Trang chủ » Tin văn và...

NƯỚC MẮT NÔNG DÂN

Hà Nhân
Thứ sáu ngày 12 tháng 3 năm 2010 10:14 PM
TP - Hết xăng rồi đến điện, than tăng giá. Những mặt hàng xương sống của nền kinh tế có biến động, đẩy giá hàng loạt mặt hàng khác tăng theo. Trong cơn bão giá, nếu ai nhìn xuống nông thôn mới thấy nông dân vẫn là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Họ đang hàng ngày hứng chịu nghịch lý là vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y “nhảy” theo giá điện, trong khi nông sản mình một nắng hai sương làm ra lại rớt giá thê thảm.
Diêm dân đồng muối từ Nam Định đến Ninh Thuận đang kêu trời khi giá muối sụt giảm. Hai năm trước, khi giá muối tăng đến 2 triệu đồng/tấn, người ta ồ ạt phá tôm làm muối mà không lường đến ngày hôm nay khi giá muối thô tại đồng hiện trở về mức năm 2006 là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Quyết định cấp quota cho nhập 170 nghìn tấn muối ngay trong những ngày đầu năm của Bộ Công Thương càng khiến giá muối bấp bênh hơn bởi giá nhập khẩu còn rẻ hơn giá trong nước.
Áp lực dư luận buộc Bộ Công Thương phải tổ chức họp báo khẳng định, sẽ không cấp thêm quota nhập muối cho doanh nghiệp nữa. Nông dân trồng dưa hấu nhiều vùng cũng đang méo mặt khi hàng ngày nhìn cả trăm xe dưa ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), kéo giá dưa có thời điểm xuống còn 1.000 đồng/kg. 
Hai sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Việt Nam là lúa gạo và cà phê cũng đều đang trong cảnh đầu vào tăng, đầu ra giảm. Giá lúa lao dốc không phanh từ 5.500 đến 5.700 đồng/kg thời điểm cuối năm 2009 giờ chưa còn nổi 4.000 đồng/kg.
Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thông báo đã triển khai việc thu mua tạm trữ nhưng giá lúa tại ĐBSCL vẫn giảm, nông dân vẫn khó bán. Mục tiêu nông dân trồng lúa lãi ít nhất 30% như chỉ đạo của Chính phủ lại một lần bị thử thách.
Hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp mua lúa tạm trữ của nông dân cũng chưa phải là giải pháp tối ưu bởi nhiều nơi nông dân đã bán hết lúa với giá thấp tại ruộng ngay khi vào vụ thu hoạch.
Trước áp lực của dư luận về thông tin các doanh nghiệp trong hiệp hội bán phá giá gạo, VFA từng đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ nông dân. Theo đó, mỗi tấn gạo xuất khẩu các doanh nghiệp phải đóng 1 USD vào quỹ này để đầu tư trở lại cho người trồng lúa.
Thế nhưng, đến nay, quỹ này cũng chưa thể ra đời. Câu trả lời về việc có hay không việc các doanh nghiệp trong VFA bán phá giá gạo chưa có lời đáp trong khi nông dân vẫn trong vòng xoáy được mùa, rớt giá.
Mới đây, với sự thúc giục của doanh nghiệp, Bộ NN&PTNT lại đang tính toán để đề xuất Chính phủ hỗ trợ để mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm ngăn giá giảm tiếp.
Một chuyên gia nông nghiệp giật mình với đề xuất này bởi niên vụ cà phê đã kết thúc trước đây hai tháng (thu hoạch tập trung từ tháng 10 đến 12 hàng năm).
Giờ đây, người giữ cà phê là những chủ trang trại trường vốn và các doanh nghiệp xuất khẩu, còn nông dân nhỏ lẻ thì đâu còn giữ cà phê để Chính phủ hỗ trợ. Điều này đồng nghĩa chính sách hỗ trợ thêm một lần không đến được đối tượng khó khăn nhất, mà rơi vào túi doanh nhân.
Ai cứu nông dân? Câu hỏi chưa có lời giải.

Nguồn