Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÂM SỰ CỦA PHẠM TRỌNG THANH TRONG "DẮT NHAU ĐI BỘ"

Trần Kế Hoàn.
Thứ tư ngày 10 tháng 2 năm 2016 11:17 AM


Dắt nhau đi bộ tuổi già

Anh và em cũng là ta với mình

Chân trời vừa rạng bình minh

Phố nghèo nhường lối chung tình cho nhau

Tuổi già đừng chậm đừng mau

Miệng cười phải nể mái đầu nhuốm sương

Bàn chân phải lụy con đường

Gập gềnh thì tránh, ẩm ương thì quành

Tay mình nhịp với cao xanh

Chim bay, bướm dạo trời lành Thiên di

Sông nằm, núi đứng , người đi

Bước nào sum họp, chia ly bước nào

Mình từng lên ngọn sông đào

Tiễn ta vượt khúc ca dao đường đời

Đèo cao dốc thẳm mù khơi

Hãy còn nhớ một thương mười ở đây

Bước ta vơi, bước mình đầy

Nương nhau cho rộng tháng ngày nhân gian

Đường này con trẻ ríu ran

Hai ta lẫm chẫm bên hàng cây cao.

LỜI BÌNH CỦA TRẦN KẾ HOÀN

Ngoài bảy mươi tuổi, trải qua nhiều buồn vui, sướng khổ, nhà thơ Phạm Trọng Thanh đã rút ra cho mình nhiều bài học về lẽ sống ở đời. "Dắt nhau đi bộ" là sự chiêm nghiệm nhẹ nhàng mà sâu sắc về quan điểm nhân sinh của lứa tuổi xế chiều, được ông thể hiện qua ngôn ngữ thơ rất thành công.

"Dắt nhau đi bộ tuổi già

Anh và em cũng là ta với mình"

Ông xác định nhu cầu của tuổi già là phải có bạn. Nhưng người bạn ấy phải là người bạn thật tri kỷ mới có thể "dắt nhau", nương tựa vào nhau, bổ xung những khiếm khuyết cho nhau.

"Bước ta vơi, bước mình đầy

Nương nhau cho rộng tháng ngày nhân gian"

Người ta chỉ có thể vui vẻ cùng con cháu để hưóng tới tương lai, hoặc chiêm ngưỡng các vị tiền bối để học tập, tự hào trong tâm tưởng chứ không thể "dắt nhau đi bộ" cho nốt chặng đường đời khi chiều tà bóng xế. Trong dòng xoáy xô bồ của xã hội, hơn bảy chục tuổi đời, con người phải chứng kiến biết bao đen bạc, kệch kỡm, nhố nhăng. Thời trẻ, người ta có thể chạy việt dã, nhảy nhót, nô đùa: "đường này con trẻ ríu ran". Với tuổi già, người ta chỉ có thể đi bộ, thậm chí chỉ là "lẫm chẫm", và phải có người tri kỷ để "dắt nhau". Đó vừa là thực tế, vừa là nhu cầu chính đáng. Và chúng ta cũng mừng cho ông là đã có người tri kỷ để "dắt nhau đi bộ". "Anh và em cũng là ta với mình". Một điều thật giản đơn nhưng đối với một số người có lẽ còn là mơ ước. Họ vẫn buộc phải đối mặt với những hiềm khích, những đố kỵ, ghét ghen, những bon chen kèn cựa... Thậm chí cá biệt có người tuy tuổi đã cao nhưng lòng hãy còn đầy rẫy mưu mô, thủ đoạn, gồng mình lên thực hiện cho bằng được những toan tính cá nhân ích kỷ hẹp hòi. Tuổi già nhưng cái triết lý nhân sinh rất nhân văn của đạo, của đời đã chắc gì đến được với họ.

Và đây nữa, chúng ta đọc tiếp:

"Tuổi già đừng chậm đừng mau"

Bước chân của ông thật đáng nể: "đừng chậm". Hơn lúc nào hết, tuổi già, càng cảm nhận được giá trị của thời gian. Qũy thời gian của đời còn không nhiều. Hãy gắng gỏi hết sức mình cho những việc làm ý nghĩa, cho những bước đi có ích cho mình, cho đời. Nhưng cũng "đừng mau", bởi vội vàng là tốn sức và dễ vấp.

"Miệng cười phải nể mái đầu nhuốm sương"

Tác giả đã khéo léo nhắc mọi người cái đạo ở đời bằng những ẩn dụ dung dị, dễ hiểu. Tôi nghĩ với tuổi già mà nhắc nhở điều này e là thừa. Nhưng không, nó còn thiết thực lắm. Những hình ảnh, lời nói thật phản cảm vẫn còn nhức nhối đâu đây. Và đây cũng là điều tác giả muốn nhắc nhở cho "mái đầu" của những người ấy hãy "nhuốm sương" cả trong nghĩa đen và nghĩa bóng.

Mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa cá nhân và tập thể. v.v... cũng được nhà thơ khéo léo tổng kết bằng hệ lụy giữa bàn chân với con đường:

"Bàn chân phải lụy con đường"

Đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng đến câu:

"Gập gềnh thì tránh, ẩm ương thì quành"

Phạm Trọng Thanh đã chọn giải pháp an toàn cho sức vóc của tuổi già. Tôi không dám nói là ông thủ tiêu đấu tranh vì câu ca xưa của tiền nhân thì vẫn còn giá trị sờ sờ ra đấy: "Không tránh trâu lấm, ắt thấm bùn dơ". Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một cách ứng xử. Liệu tuổi già, đang đi, gặp chỗ gập gềnh có nên bỏ chút công sức san lấp? Điều này tôi để cho đọc giả phán xét và cho một lời khuyên. Còn tôi thì quả quyết rằng cái lý của Phạm Trọng Thanh đã đúng. Bởi con đường mà ông đang cùng bạn "lẫm chẫm" bước đi kia không chỉ là con đường trong nghĩa đen mà nó còn là ẩn dụ của con đường đời đầy "ẩm ương", bát nháo. "Núi sông dễ đổi, bản chất khó dời". Gặp con đường gập gềnh thì có thể san lấp. Gặp con ngưòi ngang ngạnh, thậm chí là thất đức, thiếu cả nhân cách thì biết sửa sao đây?

Và chỉ có thế nhà thơ mới thấy được niềm hy vọng của đời:

"Chân trời vừa rạng bình minh"

hoặc cảm được cái tình của vạn vật:

"Phố nghèo nhường lối chung tình cho nhau"

để thấy mình đang thanh thản nhịp bước cùng muôn loài, cùng sự vận động chung của tạo hóa, của vũ trụ.

"Tay mình nhịp với cao xanh

Chim bay, bướm dạo trời lành Thiên di

Sông nằm, núi đứng , người đi..."

Khi ngoảnh đầu nhìn lại chặng đường đã cùng nhau đi qua dẫu nhiều vất vả thì cũng chỉ còn một thoáng chạnh lòng:

"Bước nào sum họp, chia ly bước nào

Mình từng lên ngọn sông đào

Tiễn ta vượt khúc ca dao đường đời

Đèo cao dốc thẳm mù khơi

Hãy còn nhớ một thương mười ở đây"

Bài thơ thấm đẫm tinh thần thuyết pháp của đạo Phật, khuyên con người nên bỏ hết mọi sân hận, oán thù. Ngẫm lại bước đường đời mà mình vừa trải qua, càng thấy được giá trị thực tiễn của bài thơ. Cái "ẩm ương" bắt ta phải "quành" tuy rất ít nhưng không có nghĩa là không gặp, dù ở bất kỳ môi trường nào. Thậm chí ngay ở nơi toàn những người đạo mạo, đáng tuổi cha chú, ta rất kính trọng, vẫn có thể hiện hữu một nhân cách bệnh hoạn.

Đọc bài thơ, nhìn nhận lại bản thân, giật mình tự hỏi: Mình đã bao giờ là cái "ổ gà" bắt mọi người phải tránh? Là cái "ẩm ương" bắt mọi người phải quành? Điều đáng sợ nhất trên đời là mình bị mọi người coi là "con trâu lấm"cạnh đường đi.

Nếu mọi người đều tiếp cận bài thơ theo cách suy luận của tôi trên kia thì ngộ ra một điều rằng Phạm Trọng Thanh không hề tránh những "gập gềnh", "ẩm ương" đã gặp khi "dắt nhau đi bộ". Ngược lại sự im lặng để "tránh", để "quành" đã thể hiện một thái độ phản ứng, một cách ứng xử thật mẫu mực, một cách đấu tranh rất đúng mức, đáng để mọi người phải suy ngẫm và học tập. Điều đáng buồn là cái "gập gềnh", "ẩm ương" thường xuất hiện từ phía những kẻ điếc cả nhân tâm thì sao họ nghe được sự im lặng khi "tránh", khi "quành" của mọi người.

Thông qua việc đi bộ thể dục hàng ngày, một công việc thông thường rất nhiều người làm, chẳng thấy ai viết ra được cái gì, nhưng với Phạm Trọng Thanh là thế đấy..

Xin chân thành cảm ơn ông đã cho chúng ta thưởng thức một bài thơ với các ẩn dụ đa nghĩa, ngôn ngữ dung dị, ý nghĩa sâu sắc, có tính giáo dục và giá trị thực tiễn cao, nhưng lại giống như những lời nói thủ thỉ tâm tình của một người anh, người bạn già tri kỷ vậy.

Chúc nhà thơ mạnh khỏe, đi bộ đều và tiếp tục có thêm những người bạn tốt, để đôi chân thêm dẻo dai, bước tiếp chặng đường đời, chặng đường thơ, của một nhà thơ tuy tuổi cao nhưng bút lực hãy còn sung sức.

Non Côi tháng 4 năm 2015

Trần Kế Hoàn.