Trang chủ » Tin văn và...

NHỮNG NĂM THÂN ĐÁNG NHỚ

Phạm Phú Bình
Thứ ba ngày 12 tháng 1 năm 2016 3:32 PM

*Năm Giáp Thân 144, nhân dân ở quận Nhật Nam nổi dậy, liên kết với nhân dân ở quận Cửu Chân đánh phá các quận ấp của bọn thống trị Đông Hán, làm tan rã chính quyền đô hộ của nhà Hán.

*Năm Mậu Thân 468, người ở Giao Châu là Lý Trường Nhân lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống Tống thắng lợi, chiếm giữ Giao Châu, tự xưng là Thứ sử.

*Năm Bính Thân 1056, dưới triều Lý, vua Lý Thánh Tông hạ chiếu khuyến nông, mở đầu với quy mô lớn chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

* Năm Giáp Thân 1224, Trần Thủ Độ ép Lý Huệ Tông nhường ngôi cho con gái út là công chúa Lý Phật Kim - một bé gái 7 tuổi được lên ngôi, trở thành nữ hoàng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam với hiệu là Chiêu Hoàng.

*Năm Nhâm Thân 1272, Bộ Ðại Việt Sử ký, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta được Lê Văn Hưu hoàn thành. Đây là công trình sử học đồ sộ và toàn diện nhất thời kỳ cổ trung đại nước ta.

*Năm Giáp Thân 1284, diễn ra Hội Nghị Diên Hồng do Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập để trưng cầu ý toàn dân về chủ trương HÒA hay CHIẾN với quân Nguyên - Mông sang xâm lược nước ta lần thứ II. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn công bố áng hùng văn “Hịch tướng sĩ” và mở cuộc tổng duyệt binh thủy bộ, chuẩn bị sẵn sàng chống 50 vạn quân Nguyên - Mông sắp sang xâm lược.

*Năm Bính Thân 1416, Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai (Thanh Hóa), cùng 18 vị anh hùng hào kiệt tổ chức lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức phát động cuộc khởi nghĩa đánh giặc Minh.

*Năm Mậu Thân 1428, cuộc kháng chiến chống giặc Minh toàn thắng. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (tức Lê Thái Tổ) ở Đông Đô, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt, ban bố "Bình Ngô đại cáo"của Nguyễn Trãi, đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 của dân tộc ta.

*Năm Nhâm Thân 1632, ở đàng trong (miền Nam) chúa Nguyễn bắt đầu cải cách cơ cấu tổ chức, quản lý, làm sổ hộ tịch và định lại chế độ thuế khóa.

*Năm Bính Thân 1776, khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng và giành nhiều thắng lợi. Nguyễn Lữ đem thủy binh đánh chiếm Sài Gòn khiến chúa Nguyễn đại bại, phải chạy về Đồng Nai. Nguyễn Nhạc xưng vương, hiệu Thái Đức, lấy Quy Nhơn làm kinh đô, sửa sang lại thành Đồ Bàn làm Hoàng đế thành (tục gọi Đế Kinh).

*Năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế (Quang Trung) rồi xuất quân ra Bắc lần thứ hai đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược.

*Năm Nhâm Thân 1812, Quốc triều luật lệ còn gọi là “Luật Gia Long” gồm 22 quyển với 398 điều biên soạn xong, đây là Bộ luật tổng hợp lớn nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

*Năm Bính Thân 1836, triều Nguyễn xác định chủ quyền toàn vẹn trên quần đảo Hoàng Sa, cử đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật, người làng An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi), đem binh thuyền đến đo đạc, cắm mốc, dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.

*Năm Canh Thân 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng xã hội Pháp tại thành phố Tua, bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế III và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên, thuộc thế hệ lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Pháp.

*Năm Giáp Thân 1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao cho Võ Nguyên Giáp phụ trách. Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao - Bắc - Lạng do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

*Năm Bính Thân 1956, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Bản Đường lối cách mạng miền Nam được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ họp tháng 12-1956. Mục đích của cách mạng miền Nam là phải đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Mỹ - Diệm, thực hiện một chính quyền liên hiệp dân chủ có tính chất dân tộc, độc lập, để giải phóng nhân dân miền Nam ra khỏi ách đế quốc phong kiến độc tài phátxít Mỹ - Diệm để cùng với toàn quốc thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập dân tộc. Đường lối cách mạng miền Nam là một trong những văn kiện quan trọng, góp phần vào sự hình thành đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam của Đảng.

*Năm Mậu Thân 1968, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chống Mỹ - Ngụy đồng loạt trên khắp các tỉnh thành miền Nam, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến, khởi đầu quá trình đi xuống về chiến lược của Mỹ. Mỹ phải chấp nhận đàm phán và hạn chế đi đến chấm dứt ném bom miền Bắc. Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ cơ bản bị thất bại.

*Năm Canh Thân 1980, anh hùng phi công Phạm Tuân tham gia chuyến du hành vũ trụ Xô-Việt, trở thành người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ. Cũng trong năm này, Quốc Hội khóa VI thông qua Hiến pháp 1980.

*Năm Nhâm Thân 1992, Quốc hội khóa VIII thông qua Hiến pháp 1992. Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (Hiệp ước Bali) và nâng quan hệ ngoại giao lên cấp đại sứ với nhiều nước trên thế giới.

*Năm Giáp Thân 2004, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội. Đây là Hội nghị cấp cao đánh dấu việc mở rộng với sự tham gia của 39 thành viên. Thành công của ASEM 5 và các hoạt động liên quan đã củng cố hình ảnh về một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, hợp tác, hữu nghị và hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, một đối tác tin cậy, một địa điểm hấp dẫn đối với kinh doanh, du lịch và đầu tư, đồng thời đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong ASEM đi vào chiều sâu.

*Năm Bính Thân 2016 này, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân các cấp.

Phạm Phú Bình
(sưu tầm, biên soạn)