Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GÓP GIÓ THÀNH BÃO

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ hai ngày 8 tháng 2 năm 2016 5:47 PM


Tạp bút 

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá 13, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo trả lời các vị Đại biểu Quốc hội phỏng vấn rằng: Bộ không bỏ môn Lịch sử, mà tích hợp cùng hai môn; “Giáo dục công dân” và “Giáo đục an ninh quốc phòng”, thành môn “Công dân với Tổ quốc”.

Từ điển định nghĩa tích hợp là: “Lắp ráp, nối kết các thành phần của một hệ thống theo quan điểm tạo nên một hệ thống toàn bộ”.

Như vậy là môn Lịch sử trong sách giáo khoa sẽ biến mất và thay vào đó là môn “Công dân với Tổ quốc”.

Chắc là khi biên soạn môn này người ta có sử dụng tư liệu lịch sử, cho nên ông Bộ trưởng mới nói là không bỏ môn lịch sử. Nhưng PGS TS Phạm Quốc Sử, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Hà Nội thì gọi đó là “những mảnh vỡ của lịch sử”. Cái bát đã vỡ chỉ còn mảnh, thì có còn là cái bát nữa đâu, sao lại bảo là vẫn còn?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết: “Con người nếu không biết lịch sử sẽ chẳng khác gì con trâu sẵn sàng kéo cày ở bất cứ ruộng nào và do ai điều khiển, miễn là được cho ăn”.

Còn nhớ có lần tiếp xúc với một lão nông ở huyện Chí Linh,, Hải Dương, ông lão hỏi tôi: “Bác đã nên xem cái bàn cờ Tiên ở trên đỉnh núi Côn Sơn chua? Ngày trước ông Nguyễn Trãi vẫn đánh cờ với ông Trần Văn Giầu ở trên ấy đấy!”. Chắc ông lão không được học lịch sử nên mới để cho hai nhân vật sống cách xa nhau năm thế kỷ cùng ngồi đánh cờ với nhau?

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhấn bút hơi quá tay. Chứ ông lão không học lịch sử này chẳng những vẫn là người, mà còn là người đáng kính nữa kia. Vì ông tỏ ra rất tự hào mình là người đồng hương với Nguyễn Trãi.

Còn chuyện này nữa: Bạn học của con gái chúng tôi là nữ bác sỹ Tuyết, làm ở bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển – Uông Bí. Tuyết lấy một bác sỹ người Thuỵ Điển sang giúp ta. Khi hết hạn làm việc ở Việt Nam, hai vợ chồng về Thuỵ Điển. Bác sỹ Tuyết được bệnh viện ở quê chồng nhận vào làm, nhưng chỉ được hưởng lương y tá. Tấm bằng tốt nghiệp bác sỹ loại ưu của chị không được nhà nước Thuỵ Điển công nhận. Vì chất lượng giáo dục đào tạo của ta không bằng các nước.

Đã nhiều lần Bộ Giáo dục – Đào tạo cải cách, sửa đổi để nâng cao chất lượng, nhưng hầu như cứ mỗi lần “cải” thì lại thêm một lần “lùi”!

Và bây giờ (2015) khi số học sinh đăng ký thi môn Lịch sử chỉ còn 1% (tỉnh Hải Dương), thì chính Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng định bỏ môn Lịch sử bằng cách tích hợp môn này vào môn khác!

Nhưng Quốc hội đã quyết định không bỏ môn Lịch sử và yêu cần Bộ Giáo dục – Đào tạo biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử. Đó là một quyết định sáng suốt, nhưng Quốc hội của nước ta chỉ là cơ quan dân cử cao nhất, chứ không phải là cơ quan lãnh đạo cao nhất, Đảng mới là cơ quan lãnh đạo cao nhất. “Đảng lãnh đậo toàn diện, lãnh đạo tuyệt đối” (lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng). Quốc hội cũng do Đảng lãnh đạo, trực tiếp là Bộ chính trị. Bộ chính trị có tán thành giữ môn Lịch sử lại và biên soạn lại sách giáo khoa Lịch sử không? Và biên soạn theo quan điểm, tiêu chí nào thì chưa ai được biết.

Nhưng rất nhanh chóng chỉ mấy hôm sau quyết định của Quốc hội được dư luận cả nước quan tâm thì Đài trưyền hình đã đưa tin: Ngày 7 tháng 12 năm 2015, dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã họp với Hội Khoa học Lịch sử. Và hội nghị đã quyết định: Môn :Lịch sử vẫn tồn tại độc lập không tích hợp với các môn khác. Nhưng bản tin không cho biết Bộ Giáo dục – Đào tạo có được phép biên soạn lại sách giáo khoa như ý kiến của Quốc hội không?

Ngày còn đi học tôi rất thích môn Lịch sử và còn nhớ mãi không bao giờ quên một buổi học, khi nghe thầy giáo đọc đến câu: “Đầu thần còn đây thì nước ta không thể mất được!” . Bỗng người tôi nổi gai lên, nươc mắt chẩy tràn xuống má.

Vậy tại sao bây giờ học sinh lại không thích môn Lịch sử? Phải chăng như PGS TS Phạm Quốc Sử, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Hà Nội đã viết: “Trong sử học nguyên tắc tối thượng là tôn trọng sự thật, nhưng điều này thường bị vi phạm. Khi sử học bị chính trị hoá thì nguyên tắc trên sẽ bị vi phạm, bởi nó buộc sử học phải quỳ gối phục vụ cho mục đích chính trị mà có trường hợp xuyên tạc sự thật… Đó là thứ “sử học nhà nước”, “sử học quốc doanh”. Sử học đã biến thành công cụ tuyên truyền!”.

*

* *

Trong dân gian đang lan truyền một câu tục ngữ mới đúc kết, sáng tạo ra là: “Mồm tuyên giáo, áo ngoại giao”.

Vì tính chất hệ trọng của ngành ngoại giao, cho nên các nhà ngoại giao lúc nào cũng phải quần áo chỉnh tề, để tỏ ra mình tôn trọng người và cũng là để người ta phải nể trọng mình. Vậy nên cả những năm ta còn nghèo, nhưng các nhà ngoại giao của ta cũng vẫn com lê lễ phục, xe hơi sang trọng, chứ không thể “đánh” bộ “đại cán” bốn túi kiểu Tôn Trung Sơn và đạp chiếc xe thống nhất đi trình Quốc thư được. Thế là “cái áo” nghi thức đó tự nhiên trở thành nguyên tắc đặc trưng của ngành ngoại giao.

Còn Tuyên giáo (hay tuyên truyền cũng vậy), họ cũng có nguyên tắc đặc trưng, nhưng không nằm ở quần áo, mà nằm ở mồm. Tức là ở lời nói hay chữ viết. Cho nên họ chỉ nói, hay viết về những điều tốt đẹp, những thành tích, những chiến công, và những gương điển hình người tốt việc tốt. Còn cái xấu thì bỏ qua, theo kiểu: “Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lai”.

Nhất lả trong những năm kháng chiến thì trọng tâm của họ là phải giáo dục tinh thần yêu nước, căm thù giặc cho nhân dân, và tố cáo, vạch mặt, lôi ra ánh sáng tất cả tội ác và âm mưu thâm độc của bọn đế quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai, bù nhìn, Việt gian bán nước hại dân.

Những nội dung kể trên đã được đuc kết thành một công thức như công thức toán học, gồm bốn chữ: “YÊU – CĂM - CHIẾN - LẠC” (yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu và lạc quan tin tưởng). Hay cũng có thể coi bốn chữ đó là bốn vị “Thần dược” ở trong các thang thuốc “Thập toàn đại bổ” của các vị danh y vậy!

Về cái công thức bốn chữ này có chữ “YÊU” (tức yêu nước) là có điều nên suy ngẫm và xem xét lại. Chẳng hiểu các nhà minh triết nghĩ thế nào? Còn người dân thường như tôi thì cho rằng ta đã lạm dụng quá nhiều cụm từ: “Phải giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân”. Cụm từ này có lẽ chỉ các thầy cô giáo dùng ở trong nhà trường là phù hợp. Còn cán bộ nói với dấn, hay báo chí loa đài nói với khán thính giả như vậy là xúc phạm đến lòng tự trọng của người dân. Vì cán bộ hay báo đài có phải là những người có tinh thần yêu nước cao hơn, nhiều hơn người dân như các thầy cô giáo có trình độ văn hoá cao hơn đem truyền thụ cho học sinh đâu?

Vả lại tinh thần yêu nước là một thuộc tính có yếu tố bản năng trời phú, là máu thịt của mỗi con người. Từ khi đứa trẻ sơ sinh mới biết ngậm bầu sữa mẹ cho đến khi thành người biết vui, biết buồn, biết yêu, biết ghét, đứa trẻ ấy đã biết yêu cha mẹ, yêu quê hương đất nước.

Hàng nghìn năm trước người nông nô của nước Đại Việt sống ở thôn cùng xóm vắng có biết chữ đâu? Và trước khi tòng chinh họ có được dạy bảo cho biết phải yêu nước và căm thù giặc là thế nào đâu? Thế mà khi có giặc phạm vào biên ải, nghe tiếng loa truyền, họ sẵn sàng từ giã quê hương đi đánh giặc. Họ có tinh thần yêu nước không? Chắc chắn là có.

Thế mới biết câu nói: “Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách” thật là chí lý! Hai chữ “hữu trách” này là do chính kẻ thất phu tự biết và nhận lấy trách nhiệm chứ có ai chỉ báo cho họ đâu?

Và đó cũng là một minh chứng rằng, tinh thần yêu nước là bản năng ai ai cũng có.

Hay như chuyện bỏ quả trứng vịt vào ổ trưng gà, trứng nở, gà mẹ dẫn đàn con đi kiếm ăn. Con vít con cũng ríu rít cùng lũ gà con chạy theo mẹ mái. Kiêm được con ,mồi gà mái cúc cúc gọi con. Vịt con cũng xông vào tranh mồi hết sức tự nhiên như lũ gà con. Điều đó cho thấy vịt con nhận con gà mái là mẹ, và con gà mái cũng nhận con vịt là con. Đó là bản năng tự nhiên chứ có thế lực siêu phàm nào dạy bảo chúng đâu? Rồi đàn gà ra bờ ao, tự nhiên vịt con nhấy xuống nước. Khiến con mái cuống quýt, vừa cục cục gọi con, vừa rối rít bước qua bước lại ở trên bờ, trong lúc vịt con vẫn nhởn nhơ, lặng lẽ như một cục bọt xà phòng trôi đi trên mặt nước. Nó nhấy xuống nước cũng là bản năng chứ có ai “giáo dục” nó đâu?

Ôi…thôi chêt! Tôi đã lý sự dông dài rồi.. Xin bạn đọc miễn thứ cho và chúng ta cùng trở lại với chuyện của các nhà tuyên truyền: Theo tôi nghĩ, chúng ta cũng không nên chê trách họ nói năng hay viết lách chỉ có một chiêu. Vì ở nước ta tất cả các cơ quan, đoàn thể, các ngành nghề đều là của quốc doanh, mà đã là của quốc doanh thì chỉ thừa nhận và vinh danh cái tốt. Còn cái xấu thi…”đậy lại”. Nhưng che đậy thế nào cũng không kín. cái xấu vẫn lộ ra. Thế là quan điểm một chiều trở thành sự giả dối. “Người” ở ngôi vị cần phải hành xử chân thật nhất để làm gương cho mọi người thì lại giả dôí. Thế là cái dối nọ sinh ra cái giả kia và càng ngày càng phát triển. đến mức cả người được quyền nói và người có bổn phận phải nghe cũng đều biết đó là điều giả dối, nhưng người được nói vẫn cứ nói và người nghe vẫn phải nghe…

Hằng năm ta vẫn tổ chức thi Hoa hậu, để tôn vinh các cô gái có thể hình, trí tuệ, tài năng và đạo đức tốt đẹp. Nuốn tìm được người đẹp, người ta phải loại các cô gái có thể hinh xấu ra ngoài vòng. Như vậy lả cái đẹp được tôn vinh, không phải do chính bản thân người đẹp, mà còn do có người xấu nên người đẹp được tôn vinh. Nếu không có cái xấu thì căn cứ vào đâu để nhận ra cái đẹp? Giả sử chỉ có cái đệp thì liệu khái niêm về cái đẹp có còn tôn tai? Xấu - Tốt là hai mặt của cuộc sống, tuy đối lập nhưng vẫn cùng tồn tại. Cho nên nếu có ai đó bảo xã hội này hoàn toàn tốt đẹp, xã hội kia toàn những cái xấu, thì đó là người hoang tưởng hão huyền!

Được Nhà nước trả lương để hoạt động tuyên truyền. Cho nên hết năm này sang năm khác, các phương tiện thông tin đại chúng luôn luôn nhắc nhở và ca ngợi những chiến công trước đây như: “Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đi từ thắng lợi này sang thắng lợi khác”. Hay “Nhân dân ta đã có công đánh thắng hai đế quốc to” v…v…

Thiết nghĩ những điều rất đáng tự hào đó, dẫu sao cũng là chuyện binh đao , đầu rơi máu chẩy, bất đắc dĩ mới phải làm, chứ có phải là những cuộc vui bất tận đấu, mà rượu thơm rót mãi chẳng ngừng. Vả lại những chiến công của ta tuy rất vẻ vang, nhưng chắc gì đã vẻ vang hơn những thành tích của đất nước ngươi ta hoà bình, kiến thiết làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh hạnh phúc.

Mả những điều ta rất đỗi tự hảo đó, cho dù các nhà tuyên truyền có đăng đàn thuyết giảng hay như các ca sĩ diễn tấu những nhạc phẩm nổi tiếng nhất, thì nghe mãi rồi cũng chán tai. Và khi đã chán rồi mà vẫn phải nghe, thì mỗi lần phải nghe sẽ là một lần “góp gió”. Rồi phải nghe nhiều năm quá, thì gió góp đã thành ra bão!

Bão ở đây là sự phản ứng tự nhiên của người dân. Họ quay lưng lại trước thực tiễn trước mắt. Thính giả thôi không nghe tuyên truyền nữa. Độc giả thôi không đọc sách văn học minh hoạ chính sách nữa. Học sinh thôi không học “Lịch sử quốc doanh” nữa!...

*

* *

Là một công dân đã tham gia kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, tôi rất đồng tình với quyết định của Quốc hội, giữ lại môn Lịch sử không tích hợp, và biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử. Tôi cũng tán thành quan điểm của PGS TS Phạm Quốc Sử, Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Hà Nội: “Phải tôn trọng nguyên tắc tối thượng của sử học là sự thật. Không biến lịch sử thành công cụ tuyên triuền”. Không gỉa dối bịa đặt, không bóp méo sự thật. Chúng ta phải viết lịch sử nước ta chân thật như ông cha ta đã viết, dù sự thật đó có đau đớn xot xa như vợ đầu độc chông, mẹ đầu độc con. Vua dâm bôn vô độ cũng không bỏ qua. Lịch sử có chân thực mới sinh động, hấp dẫn, có chân mới có thiên, có mỹ và mới có tác dụng là tấm gương soi cho muôn đời sau.

Ngày xưa nhà văn hoá Phạm Quỳnh đã viết: “Truyện Kiều còn thì tiềng Việt còn, tiếng Việt còn thì nước Việt còn!”. Và bây giờ chúng ta cũng có thể nói: “Lịch sử Việt Nam còn thì nền văn hoá Việt Nam còn, nền văn hoá Việt Nam còn thì nứơc Việt Nam còn mãi mãi!”./.

TP Uông Bí, ngày 16/12/2015

Tạ Hữu Đỉnh