Đó là vào một buổi tối sau Đại Hội nhà văn vừa rồi. Ngô Xuân Hội điện cho tôi:
- Mày đọc Văn Nghệ tuần này chưa?
- Chưa. Báo chưa về. Có gì mới không?
- Văn Nghệ in lại bài tham luận của Mai Nam Thắng tại đại hội nhà văn vừa rồi. Thắng xếp tao vào thế hệ nhà văn lớp trước, thuộc loại cây đa cây đề đấy nhé. Hi hi.
Hội nói và cười. Cách nhau mấy chục cây số, tiếng cười Hội rung cả máy phía tôi. Y đang khoái. Xin trích một đoạn trong bài tham luận của nhà thơ Mai Nam Thắng “ … trong số những bài thơ nổi trội trên đây , vẫn hiếm có những câu thơ ấn tượng, “để đời” như trong một số bài thơ và trường ca viết về chủ quyền biển đảo của một số nhà thơ lớp trước như Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Anh Ngọc, Ngô Xuân Hội … viết cách nay đã hơn ba chục năm (…)” ( trích từ Báo V.N Hội nhà văn V.N số 29 ngày 18 tháng 7 năm 2015)
Để chứng minh rằng nhận xét trên của Mai Nam Thắng là khách quan, Hội thêm
- Tao cũng không quen, cũng chưa biết mặt Mai Nam Thắng.
Sau đó cúp máy.
Tôi ngồi im lặng và tự nhiên thấy vui. Hội là học sinh trẻ nhất khóa học của chúng tôi ngày ấy, khóa 1 trường văn Nguyễn Du. Hội đậm người, không cao cũng không thấp. Vào những năm 70,80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên gặp Hội, được bè ban trong lớp giới thiệu Hội nguyên là công nhân mỏ Quảng Ninh, tôi nhìn Hội với một vẻ ghen tỵ và có phần … kính trọng vì cái lý lịch quá hoàn hảo của y. Hội quê ở Nghệ An, ra Quảng Ninh làm thợ mỏ, một mô hình trưởng thành của nhiều nhà cách mạng tên tuổi. Y là thành phần giai cấp công nhân được cử đi học viết văn. Hẳn nhiên là y cũng như mọi người, phải qua các cuộc khảo sát năng khiếu, tác phẩm, văn bằng tốt nghiệp lớp 10 ( hệ 10 năm) hoặc tốt nghiệp một trường Trung cấp ( như N.X.H) trước khi nhận được giấy báo nhập học. Nhưng mà là công nhân thuần chất nhé, giai cấp vô sản nhé, lại trẻ nhé… đủ các điều kiện để phấn đấu thăng tiến. Biết đâu ngay từ bây giờ, dù mới chỉ học được hơn một tháng, đã có một cơ quan văn nghệ nào đó lặng lẽ chờ đợi nhận Hội ngày ra trường. Nó là một thằng may mắn. Chế độ ưu ái nó.Tôi nghĩ. Mà cái trò may mắn thì kỳ diệu lắm, cứ cái may này kéo theo cái may khác. Bất tận. Số phận của nó coi như an bài rồi. Một tương lai sán lạn đang đợi phía trước.
Đó là lần ghen tị thứ nhất của tôi dành cho Hội.
Lần thứ hai tôi phải thốt lên lời ghen tị với Hội khi y kể về chuyện tình yêu của y thời y công tác tại nhà xuất bản Nghệ Tĩnh. Hồi đó tỉnh nào cũng có nhà xuất bản, việc Hội được nhận về đó cũng là chuyện bình thường, tôi sẽ kể sau. Tôi ghen tỵ với Hội về chuyện khác, chuyện Hội có người yêu là ứng viên một cuộc thi hoa hậu. Tôi ghen tỵ và cương quyết không tin chuyện này. Tôi nghĩ bụng, thằng này không phải lùn, nhưng cũng không cao, cùng lắm là 1m 58. Khuyến mãi cho nó như vậy. Mà đã gọi là ứng viên hoa hậu phải có chiều cao 1m 6 trở lên, con gái cao cỡ đó đứng một mình là cao lắm, đâu có xứng với nó. Làm sao mà người ta chịu làm người yêu của nó. Không tin. Hội kể, tao đã dẫn em tới Trần Chấn Uy chơi, thằng Uy nói, cô bé này đẹp quá, mày giữ nó không nổi đâu. Thằng Uy tài thật,tao đã không giữ nổi em. Mặc dù có nhân chứng là Trần Chấn Uy, tôi vẫn chưa chịu tin. Thằng Hội mà có người yêu là ứng viên hoa hậu ư? Sau này tôi nghĩ,có lẽ em chỉ là ứng viên một cuộc thi người đẹp cấp tỉnh hay đại loại như thế, giống như văn nghệ quần chúng, chứ không phải chuyên nghiệp. Thi người đẹpvới thi hoa hậu cũng như văn nghệ quần chúng so với văn nghệ chuyên nghiệp vậy.Ý nghĩ này làm tôi “ nhẹ” bớt phần nào. Cái tuổi thanh niên ấy mà. Tôi suy luận thêm, do nó công tác tại nhà xuất bản Nghệ Tĩnh ( lúc ấy gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh), công tác xuất bản thời ấy là oai lắm, ở tỉnh lẻ, nó không chỉ oai mà con sáng rực hào quang, hào quang của văn chương chữ nghĩa ở thời bao cấp. Có thể là cô bé đã bị hào quang văn chương mê hoặc chăng. Hay là do cách “ tự giới thiệu” của y? Bởi vì tôi nhớ có lần Hội kể, trong một kỳ nghỉ hè, về quê Nghệ Tĩnh chơi, Hội cứ đi lang thang khắp làng, quần đùi, cởi trần với một cây bút bích trong tay. Tại sao lại quần đùi cởi trần.? Tôi hỏi. Tại xứ tao là “ gió Lào cát trắng” mà. Hỏi tiếp.Tại sao lại cầm bút? Để làng xóm biết mình là nhà văn học ở Hà nội về thăm quê. Tôi nghĩ,không chừng do cách “ tự giới thiệu” này đây.
Chỉ sau này tôi mới biết, qua lời kể của Hội, cuộc đời y cũng lắm gian truân, kể cả chuyện đi học viết văn chứ không phải toàn những may măn như tôi suy luận. Hội nghe thông tin có trường viết văn Nguyễn Du, thế là quyết giành được một xuất đi học. Đầu tiên là phải có được sự giới thiệu của Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Thông tin từ một người bạn, ngoài Hội còn ba ứng viên nữa. Bốn chọn một.Vội tìm đọc sáng tác của các “ đối thủ” để tìm cách “ biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Mà trận này phải thắng. Hội đã thắng để giành được “Giấy giới thiệu học trường viết văn Nguyễn Du” của Hội văn nghệ Quảng Ninh.
Sau này, ra trường, Hội cũng đã có một giai đoạn đổi đời, đầy kỷ niệm vui và… buồn nữa. Hội quê Nghệ An, ra Quảng Ninh làm thợ mỏ, tức là “ phu mỏ” . Chữ “phu mỏ” luôn gợi cho tôi về hình ảnh những người đội than đen đúa, nước mưa trổn lẫn than chảy dòng dòng trên mặt, phía sau là thằng cai người tây, hoặc ta, cầm roi quất vào lưng đến ngã sụm xuống, lại lóc ngóc cố đứng lên đội than đi tiếp. Đó là tất cả những gì tôi biết về nghề “phu mỏ” qua một cuốn phim tài liệu được xem thời thơ ấu, thường xuyên được chiếu đi chiếu lại. Chúng tôi được dạy rằng, đó là tội ác của bọn đế quốc phong kiến đối với nhân dân ta, do đó, họ đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc. Họ, những người công nhân lam lũ cơ cực ấy là thành phần nòng cốt của cách mạng. Kể cả cho tới hôm nay, cách mạng đã hoàn thành, nhưng “tàn dư phong kiến đế quốc” vẫn còn trong xã hội, đòi hỏi giai cấp công nhân, những ngưởi thợ mỏ sau này, như Ngô Xuân Hội, phải tiếp tục phát huy truyền thống. Hội có phát huy truyền thống hay không, tôi không biết, nhưng cài tính ngang tàng thì y vẫn giữ và dẫn đến hậu quả mà người ngoài cho là nặng nề, nhưng Hội thì nói, đó là cú hích tốt đẹp để Hội đi tiếp.
Với tấm bằng tốt nghiệp đại học, Hội về công tác tại Văn nghệ Nha Trang. Rồi sau chuyển về NXB Nghệ Tĩnh làm trưởng Ban biên tập. Đã xảy ra một chuyện ồn ào sau khi trưởng Ban biên tập Ngô Xuân Hội biên tập và đề nghị in một cuốn sách của Nguyễn Quang Lập. Nhiều ý kiến khác nhau về nội dung cuốn sách, nhưng sau cùng Hội đã thắng. Cuốn sách ra đời, lại tiếp tục có những ý kiến khác nhau khiến trưởng Ban biên tập như ngồi trên đống lửa. Sau cùng thì mọi chuyện cũng êm. Sau một chuyến công tác, trở về cơ quan, Hội tìm đến phòng một cán bộ của nhà xuất bản, tự tay đóng cửa phòng, và… một cuộc cãi vã nảy lửa đã xảy ra. Kết thúc “ cuộc đấu tranh” Hội bước ra khỏi phòng, đi ra cổng và không bao giờ quay lại. Cũng từ đó Hội bắt đầu một cuộc sống khác, cuộc sống của một lao động tự do, không lương, không nơi trú ngụ cố định, làm đủ thứ nghề, hẳn nhiên chỉ là những nghề lương thiện. Và khi đêm về, mình đối diện với mình, trong căn phòng chật hẹp tạm trú nào đó, trước mặt là tờ giấy trắng tinh khiết, Hội làm thơ. Ấy là lúc ký ức về những trận mưa ào ạt nơi xứ mỏ, những buổi nghỉ làm cùng nhau đi vớt than trôi, những cuộc cãi vã , đùa giỡn với nhóm công nhân ngồi chờ vào ca …lại trở về. Một câu thơ mơ hồ nào đó ẩn hiện, rồi những dòng thơ hiện dần ra trên tờ giấy trắng, những giọt nước mắt hoài niệm rơi xuống lẫn với từng con chữ… Hội đã có trong tay 06 đầu sách vừa thơ vừa văn xuôi, phần lớn trong số đó đã được sinh ra vào những đêm như thế. Hội hai lần được Hội nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Văn học công nhân. Hội có một giải thưởng khiến tôi đặc biệt chú ý, giải Ba cuộc thi viết của Báo Tuổi Trẻ chủ đề Chuyện đời tự kể ( 2007-2008). Chủ đề của cuộc thi khiến tôi liên tưởng đến cuộc đời gian nan của Hội, một cuộc đời rất cần được kể chi tiết để ca ngợi ý chí sống và làm việc của một con người.
Cũng xin nói thêm là, sau khi ra trường, Hội một mặt vẫn miệt mài đọc, một mặt vẫn kiên trì học võ. Và sau bao nhiêu năm cho đến bây giờ những ngón võ vẫn được Hội thường xuyên luyện tập vào mỗi buổi sáng, còn bắt các con học võ nữa, để …phòng thân. Một lần gặp nhau Hội than phiền với tôi, “hai thằng con tao, chỉ có một thằng là chịu học võ. Thằng kia nhắc hoài nó cứ tìm cách lảng, Mà mẹ nó lại bênh nó. Tức mà không biết làm sao”.
Rồi Hội có vợ. Chuyện Hội có vợ rất “ không giống ai”. Một buổi sáng tỉnh dậy, Hội chợt nghĩ, có lẽ đã đến lúc phải lấy vợ thôi. Công việc làm ăn hiện tại của Hội đòi hỏi Hội phải có vợ. Nghĩa là, lấy vợ do sự đòi hỏi của công việc. Lấy vợ không xuất phát từ tình yêu à? Tôi hỏi.“ Ông bà mình lấy nhau có yêu đương gì đâu, mà vẫn thương nhau suốt đời đó thôi.” Hội đáp. Lúc ấy Hội đang tạm trú ở Huế. Một buổi sáng Hội quyết định hôm sau sẽ về quê để tìm cho mình nột người con gái. Nhưng trời xui đất khiến thế nào, trên đường đi mua vé tàu, Hội ghé vào một hiệu sách thăm thú để giải tỏa cơn nghiện sách . Hồi ấy chỉ có nhà nước mới được phép mở của hàng phát hành sách, tức là bán sách. Cô nhân viên bán sách xinh đẹp đon đả chào mời, giới thiệu với Hội những cuốn sách nên đọc, hoặc cần đọc. Cô nhiệt tình với Hội giống như với mọi khách hàng khác. Nào ai học được chữ ngờ, kể cả với Hội. Cách giới thiệu của em làm Hội thẫn thờ. Cô bé này biết nhiều đấy.Và cũng dễ thương nữa. Có thể là lúc ấy hình ảnh cô hàng bán sách của nhà văn Thạch Lam bỗng hiện về. Và rồi, một cái gì đó chợt đến như là ánh chớp sáng lóa xé toạc màn đêm… u tối. Tiếng sét ái tình, đúng vậy, không thể nói khác. Tiếng sét ái tình ấy đã hạ gục toàn diện nhà thơ công nhân của chúng ta.Tại sao mình lại không cưới cô bé này nhỉ, nếu mà em “ chưa có gì”. Vậy là chuyến về quê bị hủy bỏ, thay vào đó là đến cửa hàng sách. Liên tục trong… vài ngày. Rồi một hôm, cách bữa đầu tiên gặp em khoảng hai tuần, Hội đến cửa hàng sách, nhưng lần này không hỏi thăm về những cuốn sách mà hỏi chuyện khác.
- Anh muốn cưới em làm vợ. Em có đồng ý không?
Hội phải nhắc lại câu hỏi của mình đến lần thứ ba thì cô “hàng bán sách” mới hiểu tính chất nghiêm túc và… nghiêm trọng của câu hỏi kia. Và đáp:
- Anh đã biết gì về em đâu mà…
Cô gái không đủ can đảm để nói những lời tiếp sau.
- Thì em cung cấp thông tin cho anh đi. Anh tin em mà.
Có lẽ mấy câu “ anh tin em mà” có một sức nặng kỳ diệu.Rồi đám cưới được tổ chức tại thành phố Huế.Toàn là bè bạn văn chương tới dự. Vui vẻ đầm ấm. Rồi Hội đưa vợ vào Sài Gòn sinh sống. Hội kể:
- Vào đến Sài Gòn, lúc đầu cũng hoang mang. Không quen một ai, trong túi chỉ có tiền đủ cho ba tháng thuê nhà trọ, và một chiếc xe đạp cà tàng. Làm sao để sống? Hội nói với vợ, giống như một nhân vật nào đó trong một cuốn sách đã từng đọc, mục đích là để an ủi vợ, mà cũng có thể là an ủi chính mình:
- Tiền bạc, tuơng lai là nằm hai bàn tay này. Em đừng lo.
Hội vừa nói vừa xòe hai bàn tay mình ra.
Hội bắt đầu sống ở Sài Gòn đúng như Hội nói, bằng hai bàn tay của Hội. Những ngày tháng gian nan vất vả kiếm tiền, kể cả đi vay bè bạn, để duy trì cuộc sống của hai vợ chồng. Mỗi ngày trôi qua là một thử thách với ý chí và sức khỏe của Hội. Có lẽ Hội học và luyện võ là vì vậy. Rồi thì vận may cũng đến. Hội về công tác tại báo Du lịch của Tổng cục Du lịch, giữ nhiệm vụ trưởng cơ quan đại diên Báo Du lịch ở phía Nam, trụ sở tại Sài Gòn. Rồi chuyển về Tạp Chí công đoàn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cơ quan làm việc cuối cùng của Hội trước khi nghỉ hưu. Để đến hôm nay, một cằn nhà một tầng lầu tại quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh trở thành tổ ấm hạnh phúc cùa hai vợ chồng và hai cậu con trai đã khôn lớn, chững chạc. Tôi đã đến thăm ngôi nhà ấy của vợ chồng Hội. Lúc ấy khoảng 10 giờ sáng. Vợ Hội đang lau nhà, gian phòng xinh xắn trên lầu Một. Nền nhà bóng loáng. Vợ Hội, cô hàng sách năm, nào mỉm cười ngước mắt chào tôi rồi lại cúi xuống mê mải với công việc. Hội kể, nhiều lúc thương vợ giành lấy việc lau nhà, nhưng chỉ hôm sau cô ấy đã nhanh tay lau trước, đành đứng nhìn và cười vậy thôi. Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh bình luận về việc này như sau:
- Hai vợ chồng nó giành nhau bảo vệ ngôi nhà hạnh phúc đấy.
- Ừ, có lẽ vậy.- Tôi đáp.
Về hai đứa con của Hội thì Tùng Linh nhận xét:
- Cái thằng, nó có hai thằng con học giỏi quá. Giỏi thật.
Vừa rồi gặp Ngô Xuân Hội trong chuyến dự trại viết về đề tài Giao thông vận tải tại thành phố Hồ Chí Minh, ngồi trên xe tôi nói với Hội khi hai thằng kể cho nhau nghe về chuyện gia đình mình:
- Hội à, tao thấy mày đúng là một “ người chồng mẫu mực, một người cha vĩ đại.”
Hội im lặng sau nhận xét của tôi, rồi nói chuyện tiếp.Hội nói nhiều lắm, nghe Hội nói tôi cảm nhận được rằng, Hội chỉ nhận danh hiệu “ người cha vĩ đại” do tôi tặng thôi, còn danh hiệu” người chồng mẫu mực” thì … cần phải xem lại. Có vẻ như là, theo tôi doán mò, chỉ đoán mò thôi, có lẽ Hội không muốn nhận danh hiệu “ một người chồng mẫu mực”, bởi vì như thế thì không được… nghệ sĩ lắm.
Vừa rồi, tôi cùng Ngô Xuân Hội, Nguyễn Tùng Linh ngồi uống bia tại nhà Nguyễn Tùng Linh, một căn hộ nằm ở Quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Đang uống bia chợt nhớ tới câu chuyện cách đây hơn ba chục năm, lúc cả ba đang “tu luyện” tại trường Nguyễn Du. Ngày ấy Nguyễn Tùng Linh hay nhắc tôi:
- Này, trước mặt thằng Hội, mày không được nói gì về Lâm Thị Mỹ Dạ nhé. Chẳng may lỡ lời là thằng Hội nó chửi cho chết. Lâm Thị Mỹ Dạ là thần tượng của nó đấy.
Bây giờ đang uống bia với nhau chợt nhớ tới Lâm Thị Mỹ Dạ, tôi nói:
- Này, nghe nói Mỹ Dạ bây giờ mắc bệnh gì đó cứ suốt ngày đi lang thang phải không?
Tôi thật không ngờ câu dặn dò của Nguyễn Tùng Linh sau ba mươi năm vẫn còn nguyên giá trị. Hội trừng mắt nhìn tôi:
- Ai nói với mày như thế?
Lúc ấy tôi thật sự hối hận vì câu nói của mình. Bữa tiệc nhỏ có nguy cơ đổ vỡ. Tôi nhìn sang Nguyễn Tùng Linh cầu cứu. Như mọi lần, trong những trường hợp tương tự, Nguyễn Tùng Linh làm bộ ngó lơ không can thiệp. Không khí thật căng thẳng . Sau cùng chính Hội cũng nhận thấy tình hình và có một giải pháp dung hòa để giữ “ tình hình ổn định”:
- Đi lang thang … trong nhà thôi.
- Ừ, thì tao cũng định nói thế.
Tôi đáp vuốt đuôi. Không khí” ổn định” trở lại. Và tôi thầm nghĩ, tay này cũng hay, hơn ba mươi năm trôi qua mà tình cảm của nó giành cho thi sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ không hề thay đổi.
Ngày 12 tháng Một năm 2016
H. Vũ