Trang chủ » Truyện

NGHÌN CON CHIM HẠC

Trần Ngọc Dương
Thứ ba ngày 1 tháng 6 năm 2010 1:49 PM


Viết cho ngày tết thiếu nhi
        
“...Gió cuốn bầy hạc giấy chấp chới giữa không trung. Những con chim én từ đâu bay vút đến, đan xen vào lũ hạc giấy, hòa thành một đàn đông đúc chao liệng trên sông...”  
Thằng Hưng ngồi bám song sắt, thò hai chân ra ngoài cửa sổ. Nó thờ ơ nhìn cuộc sống sôi động đang hối hả trôi qua trước mặt. Khách bộ hành chẳng ai quan tâm đến Hưng. Những người thường xuyên qua đây, đã quá quen thuộc với cảnh này. Còn kẻ lạ, phải chú ý quan sát chỗ đặt chân. Từ lâu lắm rồi, vỉa hè trở thành chỗ trao đổi mua bán, nơi tạm nghỉ chân cho đủ mọi người. Từ cô gánh hàng rong, ông mài dao thuê, bác cắt tóc, cho tới người bán xổ số dạo. Đôi lúc vì một chỗ ngồi tạm, họ cãi nhau chí choé. Nhưng chẳng hiểu vì sao, không ai dám bầy hàng trao đổi dưới khung cửa sổ, nơi Hưng  thò chân ra ngoài. Cái mái hiên bé xíu nơi Hưng đang ngồi hơi thụt vào so với cả dãy nhà bám mặt đường. Lúc trời đổ mưa không ai dám trú, bởi những giọt gianh luôn rơi thẳng xuống người. Có lần trong cơn giông Hưng vẫn chẳng chịu rơì, mặc nước hắt ướt hết người lẫn đồ đạc bên trong nhà. Còn khi nắng, bóng râm chỉ che kín chân tường. Thi thoảng có người hỏi thăm, Hưng chỉ im lặng ngước cặp mắt tròn xoe nhìn chằm chặp.
Hưng trở nên chậm chạp,  không nói được từ  sau trận sốt cao, lên cơn giật hồi ba tuổi. Má nó tốn rất nhiều tiền của, công sức mang con đi chữa chạy khắp nơi, bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Các thày thuốc lắc đầu quầy quậy khi đọc hồ sơ, lúc khám bệnh cho nó. 
Ba của Hưng ra nước ngoài làm ăn từ lâu lắm rồi, ông cũng chỉ biết mặt con qua những tấm hình trong nước gửi sang. Nghe phong thanh ba nó có bồ, má vội gửi Hưng về chỗ ngoại, bay sang tận nơi để thực mục sở thị. Đầu tiên má định đi một thời gian ngắn, dứt khoát đứt đuôi con nòng nọc. Song mọi việc không như những gì thiên hạ đồn đại. Việc kinh doanh của đức ông chồng chẳng được thuận lợi. Với đầu óc thương trường nhậy bén, má nó nhanh chóng nhận ra những khiếm khuyết trong công việc kinh doanh của chồng. Bà bắt tay, lăn xả vào chấn chỉnh công việc. Và bà cũng thấy cơ hội làm ăn ở đây. Cái duyên bán hàng, cộng với tài ngoại giao phát huy tác dụng, doanh thu của cửa hàng tăng nhanh. Một đường dây từ nơi sản xuất trong nước, đến các đại lý tiêu thụ được hình thành. Việc buôn bán dần dần đi vào nề nếp. Rồi cái thai trong bụng cựa quậy, bà ít nhớ đến đứa con tàn tật đang gửi ở nơi quê nhà nữa. Má nó tự an ủi, mình đã bù đắp bằng cách gửi thật nhiều tiền sinh hoạt về cho người thân, đủ để mướn hai Ô Sin phục vụ cả ngày.
Trước kia, qua những cuộc điện thoại gọi về, mặc dù không nói được, ngoại vẫn cho Hưng cầm máy nghe tiếng má. Sau thưa dần, rồi Hưng mong mãi rất lâu mới thấy má điện về. Nhưng sao má lại gắt, bắt chuyển ngay máy cho ngoại để kẻo tốn tiền. Sau lần đó, mỗi khi có tiếng chuông reo, Hưng giật mình không dám cầm điện thoại nữa.
Hưng cũng đã quá tuổi cắp sách đến trường. Song với tình trạng: Câm mà không điếc. Đầu óc có vấn đề chẳng đâu dám nhận. Nơi nào cũng có ba rem tuyển sinh. Trường giành cho học sinh khuyết tật lại ở quá xa, không ai đưa đón. Vả lại nơi đó chỉ nhận trẻ em câm điếc hoàn toàn, trí tuệ không có vấn đề gì. Còn dở dở ương ương như Hưng, người ta đều lắc đầu từ chối.
Có chân trong Hội phật tử của phường, ngoại thường xuyên vắng nhà. Lúc lên chùa lễ Phật, khi tụng kinh giúp đám hiếu. Ngoại thường cầu xin những việc tốt lành sẽ đến với Hưng, còn điều dở nhờ các vong hồn mang đi giúp. Việc ăn uống của Hưng trong những ngày này, ngoại thường đặt quán cơm bên kia đường mang sang. Mặc dù ngoại đã kê cái phản sát ngay cửa sổ, nằm ở đó cũng có thể ngắm cảnh vật ngoài đường. Song Hưng vẫn thích ngồi với tư thế thò chân ra vỉa hè.
Thấy bé gái bán xổ số đội chiếc mũ nan vành rách tua rua, cúi định tìm chỗ ngồi ngay dưới khung cửa sổ. Hưng thò tay cầm chiếc mũ, hất hàm ra hiệu hỏi: “Sao lại ngồi ở đây?” Đứa bé ngẩng lên, một khuôn mặt đỏ bừng nhễ nhại mồ hôi, những sợi tóc xơ dài hoe hoe vàng ướt thẫm bết vào nhau. Cô bé  chỉ vào ngón chân cái bị bật tung móng, đang chảy máu, nhăn nhó nói:
- Em vừa bị vấp xong! Anh cho ngồi nhờ một một tý, chốc đỡ đau em đi luôn.
Cô bé ngơ ngác khi thấy Hưng im lặng rời khỏi cửa sổ, huỳnh huỵch chạy vào bên trong nhà. Cô nhăn mặt, cúi đầu lấy tờ vé số không trúng thấm máu. Cô giật mình quay lại khi bị Hưng kéo tóc. Hưng đưa cho cô túm lông culi, cuộn băng ú ớ ra hiệu dịt vào chân. Vừa buộc chỗ đau, cô bé vừa véo von: “Má gọi em là Na, nhà mãi dưới biển, xa lắm cơ. Chuyển xe ba lần, xong phải đi bộ mỏi cả chân mới tới nơi. Cơn bão năm ngoái ấy. Làng em nhiều thuyền bị đắm, rất đông người mất tích. Ba của em cũng nằm trong số đó. Nhà có ba chị em, mỗi đứa cách nhau có một tẹo tuổi. Từ ngày ba vắng, má đổ bệnh hoài. Tiền tài trợ chỉ đủ dựng lại căn nhà nhỏ bị sập hồi bão. Bà con lối xóm ai cũng như mình, lấy đâu ra mà giúp. Sau đận ấy, cả làng toả đi khắp nơi tìm kiếm công việc. Em là chị hai trong nhà, được người quen rủ lên trên này bán vé số. Tiền hoa hồng gom lại, hàng tháng gửi về cho má - Thấy Hưng gật gật đầu, ú ớ ra chuyện hiểu. Na hỏi liên tục - Anh lớn như thế này mà chưa biết nói hay sao? Chắc anh hay nghịch? Nên bị ba, má nhốt trong nhà chứ gì? Anh đi học chưa? Lớp mấy rồi? Dưới quê chẳng ai nhốt trẻ con như  ở đây cả! Chúng em tha hồ chạy nhảy, nô đùa thoải mái. Chẳng như bọn anh, không bị nhốt thì cũng phải học suốt ngày. Ra khỏi nhà lúc nào cũng có người lớn đi kèm, còng lưng giống con rùa, mang cặp sách to như bịch muối. Mà em đi đây, vé số hôm nay còn nhiều quá, tối trả lại thế nào cũng bị cằn nhằn.”
Na tập tễnh, nhăn nhó bước. Một lúc sau đã thấy cô bé cầm đôi dép lê vẹt gót quay lại. Na đưa cho Hưng:
- Số quả sấu này em nhặt ngoài bờ hồ. Của mấy đứa trèo vặt trộm, bị bảo vệ đuổi không kịp mang theo. – Na chỉ vào bờ hè - Anh cho em ngồi đây nhé? Chân em còn đau, đi không nổi! Bán được ít nào hay tý ấy – Cô bé móc túi đưa tiếp cho Hưng con ve sầu đã xén cánh – Cho anh này! Nó kêu to lắm đấy!
Na kê dép ngồi, tay chìa tập vé số mời khách bộ hành. Cô bé quay lại khi bị Hưng kéo tóc. Cậu đang lựa lùa qua song cửa sổ cái ghế nhựa con cho Na. Rồi ra hiệu cho Na hãy dùng nó để ngồi. Được một lúc Hưng lại chạy vào buồng lôi cái vỏ thùng các tông đựng mì ăn liền, đổ các thứ bên trong, mang tới phản tìm cách đưa ra ngoài. Cái thùng to, song sắt hẹp. Hưng thần người nghĩ, bất chợt mắt nó sáng lên. Hưng tháo tung hai đáy, nó hì hục đạp ép cái thùng thành một mặt phẳng. Hưng ú ớ, Na quay lại. Nó nhét cái thùng qua song sắt, được nửa chừng lại kéo vào. Hưng nắn cái thùng trở lại nguyên hình, để mấy thứ đồ lặt vặt lên trên, ngồi ngay ngắn. Na reo lên:
- Anh bảo em bày vé lên đây để bán chứ gì.
Khuôn mặt Hưng rạng rỡ, Na đã hiểu ý định của nó. Từ đó, hàng ngày Na đều giành một thời gian nhất định, ngồi bán vé số và nói chuyện với Hưng dưới khung cửa sổ.
Đáng lý ra ngoại dậy từ lâu lắm rồi. Chưa bao giờ Hưng thấy ngoại bỏ đọc kinh buổi sáng cả. Tối qua đi ngủ, ngoại lại không buông cả màn nữa. Mà sao người ngoại nóng thế. Hưng lay, ngoại tỉnh giấc nặng nề ngồi dậy. Ngoại nhìn Hưng uể oải:
- Đã sáng rồi ư.
Vừa dứt câu, ngoại ngã bật ngửa ra sau. Hưng sợ quá, khóc oà lên. Nó lay kéo rất lâu, đủ kiểu, ngoại vẫn rên ừ ừ, hai mắt nhắm tịt. Hưng chạy ra chỗ để điện thoại, nhấc máy. Nó bấm số, tiếng chuông reo của máy đầu bên vang lên trong tai. Rồi giọng người nhận điện nhắc: Tôi xin nghe! - Làm Hưng chợt tỉnh. Nó biết mình chẳng làm gì được với loại phương tiện liên lạc hiện đại này.  Hưng thẫn thờ để bộ đàm vào vị rí cũ. 
Đúng lúc đó có tiếng Na léo xéo, Hưng vội vàng ra mở cửa sổ. Na đưa cho Hưng củ khoai lang luộc còn nóng:
- Em để phần anh đấy! Hôm nay sao dậy muộn thế? Em đến một lúc rồi mới dám gọi. Đang định đi bán ở mấy quán cà phê, lát nữa sẽ quay lại, song em sợ khoai nguội mất. Anh ăn đi.
Hưng vội vàng bỏ củ khoai xuống sập. Nó cầm tay Na đặt vào song sắt, ra hiệu đừng đi vội. Hưng lấy chìa khoá mở cửa, chạy ra kéo Na vào nhà. Cô bé ngập ngừng:
- Em …em  không dám vào đâu.
Hưng kéo mạnh, chỉ vào nơi ngoại nằm. Na miễn cưỡng bước theo. Hưng cầm tay cô bé đặt vào trán ngoại. Na giật mình, cô bé quay lại:
- Ngoại anh ốm rồi! Người nóng quá! Mà anh đã cho ngoại uống thuốc chưa?  - Thấy bộ dạng của Hưng, Na nói tiếp – Chưa chứ gì! Anh đi nhúng ướt khăn mặt cầm vào đây, để em đắp lên trán ngoại. Ở nhà chúng em ốm, má vẫn làm như vậy.
Chiếc khăn khô mà ngoại vẫn chưa dứt cơn sốt. Thấy ngoại cựa mình nói mê, Na quay lại hỏi Hưng:
- Anh có họ hàng nào ở gần đây không?
Hưng chạy ra ngoài chỗ để điện thoại, cầm cuốn sổ ngoại ghi những số máy thường cần gọi. Cầm quyển sổ giở vài trang, Na lắc đầu:
- Sao nhà anh quen nhiều thế? Biết gọi cho ai đây? Mà em mới được học có lớp một, đọc chậm lắm – Mắt Na sáng lên – Hay chúng mình gọi 115 đi, máy cấp cứu đấy. Số này em thuộc lắm. Ở trong quê, gần nhà em có máy cho gọi thuê. Em đã nghe người ta gọi xe cứu thương đưa người đi viện mấy lần rồi. 
Các bác sĩ nói:
- Ngoại bị sốt vi rút, phải nằm phòng cách ly truyền dịch mới khỏi.
Trước mắt phải nộp viện phí, và mua thuốc điều trị theo yêu cầu. Hưng chẳng biết ngoại để tiền ở đâu, số tìm được trong nhà không đủ cho các khoản bắt buộc. Hưng mang con lợn đất nó nuôi từ lâu ra đập. Thấy Hưng cầm nắm tiền, thần người ra vì không biết tính. Na nói:
- Đưa đây em đếm cho! Xem nào, liệu có đủ như các bác sĩ ở viện bảo không? Mà anh cầm tiền như vậy dễ bị bọn nghiện nó trấn lắm. Phải giấu kín! Luôn đi ở chỗ đông người. Đừng nghe theo chúng vào chỗ vắng – Na kiểm lại số tiền vừa đếm, hỏi Hưng – Có tưng đây thôi à? – Hưng gật đầu xác nhận. Na băn khoăn – Chưa đủ đâu! Anh không biết chỗ ngoại để tiền hay sao? Hưng lắc đầu - Thôi, chỗ còn thiếu em sẽ cho anh vay. Lúc ngoại khỏi sẽ trả lại cho em sau cũng được. Đến cuối tháng mới phải gửi về cho má!
Ngoại nằm viện truyền dịch một hôm thì tỉnh, song vẫn chưa dứt sốt, thể trạng qua yếu muốn ngồi dậy vẫn phải có người nâng. Bác sĩ điều trị nói:
- May mà nhờ có các cháu gọi xe, đưa bà đến bệnh viện. Chúng tôi mới cấp cứu được kịp thời. Bệnh này phải điều trị lâu mới khỏi.
Na mở vung cặp lồng:
- Cháo chúng cháu vừa mới mua xong! Ngoại ăn đi cho nóng.
Thấy ngoại đưa mắt nhìn như muốn hỏi. Hưng dắt Na đến bên giường, cầm tay cô bé đặt vào tay ngoại. Na e thẹn:
- Để em giúp ngoại ăn đã. Được rồi, ngoại ăn đi. Từ từ rồi cháu sẽ kể.
Nghe thủng chuyện, ngoại quay mặt đi, cố giấu cặp mắt rớm lệ...
...Những ngày này ngoài những lúc ở trên viện với ngoại, thời gian còn lại Hưng theo Na đi bán vé số. Dần dần, Hưng thuộc lòng mọi tuyến đường xe buýt, các ngõ ngách tắt ngang trong thành phố nó đều đặt chân tới. Nhưng dù đi xa đến đâu chăng nữa, bao giờ Na cũng tính tuyến đường quay về, sao cho với một thời gian nhất định, hai đứa quay trở lại chỗ ngoại nằm. Buổi tối sau khi thanh toán với đại lý xong, hai đứa trẻ trở về căn nhà của Hưng.
Công việc bán vé số buộc phải giao tiếp với đủ các hạng người trong xã hội. Hưng lanh lợi hẳn ra, cái vẻ  mặt ngốc nghếch dần đần biến mất.
Na bảo nó  giá trị của từng chủng loại đồng tiền. Và Hưng cũng phần nào biết cách tính toán đơn giản trong việc mua bán. Cô bé gom những tờ vé loại, chỉ cho Hưng cách tính tương ứng. Đồng có mầu đỏ hồng ghi các số như thế này, được hai vé. Nếu người mua lấy một, phải trả lại họ tờ bạc có màu xanh, hoặc đồng xu to gọi là năm nghìn ...
...Hưng chăm chỉ học theo cách chỉ bảo của Na. Khi thấy Hưng có biểu hiện chán nản, Na lại bày cho nó cách làm đồ chơi bằng những tờ vé bỏ đi.  
Na bảo Hưng:
- Em nghe người ta nói – Nếu gấp đủ một nghìn con hạc. Ta sẽ có một điều ước. Từ bây giờ chúng mình cùng làm, bao giờ đủ sẽ mang đi thả, cầu mong cho ngoại chóng lành bệnh.
Thấy Hưng tròn mắt ra hiệu hỏi – Một nghìn là bao nhiêu? Na nhẫn nại giải thích. Nó đếm từ một đến mười tờ vé số gấp lại để riêng ra. Rồi lại xếp mười gấp làm một lấy dây nịt buộc lại. Xong xuôi, Na lại để mười buộc cạnh nhau. Cô bé lập đi lập lại, vừa làm vừa cất tiếng dõng dạc đếm thật to. Hưng chăm chú nặng nề mấp máy môi.
Hai đứa cặm cụi, cái vỏ hộp các tông dần dần chất đầy chim hạc giấy được làm bằng những tờ vé số loại. Lúc xong việc, bao giờ Na cũng bỏ ra cùng Hưng đếm lại. Tối đó, khi con hạc giấy cuối cùng hoàn thành. Na đổ hết ra phản kiểm tra, và gấp lại những con không được như ý. Hai đứa xếp bày hạc giấy thành từng hàng mười con một trên phản. Na dõng dạc chăm chú chỉ vào từng con điểm danh: Một, hai, ba... Đến con hạc giấy cuối cùng cô bé thở phào nhẹ nhõm, ngắm bày chim bé bé, xinh xinh đủ màu sắc đậu ngay ngắn trên phản: “Thế là đã làm xong.” Na giật mình quay phắt sang Hưng, phía đó vừa có tiếng người chậm rãi vọng tới: “Một…ột…nghìn…ìn.” Na tròn mắt nhìn Hưng như  muốn hỏi: Liệu có phải mình nghe nhầm? Hưng mấp máy môi, những âm thanh nặng nề vang lên:
- Một…ột…nghìn…ìn.
Na reo to:
- Anh giỏi lắm. Chúng mình đã làm đủ một nghìn con rồi. Sáng mai lúc đi xe buýt qua sông, anh với em ước nguyện xong rồi thả - Cô bé phụng phịu - Mà anh biết nói từ bao giờ vậy? Cứ giấu, chẳng chịu đếm hộ em.
 
Đoàn xe nối đuôi nhau chậm rãi nhích qua cầu. Mới sớm đã xảy ra hiện tượng ùn tắc. Chuyến xe buýt chở hai đứa nhỏ đến gần giữa cầu phải dừng hẳn lại. Na cởi túi nilon, thầm thì rồi tung từng vốc hạc giấy ra ngoài. Cô bé giục Hưng:
- Anh thả đi.
Chiếc xe buýt nhúc nhắc chuyển bánh. Hưng vội dốc ngược chiếc túi  ra ngoài cửa sổ. Một làn gió ban mai từ dưới sông thổi tới, mang theo hơi nước mát lạnh. Gió cuốn bầy hạc giấy chấp chới giữa không trung. Những con chim én từ đâu bay vút đến, đan xen vào lũ hạc giấy, hòa thành một đàn đông đúc chao liệng trên sông.  
 TND