(Tân Bí thư Thành Ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng được người dân vây quanh xin chụp ảnh)
Việc ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đi thăm chợ hoa, dùng điện thoại chụp ảnh selfie “tự sướng” với người dân khiến dư luận xôn xao những ngày qua.
Nhiều người tỏ ra đồng tình, khâm phục và… tán dương rằng việc “ra mắt” của Bí thư Thăng như thông điệp về một cam kết đáng tin cậy của tân lãnh đạo thành phố…
Thực ra, việc đến với dân ngày tết không có gì mới.
Ngày xưa, Đức vua Lê Thánh Tông mỗi dịp đầu năm mới thường cải trang vi hành để xem xét tình hình dân chúng và ông đã từng đến thăm gia đình một người làm nghề dọn vệ sinh.
Sinh thời mỗi năm tết đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường đi thăm những người dân lao động, các chiến sĩ công an, bộ đội và nhân sĩ, trí thức.
Ngay trong cái Tết độc lập đầu tiên (1946), vào đêm giao thừa, Hồ Chủ tịch đã đến thăm một số gia đình lao động nghèo và nhân sỹ trí thức ở Hà Nội. Sau đó, Người cải trang như người dân thường đến thăm đền Ngọc Sơn.
Tết cuối cùng (1969), Hồ Chủ tịch đi thăm xã Vật Lại (huyện Ba Vì) khai xuân và trồng cây đa trên đồi của xã.
Nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta cũng rất gần gũi, thân mật với người dân như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng…
Tại các nước, hình ảnh sinh hoạt đời thường, tiếp xúc với dân của các nguyên thủ như Thủ tướng, Tổng thống ở trong phòng làm việc, ngoài đường phố, trên bàn ăn hay sân thể thao... không có gì lạ.
Tổng thống Mỹ Ôbama từng chơi với trẻ ngay tại phòng làm việc của mình. Thủ tướng Đức Angela Merkel “nhảy tưng tưng” khi xem bóng đá. Nguyên Thủ tướng Thái Lan xinh đẹp Yingluck trồng rau, nuôi gà, thu hoạch sầu riêng cùng với người nông dân...
Thế nhưng việc ông Thăng đến thăm đường hoa Nguyễn Huệ vẫn được dư luận quan tâm. Vì sao vậy?
Ở đây có mấy lý do.
Thứ nhất, việc tiếp cận truyền thông chưa thật sự được các vị lãnh đạo của ta chú trọng. Còn nhiều vị lãnh đạo rất ngại khi đăng (hoặc công khai) hình ảnh sinh hoạt đời thường của mình.
Thứ hai, tâm lý xã hội nhiều khi cho rằng đó là hành động “đánh bóng tên tuổi”, chưa phù hợp với Việt Nam.
Song điều thứ ba mới quan trọng. Đó là không ít người vẫn chưa thoát khỏi “tư duy quan chức”, tự coi mình như “đấng bậc” trong xã hội nên lúc nào cũng “đạo văn mạo” từ lời ăn, tiếng nói cho đến đi đứng và đặc biệt là trong mỗi dịp tiếp xúc với dân.
Tất nhiên, là quan chức, họ không thể “suồng sã” và càng không nên ăn nói “xô bồ, bất cẩn”, song không có nghĩa là cứng nhắc và… khệnh khạng.
Trong khi đó, thậm chí đối với một số người, thói quan liêu đã trở thành “bệnh quan”. Họ tự “giết chết” những cảm xúc của một con người bình thường, luôn “nghiêm cẩn” mà quên mất rằng quan chức cũng là một con người bình thường có lúc làm việc, có lúc ưu tư, có vui, có buồn và có những phút giây cho gia đình, bè bạn, cộng đồng…
Chính cách hành xử đó khiến họ xa dân và tất nhiên, dân cũng xa họ.
Phát biểu bế mạc Đại hội XII, TBT Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với nhân dân rằng tập thể lãnh đạo Đảng khóa XII sẽ là tập thể lãnh đạo gần dân, trọng dân, vì dân.
“Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…” - TBT Nguyễn Phú Trọng.
Vâng, muốn “vì dân” thì phải biết “trọng dân” và muốn “trọng dân” thì phải biết “gần dân” và ngược lại, chỉ có “gần dân” thì mới biết “trọng dân” và chỉ có “trọng dân” thì mới “vì dân”.
Thời người dân nhìn quan lớn như “đèn giời”, không dám ngẩng mặt để “chiêm ngưỡng dung nhan” đã qua và cả cái thời người lãnh đạo tự coi mình như “đấng bậc” của dân cũng đã qua.
Đây là thời mà cán bộ, công chức cần phải cầu thị ở nhân dân như lời phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng: “Ban chấp hành TƯ khóa 12 cầu thị nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể qua các thời kỳ, của các cơ quan, ban ngành, địa phương, các giới, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...”
Những ai thật sự “vì dân” thì trước hết, phải biết “gần dân”, “trọng dân”, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám