Trang chủ » Tin văn và...

“ĐẠO SĨ” TRẦN QUANG DŨNG VÀ CUỐN “ĐẠO THƯ” “GIÁO TRÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ THẾ KỶ X ĐẾN HẾT THẾ KỶ XIX”

Hà Thanh Hoa
Thứ hai ngày 15 tháng 3 năm 2010 9:15 PM
 
Trong các ngày 11, 12, 13 tháng 3 năm 2010, báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh đăng loạt bài “GS, TS... “luộc” sách” gây xôn xao dư luận. Mới đây, vô tình tôi có trong tay cuốn “Giáo trình Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX”, của một tác giả tên là Trần Quang Dũng, do nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội ấn hành năm 2009. Hỏi ra thì có người nói đó là tiến sĩ TQD, cán bộ giảng dạy Trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hoá. Tôi tò mò giở đọc thì thấy cuốn sách này rất giống một số cuốn giáo trình đại học khác mà tôi biết.
Hoá ra đây là một cuốn sách giả, sao chép từ một vài cuốn sách khác. Việc sao chép này rất dễ nhận ra bởi sự giống nhau đến kỳ lạ về kết cấu, và đặc biệt là có rất nhiều trang sao chép nguyên xi đến từng câu, từng chữ. Hơn nữa, vì sao chép, lắp ghép từ nhiều nguồn, nhiều quan điểm khác nhau, cộng với sự thêm bớt gia giảm của tác giả, nên cuốn sách nhiều chỗ thiếu tính nhất quán từ quan điểm đến kiến thức và văn phong trình bày, cũng như có những điểm không chính xác.
Trong cuốn sách của TQD phần các khuynh hướng, các cảm hứng văn học đã sao chép nội dung ở một số giáo trình khác nhau. Riêng chương khái quát đã sao chép, chế biến phần “Khái quát về văn học trung đại Việt Nam” trong giáo trình “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XVIII” do PGS. Bùi Duy Tân biên soạn (NXB Đà Nẵng, 2004). Nhưng sách của TQD sao chép nhiều nhất và nguyên xi nhất nội dung cuốn giáo trình “Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX” do PGS. Nguyễn Phạm Hùng biên soạn (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 1999). PGS. Bùi Duy Tân thì mới qua đời vì tuổi cao. Tôi liên lạc và cung cấp thông tin cho PGS. Nguyễn Phạm Hùng. Ông rất ngạc nhiên vì sự sao chép đó, nhưng chỉ cười mà không nói gì.
Cuốn sách của TQD “kế thừa” hầu hết quan điểm, ý tưởng, kết cấu trong công trình của PGS. Nguyễn Phạm Hùng. Phần “Hệ thống thể loại” vốn là xương sống cuốn giáo trình của TQD sao chép gần như nguyên xi hệ thống các thể loại văn học Việt Nam thời trung đại lần đầu tiên được trình bày trong sách của PGS. Nguyễn Phạm Hùng. Để thấy rõ sự sao chép đó thì phải đối chiếu, so sánh. Có ít nhất 96 đoạn văn (nói là ít nhất, vì có những phần chép nguyên cả một mục, gồm nhiều đoạn) được sao chép hầu như chính xác tuyệt đối tới từng dấu chấm, dấu phẩy! Công bằng mà nói, cũng có vài chỗ TQD đảo câu, đảo từ, tỉnh lược, bồi thêm, bớt đi, hay thay bằng chữ khác...
Có người nói, tiến sĩ Trần Quang Dũng đúng là một “đạo sĩ” đã “đạo văn” để cho ra đời một cuốn “đạo thư”. Một cuốn “đạo thư” mà được coi là một cuốn giáo trình đại học, thì xem ra nền giáo dục Việt Nam thật đáng buồn. Văn chương mà chép nguyên xi đến cả dấu chấm, dấu phẩy thì không còn là “luộc” sách nữa, mà là “ninh” sách rồi.
 HTH