầu tiên, chợt có tiếng nói giọng phát âm lơ lớ của người nước ngoài nói tiếng Việt.
      - Nếu các ông tìm Thanh, phải đào chếch lên phía đông hai mét.
      Tôi quay phắt lại, nhận ngay ra người lính Mĩ năm xưa:
      - Giêm, hoá ra mày còn sống?
      - Ông thấy đấy!
       Mọi người nhìn chúng tôi ngạc nhiên. Riêng em, em lặng lẽ đốt bó hương còn lại đưa cho Giêm. Giêm kính cẩn cắm vào vị trí căn hầm ngày ấy, chúng tôi đã tìm thấy Thanh.
       Khi vẽ sơ đồ ngôi mộ, tôi lấy độ lõm của bờ sông làm điểm chuẩn. Còn Giêm ghi nhớ: Nếu nối ba điểm đỉnh núi Bà Đen, đỉnh núi Cậu với nơi an táng Thanh sẽ tạo thành tam giác vuông. Góc vuông là nơi Thanh nằm.
        Dòng sông đã thay đổi, còn hai đỉnh núi vẫn như xưa. Số phận cho chúng tôi gặp lại nhau sau những tháng năm dài cách biệt.
* *
      Trong trận tập kích vào cứ điểm Rạch Bắp, tôi bị một viên đạn tiểu liên cực nhanh xuyên thủng bờ vai trái. Vết thương tuy không nặng, cũng đủ làm tôi phải tạm rời đơn vị. Đến điểm đón thương binh, trạm phẫu đang di chuyển. Đồng chí giao liên hẹn sau khi cùng đội phẫu tới vị trí tập kết sẽ quay lại, đưa tôi về tuyến trên.
      Trong lúc chờ tôi gặp Thanh giao liên K75, anh làm nhiệm vụ áp giải Giêm, một tù binh Mĩ  bị bắt ở ven đô Sài Gòn. Tôi quyết định đi cùng, thế là chúng tôi thành một đoàn đi ghép.
       Thanh cho tôi biết: "Chiến dịch đã chuyển hướng, địch chiếm lại Rạch Bắp. Lộ 14 bị địch khống chế, chúng tôi phải vượt sông sang bờ bên kia mới đi được”. Thanh nhờ tôi canh chừng Giêm, còn mình đi tìm phương tiện qua sông. Anh dặn:
      - Đừng đi lung tung, ở đây rất nhiều mìn và lựu đạn gài.
      Lôi từ trong bưng ra hai chiếc bè tre, Thanh bảo :
      - Đi ba phải ghép lại mới đi nổi. Chốc nữa, mình đi cắt giây rừng để tối buộc chằng hai chiếc làm một.
       Chiều đến, chúng tôi đang ngồi ăn cơm thì bất thần từng loạt đạn pháo nổ dồn dập trùm lên cứ. Tôi lăn sang bên khi nhận ra tiếng rít của viên đạn đầu nòng. Thanh bật dậy, lao cả người vào đảy Giêm ngã dúi xuống hầm. Tôi bị hất tung vào bờ đất, một mảnh đạn ghim vô đầu đất cát bắn đầy mặt quyện với máu hai mắt  không sao mở được. Tôi bò lung tung, hy vọng tìm thấy cửa hầm. Đang lúng túng, có người cầm tay tôi lôi mạnh. Tôi lao theo, thở phào biết mình đã lọt vào trong hầm. Ai đó băng vết thương, lau mặt cho tôi. Khi dứt tiếng pháo, cũng là lúc tôi mở được hai mắt.
        Quả pháo đầu nòng rơi đúng chỗ chúng tôi ngồi ăn cơm. Thanh hy sinh, Giêm dính mảnh pháo khi xông ra kéo tôi. Giêm ngồi tựa lưng vào vách hầm, một tay bóp chặt cánh tay bị thương, máu chảy xối qua kẽ tay. Tôi dùng răng xé chiếc khăn rằn cột chặt vết thương cho Giêm.
       Chúng tôi không còn đủ sức đào cho Thanh một cái huyệt. Sau khi gói Thanh bằng chiếc tăng, tôi đặt anh  vào  căn hầm cũ, rồi dùng một quả mìn định hướng  thổi cho mô đất bên cạnh trùm lên.
        Tôi chờ người giao liên đến đón theo theo lời hẹn. Chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy, đồng chí ấy hy sinh trên đường đi, đó là điều mãi sau này tôi mới rõ.
        Tuần lễ đầu Giêm rất khoẻ, giành làm tất cả mọi việc. Sang ngày thứ tám Giêm sốt cao mê man. Vết thương của Giêm có triệu chứng hoại tử, tôi thì không có lấy một viên thuốc kháng sinh nào. Lương thực hết. Những thứ lá, cây ăn được bị chúng tôi vặt trụi, sức khoẻ cả hai cạn kiệt.
       Tôi không có nhiệm vụ phải trụ lại ở đây. Chúng tôi cũng không có đủ khả năng vượt qua vành đai trắng. Người duy nhất biết con đường an toàn là Thanh. Giữ Giêm lại, cái chết chắc chắn đến với Giêm. Tôi quyết định lợi dụng dòng chảy khi thuỷ triều xuống, dùng bè phóng thích Giêm. Theo ước tính, chỉ trong hai giờ chiếc bè chở Giêm  trôi đến vùng kiểm soát của quân đội Sài Gòn.
       Tôi sẻ vốc gạo rang còn lại ra hai phần, một gói lại đưa cho Giêm:
       - Chút lương thực này dành cho lúc cấp bách nhất, mày cầm lấy. Dù tao không tin có Chúa, vẫn cầu Chúa phù hộ cho mày. Mày có hiểu tao nói không? Cố gắng giữ cho bè không mắc cạn.
        Mặc dù không biết tiếng Việt, nhưng Giêm hiểu. Anh ta nhìn tôi gật đầu. Giêm không hề biết ý định của tôi, sáu tiếng sau khi nước cường dòng chảy ngược. Tôi lên chiếc bè còn lại.
      Tôi tin tưởng hai bên bờ sông về phía đầu nguồn có hậu cứ của ta. Nằm trên bè tôi suy nghĩ miên man về những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc đời tôi đã gặp.
      Niềm vui đến với tôi thật giản đơn. Có khi chỉ là một tiếng chim rừng sau cơn mưa. Một giọt sương còn đọng lại trên cánh hoa vào buổi sáng đẹp trời. Có khi, chỉ là cảnh biển lúc chiều buông. Cảnh dòng sông đêm trăng. Được đón một người thân đi xa trở lại. Được nghe tiếng khóc của một đứa trẻ sơ  sinh. Còn nỗi buồn, tôi sợ nhất nỗi cô đơn.
       Trăng lên, dòng sông lấp loáng, chiếc bè bồng bềnh trôi. Đám lục bình bám quanh bè nở rộ hoa tím ngắt. Một ý nghĩ chợt đến: "Liệu đây có phải vòng hoa tang mà đất trời dành cho tôi.” Tôi phó mặc số phận mình cho dòng sông. Tôi ngất đi bao nhiêu lâu không biết? Trong giấc mơ tôi trở lại quê nhà. Ngồi  bên bờ vịnh Hạ Long , thả hồn vào tiếng sóng vỗ rì rào. Thấy mái trường thân yêu bị đạn bom tàn phá. Được cùng bạn bè đầu đội mũ rơm, vai đeo túi sách vượt núi đồi đi học.
       Em! Cô bạn học năm xưa. Em có nghe thấy tiếng tôi gọi không? Sao em không trả lời? Em rúc rích cười trong đám hoa sim. Tôi đi tìm em hụt chân rơi xuống vực thẳm. Cái vực đen ngòm, rơi mãi, rơi mãi mà không tới đáy. Tôi sợ quá gọi : " Mẹ ơi !”
       Mẹ  bay lượn như thiên thần nâng tôi lên. Mẹ cúi đầu lắng nghe từng hơi tôi thở, đắp lên vầng trán nóng bỏng chiếc khăn ướt mát dịu. Rồi mẹ đút cho tôi ăn, những giọt nước cháo thấm vào từng tế bào trong cơ thể, tôi tỉnh dậy. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn alcol *  tôi nhận ra khuôn mặt của một cô gái xa lạ.  Tôi cố gượng nhúc nhắc đầu, thều thào hỏi:
       - Tôi đang ở đâu, cô là ai?
       - May quá anh đã tỉnh, đây là địa đaọ. Em mang anh từ dưới sông lên. Anh  mê man hai ngày rồi, em sợ quá! Ở đây chỉ có em và anh. Anh cứ yên tâm điều trị tĩnh dưỡng.
      Em nói bằng tiếng miền Nam là lạ. Suốt thời gian điều trị tôi hỏi gì em cũng dạ, cũng vâng. Khi bình phục em cho tôi hay: Em thuộc một đơn vị biệt động thành, bị lộ phải rút ra cứ. Trước khi vào chiến dịch, tiểu đội  em có sáu cô gái, giờ còn lại mình em.
      Khu mộ năm cô mà chúng tôi đánh dấu trên bản đồ tác chiến tưởng truyền thuyết xa xưa, ngờ đâu điều đó mới xảy ra. Tôi kể em nghe mọi chuyện, nhưng giấu biệt việc tôi thả Giêm.
      Báo cáo em gửi ghi thêm nguyện vọng của tôi: "Xin được ở lại đơn vị”. Cấp trên đồng ý, tôi thuộc quyền chỉ huy của em từ ấy.
      Những ngày sống trong vòng vây quân thù. Sống trên vùng: Tam giác sắt - Cái vùng báo chí phương tây đặt cho cái tên “Vùng chết!” Trước sự khốc liệt của chiến tranh, chúng tôi  không giấu nhau điều gì. Chiến tranh đã lấy của hai nhiều thứ. Nhưng niềm tin yêu vào cuộc sống, vào những điều tốt lành cao đẹp của con người vẫn còn nguyên vẹn. Nếu ai hỏi tôi thống kê xem mình đã băng bó, vuốt mắt, chôn cất cho bao nhiêu đồng đội. Tôi xin chịu.
Chiến tranh chấm dứt, cả hai ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy mình còn sống. Đám cưới chúng tôi được tổ chức trong ngày cả nước mở hội vui mừng chiến thắng. Rồi em theo tôi về sinh sống ở thành phố bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp.
* *
      Năm tháng bình yên trôi qua, hạnh phúc mỉm cười, tôi bằng lòng với cuộc sống hiện tại . Cô con gái cưng về dạy ngay trường cấp ba thành phố, cậu út đỗ đầu trong kỳ thi vào một trường đại học lớn. Hương vị êm dịu ngọt ngào đời thường che lấp dần ký ức chiến tranh.
      Tối hôm đó khi bắt gặp tấm ảnh Thanh với những dòng nhắn tin của mẹ anh trên ti vi, tôi đứng ngồi không yên, đổ hết phích nước ra ngoài bình trà. Thấy thế, em đứng sau nhẹ nhàng đặt hai tay lên vai tôi:
      - Có điều gì day dứt cần giãi bày anh cứ nói. Là niềm vui chúng ta cùng nhau trân trọng giữ gìn. Còn nỗi buồn anh cho em cùng san sẻ.
      Tôi ngập ngừng:
      - Nhưng nếu vết thương đã lành, có nên cầm dao khứa vào làm cho nó chảy máu.
      Thấy em im lặng tôi nói tiếp:
      - Điều đó có thể tổn hại đến danh dự, sự nghiệp của anh. Anh không còn là anh như em và con vẫn thấy. Hạnh phúc gia đình liệu có còn nguyên vẹn?
      - Anh với em đều là những người lính, trong cuộc sống tránh sao nổi những khiếm khuyết. Nói ra lòng mình nhẹ nhàng thanh thản anh cứ nói, em chịu đựng được. Thấy anh dằn vặt em khổ tâm hơn.
      Thế là, tôi kể cho em nghe phần câu chuyện tôi đã giấu em, giấu đơn vị. Câu chuyện tôi chôn chặt trong lòng, thề sẽ mang theo khi về với đất.
      Nghe xong, em nói như ngày xưa thường ra lệnh và yêu cầu tôi thực hiện:
      - Ngày mai, anh đi gặp mẹ Thanh và địa phương nói rõ mọi chuyện. Em ở nhà liên lạc với đơn vị cũ, với huyện đội Bến Cát nhờ giúp đỡ. Vé máy bay em mua, chậm nhất năm ngày sau mình có mặt ở địa bàn. Còn chuyện thả Giêm, chúng mình tính sau.
* *
      Lần ấy Giêm được tàu tuần tiễu của quân đội Mĩ vớt. Trong bản tường trình Giêm ghi: "Trên đường áp giải lúc vượt sông gặp pháo bắn. Người áp giải chết, Giêm bị thương ngất đi, bè mắc cạn. Khi tỉnh lại, Giêm đảy bè ra sông.” Sau đó, Giêm được đưa về Ha Oai chạy chữa.
      Giải ngũ trở về Mĩ, Giêm theo học lấy bằng bác sĩ y khoa. Anh lập gia đình với cô bạn đông nghiệp. Bị những ngày sống ở Việt Nam ám ảnh, Giêm lao vào học tiếng, nghiên cứu  lịch sử, phong tục tập quán Việt Nam. Mong hiểu được phần nào con người và mảnh đất kỳ lạ này.
      Nỗi kinh hoàng của chiến tranh thực sự len vào gia đình khi vợ Giêm sinh con. Đứa con: Hoa của tình yêu - trái của hạnh phúc -Nguồn vui của gia đình - Niềm tin của xã hội lại là một quái thai. Đứa trẻ chết ngay lúc rời lòng mẹ. Hậu quả của chất độc màu da cam Giêm nhiễm phải ở Việt Nam. Từ đó, hai vợ chồng quyết định không có con, họ lấy công việc  làm niềm vui.
      Cả hai tình nguyện vào tổ chức: Thày thuốc không biên giới. Họ có mặt ở Việt Nam lần này trong đoàn phẫu thuật: Vì nụ cười trẻ thơ. Đoàn đã đi hầu hết các tỉnh ở Việt Nam. Trên đường từ Tây Ninh trở về thành phố Hồ Chí Minh, Giêm đề nghị đoàn tạm nghỉ cho vợ chồng anh thăm lại chiến trường xưa.
* *
      Công việc tìm mộ Thanh hoàn tất, chúng tôi đi dọc bờ sông. Cầm sỏi ném thia lia xuống dòng sông Giêm ngỏ lời:
      - Ngày mai ông cho tôi theo, tôi muốn gặp mẹ Thanh.
      - Mày gặp mẹ Thanh làm gì?
      Giêm nhìn thẳng vào cặp mắt tôi:
      - Mọi khi gặp điều gì trăn trở, day dứt tôi vào nhà thờ đứng trước chúa, cầu mong sự bằng an. Còn bây giờ, tôi muốn quì trước mặt mẹ. Cầu xin mẹ tha thứ cho mọi tội lỗi chúng tôi đã gây ra trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Tôi bóp  chặt tay Giêm rồi tự nhủ với lòng mình: " Không phải chỉ riêng mày,  mà ngay cả tao cũng phải quì trước  mẹ. Xin mẹ tha thứ cho sự lãng quên, cho sự sám hối muộn mằn này." 
 
             TND