Trang chủ » Tin văn và...

TƯ LIỆU VỀ ĐẠI HỘI VII HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Nguyễn Việt Chiến
Thứ bẩy ngày 6 tháng 3 năm 2010 10:22 PM

Ngày 23/4/2005, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2005-2010) họp phiên trù bị đã thông qua danh sách Chủ tịch Đoàn điều khiển đại hội gồm 9 người do nhà thơ Hữu Thỉnh (Tổng thư ký), nhà văn Nguyễn Trí Huân (Phó tổng thư ký) chủ trì và Ban thư ký giúp việc đại hội gồm 5 người do các nhà văn Trung Trung Đỉnh, Đức Hậu phụ trách.
Qua báo cáo kết quả công tác tổ chức 13 đại hội nhà văn cấp cơ sở cho thấy đã bầu được 447 nhà văn là đại biểu chính thức, 66 nhà văn là đại biểu chỉ định, đặc cách và 67 nhà văn đại biểu dự khuyết (tổng cộng 580 đại biểu). Đặc biệt, qua thăm dò nhân sự cho Ban chấp hành mới từ các đại hội nhà văn cấp cơ sở, cho thấy có tới... 359 nhà văn được đề cử vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII. Trong đó có một số nhà văn có số phiếu bầu rất cao như: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Ma Văn Kháng, Y Phương, Lê Văn Thảo, Lê Chí, Thanh Quế, Hồ Anh Thái, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bằng Việt, Đào Thắng, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa... Mặc dù số người đề cử lớn như vậy, nhưng sau đó đại hội đã nhất trí thông qua việc sẽ bầu Ban chấp hành khóa mới gồm 15 người (bầu làm 2 lần để chọn nhà văn có số phiếu bầu quá bán).
Chiều 23/4, một số nhà văn đã đọc tham luận. Nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng trăn trở làm thế nào để văn học Việt Nam có được những tác phẩm đỉnh cao, vấn đề ở đây không những chỉ đòi hỏi tài năng của các nhà văn mà còn đòi hỏi xã hội phải tạo điều kiện cho môi trường sáng tạo của người cầm bút. Nhà văn Thúy Toàn thì đề nghị nên có những phương hướng chiến lược cho văn học dịch, để có thể triển khai được những dự án lớn, tập trung nhiều chuyên gia có uy tín, có năng lực để dịch từ 200-500 tác phẩm văn học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Nhà thơ Dương Thuấn đề cập đến vấn đề cần có kế hoạch giúp đỡ cho việc phát triển văn học của các dân tộc thiểu số, nhất là việc bồi dưỡng tài năng trẻ, giới thiệu tác phẩm, xuất bản sách. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thì bày tỏ nỗi niềm của mình với các bạn văn sau 5 năm mới được háo hức một lần gặp nhau ở đại hội. Báo cáo của Hội Nhà văn cũng cho biết, trong 5 năm qua hội đã đầu tư kinh phí hỗ trợ sáng tác cho 805 lượt nhà văn với số tiền 2,55 tỉ đồng; tổ chức 15 trại sáng tác và các đoàn nhà văn đi thực tế với số tiền 345 triệu đồng; tài trợ cho 201 lượt các nhà văn cao tuổi là 940 triệu đồng.
Hôm nay 24/4/2005, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII chính thức khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội.
  
Ngày 25/4, các nhà văn tiếp tục tham luận tại hội trường. Nhưng vấn đề mà các nhà văn quan tâm vẫn là kết quả việc bầu cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn (HNV) khóa mới.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả bỏ phiếu chiều 24/4, cho thấy trong vòng bầu đầu tiên chỉ có 4 nhà văn (có số phiếu tín nhiệm quá bán) được bầu vào Ban Chấp hành HNV khóa VII, cao nhất là nhà thơ Hữu Thỉnh (Tổng thư ký HNV khóa VI) 374 phiếu; nhà văn
 
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.Nguyễn Trí Huân (Phó tổng thư ký HNV khóa VI) 355 phiếu; nhà văn Hồ Anh Thái (Tổng thư ký HNV Hà Nội) 268 phiếu; nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó ban Văn nghệ Đài TNVN) 260 phiếu. Do quy chế đặt ra phải bầu được 15 nhà văn vào Ban Chấp hành, nên đại hội đề nghị các nhà văn bầu cử thêm vòng thứ 2 để chọn thêm 9 người nữa. Nhưng sau vòng bầu cử thứ 2, cũng chỉ chọn thêm được 2 nhà văn nữa có số phiếu quá bán là nhà văn Lê Văn Thảo (Tổng thư ký HNV TP.HCM) 305 phiếu và nhà văn Phan Thị Vàng Anh (biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ -TP.HCM) 281 phiếu. Theo quy chế bầu cử thì quy định chỉ bầu có 2 vòng, nên trưa 25/4, toàn thể đại hội thống nhất dừng tại đó và Ban Chấp hành mới chỉ có 6 nhà văn nói trên.
Hơn 16 giờ, Ban kiểm phiếu chính thức công bố kết quả bầu Ban Chấp hành HNV khóa VII: nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu làm Chủ tịch HNV Việt Nam; 2 phó chủ tịch là các nhà văn Nguyễn Trí Huân và Lê Văn Thảo; 3 ủy viên Ban Chấp hành là các nhà văn Hồ Anh Thái, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Vàng Anh.
Trong bài phát biểu bế mạc đại hội, nhà thơ Hữu Thỉnh chân thành cảm ơn sự tín nhiệm của các nhà văn với Ban Chấp hành khóa mới và khẳng định: Sắp tới đây, toàn bộ hoạt động của HNV Việt Nam phải hướng tới hội viên, vì hội viên, chăm lo cho hội viên. Phải làm cho bộ máy của hội hoạt động hiệu quả, năng động và ấm áp tình nghĩa - đó là cái cần nhất trong ngôi nhà văn học của chúng ta. Trong quá trình thảo luận, có một số ý kiến đề cập tới vấn đề tự do sáng tác. Thật ra đây không phải là vấn đề gì mới. Đảng ta luôn luôn trước sau tôn trọng quyền tự do sáng tác của nhà văn. Nhưng tự do sáng tác không thể là một sản phẩm bao cấp được, nó ở ngay trong trái tim, khối óc của mỗi nhà văn, nó phụ thuộc vào tài năng của họ. Do đó, cũng cần nói thêm rằng, tư tưởng và chiều sâu của tác phẩm phụ thuộc rất lớn vào việc viết cho ai và để làm gì.
Ngày mai chúng ta lại trở về với công việc thầm lặng của mình, trở về với những thao thức nghệ thuật mà mỗi người đeo đuổi. Mùa gặt mới của văn học ta bắt đầu từ những công việc lặng lẽ đó. Với những gì diễn ra ở đại hội này, cho phép chúng ta hy vọng về một mùa bội thu văn học với sự cố gắng của toàn đội ngũ nhà văn.
 
Ảnh: Nhà thơ Hoàng Cầm (ngồi xe lăn), nhà văn Kim Lân, Nguyễn Đăng Mạnh...

Nguyễn Việt Chiến
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)