TP - Tròn 42 năm Hoàng Sa đau thương và mất mát, khi ngày 19/1/1974, Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp toàn bộ đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 người con đất Việt đã ngã xuống vì chủ quyền Tổ quốc. Tượng đài Nghĩa sĩ Hoàng Sa sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông, chủ quyền sớm thu về một mối.
Rưng rưng hai tiếng Hoàng Sa
Sáng 17/1, người dân Lý Sơn và thân nhân 74 binh sĩ đã tựu về đỉnh núi Thới Lới để dự lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trong cảm xúc dâng trào.
Khu tưởng niệm sau khi hoàn thành sẽ là nơi để đồng bào cả nước đến thăm viếng, ngưỡng vọng, tưởng nhớ những người con đất Việt trong đội hùng binh năm xưa, tưởng nhớ những ngư dân, những viên chức làm công tác khí tượng thủy văn cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã nằm lại với Hoàng Sa và tưởng nhớ 74 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu bảo vệ chủ quyền trong cuộc hải chiến 42 năm về trước.
Tiếng chuông vọng vang, giữa tiếng sóng vỗ, gió reo của biển đảo Lý Sơn, phút giây tưởng nhớ những người đã bỏ mình vì đất mẹ lắng đọng, nghẹn ngào.
Bà Nguyễn Bội Liên đến từ Đà Nẵng là một trong 3 thân nhân tham gia chương trình giao lưu. Bà Liên là cháu ruột của nguyên sỹ quan phụ trách điện tử trên tuần dương hạm HQ5-Trần Bình Trọng, chuẩn úy Nguyễn Phú Hảo đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa 19/1/1974. Bà Liên kể rằng: chuẩn úy Nguyễn Phú Hảo khi chết còn trẻ, chưa kịp có vợ con. Thời đó thông tin liên lạc hạn chế. “Cho đến khi nhận được xác của chú ấy, mới biết rằng cuộc chiến giữ đảo rất ác liệt. Nhiều tàu của ta bị bắn chìm, trọng thương, gần cả trăm binh sỹ hy sinh. Từ đó, Hoàng Sa càng vô cùng có ý nghĩa đối với chúng tôi”, bà Liên nghẹn ngào.
Ông Trần Hòa (Duy Xuyên, Quảng Nam) là binh sỹ quân y, từng đồn trú ở Hoàng Sa trước năm 1974. Ông Hòa kể, quãng thời gian 3 tháng làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa với ông là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời. “Nhớ nhất vẫn là tiếng chim cuốc trên đảo Hoàng Sa, nó da diết hơn trong tiếng sóng chiều vỗ vào gành đá”, ông kể.
Ông Võ Văn Út, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, là hậu duệ cai đội hùng binh Hoàng Sa-Võ Văn Khiết. Từ nhỏ, ông Út đã nghe cha ông kể bao câu chuyện lý thú về việc chinh phục biển Đông, ra cắm mốc ở Hoàng Sa, Trường Sa. Dòng họ Võ Văn đang lưu giữ những tài liệu cho thấy tổ tiên họ từng gia nhập đội hùng binh ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ từ năm 1786. Căn cứ vào tài liệu Hán Nôm tìm thấy trong dòng họ, Cai đội Võ Văn Khiết là người Lý Sơn chỉ huy đội Hoàng Sa sớm nhất. Nối tiếp ông Khiết là Cai đội Võ Văn Phú ra Hoàng Sa vào năm 1803. Ngoài ra, dòng họ Võ Văn còn có nhiều người đi Hoàng Sa nữa, tiêu biểu là Võ Văn Hùng - người mà trong các bộ chính sử triều Nguyễn có nhắc đến nhiều lần với vai trò người dẫn đường cho thủy quân và tuyển chọn đà công, thủy thủ...
“Vị mặn của nước biển Đông hơn 40 năm nay mặn đắng hơn vì có máu và nước mắt. Sự hy sinh vì Hoàng Sa - Trường Sa đã chạm vào tình cảm thiêng liêng nhất của mỗi ngươi dân nước Việt Nam… Chừng nào Hoàng Sa chưa trở về với Tổ quốc thì Khu tưởng niệm sẽ nhắc nhở cho muôn đời con cháu phải làm điều cần làm để non sông của cha ông thu về một mối”, ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, xúc động.
Ngày lịch sử của 42 năm mong chờ
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh (73 tuổi) cùng con gái Nguyễn Thị Thanh Thảo từ TPHCM ra Lý Sơn trong tâm trạng bùi ngùi. 42 năm trước, Thiếu tá, hạm phó tàu HQ 10 Nguyễn Thành Trí đã nằm lại với Hoàng Sa. Bà Thanh tuy đã yếu nhưng khi hay tin khu tượng đài được xây dựng vẫn nhất quyết cùng con có mặt để thỏa nỗi lòng. Lần đầu tiên, sau ngần ấy năm, tên chồng, tên cha được xướng lên khiến hai mẹ con nghẹn ngào. Ôm bình pha lê, hình cột mốc chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa, bà Thanh hai dòng lệ đẫm, mắt hướng về phía biển khơi. Bà như hình bức tượng đài người mẹ ôm đèn kia, chờ chồng chờ con đi biển về nay mai sẽ được dựng lên.
Sau 42 năm, bà Thanh mãn nguyện nỗi lòng khi khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa được xây dựng.
Ngày chồng ngã xuống ở Hoàng Sa bà đang mang bầu đứa thứ 2. Trước khi đi làm nhiệm vụ, Thiếu tá Trí đã đặt tên con là Nguyễn Thành Triết. Hơn 6 tháng sau, con trai chào đời, bà ghi trong giấy khai sinh con trai là: Nguyễn Thành Triết, tự Hoàng Sa để nhắc nhớ về sự hy sinh của chồng mình.
Chị Thảo kể: Ngày cha mình ngã xuống, chị Thảo còn nhỏ, mẹ đang mang bầu em trai nhưng ký ức về người cha vẫn còn nguyên. Từ tư liệu gia đình có được, chị và người nhà biết được rằng, cha mình Thiếu tá Nguyễn Thành Trí đã chiến đấu và hy sinh rất dũng cảm. Sau sự kiện đó, mới chỉ duy nhất 1 lần người dân miền Nam Việt Nam tưởng nhớ 74 binh sĩ. Sau ngày đất nước thống nhất, vì lý do khách quan của lịch sử nước nhà, trận chiến và sự hy sinh của 74 người lính đã bị rơi vào quên lãng. Mãi đến năm 2014, sau 40 năm cuộc chiến đó mới được nhắc lại, lúc đó, cuộc chiến và tên tuổi của 74 chiến sĩ mới được biết đến nhiều hơn.
Phối cảnh khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa.
“Ba tôi ngã xuống Hoàng Sa năm tôi tròn 5 năm tuổi, bản thân tôi rất tự hào về điều đó nhưng chỉ biết để trong lòng. Phải khi tôi 45 tuổi tôi mới tự hào khoe với bạn bè rằng: tôi là con gái của Thiếu tá hải quân Nguyễn Thành Trí đã hy sinh ở Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền. Tất cả do yếu tố khách quan của lịch sử nước nhà. Hôm nay, tên của ba tôi và đồng đội được xướng lên là sự tri ân của những người dân nước Việt với những người đã ngã xuống vì chủ quyền. Đây là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng gia đình tôi, mà là hạnh phúc của tất cả các gia đình có người hy sinh ở Hoàng Sa”, chị Thảo xúc động.
Những bình cát lấy từ Hoàng Sa được chuyền qua tay bà Thanh và thân nhân của các gia đình khác trước khi về đổ xuống nơi đặt viên đá đầu tiên của khu tưởng niệm. Hôn lên bình cát, bà Thanh khẽ cười, chậm rãi: “Nếu trời còn cho sức khỏe, ngày khu tưởng niệm khánh thành tôi nhất quyết sẽ cùng con trai ra Lý Sơn lần nữa”. Chị Thảo bảo, sau hơn 40 năm lần đầu tiên chị thấy mẹ mình cười mãn nguyện như vậy.
Mẹ thắp lửa Hoàng Sa
Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, được Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động quyên góp xây dựng. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 70 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp, người dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Tác phẩm “Người mẹ thắp lửa” của kiến trúc sư Trần Văn Dũng (TPHCM) được chọn mẫu để làm công trình ý nghĩa này.
Ông Dũng chia sẻ: Hình ảnh người phụ nữ chờ chồng trong truyền thuyết Việt không hiếm, nhưng hình ảnh những người phụ nữ duyên hải miền Trung khóc thắp đèn cúng vọng chồng con, đứng ngóng đợi trên bờ biển là những hình ảnh đầy cảm xúc, họ như những chứng nhân phản ánh sự thiếu vắng những người nghĩa sỹ đã, đang và sẽ hy sinh vì Hoàng Sa. “Mẹ Tổ quốc - Đất Mẹ vẫn chờ vẫn đợi quần đảo Hoàng Sa máu thịt như những đứa con lưu lạc sẽ trở về với Mẹ. Ngọn đèn trước ngực như lửa từ trong trái tim yêu thương của Mẹ - lửa vĩnh cửu tưởng nhớ đến những người con của mình đã hy sinh ngoài Hoàng Sa, và ngọn lửa thắp sáng niềm hy vọng đòi lại chủ quyền cho Hoàng Sa”, ông Dũng cho biết.
Nguồn:TPO