Những ngày này, khi càng gần tới Đại hội XII của Đảng, bất kỳ người dân bình thường nào truy cập vào các trang mạng xã hội cũng có thể tiếp cận với rất nhiều thông tin đồn thổi, thậm chí là những tin đồn ác ý, xúc phạm tới cá nhân nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Theo quan điểm của Bộ Thông tin - Truyền thông: Quyền thông tin và quyền được thông tin là quyền của công dân nhưng những thông tin xấu, độc hại phải có biện pháp ngăn chặn. Vậy, ứng phó với những thông tin đồn thổi hiện nay như thế nào?
Ở một xã hội xuất phát từ văn minh lúa nước như nước ta, vốn tự xa xưa, tập tính “rỉ tai nhau” không xa lạ gì. Còn nhớ những năm tháng trước đây khi chưa có sự phát triển của phương tiện truyền thông cá nhân như bây giờ, xã hội đã xuất hiện cụm từ “thông tấn xã vỉa hè”. Nghĩa là người ta bàn chuyện quốc tế, lo chuyện nhân sự quốc gia ở ngoài vỉa hè.
Nay với việc ai cũng có thể có trang cá nhân trên mạng, vấn đề tin đồn trở thành “trăm hoa đua nở’ và có những biến tướng cực kỳ phức tạp. Nhất là những ngày này, khi càng gần tới Đại hội XII của Đảng, lại thấy xuất hiện nhan nhản các trang mạng xã hội cố tình bình phẩm, đưa ra những thông tin nhiễu loạn về vấn đề nhân sự, đồng thời xuất hiện rất nhiều thông tin đồn thổi, thậm chí là những tin đồn ác ý, xúc phạm tới cá nhân nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Không thể phủ nhận rằng những thông tin ấy (dù là không chính thống) vẫn đang tác động ghê gớm tới thái độ, tình cảm, niềm tin của không ít người. Nhất là với cách suy diễn, sao chụp, lắp ghép của công nghệ ngày nay, với không ít thông tin gắn với tên thật, người thật, được nhiều trang cá nhân công khai tên tuổi tung ra, nhiều người bị lạc vào mê hồn trận thông tin và trở nên hoang mang.
Như Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn nói, nếu cứ để những thông tin xấu, độc hại hoành hành mà không kịp thời ngăn chặn, giải quyết sẽ gây tác động rất lớn đến tâm tư nguyện vọng, tình cảm của người dân, gây ra sự hoài nghi trong xã hội.
Trong nhiều lần bày tỏ quan điểm về những thông tin đồn thổi hoặc những bài viết kích động, xúc phạm cá nhân trên mạng, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông đã tỏ rõ chính kiến: Chúng ta không có chủ trương cấm đưa thông tin lên mạng, quyền thông tin và quyền được thông tin là quyền của công dân nhưng những thông tin xấu, độc hại phải có các biện pháp ngăn chặn. Ngăn chặn sự hoành hành của thông tin xấu, độc hại không phải bằng cách chặn để không thể truy cập được. Đây không phải chủ trương, cũng là tình huống khó thực hiện trong điều kiện công nghệ hiện đại ngày nay. Vậy ứng phó với những thông tin hiện nay như thế nào? Đó là một vấn đề lớn phải có cách giải quyết.
Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông, tới đây cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp toàn diện hơn để ngăn chặn thông tin xấu độc hại trên mạng, để môi trường mạng phát triển lành mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu chung của xã hội. Trong lúc chờ những biện pháp căn cơ từ các nhà quản lý, lời khuyên được đưa ra đối với người dân là: mỗi người phải tự trang bị kiến thức cho mình, phải thích nghi để chống lại thông tin độc hại. Người dân hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xem xét để không mắc phải âm mưu của các thế lực thù địch và phần tử xấu.
Tuy nhiên, mọi lời khuyên cũng chỉ có tính kêu gọi ý thức. Và nếu những thông tin không biết đúng sai ở mức độ nào vẫn được tung ra liên tiếp như hiện nay, với mức độ dày đặc, với việc các trang cá nhân đưa ra đều khẳng định thông tin của họ là chính xác, với nhiều thông tin còn kèm theo cả hình ảnh…thì nếu chỉ dừng lại ở mức độ kêu gọi ý thức và sự tỉnh táo của người dân, e rằng chúng ta đang chậm trễ.
Rất cần có những giải pháp khác lúc này. Mà không gì tốt hơn là phải đối diện với từng thông tin để làm rõ tính đúng sai của nó. Nếu đó hoàn toàn là những thông tin bịa đặt, sai sự thật cũng như nếu ai đó cố tình phát tán những thông tin bịa đặt, sai sự thật thì cần phải có những xử lý kịp thời về mặt luật pháp đúng với những điều mà pháp luật không cho phép. Việc lợi dụng mạng xã hội, lợi dụng internet để giả mạo, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín danh dự của người khác là hành vi phạm pháp dù ở bất cứ quốc gia nào. Về mặt đạo đức cũng không một xã hội nào chấp nhận hành vi đó.
Lâu nay rất nhiều người cho rằng bản chất của thông tin trên mạng xã hội là không chính thống vì thế không chấp, không tranh luận, không nên quan tâm làm gì. Nhưng có lẽ quan niệm như vậy vào thời điểm hiện nay không còn phù hợp nữa. Bởi vì khi có một thông tin về cá nhân một vị lãnh đạo cấp cao xuất hiện trên mạng, được rất nhiều trang mạng xã hội chia sẻ mà chúng ta không có bất cứ một thông tin nào phản bác lại, hoặc nói cho rõ đúng sai, thì mặc nhiên sự im lặng đã khiến chúng ta bỏ mặc “trận địa” cho những thông tin ấy. Cho đến thời điểm này, rất cần có những thông tin chính thống phản biện lại những thông tin không đúng sự thật được đưa ra trên các trang mạng xã hội.
Khi các cơ quan có trách nhiệm cung cấp các thông tin đầy đủ, chuẩn xác, bản thân các trang mạng xã hội lành mạnh ở Việt Nam và các cơ quan báo chí chính là nơi để làm rõ và đối thoại lại, phản bác với những thông tin xuyên tạc, sai sự thật. Khi đã hiểu rõ, có đầy đủ thông tin, tự nhân dân sẽ có ý thức để bảo vệ sự thật, để giữ vững niềm tin của họ. Chỉ có chủ động thông tin mới là “tường lửa” vững chắc để ngăn sự lung lay của niềm tin. Cùng với quyền được thông tin, còn có một quyền con người cơ bản nữa là quyền được sống trong một môi trường thông tin lành mạnh.
Lòng dân như nước. Thế trận nhân dân là đỉnh cao của nghệ thuật giữ nước Việt Nam trong lịch sử, đang hết sức cần phát huy mạnh mẽ lúc này.
Thành Vĩnh
(Theo báo Đại đoàn kết)