Trang chủ » Truyện

CHỢ TRỜI PHI VẬT THỂ

Hoài Hương
Chủ nhật ngày 13 tháng 6 năm 2010 8:21 PM

Truyện ngắn
 
1.
    Gọi là cái quán cho có vẻ bình dân như cánh nghệ sĩ đến đây bảo thế, nhưng thật ra nó là một tiệm cà phê- bar khá lớn và đủ độ sang trọng để không làm phật lòng  khách sang lẫn khách hèn. Nó nổi tiếng vì nằm kề ngay trụ sở của một Hội nghệ thuật lớn nhất nhì trong các Hội, ở thành phố cũng lớn nhất nhì nước. Những người hay tới đây tòan “tao nhân mặc khách” trong giới nghệ.  Họ trình diễn bộ mặt nhân gian với đầy đủ cung bậc của những  hỉ, nộ, ái, ố, ai, bi, lạc. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến khuya. Lúc nào chủ quán cũng có khách đến ngồi. Vào quán này, được cái tự do, không ai mắc mớ đến ai, và được coi đủ thứ chuyện:  có mua, có bán, có vừa bán vừa mua, hệt như phiên chợ Bưởi ở đâu trên đường mang tên hùm xám Yên Thế  mé hồ Tây gì đó.
Chủ quán, nhân viên đều biết thân phận của mình, tuyệt không hé răng, giả bộ như mắt nhìn mà không thấy, tai nghe mà không hiểu, lại coi khách hàng đúng như Thượng Đế. Thành thử, khách tới đây dù thân phận khác nhau, tuổi tác khác nhau, âm mưu khác nhau khi ra về đều thấy có phần hỉ hả.
Ông chủ quán lặng lẽ như tượng đá, nguyên là một nghệ sĩ thất vận, vô duyên với nghiệp sỹ, có duyên với nghề buôn, vốn liếng chữ nghĩa cũng không đến nỗi nào, hay thở dài… Những lúc như thế ông vừa lau bàn, lau đến sạch bóng mới thôi, và nghĩ về Goethe và Fauxt – linh hồn và quỷ sứ.
2.
Khuất sau bể cá cảnh, một nhóm người tòan những gương mặt nổi tiếng trong làng nghệ, hình như uống hơi nhiều nên lớn giọng, nghe thoáng tưởng cãi lộn nhau. Lộn xộn, không đầu, cuối nhưng hình như người trong cuộc cố tình.
- Sao cuộc này ông không chơi?
- Dại gì! Chơi phải cúng cho chủ xị.Có thắng cũng lỗ.
- Chú mày vào mùa được mấy “chiếu” rồi?
- Nhiều, đang cố lên 2000, lập kỷ lục.
- Thắng không?
- Chịu chơi vậy chắc ăn như bắp.
- Khó lắm. Chánh chủ khảo đang rao giá, sợ theo không kịp.
- Phù phiếm. Hão.
- Hão mà có danh. Tiền vào như nước.
- Đại lọan!
- Lọan rồi. Trường thi mà A thành B, B thành A, giám khảo mắt nhòe mắt ướt.
- Nghe nói có tay trẻ dòng dõi hòang tộc Đông A, cứng cổ lắm.
- Cứng! Được “khuyên” rồi, nhưng Chánh tổng mích lòng “sổ” , ai dám trái ý, thế là “bay”.
- Thế không nghẹn à?
- Nghẹn thế nào được. Ăn đồng chia đủ. Đòan kết nhất trí. Tôi mâm ông bát.Họng trơn tuồn tuột. Trôi hết.
- Chỉ có ông mờ mịt. Đi học khôn chút, được nhờ.
- Đến đây ngồi vài buổi “sáng” liền.
- Đây á?
- Còn chỗ nào khác. Chợ Trời phi vật thể đấy.
- Phi vật thể?
- Có ai thấy được “cháo” nhưng tiền vẫn “trao”. Không phi vật thể là cái gì.
Ông chủ quán khẽ nhếch mép nhưng cái nhếch mép vụt tắt ngay. Để rồi ông lại cầm mẫn lau bàn như một thói quen ưa thích hàng ngày hơn là công việc thường nhật. Những lúc như thế, trông ông không có vẻ ngoài chủ quán mà như một nhân viên “già” thất nghiệp làm ở quán như kiếm chút vui ngắn ngủi trên thế gian này. 

3.
Họ có ba người. Một người tóc bạc, mặt hồng hào, nhìn sang trọng kẻ cả. Một người thấp lùn, ngồi cứ phải dựa ưỡn cái bụng phệ. Người kia gầy đen, mắt bé nhưng tinh ranh. Trên bàn có ba chai rượu, gu uống của họ khác nhau, một Làng Vân, một Votka Nga, một Johnny Xanh, thói quen của họ từ hòan cảnh – người học ở Nga 7 năm, người chưa bước chân ra khỏi biên giới nước Việt, người thì đi nước ngoài như đi chợ. Nhưng họ có một cái chung, cùng mang danh hiệu nghệ sĩ, cùng là thành viên cao cấp của một hội nghệ thuật, cùng có quyền sinh quyền sát trong tay.
- Chúng ta phải quy ước với nhau, sòng phẳng từ đầu dễ ăn nói về sau.
        Tóc bạc mở đầu câu chuyện.
Gầy đen gật gù sau khi tự rót vào chén rồi dốc tuột vào họng.
Thấp lùn cười nhạt:
- Được! Thế hai ông có mang ghi âm không đấy? Tôi phải hỏi thẳng kẻo xảy chuyện. Vụ ông họ Đỗ ăn quả đắng vừa xong đấy.
Không hẹn, cả ba cùng móc điện thọai di động, để hết lên bàn, cùng bấm tắt.
- Xong!
Gầy đen mở miệng:
- Trên cho cả trăm, không “vẽ” ra, thừa phải trả lại, phí. Mỡ tới miệng mà chê à. Hai ông tính “vẽ” thế nào? – Tóc bạc liếc cả hai.
- Vẽ để hồi sau. Bây giờ sắp xếp ai Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Lại quả sao cho đẹp.
Thấp lùn nhổm người nhỏ nhẹ
- Bằng giá trị tương đương vị trí. Nhưng các ông đã “khuyên” ai chưa?
- Rồi! Đây các ông xem. Một học trò tôi, mấy đứa kia là chỗ quen biết của hai ông. Còn một là người nhà quan đầu ngành.
Tóc bạc hạ giọng nói ra mấy cái tên.
Gầy đen lắc đầu:
- Trong này có mấy đứa tệ lắm, sợ không ổn, có người chọc vô khó xuôi.  Phải làm ra vẻ công bằng, thêm vài tên nữa hợp lý hơn
Thấp lùn quay sang Tóc bạc
- Học trò ông hay học trò tôi Trạng nguyên? Còn đám Tiến sĩ, tính thêm đi, nhiều nhiều cho nó khỏi để ý. Tiền đâu phải của mình, còn được lại quả lo gì.
- Thế ông tính thêm ai? Nhưng Trạng nguyên phải là học trò của tôi, nó khá hơn so với người của hai ông. Vả lại, tôi chưa lần nào có học trò làm Trạng nguyên. Lần này để tôi.
Gầy đen lắc đầu:
- Không được. Học trò ông chưa danh phận, chân ướt chân ráo mới vào nghề. Ông cho Trạng nguyên thì sổ tọet hết cả đám danh sĩ kia, tự ái nó chả lọan lên, băm nát hết cả ba. Không khéo mất cả chì lẫn chài.
- Nhưng khổ lắm, tôi trót hứa và nhận trước một nửa rồi.
- Một nửa thì Bảng nhãn, Thám hoa, cũng danh giá kém gì. Mới chơi lần đầu cho leo cao quá không xong đâu.
- Thôi!  Vào việc cụ thể. Ai nào?
- Được rồi. Tôi nhượng bộ. Hai ông lo dàn xếp Trạng nguyên. Học trò tôi phải là Bảng nhãn.
Gầy đen quay sang Thấp lùn
- Tôi nhường Trạng nguyên cho ông. Người của tôi quả là kém, thôi lấy các Thám hoa là được. Coi như xong việc lớn. Còn bọn Tiến sĩ, cũng nên cho mấy thằng “đầu gấu”, không nó kiện tụng lôi thôi, viết này viết nọ rắc rối, lại phải giải trình báo cáo phiền phức.
Vừa rót thêm rượu, Thấp lùn vừa nói
- Các ông có định cho thằng mang họ hòang tộc Đông A vào tiến sĩ không? Nhiều lần đánh trượt nó rồi. Thằng này ghê gớm lắm, không khéo nó “tương” vài quả lên báo là lắm chuyện.
- Ừ…xem xem… kể ra nó khá thật, có tài đấy. Nhưng nó cương quá, lại hay quấy đảo anh em mình xất bất xang bang. Thôi, lần này cho nó một xuất, để dán cái miệng. Coi như hi sinh chút đỉnh.
- Tính thế cũng được. Dù sao cũng phải đánh tiếng cho nó biết. Chúng ta ưu ái, giúp nâng đỡ tài năng trẻ. Nó ngọ nguậy không biết điều, thì mai này không còn cửa.
Cả ba gật gù. Xong một việc nữa.
- Cuối cùng là “vẽ”. Các ông tính thế nào? – Tóc bạc hỏi.
- Còn tính thế nào. Bày ra cho thật nhiều, lấy danh nghĩa là cho hòanh tráng, phong phú, đa dạng,… Ứ lên như bội thực thì còn phân biệt đẹp xấu hay dở thế nào được. Có thế ta mới không bị “bóc” mấy cái Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, …
Thấp lùn hào hứng.
Gầy đen ngẫm nghĩ một lúc
- Phải. Nên thế. No xôi chán chè, còn biết ngon dở ra sao mà bình với phê. Lại còn được tiếng là mở rộng khuếch trương phong trào, người người, nhà nhà, tỉnh nọ thành kia trăm hoa đua nở
- Hay lắm. Cạn chén!
- Mà này, phải thề độc đấy. Ông nào lộ thông tin bữa rượu này là “trúng gió” mà “đi”.
OK ! Tôi còn yêu đời lắm. Cuộc đời thật đẹp. Nào cạn chén.
- Khoan đã, theo ngu ý của “thảo dân”, nhân đây bắt bọn Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa phải bù thêm một chuyến đổi gió cho bõ …
- Rồi – Chén cuối cùng – Cạn.
Họ kêu nhà chủ tính tiền, cả ba móc ví trả phần rượu của mình. Mỗi người hướng về một phía. Họ không ngờ ở một góc khuất gần kề đó, sau một chậu cây cảnh lùm xùm, có một người vô tình ngồi và nghe không sót chữ nào cuộc “mật đàm” của ba người kia. Anh chính là người được họ nhắc tới – người mang họ Hòang tộc Đông A.
Sau khi ba người ra về, anh cũng kêu tính tiền và rời quán. Môi anh thóang một nét cười trên gương mặt lạnh.
Ông chủ quán vừa lau bàn vừa ngó lên trần nhà, nơi con thạch sùng cứ tối đến là tặc lưỡi tiếc nuối.
 
4.
Anh được thừa hưởng nét tài hoa sắc sảo của người mẹ, tính cách ngay thẳng nghiêm cẩn của người cha, truyền thống thanh bạch của cả họ nội, họ ngọai. Dù còn rất trẻ, anh đã có chút ít tiếng tăm về tài năng và sự thẳng thắn trong giới nghệ sĩ. Đó cũng như cái mầm họa cho anh khi xung quanh tòan những kẻ bất tài vô dụng song lại hay ghen ghét, khích bác, xoi mói, xu nịnh, “thượng đội hạ đạp”, cho nên anh luôn lao đao lận dận trong công việc, trong sự nghiệp.
Anh hay ghé vào cái quán này, khi thì một mình, khi thì với mấy người bạn, ít nói, chỉ ngồi nghe. Anh cũng không tò mò để ý những câu chuyện ở xung quanh, vì nghĩ nó chẳng liên quan đến mình.
Bữa nay thì khác. Vô tình anh đã nghe được hết câu chuyện của ba vị chức sắc nọ, càng nghe anh càng thấy phẫn nộ, có lúc tưởng như không kìm chế được. Lâu nay anh đã nghe râm ran nhiều lời đồn chuyện nọ chuyện kia, nhưng anh không tin. Người ta ở địa vị đó đáng gì phải làm ba cái chuyện đó, hèn người đi. 
Nay anh ngẫm lại bản thân. Đúng là có nhiều sự việc rất vô lý đến anh, nhưng anh cho đó là ngẫu nhiên.
Không chỉ một lần, qua thông tin bạn bè anh biết mình là người chiến thắng, thế nhưng đến khi công bố, tên anh hoặc đứng hàng cuối cùng, hoặc bị lọai ra. Anh cứ nghĩ chắc tại mình kém, thiếu sót gì đó, tự nhủ lần sau sẽ cố gắng hơn. Lần khác, anh được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao và chọn anh làm đại sứ đem chuông đi ứng thí tài năng với các xứ khác, anh đem vinh quang về, nhưng anh lại thảm bại tại xứ mình với lời phê “Không thích hợp”?!
Có lần nghịch chơi, anh đổi tên khác đi thi, không ngờ anh đậu thủ khoa, khi xướng tên, thấy anh, cả Hội đồng mắt tròn mắt dẹt nhìn anh như vật thể lạ. Họ bắt anh đưa bằng chứng gốc. Rất minh bạch, và luật cho phép lấy bất kỳ tên gì. Danh sách đã được công bố cho các cơ quan truyền thông nên không thể thay đổi.Cũng từ lần đó, anh không có duyên với chiến thắng. Bây giờ thì anh hiểu.
“Một con én không làm nổi mùa xuân”, nhưng chỉ cần một viên sỏi nhỏ, mặt nước sẽ gợn sóng.

5.
Tất cả  đã ngà ngà say, nên không còn ý tứ, không còn giữ gìn, ồn ào lộn xộn tiếng nói tiếng ly chén chạm nhau. Hai cái bàn ghép lại, hơn mười người, không ai là người lạ ở quán này. Họ đều có danh có tiếng.
- Cạn!Rót thêm…Các cậu đã thỏa mãn thì nên  tính tóan cho đẹp với đàn anh…
- Dạ… Bọn em sẽ chung đủ.
- Đủ là thế nào… Còn cái vụ đổi gió?
- Dạ…Nhưng…
- Sợ thiệt à? Bảng vàng ghi danh báo chí đăng tên ầm ầm không cần quảng cáo, thiên hạ ùn ùn kéo tới. Tha hồ hốt bạc gấp hàng chục hàng trăm. Các anh đây chỉ có một lần. Các cậu ăn dài dài. Chả mấy chốc thành đại gia.
- Dạ… Các anh thích chơi kiểu gì, ở đâu để chúng em hầu.
- Chỗ nào xa, cảnh đẹp, du lịch sinh thái, mà đừng quên món “chân dài” kèm theo. Đảm bảo I dô nhé!…
- Thôi… Mấy anh có cái hẹn. Các cậu ở lại chơi.
Ba, bốn người đứng lên, ra cửa, ông chủ quán còn nghe được một câu : “Phải tranh thủ “đào” bọn nó. Năm tới chúng ta chắc gì ngồi được mâm này. Đang có mấy tay bắn tin nhòm ngó, nghe nói nặng “đô” lắm. Lại thêm bọn báo chí lèm bèm đòi thay đổi thành phần”.
Bên trong cuộc bia rượu vẫn tiếp tục có phần sôi động hơn, lời lẽ trần tục, không kiêng dè, trôi chảy theo rượu bia.
- 20 triệu một xuất, lại còn “du” với “hí”, lắm trò khỉ
- Được cái danh thơm còn muốn gì. Cả nước chỉ có một. Còn hơn trúng số độc đắc.
- Chưa thấy tài lộc đâu, chỉ thấy hết tiểu hao rồi đại hao.
- Đừng chạy, đừng mua, đừng nhận. Giờ lại than.
- Cái cậu họ Hòang tộc Đông A thế mà gan, khâm phục.
- Hình như có chuyện, chứ không dưng trả lại cái Tiến sĩ khối người mơ.
- Có nghe lúc đó cậu ta nói không, “Tôi xin cảm ơn. Nhưng đây là sự đánh giá tài năng thực chất. Không phải ban ơn hay ân huệ cho bất kỳ cá nhân nào ở một người nào”. Biết đâu cậu ta “ngửi” thấy mùi gì. Cậu ta nổi tiếng trong làng là thính mũi và thẳng thắn, không sợ ai.
- Chuyện gì. Các ông ấy bao sân kín kẽ hết. Sao mà hở được.
- Nhiều chuyện… Uống…Chết mấy ông đó. Chết gì mình. Các ông đi đêm có ngày gặp ma. Ông này xuống, ông khác lên. Tiền ai không mê. Lo gì không có cá cắn câu..
- Này, thật 100%. Một lần anh Cả đi chơi quịt tiền gái, bị gái thu quần dọa điện thọai về nhà cho vợ. Phải cầu cứu tôi đến giải vây. Em cầm tiền, phán một câu xanh rờn : “Nghệ sĩ mà bẩn hơn điếm”.
- Đi chơi gái mà không đem tiền theo à.
- Ngu vừa thôi. Ví mấy lão này chỉ có danh thiếp dày cộp. Ra vẻ nghệ sĩ nghèo túi không ví rỗng. Hết bao nhiêu có đệ tử thanh tóan. Bữa đó chắc đệ tử biến đâu, nên gặp nạn.
- Ôi! Chuuyện thường hàng xã. Tôi đây chứng kiến nhục quốc thể không biết giấu cái mặt đi đâu.
   Một lần được tháp tùng ngài chuyến xuất ngọai. Ăn buffet sáng, ních bụng căng đến phải nới thắt lưng, vậy mà còn lấy một đĩa bánh đầy tú hụ trút hết vào túi xách. Nhân viên nhà hàng thấy, đề nghị bỏ ra…Không đỏ mặt mới hay, lại còn cười “tớ thấy nhiều, phí quá”. Đúng là “bó tay chấm com”.
- Kể hết chuyện ngàn lẻ thêm hai đêm cũng không đủ. Mà sao họ bền thế nhỉ. Như bê tông, cốt thép.
- Thế mà cũng hỏi. Có dưới phải có trên. Dây mơ rễ má nhùng nhằng bứt không đứt được.
- Uống tiếp đi…Cạn…Vòng cuối rồi rút. Mai chiến đấu bù hao hụt.
- Nào…100%. Chúc các đại gia tương lai. Chúc thành danh thành tài. Chúc 1700 show. Chúc kỉ lục Guinness. Chúc vua không ngai. Chúc…Chúc…
Chủ quán trầm ngâm. Đời là một cái chợ lớn, mà quán mình là một cái chợ nhỏ.

6.
Ba gương mặt quen thuộc hoan hỉ bước vào quán. Vẫn cái bàn cũ. Họ bắt tay nhau vồn vã.Cùng kêu rượu mỗi người một gu riêng. Votka-Làng Vân-Johnny Xanh.
- Chà! Sướng quá. Đời phải có lúc hưởng thụ. Làm Thượng Đế thật đã. Hai ông đi đâu?
- Lên rừng.
- Xuống biển.
- Chưa khi nào tận hưởng đến bờ đến bến như lần này. Đàn em khá lắm, biết chiều lòng đàn anh.
- Nên cho bọn nó thêm một lần làm cú đúp. Hưởng 200%.
- Ta cạn… Đời thật đẹp…Không tranh thủ thì phí.
- Sắp có một cuộc chơi nữa đây. Có tài trợ ngọai, ấm lắm.
- Tính sớm đi, kẻo thằng khác nhảy vào hớt tay trên.
Có tiếng chuông điện thọai. Cả ba cùng nhổm người sờ túi quần, móc điện thọai ra. Điện thọai của Tóc bạc.
- Nói to lên, đang trong quán ồn quá. Cái gì…Tin gì…Không biết anh mày có bao giờ nhìn tới vi tính, in-tơ-net mà hỏi. Sao… đúng không… mau đem tới đây.
Tóc bạc mặt tái nhợt, trán đẫm mồ hôi, tay run run bỏ điện thoại xuống bàn, thì thào như hụt hơi.
- Đại họa rồi…
Thấp lùn, Gầy đen cùng một lúc
- Chuyện gì thế…
- Đại họa rồi…Sắp chết rồi… Thằng đệ tử nói, trên mạng tường thuật chi tiết cuộc gặp của ba chúng ta hôm trước về vụ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa…Ai trong hai ông? Không phải tôi…
- Tôi thề cả sinh mạng. Không phải tôi.
- Không phải tôi
Một dáng người tất tả, vội vã bước vào, ngó dáo dác, nhìn thấy ba người đang vò đầu bứt tai… Đi nhanh tới, chìa xấp giấy.
- Đây anh xem…Em vừa in trên mạng.
Cả ba vội vàng móc kính, dí mắt đọc…như đánh vần từng chữ. Được một lúc, cả ba buông giấy buông kính ngồi thừ ra, mặt lúc xanh tái, lúc đỏ, có lúc lại trắng bệch. Những sung sướng hả hê ban đầu giờ nhường cho không khí nặng nề muốn nín thở.
Tóc bạc sau một hồi im lặng, riết róng
- Hôm đó chỉ có ba ta, tại sao họ lại biết. Mà còn đủ chi tiết đến từng câu từng chữ từng người. Hay hai ông có ông nào để máy ghi âm trong người. Tính chơi nhau, triệt nhau…Sắp bầu bán nhiệm kỳ mới mà…
Gầy đen bình tĩnh hơn
- Khoan đã. Ba người chúng ta từ lâu nay “ăn đồng chia đủ”, không làm chuyện đó để giết nhau. Có giết cũng là giết mình. Xem lại hôm đó mấy bàn cạnh ta có ai…
Thấp lùn hùa vào
- Ta hỏi chủ quán, quen mặt khách. Nhưng mà đông thế lại cách mấy tuần rồi, sao nhớ được.
- Bây giờ có tìm ai cũng khó. Mà tìm làm gì. Vỡ chuyện rồi. Giết nó à. Đừng cãi nhau nữa. Tính thế nào đây?
- Tính gì?
- Cãi không có? Im lặng? Im mà được à. Báo chí nó rùm beng lên, rồi ở trên chỉ xuống bắt trả lời.
- Các ông lo gì. Bằng chứng đâu? Mấy thằng kia dại gì khai tôi bỏ tiền mua danh… Ta cứ nói.Chúng tôi làm đúng quy trình, bảo đảm quy chế bảo mật, công bằng, không có gian lận… Thiếu gì việc to hơn Trời mà còn giấu được còn trôi hết. Chuyện này nhỏ, phong trào mà, đâu quan trọng gì…Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn. Thôi thì bỏ ra một ít hầu mấy anh trên…Sẽ ổn thôi.
- Ông lạc quan quá. Nếu họ không chịu, nhân vụ này hất anh em ta xuống, đưa người của họ lên. Ghế này nhiều người nhăm nhe, rình rập lâu rồi…
- Không khéo, họ lật lại mấy đợt trước…Phen này “xong phim” mất!
- Mẹ kiếp, nhức cả đầu. Thôi “trí tuệ  tập thể” đi. Thêm ba chai nữa ông chủ ơi.
7.
Chỗ cái bàn ấy có ba người. Họ đang hào hứng vui vẻ chúc tụng nhau.
- Một lão “quy tiên”, một lão bán thân bất toại sau cơn tăng xông, một lão lảm nhảm suốt ngày nửa ngây nửa dại. Chẳng tốn tí công nào mà được. Đúng là trò chơi tạo hóa! Cơ này là Trời cho chúng ta.
- Cụng…100%. Này, có một dự án mới “thơm” lắm, cả nội-ngoại kết hợp, tha hồ cho chúng ta sắp đặt.
- Thế thì lên kế họach ngay, cờ đến tay, chậm là hỏng.
- Nhưng mà sao tôi thấy sợ…gương ba ngừơi tiền nhiệm… hãi quá.
- Sợ gì? Họ “rắn” và tham quá nên phải trả giá. Ta phải “mềm dẻo” hơn. Ngọt với  báo chí, “lộc bất tận hưởng”. Rồi các ông xem, mọi chuyện êm thôi. 
- Cứ thế mà làm. Rồi sẽ đâu vào đó.
- 100%... Cái quán này hay thật

Ông chủ quán thở dài…Goethe có sống dậy, ông dám cá cược cả cái quán này, ông ta sẽ viết một tác phẩm còn hay hơn cả Fauxt. Con thạch sùng trên trần kêu “chách”, “chách”!
Hoài Hương
(Hội Nhà văn Tp. HCM)