Trang chủ » Tư liệu nhà văn

Kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại - vần A

Theo kỷ yếu HNV
Thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 1900 12:00 AM


ĐẶNG ÁI  

Họ và tên khai sinh: Đỗ Minh Phong. Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1948. Quê quán: Thành phố Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1983.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp phổ thông năm 1967. Bắt đầu viết năm 1969. Trải qua nhiều nghề lao động chân tay cho đến năm 1984 đi học trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1986 làm việc tại báo Thương mại. Năm 1989-1996: Hội Văn nghệ Thanh Hoá. Từ 1997 đến nay, làm việc ở báo Thương mại.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Gồm những cuốn sách: Đỉnh Ngọc (truyện ngắn, 1975); Bức tranh đẹp (truyện ngắn, 1976); Có một mùa hè (tiểu thuyết, 1984); Phía trước đường đời tôi (truyện ngắn, 1986); Tín hiệu bình yên (truyện, 1986); Nhà hàng hải (truyện ngắn, 1987); Huyền thoại dốc ba cây sến (truyện ngắn, 1987); Mắt buồn (thơ, 1990); Thuở dại khờ (tiểu thuyết, 1991); Giai điệu mùa thu (truyện ngắn, 1994); Biến tấu (truyện ngắn, 1996); Giữa nồng nàn gió thổi (thơ, 2002); Đi đường xa (bút ký, 2003); Đêm có bắn pháo hoa (truyện ngắn, 2004); Tiệm cà phê khói mơ (truyện, 2005);Hồi ức mùa thi (truyện ngắn, 2005).
 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ 1971 (Kể về một tình yêu). Giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn 1984 (Tiểu thuyết Có một mùa hè). Và các giải thưởng khác.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Văn chương không phải là cái nghề. Đây là câu chuyện thiên phú. Tôi vốn lười, mỗi lần cầm bút thấy khó khăn. Không viết được nhiều, càng không có điều gì to tát. Mà sức đào thải của thời gian thì thật ghê gớm. Nếu những kỳ vọng của mấy chục năm lẽo đẽo bị xoá sạch cũng là chuyện thường. Còn như một vài trang sách nào đó chưa vội rơi vào quên lãng là sự may mắn, trời cho vậy.

@


VŨ HỮU ÁI



Họ và tên khai sinh: Vũ Hữu Ái. Sinh ngày 18 tháng 1 năm 1943. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: số 12, Đ46, phường Đồng Quốc Bình, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Vào Hội năm 1983.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Xung phong vào Trường Sơn mở đường chiến lược rồi lại chuyển sang bộ đội bộ binh sư đoàn 312 vừa làm đường vừa cầm súng vừa ghi chép và viết. Về địa phương, một thời gian làm biên tập tạp chí ở Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Rồi sang ngành xây dựng vừa làm chuyên môn (công tác thi đua tuyên truyền) vừa viết.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Trên cao (tập truyện ngắn, 1980); Cát trắng (tập truyện ngắn, 1981); Sim (truyện ngắn, 1982); Những người mở đường (tiểu thuyết, 1972); Thầm lặng (tiểu thuyết, 1987).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng chính thức văn học công nhân của Hội Nhà văn và Tổng công đoàn tổ chức cho tác phẩm Những người mở đường. Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ cho tác phẩm Móng chìm năm 1980-1981.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nửa đời nhìn lại: thấy ở ta văn học chỉ là một cái nghề . Không thích thì đi làm nghề khác nuôi các con ăn học. Chỉ viết khi nào cảm thấy không thể không viết.

@

 

HOÀI AN
(1926-2000)

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thế Chư. Sinh ngày 7 tháng 6 năm 1926, tại xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Đảng viên Đảng CSVN. Tốt nghiệp đại học Văn Sử Địa. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1984. Mất ngày 24 tháng 4 năm 2000.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia Cách mạng từ năm 1945, Trưởng ban quân sự huyện Ứng Hòa. Năm 1949: làm báo Quân tiên phong (Sư đoàn 308), sau đó chuyển về báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hơn 300 truyện ngắn, bút ký văn học trên các báo.

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì bút ký báo Văn nghệ. Giải nhì bút ký của Bộ Lâm  nghiệp.

@


LƯƠNG AN

Bút danh khác: THẠCH NAM,
NGUYỄN LƯƠNG TÀI
(1920-2004)
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Lương An. Sinh ngày 25 tháng 7 năm 1920. Quê quán: Triệu Tài, Triệu Phong, Quảng Trị. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1971. Mất ngày 26-12-2004 tại TP Hồ Chí Minh.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia Cách mạng từ trước Tháng Tám 1945. Hoạt động văn hoá văn nghệ tại Quảng Trị và Liên khu IV thời kháng chiến chống Pháp. Tập kết ra Bắc làm báo chí, từng là Trưởng ban biên tập báo Thống nhất, là phó Trưởng ty Văn hoá Quảng Trị. Từ ngày thống nhất tiếp tục hoạt động trong ngành văn nghệ, là uỷ viên thường trực Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (1983).

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nắng Hiền Lương (thơ, 1962); Vè chống Pháp (biên khảo); Thơ Tùng Thiện Vương, Miên Thẩm (giới thiệu, biên khảo, 1993), Thơ Mai Am và Huệ Phố (tuyển dịch, 2003); Tuyển tập Lương An (2004).

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Với thơ phải luôn luôn sáng tạo, sáng tạo không ngừng. Chừng nào tư duy sáng tạo trong thơ cạn dần thơ sẽ rơi xuống tầm thường, người đọc sẽ chán ghét. Theo tôi, nhà thơ phải sớm hiểu mình để chuyển hướng.
Nhiều người làm như vậy, kể cả tôi đã có một số thành công nhất định.

@

 
LƯƠNG NGỌC AN

Họ và tên khai sinh: Lương Ngọc An. Sinh ngày 10 tháng 11 năm 1965. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban, phóng viên, biên tập. Hiện thường trú tại: 43 Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Sau khi tốt nghiệp Đại học, làm báo, làm thơ.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Phác hoạ (thơ, 1993); Trở mình (thơ, 1995).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng thơ báo Tiền phong các năm 1993, 1994; Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội năm 1995; Giải thưởng thơ tạp chí Sông Hương năm 1996; Giải thưởng tạp chí Văn nghệ quân đội: thơ năm 1996, bút ký năm 2004.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: - Làm thơ khó, mà cũng dễ. Dễ vì ai cũng có thể làm được thơ. Khó vì không phải ai làm thơ cũng thành công.
Với một nhà thơ, có hai điều đáng quý nhất. Đó là sự chung thuỷ  (với thơ) sự riêng biệt (trong thơ).
Một bài thơ có thể coi là thành công khi đạt được 3 tiêu chuẩn sạch, đẹp và hay. Trong đó cái sự sạch và đẹp thì có thể đạt được bằng sự kỹ lưỡng và sức lao động (theo nghĩa đen) nhưng sự hay thì chỉ có tài năng, và thêm một chút duyên nữa, mới có thể có được.
Tôi luôn cố gắng để làm được những bài thơ sạch và đẹp và cũng luôn hy vọng chúng sẽ được một chút hay trong mắt một đôi người.

@


NGUYÊN AN


Các bút danh khác: THUỶ LIÊN, NAM SƠN
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Quốc Luân. Sinh ngày 25 tháng 9 năm 1951. Quê quán: thành phố Vinh, Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Lương. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó ban quản lý dự án Bảo tàng Văn học Việt Nam. Hiện thường trú tại: quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tiến sĩ. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội  năm 1993.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Dạy trường PTTH ở Thái Bình từ 1972; ở các trường đại học, cao đẳng về văn và xuất bản báo chí từ 1977. Nhiều năm làm biên tập. Từng là uỷ viên BCH Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; Tham gia thành lập tạp chí Ngôn ngữ và đời sống; Chủ nhiệm tạp chí Văn học và tuổi trẻ; Giám đốc Nhà xuất bản Từ điển bách khoa,  uỷ viên Ban biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam; uỷ viên Hội đồng lí luận phê bình Hội Nhà văn Hà Nội.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Trên đường dạy-học văn và tiếng Việt (chuyên luận, 1987); Tuổi xuân những trang thơ những cuộc đời (chân dung văn học, 1990); Nhà văn của các em (chân dung văn học, 1996, 1999); Kể chuyện tác gia văn học nước ngoài (chân dung văn học, 1996, 1999…);  Mảnh vườn văn (biên soạn, tuyển chọn chân dung văn học, 2000); Tác giả văn học trong nhà trường (2001, 2002); Một thoáng văn nhân (chân dung văn học, 2004); chủ biên và viết chung nhiều sách khác.

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Tặng thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005 cho tác phẩm Một thoáng văn nhân.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Đi tìm vẻ đẹp trong những trang văn và trong mỗi cuộc đời rồi giới thiệu cho người khác cùng biết, tôi nghĩ, cả đời mình cứ cố làm như thế và được làm như thế là hạnh phúc lắm rồi.
Nhà văn là Người như mỗi chúng ta. Song họ giàu xúc động hơn và trí lự hơn thì phải. Trong một nhà văn chân chính có một nhà chính trị hiền minh, có một nhân dân thuần hậu, mẫn cảm... Họ cũng là con đẻ của dân tộc và thời đại xét từ mọi phương diện khí cốt, tâm thế, tầm vóc văn hoá và cả ngôn phong.
Tìm kiếm để mà hiểu thì chả biết mấy là vừa. Nhưng khi ứng xử thì không chỉ ứng xử bằng sự thấu hiểu, mà trước hết là bằng cái tâm sáng trong, bằng cái tư thế khiêm dung và đàng hoàng. Tôi vẫn tự dặn mình như thế giữa cuộc đời thường và trong lúc dựng chân dung văn học là công việc mà tôi say mê.

@


TRỊNH XUÂN AN


Bút danh khác:  THẾ TOÀN, PHIÊU CHÂU
(1910-1988)
Họ và tên khai sinh: Trịnh Xuân An. Quê quán:  Thừa Thiên- Huế. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Vào Hội năm 1957 (tham gia Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam). Đảng viên Đảng CSVN: 5-1930 vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trước đó, năm 1928 tham gia Tân Việt cách mạng Đảng. Mất tháng 3/1988 tại Huế.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1928-1930: cán bộ của Tổng bộ Tân Việt cách mạng Đảng. 1930: Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. 1930-1934: bị Pháp bắt, ở tù và sau đó quản thúc ở Huế. 1934-1939: hoạt động trong nhóm công khai do Xứ uỷ Trung kỳ chủ trương, đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo. 1934-1943: bị bắt và an trí tại Huế. 1939-1945: liên lạc lại với tổ chức và hoạt động bí mật tham gia khởi nghĩa ở Huế. 1945-1946 thành uỷ viên kiêm trưởng ty Công an Huế. 1946-1947 giám đốc Sở Tân văn hoá - cơ quan báo chí xuất bản của Xứ uỷ Trung kỳ. 1949:  giám đốc NXB Dân chủ mới của Liên khu uỷ IV. 1952-1954: Thường vụ Chi hội văn nghệ Liên khu IV. 1954-1957: cán bộ biên tập báo Nhân Dân. 1957-1966: Phó ban Văn giáo tạp chí Học tập (nay là tạp chí Cộng Sản). 1966 nghỉ hưu.  1988 mất tại Huế.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: - Một con đường (tiểu thuyết- Huế, 1938, Sở kiểm duyệt thuộc Sở mật thám Trung Kỳ của Pháp tịch thu và cấm lưu hành);  Căn nhà trong ngõ hẻm (truyện ngắn, in chung, 1956);  Đường trở về (truyện ngắn, 1960);  Những ngày tháng Tám (hồi ký cách mạng, in chung, 1961); Thời đại mới văn học mới (phê bình, tiểu luận, 1971)

@


VÂN AN
(1925-2005)


Họ và tên khai sinh: Trần Vạn An. Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1925. Quê quán: thị trấn Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1990. Mất năm 2005.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng là Phó Trưởng ty Thông tin Tây Ninh thời chống Pháp

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Lòng tin (tập truyện, 1959); Giữ súng mướn (1960); Bám đất (tiểu thuyết, 1964); Lớn lên (tiểu thuyết); Truyện Võ Hường, Truyện Nguyễn Dũng, Một người có chồng tập kết, Những bước khởi đầu, Một truyện tâm tình (tập truyện); Sài Gòn 46 (tiểu thuyết, 1988); Màn kịch khóc cười (tập truyện, 1987); Họ là ai? (tiểu thuyết, 1988).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Chim hồng truyện ngắn, giải nhất cuộc thi truyện ngắn kháng chiến do phòng Chính trị - Quân khu IX tổ chức, 1948. Nghĩa vụ, truyện ngắn, giải ba cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ, 1959. Về đồn làm việc, truyện ngắn, giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Sài Gòn giải phóng, 1995.

@
 

VÕ THANH AN


Họ và tên khai sinh: Trần Quang Vinh. Sinh ngày 10 tháng 11 năm 1942. Quê quán: xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1990.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng làm việc tại Bộ Điện than nhiều năm với chức trách cán bộ phụ trách thi đua, tuyên truyền, cán bộ tổng hợp. Tham dự lớp bồi dưỡng những người viết văn trẻ 1971 của Hội Nhà văn Việt Nam. 1977 về báo Văn nghệ. Hiện là trưởng ban thơ   báo Văn nghệ.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hoa trăm miền (thơ in chung, 1975); Thơ bay vào hội (thơ thiếu nhi, viết chung với Phạm Tiến Duật, 1978); Thác điện (thơ, 1982); Những con chim báo mùa (thơ, 1990); Hành trình lên cạn lên cao (truyện thiếu nhi, 1996); Lá bồ đề (thơ 1999).

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Viết về bản thân mình ư? - Tôi bình thường như mọi người "Không sang trọng, chẳng bần cùng. Không mưu mánh, đừng ai mong phỉnh lừa"... Đa sầu, đa cảm, ham vui, ham bạn... Quan niệm về cuộc sống với tôi rất đơn giản, trung thực, tận tình, ít ham hố được chừng nào càng tốt chừng đó. Tôi tin số phận (hình như với thơ cũng vậy), mặc dầu hàng ngày vẫn cố vươn lên trong cuộc sống. Bởi vì tôi cũng tin vào luật nhân quả.
Sự quan niệm về sáng tác ư? Ít khi tôi cố tình làm thơ. Thơ là một chỗ dựa thiêng liêng của tôi về mặt tình cảm... Tôi viết ra một bài thơ bình dị như một sự giãi bày với bầu bạn, với người yêu, thân. Khi trong lòng có điều gì đó không thể nén nổi, không thể nói hết được bằng lời... có lúc tôi viết một mạch thành bài thơ ngay. Có lúc viết xong sáng mai lại xé đi, có lúc nó đeo đẳng phải viết đi viết lại nhiều lần.
Như vậy quan niệm của tôi: thơ không hoàn toàn ở trong đầu mình. Từ đó tôi nghĩ: thơ viết ra không chỉ riêng mình cho mình.

@


BÙI KIM ANH


Họ và tên khai sinh: Bùi Thị Kim Anh. Sinh ngày 25 tháng 2 năm 1948. Quê quán: Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Số 5, đường 14, khu F361 An Dương, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1998.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Viết cho mình (thơ, 1995); Cỏ dại khờ (thơ, 1996); Lối mưa (thơ, 1999); Bán không cho gió (2005); Lời buồn trên đá (thơ, 2007).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Hai giải thưởng thơ báo Văn nghệ năm 1990 và 1995. Giải thưởng thơ báo Người Hà Nội 40 năm 1994. Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 1995 cho tập thơ Viết cho mình. Giải thưởng báo Giáo dục và thời đại cuộc thi thơ lục bát, 1998-1999.

@


DƯƠNG KỲ ANH


Bút danh khác: PHẠM DƯƠNG,
XUÂN CẨM, XUÂN NAM
Họ và tên khai sinh: Dương Kỳ Nam. Sinh ngày 9 tháng 11 năm 1948. Quê quán: Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Tổng biên tập báo Tiền phong. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1994

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn 1972, gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, là sỹ quan điều khiển tên lửa. Từ 1975 về công tác tại báo Tiền phong cho đến nay. Từ 1997 đến nay là Thường vụ, phụ trách khối báo chí xuất bản của Trung ương Đoàn, Tổng biên tập báo Tiền phong. Từ 1992 đến nay là Thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo Đảng uỷ khối dân vận Trung ương. Là trưởng ban tổ chức, kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thơ: Và anh đợi (1987); Đi qua thời gian (1992); Miền ký ức (2001); Thơ Dương Kỳ Anh (2005). Truyện ngắn: Dang dở một chuyện tình (1989); Bông hoa lạ (1994); Bài phóng sự (2000); Bức ảnh thứ hai (2001); Chị Huệ làng Tảo Trang (2003). Truyện ký: Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (1998); Những chuyện ít được kể giữa lòng Châu Âu (2000); Ai là người giàu nhất Việt Nam (2006); Xuyên Cẩm (tiểu thuyết, 2004); Thổ địa (tiểu thuyết, 2006).

  GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng của tạp chí Văn nghệ quân đội 1988. Giải thưởng bài thơ hay do báo Nhân Dân tuyển chọn 1988. Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Du cho tiểu thuyết Xuyên Cẩm (2005).

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Thời nào, ở đâu cũng vậy, không có tài, không thể trở thành nhà văn theo nghĩa đích thực của từ này. Nhưng chỉ có tài chưa đủ. Càng ngày, tôi càng tâm đắc với thi hào Nguyễn Du khi ông viết "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Văn chương nghệ thuật không có sản phẩm trung bình. Nhà văn lớn phải là một nhà văn hoá lớn. Phải sống thế nào trong cuộc đời mới có thể sáng tạo ra một cuộc đời khác trong văn chương.

@

ĐẶNG NGUYỆT ANH


Các bút danh khác: ĐẶNG DIỆU HẰNG,
NINH GIANG, ĐẶNG TÚY HỒNG
Họ và tên khai sinh: Đặng Nguyệt Anh. Sinh ngày 7 tháng Giêng năm Mậu Tý (1948). Quê quán: Ninh Cường, Trực Ninh, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2002.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Dạy học từ năm 1966; năm 1973 vào chiến trường miền Nam công tác tại Tiểu ban giáo dục thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Sau 30-4-1975 học tập và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên văn trường Trung học phổ thông Marie - Curie.

  TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập thơ: Trường ca mẹ (1994); Nếu anh biết được (1995); Sông Ninh (1997); Bâng khuâng chiều (1998); Ru lời ngàn năm (2000); Ai đẻ ra trời (thơ thiếu nhi, 2002); Trời Em áo lụa (2006).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng thơ lục bát báo Giáo dục và thời đại năm 1996-1998.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Riêng tôi, trước hết phải ơn Trời cho một chút năng khiếu (thiên phú) cộng với sự nỗ lực rèn luyện, bồi đắp suốt đời của bản thân. Thơ không là nghề mà là nghiệp “giời bắt làm thi sĩ”. Đôi khi phải mài nhan sắc để được những câu thơ đến với người đọc và ở lại trong lòng họ. Tôi phải chịu ơn sâu nặng cuộc chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Cảm ơn những ngày tháng ở Trường Sơn, những năm tháng ở rừng miền Đông Nam bộ.Chính từ đó, tôi đã trưởng thành. Tôi đã uống nước sông Ninh mà lớn lên. Đã mang nợ bao nhiêu người ngã xuống cho tôi được sống như hôm nay: “Bạn tôi trẻ quá - năm nào/ Biết đâu hài cốt, biết sao linh hồn”. Quê hương và cuộc chiến tranh vệ quốc là hai đề tài xuyên suốt hồn tôi, xuyên suốt thơ tôi. Hạnh phúc của người làm thơ là có nhiều bạn. Tôi rất say mê bạn.

@


HÀ THỊ CẨM ANH


Họ và tên khai sinh: Hà Thị Ngọ. Sinh ngày 10 tháng 10 năm 1948. Quê quán: xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá. Dân tộc: Mường. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá. Hiện thường trú tại: số 25 Cửa Tả, phường Ba Đình, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Vào Hội năm 2005.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1968: được điều từ UBND xã Cẩm Sơn xuống công tác tại Ty Văn hoá Thanh Hoá. 1969-1972: đi học bổ túc văn hoá Công Nông (10/10). Tháng 5/1972 về công tác tại Ban vận động thành lập Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hoá. 1973: học khoá 6 trường Bồi dưỡng những người viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam. 1974-2000 công tác tại Hội VHNT Thanh Hoá. Từ 2002 cho đến nay: nghỉ hưu.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Người con gái Mường Biện (tập truyện và ký, 2002); Những đứa trẻ mồ côi (truyện vừa, 2003); Bài Xường ru từ trong núi (truyện ngắn, 2004); Nước mắt của đá (tập truyện ngắn, 2005); Lão thần rừng nhỏ bé (truyện dài, 2007).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B (không có giải A) cuộc thi truyện ngắn và ký của Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2000.
Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003-2004.
 Giải C giải Lê Thánh Tông của Hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá năm 2002, 2003, 2004.
Giải B về ký do báo Thanh Hoá tổ chức năm 2004, 2005
Giải C về ký do báo Thanh Hoá tổ chức năm 2006
Và nhiều giải thưởng khác.

@


HOÀI ANH


Họ và tên khai sinh: Trần Trung Phương. Sinh ngày 8 tháng 7 năm 1938. Quê quán: thôn Văn Ấp, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 40/10A đường Trần Đình Xu, phường Cô Giang, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1978.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia kháng chiến chống Pháp tại huyện đội Bình Lục, tỉnh đội Hà Nam, Bộ Tư lệnh Khu Ba. Từ năm 1955 làm công tác văn nghệ Sở Văn hoá rồi Hội Văn nghệ Hà Nội. Từ năm 1976 làm biên tập xưởng phim Tổng hợp rồi tuần báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Hiện đã nghỉ hưu.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Kịch: Xe pháo mã (1961). Thơ: Gió vào trận bão (in chung, 1967); Từ hương đến mật (1987); Dạ lan (1989); 99 ngọn (1991); Trường ca Điện Biên, tổ khúc Hà Nội (1995); Tầng ngày (2001); Thư thơ (2001). Truyện, tiểu thuyết: bộ Tuyển tập truyện lịch sử gồm 16 cuốn: Mê Linh tụ nghĩa, Tấm long bào, Như Nguyệt, Hưng Đạo Vương và những truyện khác, Ngựa Ông đã về, Đất thang mộc, tập 1, tập 2, Lời thề lửa, Mưu sĩ của Quang Trung, Trần Văn Kỷ, Vua Minh Mạng, Đuốc lá dừa, Chiến luỹ Tháp Mười, Rồng đá chuyển mình, Bùi Hữu Nghĩa mối duyên vàng đá, Nguyễn Thông Vọng Mai đình,  Chim gọi nắng (2006). Tiểu luận phê bình: Chân dung văn học (2001); Chân dung thơ (2001); Tìm hoa quá bước (2001); Tác gia kịch nói và kịch thơ (2003). Dịch: Một trăm bài thơ Đường (2001); 7 thế kỷ thơ tình Pháp (2001); Gia Định tam gia (thơ chữ Hán, 2003).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Tặng thưởng về kịch của Hội Nghệ sĩ sân khấu năm 1961. Tặng thưởng về văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1983. Tặng thưởng về lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001-2002. Giải A về lý luận phê bình của Hội Nghệ sĩ Sân khấu năm 2003.
 
 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Những điều tôi dự định làm đã làm được một phần, điều quan trọng bây giờ là sửa lại những gì tôi đã công bố và hoàn chỉnh những gì tôi đã viết.

@

HOÀNG NGỌC ANH


Họ và tên khai sinh: Hoàng Nghĩa Thành (tên thường gọi là Thiềng). Ngày tháng năm sinh: Tết Đoan Ngọ mồng 5/5 Mậu Thìn (1928). Ngày tháng sinh trong giấy tờ là 15/5/1929. Quê quán: xóm Quán Lau, xã Yên Dũng thượng, huyên Hưng Nguyên nay là phường Trường Thi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 135 đường Nguyễn An Ninh, phường Đồng Tâm, quân Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1986.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tháng 1/1944 làm liên lạc cho các chú công nhân hoạt động bí mật ở nhà máy Trường Thi (Vinh). Từ 5/1945 vào Thanh niên Cứu quốc ở vùng quanh nhà máy Trường Thi (Vinh). Làm Bí thư Thanh niên cứu quốc, uỷ viên thường vụ Việt Minh, trưởng ban thông tin ở địa phương. 9/1949-1954: thư ký toà soạn báo Truyền thanh kháng chiến, Trưởng ban Biên tập ty Tuyên truyền Nghệ An, chủ bút báo Nghệ An mới. Từ 1955 từng là trưởng ban Biên tập văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghỉ hưu 1990. 1980-1990 Giảng viên thỉnh giảng khoa đại học báo chí trường Tuyên giáo trung ương nay là Học viện báo chí tuyên truyền.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Sự hình thành một thế giới mới (sách biên khảo, 100 trang in, 1950); Xuyên dòng lịch sử (sách biên khảo, 300 trang in, 1951); Giữa lòng quê mẹ (thơ, 1955); bộ tiểu thuyết ba tập Xóm thợ Trường Thi, tập I: Xóm thợ Trường Thi (1975),   tập II: Lên xanh, tập III: Day dứt ;  Ông và cháu (truyện vừa, 1981); Trên đất Lam Hồng (kịch bản phim); Bờ vực lạc thú (tiểu thuyết, 1990); Dòng sông xanh cuộn sóng (kịch sân khấu truyền hình, 1990) Nỗi đau (tiểu thuyết, 1991); Người chồng tội lỗi (tiểu thuyết 1994); Hương hoa mộc (tập truyện ngắn, 2000)...

  GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng thơ với bài Nhân đọc lại Kiều báo Truyền thanh (Vinh) năm 1946; Tặng thưởng của Thành uỷ và UBND TP Vinh tặng tiểu thuyết Xóm thợ Trường Thi nhân kỷ niệm 200 năm Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh; Tặng phẩm của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 2003 về tiểu thuyết bộ ba Xóm thợ Trường Thi.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nghề văn, nhất là văn xuôi đòi hỏi phải có một vốn sống dồi dào, một quá trình lao động gian khổ và công phu. Có người đã đề cao quá mức tác dụng của nghề văn, nhưng cũng có người xem thường tác dụng của văn chương. Theo tôi, hai cách nghĩ này đều phiến diện. Tôi nghĩ rằng nghề văn gắn liền với nền văn hiến của mỗi dân tộc. Một dân tộc văn minh bao giờ cũng có nền văn học riêng, nhất là trong lĩnh vực văn xuôi. Văn học bao giờ cũng cổ vũ lòng nhân ái của con người, biết sống đẹp, vị tha, vạch trần cái ác, cái xấu xa, cái phi nhân tính.

@

LÊ HOÀNG ANH

Họ và tên khai sinh: Lê Hoàng Anh. Sinh ngày 14 tháng 7 năm 1958. Quê quán: Đồng Tháp. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giáo viên trường BTVH Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Hiện thường trú tại: 182 Lê Thánh Tôn, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Vào Hội năm  2003.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp khoa Văn - Sử trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, dạy lịch sử tại trường BTVH Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh. Sáng tác từ cuối những năm 1980.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập thơ: Những bài ca về biển (1992); Hoa lưu ly (1992); Lời yêu trong lá (2002); Ký ức xanh (1995); Gió xanh (2003). Và các tập biên khảo: Trò chuyện với văn nghệ sĩ (2000); Nhà thơ qua thơ (2005).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích thơ hay về biển do báo Vũng Tàu trao năm 1991. Tặng thưởng của tạp chí Nha Trang về thơ do độc giả bình chọn có chùm thơ khá nhất.  2 năm 1993 và 2000. Giải nhất thơ ngành Giáo dục  năm 1999 và năm 2000 của quận Thủ Đức TP Hồ Chí Minh.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Còn thơ ca nghĩa là còn lòng nhân từ trên trái đất. Tôi yêu thơ vì tôi yêu cuộc sống và con người.

@

 
NGUYỄN QUỐC ANH

Họ và tên khai sinh: Nguyễn Quốc Anh. Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1944. Quê quán: Đức Bùi, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Uỷ viên BCH Hội Văn nghệ Nghệ An. Hiện thường trú tại: 182 Phong Định cảng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2001.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Năm  1963 nhập ngũ, từng là khẩu đội trưởng pháo cao xạ chiến đấu ở tuyến lửa Khu 4. Năm 1967 về công tác tại tỉnh đội Hà Tĩnh (biên tập sách Người tốt việc tốt). Từ 1969 đến nay, liên tục công tác ở Hội Văn nghệ Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh, Nghệ An. Đã theo học Lớp viết ký của Cục Văn hoá QĐND Việt Nam và khoá VI trường Bồi dưỡng viết văn Hội Nhà văn; Tự học Luật và ngoại ngữ. Hội viên Hội Luật gia Việt Nam (1985), Báo cáo viên Hội đồng Giáo dục Pháp luật tỉnh Nghệ An.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tình yêu sáng sớm (thơ, in chung, 1974); và các tập thơ in riêng: Trái mùa hoa, Gửi theo bạn bè, Gập ghềnh lối cỏ, Chua ngọt thường ngày, Lời cây và Nghìn dăm chân trần. Tập truyện: Gió ngàn (2000).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải ba thơ Hà Tĩnh (1967). Giải B văn do Hội Nhà văn-Bộ Giao thông vận tải trao cho bút ký Chuyện kể trước biển sóng; Giải B cuộc vận động sáng tác của Tổng cục Kỹ thuật QĐNDVN cho bút ký Cảm nhận Hải Vân. Và các giải B, C, giải thưởng Hồ Xuân Hương về thơ.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Sau thành công thuộc về bản năng, muốn viết tiếp thì phải viết bằng văn hoá. Văn hoá càng cao, càng rộng thì mới tiếp cận được thời đại. Với vốn tự học lõm bõm của tôi, viết càng ngày càng thấy khó, khó quá: Vừa phải tránh trùng lặp mình và tránh người. Cần một giọng điệu riêng mới tồn tại vậy.

@


NGUYỄN THỊ VÂN ANH


Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thị Vân Anh. Sinh ngày 20 tháng 1 năm 1947. Quê quán: Quận Đống Đa, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Tổng biên tập báo Thời báo Kinh tế Việt Nam. Hiện thường trú tại: 781 đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1985.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Đại học Sư phạm năm 1976, vừa dạy học, vừa viết báo và sáng tác văn học. Từ 1977: Làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong. Đã từng làm Phó Tổng biên tập báo Thiếu niên tiền phong, Tổng biên tập báo Nhi đồng, Tổng biên tập tạp chí Vì trẻ thơ, Giám đốc liên doanh tạp chí Thời trang trẻ, Tổng biên tập tuần báo Nhà báo và Công luận.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập truyện: Cá đuôi cờ (1976); Cô bé và con rùa vàng (1978); Thành phố tùy ý muốn (1984); Hoa xương rồng (1985); Chiếc mũ của vịt con (1986); Bóng đêm và ánh sáng (1986); Người đàn bà trong phòng xử án (1989); Đối mặt với tử thần (1990); Có một thời như thế (2000); Trái tim dã thú (2001). Tiểu thuyết: Tình yêu và năm tháng (1987); Cơn giông đời nhà báo (1991)...

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Đã được nhận 6 giải thưởng cho kịch bản phim hoạt hình trong các liên hoan phim toàn quốc từ lần thứ hai (năm 1973) đến lần thứ bảy (năm 1985), 1 giải Bông Sen vàng, 4 giải Bông Sen bạc và một bằng khen.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Đã viết nhiều thể loại nhưng tâm đắc nhất là viết truyện ngắn về đề tài thanh thiếu nhi.

 

@


PHAN THỊ VÀNG ANH

Họ và tên khai sinh: Phan Thị Vàng Anh. Sinh ngày 18 tháng 8 năm 1968. Quê quán: huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: không. Hiện sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1996.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Là con gái nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Vũ Thị Thường. Tốt nghiệp Đại học Y khoa thành phố Hồ Chí Minh năm 1993. Là một cây bút mà ngay từ những tác phẩm đầu tay đã thể hiện một phong cách riêng, được bạn đọc hâm mộ.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Khi người ta trẻ (tập truyện, 1993); Ở nhà (truyện vừa, 1994); Hội chợ (tập truyện, 1995); Nhân trường hợp chị thỏ bông (tản văn, 2004); Gửi VB (thơ, 2006).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 cho tập truyện Khi người ta trẻ.

@


TẠ DUY ANH


Các bút danh khác: LÃO TẠ, CHU QUÝ,
QUÝ ANH, BÌNH TÂM

Họ và tên khai sinh: Tạ Viết Đãng. Sinh ngày 9 tháng 9 năm 1959. Quê quán: thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Vào Hội năm 1993.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng là cán bộ giám sát chất lượng bê tông nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai, giảng viên Trường viết văn Nguyễn Du. Hiện là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tập truyện: Bước qua lời nguyền (1990), Luân hồi (1994), Gã và nàng, Bố cục hoàn hảo, Ngày hội cuối cùng, Quả trứng vàng, Ba đào ký, Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh; Khúc dạo đầu (tiểu thuyết, 1991); Lão Khổ (tiểu thuyết, 1992); Đi tìm nhân vật (tiểu thuyết); Thiên thần sám hối (tiểu thuyết); Hiệp sĩ áo cỏ (truyện vừa thiếu nhi, 1993); Những truyện không phải trong mơ (truyện vừa). Tản văn: Kẹo kéo, Ngẫu hứng sáng trưa chiều tối.

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải truyện ngắn nông thôn báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Giải truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội.

@


VIỆT ANH


Bút danh khác: VÂN ANH
Họ và tên khai sinh: Trần Thị Việt Anh. Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1936. Quê quán: Quế Trạo, Đồng Quế, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thành phố Vũng Tầu, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Vào Hội năm 1957.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia thanh niên xung phong ở Tây Bắc, từ năm 1957 chuyển sang làm báo. Tốt nghiệp lớp báo chí đầu tiên (1958-1961) rồi về tập san Đo lường tiêu chuẩn. Trước khi nghỉ hưu công tác ở báo Lao động.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Ba lần gặp Bác Hồ (truyện ký, 1969); Nắng thu vàng (thơ, 1993); và có thơ in chung trong một số tập từ 1970 đến 1985.

@


VŨ HUY ANH


Bút danh khác: HUY ANH, TRUNG VŨ,
TRUNG CHÍNH, DANH CHÍNH
Họ và tên khai sinh: Vũ Huy Anh. Sinh ngày 29 tháng 3 năm 1944. Quê quán: Chính Tâm, Kim Sơn, Ninh Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Thiên chúa giáo. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: biên tập viên Thời báo Kinh tế Việt Nam. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Vào Hội năm 1985.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC Từ nhỏ đến 1962 đi học. Từ 1962-1969, lao động ở quê, có mấy năm làm kế toán trưởng toàn xã. Từ 1969-1991: làm phóng viên báo Chính nghĩa, rồi chuyên viên Ban Tôn giáo Chính phủ. Từ tháng 6-1991 đến hết năm 2004: công tác tại báo Thanh tra. Từ 1-2005 làm việc tại  Thời báo Kinh tế Việt Nam.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Mùa xuân về (tiểu thuyết, 1979); Cuộc đời bên ngoài (tiểu thuyết 1984); Trái cấm vườn địa đàng (tiểu thuyết, 1986); Đường qua Biển Đỏ (tiểu thuyết, 1988); Ai bắn Giáo hoàng (truyện dài tư liệu, 1988); Bến lạ bờ xa (tiểu thuyết, 1989); Tìm lại tình yêu (tiểu thuyết 1990); Người đẹp trước nhà (tiểu thuyết 1992); Sa ngã (tiểu thuyết, 1992); Dang dở (bộ tiểu thuyết chọn, 2000); Dòng sông cứ chảy (tập truyện, 2001); Trăm năm thoáng chốc (tiểu thuyết, 2004).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1984 cho tiểu thuyết Cuộc đời bên ngoài. Tặng thưởng cuộc thi tiểu thuyết 2002-2005 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Trăm năm thoáng chốc.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nghề văn là một nghề khó.

@

 

VŨ TUẤN ANH

Họ và tên khai sinh: Vũ Tuấn Anh. Sinh ngày 13 tháng 4 năm 1943. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: nghiên cứu viên cao cấp, Viện Văn học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam). Hiện thường trú tại: Số nhà 33, ngõ 460/20 đường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Vào Hội năm  2002.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1963: Tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1963-1982: giáo viên Sở Giáo dục Hà Tây. 1982-1983: cán bộ viện Khoa học Giáo dục. Từ 1984 đến nay: chuyên viên nghiên cứu, Trưởng ban Ban Văn học Việt Nam hiện đại Viện Văn học. 1987-1989: Thực tập sinh tại Viện Văn học Gorki (Liên Xô cũ), Tiến sĩ ngữ văn (1995). Được phong Phó giáo sư văn học năm 2001.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: In riêng: Nửa thế kỷ thơ Việt Nam (1998); Văn học Việt Nam hiện đại - nhận thức và thẩm định (2000). In chung: Thạch Lam - văn chương và cái đẹp (1994, chủ biên); Nam Cao (chủ biên, 2000); Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (chủ biên, 2001); Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước (1979); Nhà thơ Việt Nam hiện đại (1984); Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1986); Chế Lan Viên - Về tác gia và tác phẩm (biên soạn, 2001)…

@

 
VƯƠNG ANH


Họ và tên khai sinh: Phạm Vương Anh. Sinh ngày 2 tháng 9 năm 1944. Quê quán: Làng Lú, Mường Rặk, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá. Dân tộc: Mường. Hiện thường trú tại: Thanh Hoá. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1973.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC,
SÁNG TÁC: Từng dạy học (1964-1965), sáng tác, nghiên cứu văn học và học Trường Viết văn Nguyễn Du (1979-1982). Từ 1982-1988 là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hoá. Năm 1988, học ở Học viện Văn học Gorki. Từ 1990 là Phó giám đốc Thường vụ Đảng uỷ Sở Văn hoá - Thông tin Thanh Hoá. Uỷ viên Ban chấp hành Đảng uỷ cơ quan cấp tỉnh (Thanh Hoá), Tổng biên tập báo Văn hoá thông tin Thanh Hoá. Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam khoá III, Uỷ viên Thường vụ Hội văn học nghệ thuật các DTTS  Việt Nam khoá I, II, III.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Sao chóp núi (trường ca, 1968); Trăng mắc võng (thơ, 1973); Tình còn (thơ, 1979), Đến hẹn (thơ, 1983); Hoa Li Pa yêu (thơ, 1989); Rượu mặn (thơ, 1993); Lá đắng (thơ, 1996); Một thoáng Hủa Phăn (thơ văn, 1996); Vượn Tía lạc vào cổ tích (văn thơ thiếu nhi, 1990). Sưu tầm biên dịch : Đẻ đất đẻ nước (1975); Khăm Panh (1978); Tuyển tập truyện thơ Mường (In chung, 1986); Truyện cổ Mường (In chung, 1980); Hoa ban tím (thơ, 1994); Trăng cài then (thơ, 1995); Chợ tình đứt quai trăng (thơ, 2003); Mo sử thi Mường (1998); Tiếp cận văn hoá bản Mường (2001); Tiếp cận văn hoá bản Thái (2003); Tiếp cận văn hoa bản Mông (2004) v.v.

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969. Tặng thưởng của Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam  năm 1970 và năm 1985.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: "Mỗi lần cầm bút viết văn, làm thơ tôi thường nhớ đến bố, bởi sự nghiệp đam mê đến mắc nợ văn chương của tôi công đầu lại thuộc về người. Bố là người ép tôi nhấp một ngụm rượu từ thuở mười hai tuổi, ý là cho tỉnh ngủ, để tôi bò rạp trên sàn nhà chép sử thi Mo Mường: "Đẻ đất đẻ nước", chuyện về những chiếc đùi gà, những nắm xôi nếp, cái bút sắt, lọ mực tím và cái đãy vải xô Mường ám khói... theo bố, ròng rã hai mươi năm trời để đựng đầy bốn mươi hai tập giấy, quyển vở học trò với 2 vạn câu thơ Mường. Tôi nhờ tài sản vô giá đó của cha ông, của tổ Mường, tổ Việt để có bước đi ban đầu. Thế là chập chững dịch từng câu, từng chữ tiếng Mường ra tiếng Kinh... Bước tập dịch bỡ ngỡ đã tạo cho chúng tôi ham học, ham hiểu biết, ham tìm ra vốn từ ngữ đẹp đẽ, lấp lánh đến mê say. Dịch đi, dịch lại... Đi theo "Đẻ đất đẻ nước" lâu dần thành máu thịt. Tôi ngấm hơi thở sử thi, phong vị, phong cách thơ dân tộc Mường tôi. Thế là có thêm ý đồ làm thơ, viết văn... Tin chắc rằng bếp lửa của người cầm bút không bao giờ lụi tàn..."

@

 
ĐỨC ÁNH


Bút danh khác: HUY HỨA, ĐỨC ĐOAN
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đức Ánh. Sinh ngày 14 tháng 3 năm 1935. Quê quán: Định Thành, Yên Định, Thanh Hóa. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Lương. Hiện thường trú tại: Quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 2000.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học phổ thông ở Thanh Hóa. Tháng 1-1953 nhập ngũ F304 sĩ quan chống Pháp. Năm 1966 đến 1972: học đại học ở Liên Xô. Nhiều năm làm công tác Đoàn (Bí thư), công đoàn (Thư ký). Từng là phó giám đốc Trung tâm thông tin vô tuyến điện tử Việt Nam. Sáng tác và làm báo từ đầu những năm 1960.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tác phẩm chính (22 tiểu thuyết, 12 tập truyện và ký, 5 kịch bản văn học, 3 tập thơ). Trong đó có các tiểu thuyết:  Hòn đá cõi  (viết chung với Thạch Giản, 1962);  Sườn núi Ngang (1965, 2000);  Người trên đê (1972, 2002); Vùng đất nân ( 2003); Ước vọng chơi vơi (1990);  Cung tình xanh (1991); Người quen chưa biết (1992); Vùng tình thẳm (1992); Tìm em trong mưa (1993, 1994); Lên đồi Mây (1994); và các tập Người Lò Chum ( truyện và ký, 1995, 1996);  Tia hy vọng (tập truyện ngắn, 1996); Truyện và ký tuyển chọn (1999, 2002); Tuyển tập tiểu thuyết Đức Ánh (2004, 3 tập).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 1974 (cho tiểu thuyết Vùng đất nân). Giải nhất kịch bản phim truyện của Cục Điện ảnh Bộ Văn hoá-Thông tin cho Chuyện một người tinh tướng, 2006. Giải A, Trại viết kịch bản năm 2006 của Cục Điện ảnh Việt Nam.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Việc thể hiện tái tạo cuộc sống như đương đại luôn là bệ phóng trong cuộc lữ hành đơn độc trên trang giấy mà nhà văn liên tục nhọc nhằn, lặng lẽ âm thầm vượt cạn.
Nhưng nhiều người khi thực sự có điều kiện hóng chuyện nhân quần để nhào nặn, thì đương nhiên bước vào ngưỡng cửa lực bất tòng tâm. Chim sa vào lồng. Thật e ngại cho cảnh ngộ.
Những sáng tác của nhà văn cũng như hương khói, sương bụi giữa tinh cầu bao la mà gió mây văn học luôn quấn quyện đôi chân hiện thực, cặp cánh tưởng tượng vẽ nên những khái quát hư ảo đến phi lý, khiến Chúa cũng vui gật đầu khen hay và mới.

@


NGUYỄN NHẬT ÁNH


Họ và tên khai sinh: Nguyễn Nhật Ánh. Sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955. Quê quán: xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1991.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học tiểu học ở các trường Tiểu La, Trần Cao Vân, Phan Chu Trinh tại Quảng Nam-Đà Nẵng, học Đại học Sư phạm ở thành phố Hồ Chí Minh. Từng đi thanh niên xung phong, làm công tác thiếu nhi và dạy học.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thành phố tháng tư (thơ, in chung với Lê Thị Kim, 1984); Trước vòng chung kết (truyện dài, 1985); Cú phạt đền (truyện ngắn, 1985); Đầu xuân ra sông giặt áo (thơ, 1986); Chuyện cổ tích dành cho người lớn (tập truyện, 1987); Bàn có năm chỗ ngồi (truyện dài, 1987); Bí mật của một võ sĩ (tập truyện, 1989); Cô gái đến từ hôm qua (truyện dài, 1989); Chú bé rắc rối (truyện dài, 1989); Nữ sinh (truyện dài, 1989); Thiên thần nhỏ của tôi (truyện dài, 1990); Phòng trọ ba người (truyện dài, 1990); Mắt biếc (truyện dài, 1990); Thằng quỷ nhỏ (truyện dài, 1990); Hoa hồng xứ khác (truyện dài, 1991); Hạ đỏ (truyện dài, 1991); Bong bóng lên trời (truyện dài, 1991); Bồ câu không đưa thư (truyện dài, 1993); Những chàng trai xấu tính (truyện dài, 1993); Tứ tuyệt cho nàng (thơ, 1994); Lễ hội của đêm đen (thơ, 1994); Trại hoa vàng (truyện dài, 1994); Út Quyên và tôi (truyện dài, 1995); Đi qua hoa cúc (truyện dài, 1995); Buổi chiều Windows (truyện dài, 1995); Kính vạn hoa (truyện dài, nhiều tập, 1995, 1996).

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Thành thị đôi khi chỉ là một khái niệm về không gian nhưng làng quê luôn là một khái niệm văn hoá. Một nhân vật đi từ ngã tư này đến góc phố kia chỉ gợi nên sự di chuyển, nhưng một nhân vật đi từ chiếc cổng làng ra bến sông lại gợi lên biết bao nhiêu là kỷ niệm trong lòng người. So với những trang viết về thành thị, những trang viết về làng quê của tôi bao giờ cũng nhiều cảm xúc hơn, bất chấp nhân vật hành động ra sao và cốt truyện diễn tiến như thế nào.

@

 
NGUYỄN ĐÌNH ẢNH


Bút danh khác: THANH ANH, ÁNH VIỆT
(1942-2006)
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Đình Ảnh. Sinh ngày 4 tháng 3 năm 1942. Quê quán: Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1987. Mất ngày 4 tháng 12 năm 2006.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Đại học, khoa Ngữ văn tại Hà Nội. Vào bộ đội Quân chủng Phòng không - không quân năm 1964: là chiến sỹ, sỹ quan rồi phóng viên mặt trận, viết báo, làm thơ. Năm 1975 chuyển ngành về công tác tại Phú Thọ. Nguyên uỷ viên Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Nguyên uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ; Nguyên bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Chào đất nước (thơ, 1970); Trăng rừng (thơ, 1977); Hoa cỏ miền đồi (thơ, 1982); Trước cổng trời (thơ, 1989); Giã biệt một ánh sao chiều (thơ, 1992); Sắc cầu vồng (thơ, 1996); Vầng sáng và những kỳ tích (thơ, trường ca, 2000); Thăm thẳm cõi người (thơ, 2004)...

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Năm 1961, được giải thưởng của báo Người giáo viên nhân dân với bài thơ Thăm trường. Năm 2000, được tặng thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tư tưởng văn hoá" năm 2005; Giải thưởng Hùng Vương về văn học của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ với tập thơ Sắc cầu vồng.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Công việc làm thơ hình như cũng có cái gì giống như công việc đi câu: người đi câu cả ngày có khi chẳng được con cá nào, có khi vừa buông cầu đã giật được cá to... Không phải cứ dành nhiều thời gian thì sẽ nhất thiết viết được thơ hay. Có khi đang đi đâu đó, ngẩn ngơ trên đường, đột nhiên nảy ra một tứ thơ, thế là thảng thốt viết luôn ở trong đầu - về, chỉ việc chép ra thôi. Lại có những dòng thơ tự nhiên vụt hiện như thể trời cho... Nhưng để có được khoảnh khắc xuất thần đó, phải nghiêm nhặt suốt cả đời: vốn sống dày dặn, tầm cao văn hoá và trái tim nồng ấm, dễ rung động, xôn xao... Bởi vậy, theo tôi nghĩ, thơ chính là tiểu sử tâm hồn của thi sĩ!...

@

HÀ ÂN


Họ và tên khai sinh: Hoàng Hiển Mô. Sinh ngày 16 tháng 1 năm 1928. Quê quán: Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 24B Nguyễn Quang Bích, Hà Nội. Vào Hội năm 1983.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC,SÁNG TÁC:
Là chiến sỹ Trung đoàn Thủ Đô Liên khu I, 1947. Trưởng Ty Hoa kiều vụ tỉnh Lào Cai (1948), cán bộ hậu địch Hà Nội 1950. Giáo viên văn hoá Trường quân y và hậu cần (1955). Chuyên viên nghiên cứu Viện bảo tàng quân đội 1964. Từ 1964: cán bộ sáng tác Hội Văn nghệ Hà Nội, biên tập viên Nxb Hà Nội tới 1990 nghỉ hưu.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tướng quân Nguyễn Chích (truyện lịch sử, 1962); Quận He khởi nghĩa (truyện lịch sử, 1963); Nguyễn Trung Trực (truyện lịch sử, 1964); Phú Riềng Đỏ (ký lịch sử, 1965); Bên bờ Thiên Mạc (truyện lịch sử, 1967); Tổ quốc kêu gọi (tiểu thuyết lịch sử, 1973); Trên sông truyền hịch (truyện lịch sử, 1973); Trăng nước Chương Dương (truyện lịch sử, 1975); Lưỡi gươm nhân ái (truyện lịch sử, 1981); Ông Trạng thả diều (truyện lịch sử, 1982); Cái chum vàng (truyện lịch sử, 1986); Vụ án trầu cánh phượng (truyện lịch sử, 1990); Kho báu dưới gốc hoàng đào (truyện lịch sử, 1993); Mùa chim ngói (tập truyện, 1995). Ngoài ra còn có một số kịch bản hoạt hình, sách giáo khoa tiểu học…

  GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải C Giải văn học thành phố Hà Nội cho tiểu thuyết lịch sử Ngàn năm Thăng Long. Giải bồ câu vàng kịch bản phim hoạt hình Ông Trạng thả diều. Nhiều lần giải A văn học thiếu nhi Trung ương Đoàn. Giải khuyến khích kịch bản hoạt hình Ngựa thần Tây Sơn.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi người viết phải có kiến thức rộng rãi chính xác của sử gia và có tưởng tượng sáng tạo vô cùng phong phú của tiểu thuyết. Hai đặc điểm này thường trái ngược nhau ở người cầm bút. Người có kiến thức rộng rãi sâu sắc thì luôn bị kiến thức của mình cùm cẳng không cho bay lên tưởng tượng. Người có tưởng tượng mạnh mẽ bay lên từ một kiến thức khiếm khuyết, sẽ trở thành quái đản. Sẽ thành công nếu cả kiến thức và tưởng tượng có hài hoà. Nhưng ở tiểu thuyết gia lịch sử điều quan trọng nhất là cái tâm. Cái mạnh cái hấp dẫn trong tiểu thuyết lịch sử là ở các phong tục dân gian như cảnh cướp dâu, vật thờ, bơi chải…mà trong đó tiểu thuyết gia đã để nhân vật mình tham gia cuốn hút người đọc vào một thế giới khác, vẫn ở Việt Nam nhưng ở một thời quá vãng.

@

 
LẠI NGUYÊN ÂN


Các bút danh khác: VÂN TRANG, TAM VỊ,
NGÂN UYÊN, NGHĨA NGUYÊN
Họ và tên khai sinh: Lại Nguyên Ân. Sinh ngày 18 tháng 1 năm 1945. Quê quán: Phù Vân, Kim Bảng, Hà Nam. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: biên tập sách LLPB Nxb Hội Nhà Văn.  Hiện thường trú tại: quận Ba Đình, Hà Nội. Vào Hội năm 1987.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC,
SÁNG TÁC: Năm 1968 tốt nghiệp khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1969: công tác tại tạp chí Học tập. Từ 1970-1977: giáo viên văn hoá trường Thương nghiệp tại Ba Vì, Hà Tây. Từ 1977 đến nay: biên tập viên sách văn học Nhà xuất bản Tác phẩm mới (nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Hoạt động chủ yếu trong tư cách nhà phê bình văn học, nhà nghiên cứu văn học, cây bút biên dịch thông tin lý luận. 

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hơn 20 công trình gồm các sách phê bình, nghiên cứu văn học, tái bản nhiều lần; trong đó có các cuốn: Văn học và phê bình (1984); Sống với văn học cùng thời (1997); Đọc lại người trước, đọc lại người xưa (1998); Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX (1995); Và các sách tư liệu sưu tầm văn học sử VN; trong đó có các cuốn, soạn riêng và cùng soạn với người khác như: Nguyễn Minh Châu, con người và tác phẩm; Văn học 1975-85 tác phẩm và dư luận; Vũ Trọng Phụng -tài năng và sự thật ; Thi sĩ Hồ DZếnh; Vũ Trọng Phụng, con người và tác phẩm; Nhà văn Việt Nam: chân dung tự hoạ. Chống nạng lên đường; Thơ mới 1932-1945, tác giả và tác phẩm; Tác phẩm Hoàng Cầm; Nghiên cứu phê bình văn học của Lê Thanh; Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1928; Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1929; Phan Khôi- Tác phẩm đăng báo 1930; Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn; Phan Khôi - Tác phẩm đăng báo 1931; 150 thuật ngữ văn học; Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học Âu Mỹ thế kỷ XX, v.v…

  SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN:
Phóng viên: Người ta cho rằng Lại Nguyên Ân là một nhà phê bình điềm tĩnh và sâu sắc, nhạy bén và trung thực, bản lĩnh và không khuất phục.
Lại Nguyên Ân: Nhận xét như thế thì thật tốt đẹp, nhưng có lẽ còn là quá hào phóng đối với tôi. Đó là những phẩm chất mà tôi luôn mong có được chứ chưa phải là đã có.
Trích phỏng vấn của Diễm Chi, báo Phụ Nữ Chủ Nhật
TP Hồ Chí Minh, số 4 (23/1/2000)

@

 
PHẠM ĐÌNH ÂN


Họ và tên khai sinh: Phạm Đình Ân. Sinh ngày 2 tháng 10 năm 1946. Quê quán: Nam Định, Hà Nam và Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban lí luận, phê bình báo Văn nghệ. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Vào Hội năm 1993.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Ngữ văn, làm việc ở báo Nhân Dân. Hiện nay làm việc ở báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam. Tiến sĩ văn học (2006). 

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nắng xối đỉnh đầu (thơ, 1990, tái bản 2001); Những hoàng hôn ngẫu nhiên ( thơ, 1990, tái bản 2001); Hương rễ (thơ, 2000); Phấn hoa bay (thơ, 2000); Tắc kè hoa (thơ viết cho thiếu nhi,  1996); Thế Lữ - Về tác giả và tác phẩm (giới thiệu và tuyển chọn, 2006); Đất đi chơi biển (thơ viết cho thiếu nhi, 2006).

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Cá tính của tôi hợp với sự lặng lẽ, cần cù, kiên nhẫn, bình tĩnh, ẩn giấu. Tôi rất khó tính với mình trong hoạch định sáng tác và trên mỗi trang viết. Tôi ít khi dễ dàng viết được ngay một bài thơ, một trang văn trong chốc lát, nếu trước đó không suy nghĩ về nó đến hàng năm trời, thậm chí lâu hơn. Tôi coi trọng sự đổi mới mọi mặt của thơ. Rất lưu ý đến cách thể hiện, nhưng trước hết, tôi muốn gửi gắm tư tưởng mình vào thơ. Tôi cho rằng, trên hết và sau cùng, thơ vẫn là một niềm khát khao cháy bỏng trong tâm can, bắt buộc phải thốt lên bằng ngôn từ thơ và điều đó chỉ có giá trị khi nó được bạn đọc đồng cảm, hưởng ứng; đông đảo bạn đọc thì tốt, nếu không thì cũng phải là một bộ phận định hình trong bạn đọc.

@


TRẦN HUYỀN ÂN

 
Họ và tên khai sinh: Trần Sĩ Huệ. Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1937. Quê quán: Sơn Xuân, Sơn Hoà, Phú Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Nghiên cứu và sáng tác. Hiện thường trú tại: 20/3 Chu Mạnh Trinh, thành phố Tuy Hoà, Phú Yên. Vào Hội năm 2006.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Dạy học từ 1957 đến 1975. Làm việc tại Hội Văn nghệ Phú Khánh từ 1976 đến 1984.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thuyền giấy (thơ, 1967); Năm dòng sông thơ (1973); Lời trên lá (thơ, 1997); và các tập truyện: Tiếng hát nhân ngư (1997); Một nửa chân trời (1997); Mùa hè quê ngoại (2002); Khói của ngày xưa (2003); Huyền thoại mở đất (2003); Ngọn cờ quân thứ (2005).

 GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học thiếu nhi do Nxb Trẻ và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng năm 1997 và 2002; Giải thưởng VHNT (2001-2005) do UBND tỉnh Phú Yên trao năm 2006.

 SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nhà văn vốn là một người trong khối nhân sinh đông đảo. Vậy trước hết nên sống bình thường, không nên có điều lạ, để thiên hạ thoạt "nhìn mặt", đã mỉm cười " đặt tên" ngay cho ta là"văn nghệ sĩ".
Mỗi nhà văn có một mảng đề tài tâm đắc, có một phong cách riêng, do đó chỉ có một số bạn đọc, cũng như một số bạn đọc chỉ thường đọc một số nhà văn. Có được càng nhiều bạn đọc càng quý hơn, nhưng nếu chỉ có một số ít bạn đọc đồng cảm với ta cũng đã quý lắm.
… Sự trân trọng trọn vẹn của nhà văn là giành cho bạn đọc, những danh lợi tuy thực đấy nhưng hoá ra quá đỗi phù du.

@


TRIỀU ÂN


Bút danh khác: MINH NGHĨA, MINH THU, MINH HOA, HỒNG NGỌC, HỒNG NHẬT, HỒNG PHẤN, HOÀNG QUANG LƯU, HTC, HOÀNG THỊ THẢO, THANH HOA
Họ và tên khai sinh: Hoàng Triều Ân. Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1931. Quê quán: Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng. Dân tộc: Tày. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Hồng Việt, Hoà An, Cao Bằng. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1963.

 VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Công tác văn phòng tỉnh bộ Việt Minh, Tỉnh uỷ Cao Bằng 1945-1953. Cán bộ ngành giáo dục 1956-1985. Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Cao Bằng 1985-1993. Uỷ viên BCH Hội Văn nghệ khu Việt Bắc khoá II và III (1964-1976), Uỷ viên BCH Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khoá II và III (1989-2000), hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam từ 1992. Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Cao Bằng 1985-1993.

 TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tung còn và suối đàn (thơ, 1963); Tiếng hát rừng xa (tập truyện ngắn, 1969); Nắng ngàn (thơ, 1974); Bốn mùa hoa (thơ, 1974); Kin mác (thơ Tày, 1975);   Tiếng khèn A Pá (tập truyện ngắn, 1980); Như cánh chim trời (truyện ngắn, 1982); Đường qua đèo mây (tập truyện ngắn, 1988); Chốn xa xăm (thơ, 1990); Nắng vàng bản Dao (tiểu thuyết, 1992);  Hoa vông (thơ, 1994); Nơi ấy biên thuỳ (tiểu thuyết, 1994); Hoa và nắng (thơ, 2000); Xứ sương mù (tập truyện ngắn, 2000); Dặm ngàn rong ruổi (tiểu thuyết, 2000); Một lần thăm Trung Quốc (thơ, 2005); Tuyển tập thơ văn (2006); Tuyển văn (2007); và gần hai chục tác phẩm biên soạn, nghiên cứu, từ điển.

  GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC:  Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Việt Bắc 1962 (truyện ngắn Bên bờ suối tiên). Giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ 1960-1961 (bài thơ Quê ta anh biết chăng). Giải nhì cuộc thi thơ báo Người giáo viên nhân dân 1961 (bài thơ Suối Cát).
Các giải thưởng về các công trình nghiên cứu của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: Truyện thơ Nôm Tày, 1995; Lễ hội Hằng Nga, 1996; Then Tày, 1997; Lễ hội Dàng Then, 1998; Từ điển chữ Nôm Tày, 1999.

 

Cập nhật ( 24/04/2008 )