Trang chủ » Tin văn và...

KIỆN TƯỚNG KỊCH TRUYỀN THANH ĐÃ QUA ĐỜI

Trần Hoàng Thiên Kim
Chủ nhật ngày 14 tháng 3 năm 2010 4:45 PM

TNc: Được tin anh Vũ Hà tạ thế, Trần Nhương xin gửi lời chia buồn tới tang quyến và cầu mong linh hồn anh thanh thản chốn vĩnh hằng. Xin giới thiệu bài viết về anh của Trần Hoàng Thiên Kim từ Lucbat.com

 
(LB.c): NSƯT Vũ Hà, nguyên Phó Trưởng Ban Văn nghệ của Đài Tiếng nói Việt Nam, người từng được mệnh danh là Kiện tướng Kịch Truyền thanh Quốc tế, vừa qua đời đột ngột ở tuổi 67, vì căn bệnh ung thư phổi.
Hơn 35 năm gắn bó với nghề, Vũ Hà là tác giả đồng thời là đạo diễn của hàng trăm vở kịch truyền thanh, hàng trăm bài báo, bài bình luận trên sóng phát thanh. Ông được xem là một trong những người đầu tiên đưa nghệ thuật kịch truyền thanh vào chuyên mục sân khấu truyền thanh, đó là cách kết hợp có hiệu quả giữa lời nói với âm nhạc và tiếng động để làm cho thính giả có thể hình dung những cái không nhìn thấy một cách gần gũi nhất, sống động nhất, phong phú nhất, biến người nghe thành người sống cùng với các nhân vật trong vở kịch, với từng tình huống kịch…

NSƯT Vũ Hà sinh 20-12-1946, quê ở Khoái Châu, Hưng Yên. Mỗi lần nhắc đến quê hương, trong ông lại hiện lên hình ảnh của những ngày thơ bé quang gánh theo mẹ đi khắp các ngõ chợ ở để kiếm sống. Đến năm 1946, bố mẹ ông quyết định ra Hà Nội làm ăn. Gia đình ông tá túc ở nhà một người bà con. Hàng ngày bố ông đẩy xe ba gác chở củi đến bán ở chợ Trại Găng, mẹ ông thì bán hàng xáo. Tiếp đó, bố ông xin được chân xé vé tàu điện. Hàng ngày, cậu bé Vũ Hà, ngoài những buổi đến trường còn phụ giúp bố mẹ kiếm thêm những đồng bạc lẻ bằng cách đi bán báo, bán kem, đi đánh giày... ở tận cùng ngõ hẻm của các con phố Hà Nội.
Trong ký ức ông, đó là những tháng ngày cơ cực, bần hàn nhưng hạnh phúc bởi ông được sống trong vòng tay yêu thương của bố mẹ và những giờ khắc rong ruổi với những thú riêng mà không phải đứa trẻ nào ở tuổi ông hồi đó cũng cảm nhận được.
Học hết lớp 9, Vũ Hà tình nguyện đi vùng cao làm công nhân địa chất, chuyên đi khoan đất, đào hố sâu để khảo sát địa tầng. Nơi đặt chân đầu tiên là Bắc Cạn. Có lần, khi đang ở dưới độ sâu hơn hai chục mét, Vũ Hà đứng tựa vào vách đất lạnh ngắt nhìn lên vòm trời cao hình... chữ nhật và nghĩ có lẽ phải thay đổi, chứ không thể bôn ba mãi với những thước đất sâu này. Ông tự học và thi liền hai kỳ được hai bằng Bổ túc văn hóa Văn, Sử, Địa và Toán, Lý, Hóa. Hoàn thành chương trình lớp 10 phổ thông.
Một hôm, tình cờ ông biết Hội Nghệ sĩ Sân khấu đang tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản, nổi hứng, Vũ Hà viết thử một câu chuyện về những người bạn của mình mang tên Tời và Mại để tham dự cuộc thi. May mắn đã mỉm cười với Vũ Hà, ông trúng giải B và phần thưởng là 4 mét vải kaki kèm theo một vật lưu niệm có hình tên lửa Liên Xô được phóng vào vũ trụ. Kể từ giải thưởng đó, Vũ Hà nghĩ rằng, có một mối duyên nào đó đã dẫn ông đến với nghề viết.
 
 Từ trái qua: NSND Trần Tiến, NSƯT Vũ Hà và Dịch giả ĐoànTử Huyến.
Vũ Hà bị ám ảnh bởi những tác phẩm sân khấu và ông say mê viết, viết xong có khi cất vào xó, có khi… xé đi viết lại, nhưng nó là nhu cầu tự thân khiến ông phải cầm bút. Thời gian này, ông đã kịp theo học 5 năm Đại học Tổng hợp, có bằng cử nhân văn khoa.
Một lần, trong đám giỗ của bà ngoại, tình cờ, người cậu ruột của Vũ Hà quen biết và mời ông Phạm Thành đến. Phạm Thành là đạo diễn sân khấu của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ. Sau một hồi chuyện trò, ông Thành đã khuyên Vũ Hà gửi những kịch bản tới Đài. Ngay khi đọc những kịch bản truyền thanh của Vũ Hà, nhà báo, nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng, Phó tổng biên tập của Đài lúc ấy đã ký công văn mời ông về làm việc tại Phòng Sân khấu truyền thanh, mở ra một bước ngoặt mới trong đời của chàng địa chất.
Hơn 35 năm trôi qua kể từ sự kiện đáng nhớ ấy, cho đến bây giờ, lưng vốn của NSƯT Vũ Hà trong vai trò tác giả cũng như đạo diễn là hàng trăm vở kịch truyền thanh, hàng trăm bài báo, bài bình luận trên sóng phát thanh. Khi đứng ở vai trò là đạo diễn, Vũ Hà mê mẩn hướng dẫn từng tiếng nói cho diễn viên, như thể ông đang phân thân ra thành những phận người. Ông biết cách gảy” đúng lúc, để làm bật ra được tính cách nhân vật. Những vở kịch của ông còn đọng lại trong lòng những thính giả nghe đài như: Bản danh sách điệp viên, Cánh cửa mở rộng, Tình yêu của em, Chuyến xe điện ra mặt trận, Lời không có trong kịch bản, Cái chết của nữ tài tử dạy hổ, Dòng sông ánh sáng… Đặc biệt, vở Cái chết  của nữ tài tử dạy hổ đã được tham gia Festival kịch truyền thanh Thế giới năm 1996 tại Matxcơva, được đánh giá là một tác phẩm có sức truyền cảm, bản thân được phong danh hiệu: Kiện tướng Kịch Truyền thanh Quốc tế.
Nhớ về những kỷ niệm hồi làm các chương trình kịch truyền thanh, NSƯT Vũ Hà kể lại rằng, sau khi vở kịch về các chiến sĩ hy sinh ở chiến trường Quảng Trị được phát sóng, có khán giả ở Hà Nội đã gửi thư về Đài khẳng định, câu chuyện đó viết về gia đình họ và đề nghị Đài nếu liên lạc được với con trai họ ở chiến trường thì hãy báo tin về cho gia đình...
Lại cũng có những câu chuyện đã giải oan cho một nữ thanh niên xung phong và đã đánh thức được trái tim đồng cảm của hàng triệu thính giả. Đó là câu chuyện của anh Lê Đại Dương, quê ở Thanh Hóa và cô thanh niên xung phong Nguyễn Binh Chủng ở Quảng Bình.
Khi hai người gặp nhau ở tuyến lửa, họ đã yêu và trao gửi cho nhau. Một thời gian sau, khi đang chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị, anh Lê Đại Dương nhận được thư của chị Nguyễn Binh Chủng báo tin là đã mang thai. Anh viết thư lại cho chị, nhắn rằng, nếu là con trai thì đặt tên là Thắng, con gái thì đặt tên là Lợi. Nhưng khi bức thư chưa kịp gửi đi thì anh hy sinh. Đồng đội đã chôn bức thư ấy trong bọc ni lông theo anh.
Một thời gian sau khi sinh con, chị Binh Chủng đã dẫn con tìm về quê anh để được gặp gia đình họ hàng bên nội, nhưng vì không có bằng chứng gì nên gia đình anh Dương không công nhận. Chẳng còn cách nào khác, chị đã mang con trở lại Quảng Bình với nỗi đau không biết san sẻ cùng ai.
Hơn 20 năm sau, khi tìm lại được hài cốt liệt sĩ Lê Đại Dương, trong đó có bức thư đựng trong chiếc lọ, người nhà của liệt sĩ Dương đã mừng rỡ đi tìm cháu, đồng thời để tạ lỗi với người phụ nữ đã từng bị chối từ. NSƯT Vũ Hà cho biết, sau câu chuyện đó, ông nhận được hàng nghìn bức thư của thính giả hâm mộ khắp nơi gửi về chương trình. Có những người kỳ công còn sưu tập thêm nhiều câu chuyện đời thường để tặng lại cho ông, giúp ông thêm tư liệu...
NSƯT Vũ Hà giờ đã sắp ở tuổi thất thập. Mái tóc ông bạc phơ như cước. Có ai khen tóc đẹp, ông vẫn đùa như tính cách vốn dĩ hài hước của ông: Buồn bạc râu, sầu bạc tóc mà. Tóc tôi bạc sớm một phần là do máu xấu, nhưng một phần là do cái tạng đa sầu, đa cảm....
Là nói vậy, nhưng với bản tính ham đọc, ham học hỏi, Vũ Hà luôn là người gồng mình lên với cuộc sống, mặc dù, với đôi chân bước thấp, bước cao đi lại thập thững do bị thoái hóa khớp, nhiều khi trở trời, hoặc đi lại nhiều khiến ông đau đớn. Nhưng, với công việc sáng tạo, dường như chưa bao ông ngừng nghỉ.
Mỗi tuần một lần, ông đạp chiếc xe cà tàng đã gắn bó với ông hàng chục năm nay để đến Đài tham gia chuyên mục bình luận vở kịch truyền thanh dài kỳ Khát vọng sống dài 104 tập. Ông còn viết hàng loạt bài báo về các vấn đề liên quan đến sân khấu nói chung và sân khấu truyền thanh nói riêng. Đối với ông, sân khấu luôn là một chân trời nghệ thuật đầy sức quyến rũ. Ông khóc vì nó, ông cười vì nó, và giờ đây, mỗi lần kể lại những kỷ niệm vui buồn đã có với sân khấu, ông bảo: Tôi đã được sống những ngày có ý nghĩa nhất!.

Trần Hoàng Thiên Kim