Tính đến năm 2010 nợ công của Việt Nam mới chỉ dừng ở mốc 51,7% GDP thì đến năm 2014 đã tăng lên 60,3% và đạt mức gần 64% trong năm 2015.
Năm 2016 được đánh giá là một năm bản lề với nền kinh tế Việt Nam khi kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ cất cánh trong bối cảnh mới với nhiều lực đẩy thuận lợi từ các hiệp định thương mại lớn.
Nhưng, đây cũng đồng thời là năm mà nhiều vấn đề cực kỳ quan trọng tích tụ lại trong nền kinh tế nhiều năm qua đến thời điểm bộc phát. Để giải quyết cơ bản những vấn đề này buộc nền kinh tế Việt Nam phải thay đổi tận gốc cơ chế vận hành trong suốt nhiều năm qua và phải tìm ra một cách thức vận hành mới, bởi năm 2016 sẽ là năm cuối cùng trước khi mức nợ công của Việt Nam vượt trần cho phép là 65% GDP.
Sự tích lũy nợ công chóng mặt những năm gần đây
Nếu như nhìn vào biểu đồ thể hiện sự tăng trưởng và tích lũy nợ công của Việt Nam trong vài năm gần đây, hẳn tất cả chúng ta sẽ cảm thấy đáng ngại về mức độ tăng của nợ công quốc gia. Tính đến năm 2010 nợ công mới chỉ dừng ở mốc 51,7% GDP thì đến năm 2014 nó đã tăng lên 60,3% và đạt mức gần 64% trong năm 2015.
Điều này có nghĩa là trong giai đoạn từ 2010 đến 2014, trung bình mỗi năm tổng số nợ công tăng thêm 2% trên GDP và tăng vọt lên gần 4% trong năm 2015 – năm mà kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua là 6,7%. Nó cho thấy sự liên quan lớn giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức nợ công của chính phủ. Theo thống kê, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2010-2015 là 335.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010.
Theo tính toán của chính phủ, mức nợ công của Việt Nam sẽ đạt đỉnh 64,9% vào năm 2016 trước khi chạm trần 65%, và bắt đầu giảm dần kể từ năm 2017. Nhưng thực tế là chúng ta đã chạm trần nợ công sớm khoảng 5 năm so với dự tính trước đây (theo dự tính phải đến năm 2020 thì mức nợ công của Việt Nam mới chạm giới hạn cho phép là 65% GDP).
Tính đến thời điểm hiện tại, không chỉ tốc độ tăng trưởng nợ công quốc gia mà cả nợ gốc lẫn lãi nợ phải trả đều rất đáng lo ngại. Theo báo cáo chính thức thì nợ gốc phải trả tính trên tổng thu ngân sách đến cuối năm 2015 là khoảng trên 16%, vẫn dưới ngưỡng quy định là 25%. Tuy nhiên, nếu tính tổng cộng tất cả các khoản vay mà chính phủ thực hiện rồi đem cho các địa phương và các chủ đầu tư dự án vay lại, thì tỉ lệ này đã vượt mốc quy định 25% từ lâu: Năm 2014 tỷ lệ này đã lên tới 25,92% và năm 2015 có thể lên tới 31,75% tổng thu ngân sách.
Dù về lý thuyết, các khoản chính phủ cho các địa phương và các chủ đầu tư dự án vay lại không được tính vào tổng nghĩa vụ trả nợ của chính phủ, và các địa phương và chủ đầu tư này sẽ phải tự thanh toán khoản nợ của mình, nhưng trên thực tế chỉ có 7% trong tổng số các khoản cho vay lại này là thực sự là thuộc loại “vay lại” và có lãi suất, còn lại vẫn được thực hiện theo cơ chế xin - cho. Cùng với đó, chính phủ sẽ vẫn là người có trách nhiệm đứng ra trả nợ do là người đứng tên khi thực hiện các khoản vay nước ngoài; điều này có nghĩa là nếu các địa phương và chủ đầu tư không thể hoàn trả các khoản nợ công và lãi nợ của mình thì chính phủ vẫn là người phải gánh tất cả những nghĩa vụ trả nợ đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, các khoản trả nợ gốc và lãi nợ đang bào mòn ngân sách Việt Nam với tốc độ kinh khủng. Chỉ riêng khoản trả lãi nợ hàng năm tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới 7,2% tổng chi ngân sách nhà nước, chưa kể các khoản trả nợ gốc mỗi năm. Điều này có nghĩa là mỗi năm Việt Nam đang mất đi trên 7% tổng chi ngân sách chỉ để trả lãi nợ thay vì có thể sử dụng để đầu tư. Với một quốc gia đang phát triển và cần vốn đầu tư lớn và liên tục, thì việc mất đi hơn 7% tổng chi ngân sách quốc gia mỗi năm chỉ để trả lãi nợ là con số quá lớn. Có thể nói, đây là hệ quả mà Việt Nam phải gánh chịu sau một thời gian dài liên tục đi vay ở quy mô lớn và sử dụng nguồn vốn vay một cách tràn lan, không hiệu quả.
Khi sau lưng không còn đường lùi
Mục tiêu mà chính phủ đặt ra là đến cuối năm 2016 mức nợ công sẽ đạt đỉnh ở mức 64,9% trước khi giảm xuống vào năm 2017. Thoạt nghe thì điều này có vẻ đơn giản nhưng thực tế đây là một mục tiêu rất khó thực hiện. Việc đặt ra mục tiêu tổng mức nợ công gia tăng trong cả năm 2016 chỉ thêm 0,9% (từ 64% năm 2015 lên 64,9% năm 2016) trong khi vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế tới 6,9% trong năm nay quả là một mục tiêu đầy thách thức. Nếu chúng ta nhớ lại rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2015 chúng ta đã phải vay mượn một khoản nợ công lên tới gần 4% GDP, thì việc chỉ vay 0,9% GDP mà có thể đạt mức tăng trưởng 6,9% trong năm 2016 quả là điều không tưởng.
Đó là chưa kể, thời gian 1 năm còn lại là quá ngắn để có thể kịp hãm phanh con ngựa nợ công vốn càng lúc càng phi nhanh hơn trong 5 năm trở lại đây. Trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ vay nợ công của Việt Nam trung bình mỗi năm đã tăng gấp đôi so với giai đoạn 2006-2010, và đến năm 2015 thì con ngựa nợ công này phi nhanh nhất, đạt gần 4% GDP. Với tốc độ kinh hoàng đó thì thực khó mà hãm được nó lại chỉ trong vòng 1 năm ngắn ngủi. Đó là chưa kể, mục tiêu chúng ta đặt ra là phải giảm nợ công từ mức 64,9% năm 2016 xuống còn 60,4% vào năm 2020, cũng là một mục tiêu rất khó thực hiện nếu như vẫn muốn duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Giải pháp nào?
Có thể thấy nền kinh tế Việt Nam đang ở trong một thế kẹt. Chúng ta đang đứng trước năm bản lề 2016 với kỳ vọng nền kinh tế cất cánh với những thuận lợi đạt được từ các hiệp định thương mại như TPP và các FTA, đồng nghĩa với việc cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Nhưng mục tiêu này lại đang bị kéo chân bởi mức nợ công sắp đạt trần, mỗi năm Việt Nam sẽ phải chi một khoản tiền lớn để trả nợ gốc và lãi nợ, trong khi chúng ta lại rất cần nguồn lực để đầu tư trong thời điểm bản lề then chốt này.
Giải pháp khả dĩ nhất lúc này để hãm con ngựa nợ công lại, là kiểm soát thật chặt việc phân bổ các nguồn vốn vay cho các địa phương và các dự án lớn. Việc sử dụng nguồn vốn vay tràn lan, lãng phí và thiếu hiệu quả là nguyên nhân phát sinh tình trạng hiện nay. Cách đây không lâu, Bộ Tài chính đã trình chính phủ đề án buộc tất cả các khoản vay của chính phủ chuyển lại cho các địa phương theo quy chế cho vay lại có tính lãi suất. Điều này sẽ buộc tất cả các địa phương phải tính toán kỹ hiệu quả đầu tư và cân đối tài chính.
Đồng thời, một việc khác quan trọng không kém là kiểm soát hiệu quả vốn đầu tư tại các dự án của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tính đến thời điểm hiện tại, nợ bảo lãnh chính phủ mà phần lớn là dành cho các dự án của các DNNN đã lên tới 19%. Việc chính phủ thông qua đề xuất ngưng cấp bảo lãnh vay cho các dự án lớn không đảm bảo tính khả thi của các DNNN, đồng thời xem xét chuyển dần việc bảo lãnh cho các DNNN sang các ngân hàng thương mại, nếu được thực hiện đúng, tức là chính phủ sẽ không gây sức ép buộc các ngân hàng thương mại phải cho các DNNN vay tiền thì nợ công có thể sẽ được hãm lại trước vực thẳm. Dù chỉ còn 1 năm ngắn ngủi, nhưng cơ hội dành cho Việt Nam để chặn đà tăng nợ công vẫn còn, nhưng nó chỉ xảy ra khi chúng ta thực sự quyết tâm làm điều đó mà thôi.
Lâu dài hơn, phải tái cơ cấu nền kinh tế thế nào để nền kinh tế có thể phát triển theo chiều sâu, phát huy hết hiệu suất và tiềm năng sẵn có và ngày càng bớt lệ thuộc vào các khoản vay để đầu tư.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Vneconomy, Vietnamnet, The Saigon Times)