Trang chủ » Tư liệu nhà văn

NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI VIỆT NAM (vần I-K)

Theo KYHNVVN
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 12:04 PM

 

VẦN I

INRASARA PHÚ TRẠM

vspace=5Bút danh khác: CHẾ TRẦM SAR, SAR,  PHÚ TRẠM
Họ và tên khai sinh: Inrasara. Sinh ngày 20 tháng 9 năm 1957. Quê quán: Ninh Thuận. Dân tộc: Chăm. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm  1998
*  VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Năm 1977: sinh viên Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nửa chừng rồi nghỉ. 1982-86 nghiên cứu tại Ban Biên soạn chữ Chăm (Ninh Thuận). 1992-98 Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam Đông Nam Á (Tp Hồ Chí Minh).
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Sáng tác: Tháp nắng (thơ và trường ca, 1996); Sinh nhật cây xương rồng (thơ song ngữ Chăm-Việt, 1997), Hành hương em (thơ, 1999), Lễ tẩy trần tháng Tư (thơ và trường ca, 2002), The Purification Festival in April (thơ song ngữ Anh-Việt, 2005), Chân dung cát (tiểu thuyết, 2006), Chuyện 40 năm mới kể và 18 bài thơ tân hình thức (thơ, 2006). Nghiên cứu - phê bình: Văn học Chăm - Khái luận - văn tuyển (3 tập, 1994-95); Văn hoá - xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại (tiểu luận, 2003); Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo (tiểu luận - phê bình, 2006), Trường ca Chăm (sưu tầm, nghiên cứu, 2006), Ca dao, Tục ngữ, Thành ngữ, Câu đố Chăm (sưu tầm, nghiên cứu, 2006). Chủ biên:  Tagalau, tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu Chăm (2000-2006, đã in 7 số).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng CHCPI - Đại học Sorbonne 1995 (Văn học Chăm). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1997 (Tháp nắng). Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam 1997 (Sinh nhật cây xương rồng). Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2003; Giải thưởng văn học ASEAN, 2005 (Lễ tẩy trần tháng Tư). Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam 2003 ( Văn hoá xã hội Chăm ). Giải thưởng sách Việt Nam 2006 (Từ điển Việt- Chăm).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN:
Tôi nghĩ chỉ nên làm việc nào đó khi thực sự yêu nó thôi, chứ đừng vì cái gì khác. Nghiên cứu văn chương- ngôn ngữ Chăm, tôi không chỉ vì mục tiêu cao xa bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Tôi làm trước hết vì yêu nó, không hơn. Làm thơ cũng vậy. Bản sắc không phải cái gì tĩnh, khô cứng, mà là thực thế động. Cái chúng ta ra sức sáng tạo hôm nay sẽ là bản sắc, nếu nó hay, đẹp.
Cùng đích của thi ca là gây cảm hứng cho cuộc đời, muốn thế nó phải mới lạ và, đẹp. Cái đẹp cho ngôn ngữ và bởi ngôn ngữ. Do đó, kẻ sáng tạo không dị ứng với cái mới. Mở, đón nhận mọi ngọn gió. Mở, ta trưởng thành và, nó làm ta trưởng thành.



VẦN K

KINH KHA
(1921-1996)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Trần Kinh Kha. Sinh tháng 12 năm 1921. Quê quán: huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1957. Mất ngày 13 tháng 5 năm 1996 tại Hà Nội.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia quân đội từ sau cách mạng Tháng Tám, phụ trách nhiều công việc khác nhau trong quân đội. Năm 1956: về công tác tại Phòng Văn nghệ quân đội, sau chuyển sang Bộ Ngoại giao làm chuyên viên báo chí. Đã có thơ in trên các báo tạp chí từ trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp.


NGUYỄN THỤY KHA

vspace=5Bút danh khác: PHƯƠNG AN
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Thụy Kha. Sinh ngày 7 tháng 10 năm 1949. Quê quán: Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giám đốc Công ty TNHH TKK Concert. Hiện thường trú tại: 60 Hàng Bông- Hà Nội. Vào Hội năm 1990.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Đại học thông tin 8/1971, nhập ngũ và công tác tại Binh chủng thông tin tới 1990. Học Trường viết văn Nguyễn Du từ 1979-1983. Bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp từ 1983.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thơ: Mắt thời gian (1988); Lúc ấy, biển (1989); Không mùa (1994); Mẹ cửa biển (1998); Lửa trắng và ớt xanh (1998); Thời máu xanh (1999); Gió Tây Nguyên (2000); Năm tháng và chiều cao (2000); Càn khôn ngàn tuổi (2000); Biệt trăm năm (2004). Văn xuôi: Văn Cao-Người đi dọc biển (1992); Hàn Mặc Tử - Thi sĩ đồng trình (1993); Một lần thơ trẻ (1994); Nửa thế kỷ Tân Nhạc (1998); Lời quê góp nhặt (1998); Đời nghệ sĩ, tình nghệ sĩ (1999); Những gương mặt âm nhạc thế kỷ (2000); Bóng thế kỷ (2002); Nguyễn Thiên Đạo - Nhạc sĩ giời đầy (2003); Huy Du - Cây nhạc mãi xanh tươi (2004).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng thơ báo Văn nghệ 1981 - 1982. Giải thưởng Lê Quý Đôn 1986. Giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm 1992. Giải thưởng hữu nghị Việt Nhật 1992. Giải thưởng Hội Nhạc sỹ liên tục từ 1996 - 2005. Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc LH các hội VHNT Việt Nam, 2004.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Khi anh sống bằng thơ, thơ anh chết/ Chỉ có chết vì thơ, thơ sống muôn đời.

NGUYỄN KHẢI

vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Khải. Sinh ngày 3 tháng 12 năm 1930. Quê quán: Phố Hàng Nâu, TP. Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: TP. Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1957.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học tới năm thứ ba bậc cao đẳng tiểu học thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vào bộ đội khi mới 16 tuổi. Từng làm y tá, làm báo tỉnh đội Hưng Yên, thư ký tòa soạn báo Chiến sĩ khu Ba (1951). Năm 1955: về trại viết truyện anh hùng của Tổng cục Chính trị. Sau đó, là thành viên sáng lập, tham gia ban biên tập đầu tiên của tạp chí Văn nghệ quân đội, rồi làm cán bộ sáng tác. Năm 1988: chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam với quân hàm đại tá. Từng là Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn các khóa 2, 3 và 4. Phó Tổng thư ký (khóa III), là Đại biểu Quốc hội (khóa VII).
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN:  Xung đột (tiểu thuyết, 2 tập, 1959); Mùa lạc (tập truyện, 1960); Họ sống và chiến đấu (bút ký, 1966);  Đường trong mây (truyện, 1970); Ra đảo (truyện, 1970); Chủ tịch huyện (truyện, 1972); Chiến sĩ (tiểu thuyết, 1973); Tháng ba ở Tây Nguyên (bút ký, 1976); Cha và con và... (tiểu thuyết, 1979); Cách mạng (kịch, 1978); Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982); Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết, 1984); Hà Nội trong mắt tôi (tập bút ký, 1992); Thượng đế thì cười (tiểu thuyết, 2003).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu III, 1951). Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam 1952-1953 với tiểu thuyết Xây dựng. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982 với tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, đợt II, năm 2000. Giải thưởng ASEAN 2000.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi tự đánh giá xứng đáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi đã viết nhiều bài về quan niệm của tôi trong sáng tác văn học qua nhiều thời kỳ.


PHẠM KHẢI

vspace=5Bút danh khác: HÀ KHẢI HƯNG, PHẠM THÀNH CHUNG, PHẠM NHẬT LINH
Họ và tên khai sinh: Phạm Quang Khải. Sinh ngày 20 tháng 3 năm 1968. Quê quán: xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Biên tập viên báo Công an nhân dân. Hiện thường trú tại: Số 32, ngõ 1081, đường Hồng Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1996.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học xong Trường Viết văn Nguyễn Du về công tác tại Hội Văn nghệ Hà Nội. Tháng 6 năm 1996 chuyển về công tác tại nhà xuất bản Công an nhân dân, làm biên tập viên sách văn học. Hiện là phóng viên, biên tập viên báo Công an nhân dân (Bộ Công an)
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Cánh chuồn tuổi thơ (thơ, 1991); Giấc mơ ban ngày (thơ, 1992); Người gặp trong ngày, thơ đọc trong đêm (phê bình, 1992); Sự sống thật (Bình thơ, 1992); Thành phố đời mình (bình thơ, 1993); Cho mai này con lớn (bình thơ, 1996); Chuyện tình của những người nổi tiếng (sách chuyên đề, 2000); Bình thơ cho học sinh tiểu học (bình thơ, 2004).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Theo tôi, tâm thế của người làm thơ càng biến động thì sáng tác càng có sức nặng. Song có lẽ chẳng ai cầu mong điều này để mà… làm thơ, và nói chung, số phận con người, cũng như tài năng, là những thứ có muốn cũng chẳng được. Tất cả là do… Trời. Và bởi thế, tôi thấy việc làm thơ là một việc vô cùng khó. Những yếu tố do Trời quyết định- nhiều quá!


QUANG KHẢI

vspace=5Họ và tên khai sinh: Bùi Quang Khải. Sinh ngày 14 tháng 10 năm 1945. Quê quán:xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: P407, A4 khu tập thể Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Vào Hội năm 1996.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Đại học Thuỷ lợi, công tác ở các công trường thuỷ lợi và cơ quan Bộ Thuỷ lợi 1971-1985. Từ 1985 chuyển sang Nhà xuất bản Lao động làm biên tập viên chính sách văn học.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nửa mùa thu (thơ, 1987); Mái nhà xanh (thơ, 1990); Nẻo đường hút gió (thơ, 1991); Lợn bột du xuân (1997); Chưa thể là người lớn (thơ, 1997); Chiều giông gió (& Thơ Quang Khải tuyển chọn, 2004); Dòng sông không có đôi bờ (ký văn học, 2000); Bùi Viện với sự nghiệp canh tân đất nước cuối thế kỷ XIX (sách biên khảo, 2000); Bùi Viện, sứ giả Việt Nam đầu tiên đến Hoa Kỳ (2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Hai Giải thưởng thơ thiếu nhi của Hội Nhà văn và Trung ương Đoàn năm 1987 và năm 1990-1991. Tặng thưởng thơ tạp chí Tuổi xanh 1993; Giải thưởng của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2005 (Chiều giông gió và Thơ Quang Khải).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi làm thơ từ thời học trò, thế mà mãi gần đây mới ý thức được, quan niệm được về thơ, về trách nhiệm cầm bút của mình… Mất một quãng đường dài chạy không tải, viết nhiều mà chả gặt hái được điều gì sâu sắc: thiếu tư tưởng, nghèo tâm trạng, bàng bạc, nhàn nhạt. Lại bắt đầu từ đầu? Tìm lại giọng điệu, tạng thơ của mình bị nhoè lẫn. Thì ra văn chương đã là nghiệp thì phải học thành nghề, thạo nghề. Trong nghề thơ, tôi thấy luôn luôn phải đối diện với sự trống không, thiếu hụt của chính mình. Lúc đã viết được ngày càng thấy hoang mang…Chỉ còn một cách là tự bồi đắp, như dòng sông tự đảm nhận lấy phù sa  (Chế Lan Viên).


DUY KHÁN
(1934-1993)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Duy Khán. Sinh ngày 6 tháng 8 năm 1934. Quê quán: xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ngày 29 tháng 1 năm 1993 tại Hải Phòng.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Sinh trưởng trong gia đình nông dân nghèo. Học dở dang trong vùng tạm chiếm, trốn ra vùng tự do nhập ngũ. Trước ở bộ binh, sau về quân chủng Phòng không Không quân. Từng làm giáo viên văn hoá trong quân đội, sau chuyển làm phóng viên phát thanh quân đội, tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972. Về tạp chí Văn nghệ quân đội làm biên tập viên, phóng viên, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Về hưu, quân hàm đại tá.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Trận mới (thơ,1972); Tâm sự người đi (thơ, 1987); Tuổi thơ im lặng ( truyện, 1986)
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1997 với tác phẩm Tuổi thơ im lặng.


LÊ ĐĂNG KHÁNG

vspace=5Họ và tên khai sinh: Lê Đăng Kháng. Sinh ngày 8 tháng 12 năm 1947. Quê quán: Hà Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác:  Phó trưởng ban Văn, Hội Văn nghệ Đồng Nai. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2002.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Đi bộ đội từ 1966. Năm 1976 về học Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 12-1980 đến tháng 12-2004 công tác biên tập tại Nxb Đồng Nai. Hiện đã nghỉ hưu.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Vầng trăng nơi thiên đường (tiểu thuyết, 1991); Tiếng chim mắc nợ (thơ, 1992); Kẻ đánh thuế đời mình (tập truyện, 1997); Vùng sáng trước mặt (tập truyện, 2002); Đến hẹn (thơ, 2004); Hoa cúc ổi (tiểu thuyết, 2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải 3 cuộc thi truyện kí đề tài lâm nghiệp do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp tổ chức năm 1981; Giải ba cuộc thi truyện ngắn Hội Văn nghệ Đồng Nai năm 1995; Giải khyến khích cuộc thi thơ Biên Hoà- Đồng Nai 300 năm, và một số giải thưởng về báo chí.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nghề văn là một nghề viết vì con người, nên với tôi, là một nghề khó khăn song rất hứng khởi. Nhà văn mà viết không thật thì xã hội thấy ngay…
 


MA VĂN KHÁNG

vspace=5Họ và tên khai sinh: Đinh Trọng Đoàn. Sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936. Quê quán: Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1974.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1948: Đội viên Đội Tuyên truyền Cục Quân y. 1950: Thiếu sinh quân Việt Nam. 1960: Sinh viên Đại học Sư phạm. 1963: Hiệu trưởng trường cấp 3 Lào Cai. 1968: Cán bộ Tỉnh ủy Lào Cai. 1972: Phó Tổng biên tập báo Lào Cai. 1976: Cán bộ Nhà xuất bản Lao Động. 1978: Phó Giám đốc, Tổng biên tập nhà xuất bản Lao động. 1995-2005: Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa V và khóa VI). Tổng biên tập, Chủ nhiệm tạp chí Văn học Nước ngoài.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Ma Văn Kháng - truyện ngắn (4 tập 2003, gồm 108 truyện ngắn chọn lọc); Ma Văn Kháng - tiểu thuyết (gồm 12 tiểu thuyết) trong đó có: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời, Ngược dòng nước lũ…
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học ASEAN năm 1998. Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001. Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 2001 và 2003.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Viết văn là một công việc quá khó khăn, ở ngoài sự cố gắng, ở trên sức người. Từ truyện ngắn Phố Cụt đầu tiên in 1961 trên tờ Văn học tới nay đã mấy chục năm hành nghề, vậy mà bây giờ hễ cứ bắt đầu viết một cái gì lại thấy bồi hồi, run rẩy như trẻ nhỏ tập đi những bước đầu; thật hoang mang và lo sợ. Thôi thì tài sức đến đâu hãy cố đến đó vậy!


HOÀI KHÁNH
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Đặng Văn Tài. Sinh ngày 23 tháng 4 năm 1963. Quê quán: Thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn TP Hải Phòng. Hiện thường trú tại: 12 Ngõ 25 đường Đông Trà, quận Lê Chân, Hải Phòng. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từ 1992 đến nay là Phó trưởng ban biên tập Chương trình Đài Phát thanh và truyền hình TP Hải Phòng. Từ 1999 đến 2003 là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ TP Hải Phòng. Từ 2003 đến nay là Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn TP Hải Phòng.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bé kim giây (tập thơ thiếu nhi, 1991); Tia nắng xanh (tập thơ thiếu nhi, 1996); Trăng treo giữa nhà (tập thơ thiếu nhi, 2004).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì cuộc thi sáng tác văn học do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức 1988-1989; Giải ba cuộc thi sáng tác văn học Vì trẻ em năm 2000-2001. Giải ba cuộc thi sáng tác về đề tài môi trường đô thị Hải Phòng năm 2000-2001. Giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi do Nxb Kim Đồng tổ chức  2001-2002; Giải khuyến khích cuộc thi viết về Bác Hồ do báo Văn nghệ tổ chức 2003-2004.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi yêu thơ và tập làm thơ từ khi còn quàng khăn đỏ. Hồi đang học khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm, tôi thử sức viết báo, làm thơ, nhưng chỉ thành công ít nhiều khi viết cho trẻ em. Về công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, là một phóng viên trẻ, tôi gắn bó với phong trào thiếu nhi thành phố. Từ đó, tôi yêu thích sáng tác thơ cho tuổi nhỏ
(…) Vẫn có thiếu nhi yêu thơ, tìm đọc thơ và tập làm thơ. Có điều, người nói đã không nhiều mà người nghe lại càng ít. Trẻ em hôm nay thích nhiều thứ hơn thích thơ. Bổn phận người làm thơ cho thiếu nhi không chỉ viết theo sở thích của con trẻ mà còn phải giúp cho các em yêu cuộc đời hơn qua thơ và biết thưởng thức thơ. Điều này thật khó.


HOÀNG CÔNG KHANH

vspace=5Các bút danh khác: HỒNG THAO, MẠNH QUÂN, NGUYÊN KHANH
Họ và tên khai sinh: Đoàn Xuân Kiểu. Sinh năm 1922. Quê quán: Kiến An, Hải Phòng. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: P 103, E7, quận Đống Đa, Hà Nội. Vào Hội năm 1957.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp tú tài triết học Pháp toàn phần (Bac. Métro). Bị Pháp bắt đi đày ở Sơn La (1941-1945). Sau Cách mạng tháng 8 công tác: Trưởng ty thông tin truyên truyền, Chủ tịch Hội Văn hoá Cứu quốc Hải Phòng, trưởng phòng biên tập Sở Thông tin tuyên truyền thành phố Hải Phòng. Tổng thư ký Hội văn hoá cứu quốc Liên khu 3, Uỷ viên BCH Chi hội Văn học nghệ thuật Liên khu 3, Chủ tịch Hội đồng tiết mục Sở Văn hoá Hà Nội.
 * TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hơn 60 sáng tác đã xuất bản, công diễn, thuộc nhiều thể loại, trong đó có: Tiểu thuyết: Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu, Trại Tân Bồi, Eó le, Đôi mắt màu tím, Hoa Nhạn lai hồng, Vằng vặc sao Khuê, Hoàng hậu 2 triều Dương Vân Nga, Danh tướng Trần Hưng Đạo, Cưỡi sóng đạp gió... Truyện ngắn 2 tập: Trên bến Búng, Chuyện người tù binh Algérie Thơ: Ba bảy chín… Kịch thơ: Về Hồ, Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích, Chử Đồng Tử (nhạc vũ kịch)… Kịch nói: Manh áo đụp, Thất trảm sớ, Hải Thuỵ bãi quan (dịch)…Ca kịch: Mẫu đơn tiên, Hồng Kiểu diễm sử, Nhạc mưa xuân, Phạm Tải Ngọc Hoa, Mai nở hai lần, Đào Kim Chi, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Bạch sà nương… Tiểu luận: Quan điểm văn nghệ nhân dân.
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: (1947-2006 ) Hội Văn hoá Thái Bình, Ban Địch vận Liên khu III, báo Quân Du kích Việt Bắc, Vụ Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, Uỷ ban Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam (2 lần), Hội Nhà văn Việt Nam, Giải Thăng Long Hà Nội, Huy chương Bạc Đại hội Sân khấu toàn quốc, Huy chương Vì sự nghiệp VHNT của Uỷ  ban  Liên hiệp VHNT Việt Nam. Huy chương vì sự nghiệp văn hoá của Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tâm huyết, chân thực, bản sắc, độc đáo, ngẫu hứng, biến ảo, luôn mới lạ. Dân tộc và hiện đại. Vì hạnh phúc của con người.


HOÀNG THỊ MINH KHANH
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Hoàng Thị Minh Khanh.  Sinh năm 1941. Quê quán: Xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 88 Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1994.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng công tác tại báo Phụ Nữ Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Bệnh viện Hữu Nghị (Việt Xô cũ), Bệnh viện 198 (Bộ Công An). Có hai câu thơ làm tiêu chí cho cả cuộc đời:
Trăm năm thề chẳng bao giờ
Để vườn thơ trở thành bờ cỏ hoang
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bâng khuâng (thơ, 1991); Đến bao giờ (thơ, 1992); Mùa ổi chín (thơ, 1996); và một số tác phẩm viết cho thiếu nhi: Chú chim non, Chú mèo con, Cún con thích đùa, Bé chăm bà ốm…
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B Hội Nhà văn Hà Nội cho truyện Hạnh phúc ở đâu, Ông Tào.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Mặc dù đã có một số bài thơ được nhắc đến như Gửi sông La, Nhớ, Chiều mưa, Thu đến, Không tiếc ngày xanh… nhưng tôi lúc nào cũng trăn trở làm sao để có được thơ hay.


LÊ HUY KHANH

Họ và tên khai sinh: Lê Huy Khanh. Sinh ngày 10 tháng 8 năm 1945. Quê quán: xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Chi nhánh báo Văn nghệ tại thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1986.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Trong kháng chiến chống Mỹ, tham gia quân đội chiến đấu trên chiến trường miền Nam và Campuchia. Sau đó với quân hàm cấp tá, chuyển ngành về công tác tại thành phố Hồ Chí Minh.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hai vùng quê (truyện ngắn, 1983); Ốc đảo hồi sinh (1984).


LÊ KHÁNH
(1918-2007)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Bá Đạm. Sinh năm 1918. Quê quán: Thường Tín, Hà Tây. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1975. Mất ngày 8 tháng 1 năm 2007 tại thành phố Hồ Chí Minh.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia quân đội từ thời chống Pháp, từng là sĩ quan kĩ thuật của Bộ Tổng tham mưu. Nhiều năm biên tập sách tại Nxb Văn học.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Những ngày vui (tập truyện, 1960); Một đêm đi (tập truyện, 1970); Chuyện cũ của người thợ già (tiểu thuyết, 1972); Cái nóp (tiểu thuyết, 1970, 1974); Chiều An Giang (tập truyện, 1975); Biên giớí ở gần (tập truyện, 1978); Nhớ yêu đồng Tháp Mười (tập truyện, 1983); Ngày xanh không mòn mỏi (tiểu thuyết, 1997) và một số bút ký văn học.
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Người anh nuôi đơn vị (truyện ngắn), giải nhất tạp chí Văn nghệ- Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam (1959). Vợ chồng xã đội (truyện ngắn), giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ (1970). Niềm vui của tổ đo đạc (truyện ngắn), giải thưởng cuộc thi truyện của tạp chí Văn nghệ quân đội (1959).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Sáng tác phải từ cuộc sống. Hư cấu không phải là bịa đặt. Văn chương không phải của riêng. Và không nên dùng tâm trạng số ít (tuy là có thật) để cho rằng đó là của số đông, thì chính đó là không thật.


LẠI HỒNG KHÁNH
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Lại Hồng Khánh. Sinh ngày 5 tháng 1 năm 1950. Quê quán: xã Ninh An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Dân tộc: Kinh.  Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây. Hiện thường trú tại: Nhà số 4, ngõ 12, Nguyễn Khuyến, Hà Đông. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng là giáo viên PTCS, bộ đội B2… Chánh văn phòng UBND huyện, Phó Bí thư thường trực huyện Phú Xuyên, Giám đốc Sở Du lịch Hà Tây.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tiếng câu gọi đò (thơ, 1990); Giọt thời gian (thơ, 1992); Ánh trăng ngày (1995); Tháng năm nỗi nhớ (thơ, 1999); Trái tim mùa hạ (thơ, 2002); Với thu (thơ, 2004); Ghi dọc cánh rừng (truyện, 2002, 2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Kịch bản Sắc xà cừ, huy chương bạc Liên hoan phim truyền hình toàn quốc 2002.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Đồng đất, thói quê, tuổi thơ lam lũ, những trang sách đầu đời, tình bằng hữu dọc dài trận mạc, giữa sống chết cận kề. Mà hồn quê, hương quê tôi mang theo chặng đường từ chiến hào rồi chính trường vẫn vẹn nguyên bồi hồi, để mà sẻ chia, day dứt, thương đời, ngẫm ngợi về những điều thiện ác, nguyện cầu cho cái ác ít đi và điều thiện mãi mãi tươi xanh.
Thơ tôi thấp thoáng những điều như thế.


NGUYỄN TRỌNG KHÁNH

vspace=5Bút danh khác: TRỌNG KHÁNH
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Trọng Khánh. Sinh ngày 15 tháng 7 năm 1949. Quê quán: xã Thụy Hà, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Giáo viên Trường THPT chuyên Thái Bình. Hiện thường trú tại: 41 ngõ 291 Lê Quý Đôn, thành phố Thái Bình. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Cử nhân hoá học. Đã giảng dạy hoá học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang, Trường THPT Thái Bình. Hiện giảng dạy tại Trường THPT chuyên Thái Bình.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bụi phấn hương tay (thơ, 1990); Mưa (thơ, 1995); Sự tích đền Đồng Bằng (truyện thơ, 1993); Nắng vào thu (thơ, 2003); Hoa đồng tiền đêm (thơ, 2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhất cuộc thi thơ lần thứ hai (1985-1990) báo Giáo dục và Thời đại  với bài Người đánh trống trường tôi; Giải thưởng VHNT Lê Quý Đôn do UBND tỉnh Thái Bình tặng năm 1990; Giải A cuộc thi thơ do Ban Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình tặng năm 1993 cho truyện thơ Sự tích đền Đồng Bằng.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Ở bất kỳ thời gian và không gian nào con người đều sản sinh ra thơ và dùng thơ làm chất nuôi sống tâm hồn mình để vượt lên số phận.
Tôi buồn bã với sức khoẻ của bản thân và cái buộc của hoàn cảnh xã hội mà ý chí của mình muốn vươn lên trên con đường khoa học không thể thực hiện được. Nhưng tôi cũng có nhiều niềm vui nho nhỏ của người thân và bạn bè chí cốt động viên, khích lệ. Vì vậy với tôi thơ là sự ghi nhận giãi bày các cung bậc tình cảm suốt cuộc đời, là sự bộc bạch chân thành tâm huyết nhất của lòng mình với quê hương vất vả, đói nghèo, với con người lam lũ bất hạnh bởi những con người ấy có một phần trong máu thịt đời tôi.


NGUYỄN XUÂN KHÁNH

vspace=5Bút danh khác: ĐÀO NGUYỄN
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Xuân Khánh. Sinh năm 1933. Quê quán: Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: số 36, ngõ 281, đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Vào Hội năm 2001
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1951-1952: học đại học Y Hà Nội. 1953 ra khu Bốn đi bộ đội. Cuối 1959 về tạp chí Văn nghệ quân đội làm phóng viên. Năm 1965 phóng viên báo Thiếu niên tiền phong. Năm 1983 về hưu. Bắt đầu viết từ năm 1957
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1963); Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, 1990); George Sand - Nhà văn của tình yêu (chân dung văn học, 1993); Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000); Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (truyện vừa thiếu nhi, 2002); Mưa quê (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2003); Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, 2006).
 * GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Cuốn tiểu thuyết Hồ Quý Ly được ba giải thưởng:
 + Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000
 + Giải thưởng Thăng Long của UBND TP. Hà Nội 2002
 + Giải của Hội Nhà văn Hà Nội 2001
Cuốn tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tác phẩm văn học là biểu hiện tổng lực văn hoá tinh thần của một tác giả (văn hoá theo nghĩa rộng). Có hai nguồn văn hoá: nguồn dân tộc và nguồn ngoại lai. Hai nguồn đó tương tác với nhau tạo thành một miền giao thoa văn hoá. Bởi vì có giao lưu mới có phát triển. Bởi vì nằm ngoài vùng giao thoa đó; hoặc là ta sẽ trở nên khép kín, bảo thủ, hoặc là ta sẽ rời xa dần nền văn hoá của cộng đồng.


PHẠM TRUNG KHÂU

vspace=5Họ và tên khai sinh: Phạm Trung Khâu. Sinh ngày 20 tháng 2 năm 1949. Quê quán: Đông Phú, Long Hồ, Vĩnh Long. Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Cán bộ sáng tác Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Hiện thường trú tại: Số 6 Hưng Đạo Vương, thị xã Vĩnh Long. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1996.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Trong kháng chiến chống Mỹ tham gia công tác xã hội ở địa phương, là giáo viên cấp 2, rồi Phó hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 2 Đồng Phú. Sau đó là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Hiện là cán bộ sáng tác của Hội.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Điều còn lại sau chiến tranh (tập truyện ngắn, 1987); Tiếng thét (tập truyện ngắn, 1990); Chìa vôi lại hót (tập truyện ngắn, 1997); Tiếng vạc sành (tập truyện ngắn, 2001).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1992-1994 (truyện ngắn Tiếng vạc sành). Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiểu thuyết Chìa vôi lại hót).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Một nhà văn chân chính phải có tâm hồn đẹp, vui cái vui chung của dân tộc, đau cái đau chung của đất nước. Số phận của nhà văn phải gắn liền với số phận của dân tộcvà đất nước. Là nhà văn thì bắt buộc phải có tác phẩm hay. Muốn làm được như thế, theo tôi, nhà văn phải học suốt đời. Để làm một nhà văn, phải chấp nhận muôn vàn khó khăn. Có khi nỗ lực cả đời mà không đến kết quả gì như ý muốn. Phải chăng đây là nghiệp báo.
Một câu văn hay phải được viết từ máu và nước mắt của tác giả. Sống và viết là bổn phận của nhà văn. Hãy thanh thản cầm bút và luôn hướng về phía trước.


NGUYỄN THAM THIỆN KẾ

vspace=5Bút danh khác: THIỆN KẾ
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Tham Thiện Kế. Sinh ngày 14 tháng 2 năm 1961. Quê quán: Hoàng Xá, Thanh Thuỷ, Phú Thọ. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Chuyên viên quản lý báo chí xuất bản Sở VHTT Phú Thọ. Hiện thường trú tại: Minh Tân, Minh Nông, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tháng 2/1979, nhập ngũ tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. 1984: xuất ngũ, học Đại học Báo chí. Sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí, về công tác tại Sở Văn hoá - Thông tin Phú Thọ cho đến nay.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nơi con tàu không trở lại (tập truyện ngắn); Nhà của mẹ (tập truyện ngắn). Các tiểu thuyết: Miền đời quên lãng (1989, 1996, 2003); Người cha ở trên trời (2001, 2006); Khuôn mặt đẹp (tập truyện và tiểu thuyết, 2003).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhất cuộc thi viết kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội (1978-1983). Giải A truyện ngắn- Giải thưởng văn học Hùng Vương lần I (1980-1985), Vĩnh Phú. Giải A tiểu thuyết- Giải thưởng văn học Hùng Vương (2000-2005), Phú Thọ.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Hầu như trong các câu chuyện của mình, bao giờ tôi cũng cố gắng phản ánh trung thực những gì xảy ra trong tưởng tượng và trong thực tế về những số phận đặc biệt và những tình thế đặc biệt, đôi khi không có ở đời sống. Nó chưa là siêu thực mà là cường thực. Tôi luôn tin có sự điều khiển kỳ diệu nào đó ở đằng sau đời sống tinh thần con người, cố gắng hướng các nhân vật của mình tới niềm an ủi được cống hiến, được hy sinh được vì đồng loại.
Cuộc sống là những phân đoạn không đồng nhất được tạo bởi những lát cắt có tên là Cái chết. Có phân đoạn là Thiên đường. Có phận đoạn là Địa ngục. Nhưng cả Thiên đường và Địa ngục vẫn phải tiếp nhận một lát cắt. Đó là những số phận liền kề ngang, dọc. Mỗi số phận chỉ khác nhau 0,01% mã gien di truyền. Là nhà văn, tôi hi vọng đốt cháy hết 0,01% mã gien di truyền riêng của mình, để, dù có viết về Thiên đường hay Địa ngục cũng chỉ một nhiệm vụ: Kêu gọi, Bổ dưỡng, Nâng cao Nhân tính cho bản thân và đồng loại.


BÙI NGUYÊN KHIẾT
(1943-1979)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Bùi Nguyên Khiết. Sinh năm 1943. Quê quán: Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hy sinh ngày 17 tháng 2 năm 1979 tại điểm chốt Tả Ngải Chồ, Mường Khương, Lào Cai. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1979).
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Từng là giáo viên, sau đó chuyển sang viết báo. Nhiều năm là phóng viên báo Lào Cai và đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc (1979).
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đi bên một vì sao (truyện, 1976); Dáng núi (truyện ngắn, 1977); Mùa hoa ban nở (truyện ngắn, 1979); Mưa tuyết (truyện ngắn, 1980); Bùi Nguyên Khiết- Bóng dáng thân yêu (tuyển tập và dư luận, 2004).


VŨ KHIÊU

vspace=5Họ và tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu. Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1916. Quê quán: Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Nhà N2, ngõ 36 phố Vạn Bảo, Hà Nội. Giáo sư Triết học và Văn hoá. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1957.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Giám đốc các Sở thông tin khu 10, Tây Bắc, Việt Bắc. Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Phó chủ nhiệm Uỷ ban KHXH kiêm Viện trưởng Viện Xã hội học.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hương trầm (phú, 1946); Du nguyệt điện (kịch thơ, 1946); Chuyên luận nghiên cứu: Đẹp (1963); Cách mạng và nghệ thuật (1976); Ngô Thì Nhậm (1976); Nguyễn Trãi (1980); Nguyễn Đình Chiểu- Ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam (1980); Con người mới Việt Nam và sứ mệnh vinh quang của Văn nghệ (1986); Văn hiến Việt Nam (3 tập, 1996); Dịch: Rừng thẳm tuyết dày (tiểu thuyết của Khúc Ba, Trung Quốc, 6 tập).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt I, năm 1996. Được phong Anh hùng lao động năm 2000.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Phải có xúc động chân thành, sâu sắc và tư tưởng rộng lớn khi cầm bút.


NGUYỄN LINH KHIẾU
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Linh Khiếu. Sinh ngày 10 tháng 3 năm 1959. Quê quán: thôn Chỉ Thiện, xã Thái Mỹ, huyện Thái Ninh nay là xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó trưởng ban chính trị-triết học, Tạp chí Cộng sản. Hiện thường trú tại: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội. Tiến sỹ triết học. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1997.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Khi nhỏ sinh sống và học tập ở quê. 1978-1983 là sinh viên khoa Triết học Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1984-1991 làm việc tại Viện Triết học. Từ 1991-2002 làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ. Từ 2002 đến nay làm việc ở tạp chí Cộng Sản. Nguyên Trưởng phòng thư ký toà soạn tạp chí Khoa học về Phụ nữ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học về gia đình và phụ nữ.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Chùm mơ tiên cảm (thơ, 1991); Mùa thiêng (thơ, 1995); Hoa linh (thơ và trường ca, 2000); Phồn sinh (thơ, 2002). Và nhiều công trình nghiên cứu triết học, chính trị học về gia đình, phụ nữ…
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải C cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1995 với 2 bài thơ Hoa Linh Thảo và Hồng hạc.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Thơ là sự giải phóng những năng lượng cá nhân của nhà thơ. Nhà thơ vẽ chân dung của mình bằng thơ. Qua thơ sở dĩ người đọc thấy được chân dung thời đại, dân tộc, con người và văn hoá… là vì chúng được phản ánh một cách tuyệt vời trung thực trong chân dung nhà thơ. Mỗi nhà thơ mang đến cho văn chương một khuôn mặt riêng, một khuôn mặt văn chương duy nhất. Nó thực sự đặc sắc cả về ngôn ngữ, nhịp điệu, kết cấu, tư tưởng, văn bản và lý tưởng thẩm mỹ. Nhà thơ không chỉ trò chuyện với thời đại mình, mà hơn thế, họ còn phải trò chuyện với những thời đại mai sau.
 


LÊ XUÂN KHOA

vspace=5Họ và tên khai sinh: Lê Xuân Khoa. Sinh năm 1940. Quê quán: Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 31 tổ 24C Thanh Lương, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Đại học. Từng là kỹ sư địa chất, cán bộ Phòng chính trị, Tổng cục Địa chất rồi Phó văn phòng Tổng công ty Đá quý và Vàng Việt Nam.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Tình cũ (tập truyện ngắn, 2000); Các tiểu thuyết: Số phận ngặt nghèo (1998), Muộn mằn (2001), Đá đỏ (2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học năm 1991 do Đài  Tiếng nói Việt Nam trao tặng cho tác phẩm Lặng lẽ toả sáng.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi rất đồng cảm với những con người khốn khó, lam lũ mà chẳng đủ miếng ăn, cũng rất ao ước có được cuộc sống khấm khá bằng người. Vì vậy tác phẩm của tôi thường đậm chút tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách, ngứa tai gai mắt trước bọn cường hào mới.
Tôi ưa viết truyện ngắn và tiểu thuyết là vậy. Bởi thể loại ấy mới nói tương đối sát đúng được một cái gì đó về thân phận và cuộc đời.
Đến hôm nay, khi miếng ăn cái mặc chẳng đến nỗi nữa, thì cuộc đời tôi thật trớ trêu. Người con trai yêu quý nhất của tôi, sau 12 ngày bị cảm, mất lúc tròn 20 tuổi. Tưởng đó là sự mất mát khi lá vàng còn ở trên cây, lá xanh bất chợt rụng. Sáu năm sau, năm 1999 người vợ thiên thần bị chết một cách oan uổng tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội. Nguồn hứng thú theo nghiệp văn chương tan tành!
Nhờ bạn bè động viên, nhóm tiếp cho ngọn lửa sắp tàn, những mấy năm sau tôi mới cầm bút trở lại.
Cảm ơn bố mẹ cho tôi có chút năng khiếu văn chương.
Cảm ơn bạn bè.


MINH KHOA

vspace=5Họ và tên khai sinh: Đặng Quang Hổ. Sinh ngày 15 tháng 3 năm 1928. Quê quán: Gia Định, Sài Gòn. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 308/35 Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1977.
*  VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC,
SÁNG TÁC: Cán bộ tiền khởi nghĩa. Vào bộ đội từ tháng 8/1945, nhiều năm công tác trong ngành Tuyên huấn. Đầu năm 1989: chuyển ngành với quân hàm đại tá, trải qua cương vị Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập tạp chí Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Kéo cày (truyện ngắn in chung, 1959); Một viên đạn một quân thù (truyện, 1965); Làn sóng điện kỳ diệu (truyện, 1967); Chiến công đồi Khánh (truyện, 1967); Con người thép trong lửa đạn (truyện, 1967); Người thợ rừng (truyện, 1967); Chú bé Cả Sên (truyện, 1971); Quật khởi (truyện, 1972); Người ven đô (kịch bản văn học, 1975); Trên lưng ngựa (truyện, 2 tập, 1985-1986); Tuyển tập kịch bản văn học của Minh Khoa (1995); Một tiếng đờn kìm (truyện ký, 1997); Một công binh xưởng bỏ túi (truyện ký, 2001); Theo bước chân Võ Văn Tần (kịch bản văn học, 2002); Ông họa đồ Lanh (truyện, 2003); Những người hào kiệt (tuyển tập văn, 2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1959 (cho truyện ngắn Kéo cày). Giải thưởng Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 1973-1974 (cho kịch bản văn học Người ven đô). Giải thưởng Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 (cho truyện Trên lưng ngựa). Giải thưởng VHNT Nguyễn Thông (2001). Và nhiều giải thưởng cho các tác phẩm sân khấu chuyên nghiệp như Người không cô đơn, Võ Văn Tuần, Hồ Huân Nghiệp… Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, chuyên ngành sân khấu, năm 2007.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Cầm cây bút tưởng nhẹ tợ lông hồng nhưng nào dè nó lại nặng ngàn cân. Trách nhiệm đeo đẳng suốt cả đời. Những gì mình gieo hạt trên tờ giấy trắng nhưng lại nảy mầm trong tâm hồn con người. Nhọc nhằn vất vả, quên ăn, mất ngủ nhưng lại vui như con trẻ khi tác phẩm được sinh ra “mẹ tròn con vuông”. Vui đó rồi lại buồn đó, lúc nào cũng cảm thấy như người mắc nợ - nợ gì còn trả được, còn nợ đời e rằng phải trả đến khi nhắm mắt xuôi tay.


TRẦN ĐĂNG KHOA

vspace=5Họ và tên khai sinh: Trần Đăng Khoa. Sinh ngày 26 tháng 4 năm 1958. Quê quán: thôn Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1977.
* Tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du, Học viện Văn học thế giới mang tên M.Goocky (CHLB Nga), từng là lính Hải quân, học viên Sỹ quan lục quân, Thượng tá, biên tập viên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hiện là ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, khoá VII, Ban văn học nghệ
thuật Đài tiếng nói Việt Nam. Nổi tiếng là “thần đồng” thơ từ khi mới 7,8 tuổi. Tập thơ Từ góc sân nhà em in ở nhà xuất bản Kim Đồng lúc vừa tròn 10 tuổi. Ngoài thơ còn viết phê bình văn học và văn xuôi.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Từ góc sân nhà em (thơ, 1968); Góc sân và khoảng trời (thơ, 1968... tái bản lần thứ 72 năm 2005); Thơ Trần Đăng Khoa (tập 1, 1970); Khúc hát người anh hùng (trường ca, 1974); Trừng phạt (trường ca, 1973); Giông bão (trường ca, 1983); Bên cửa sổ máy bay (thơ, 1986); Thơ Trần Đăng Khoa (tập 2, 1983); Chân dung và đối thoại (1998); Người thường gặp (2000); Đảo chìm (in lần thứ 12, 2006); và nhiều tập khác được dịch in ở nước ngoài.
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Ba lần giải nhất thơ báo Thiếu niên tiền phong (1968, 1969, 1971); Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ (1981-1982). Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt I, năm 2001.
* CHÂN DUNG TỰ HỌA: Trần Đăng Khoa là con thứ ba trong một gia đình nông dân ở vùng ven bờ sông Kinh Thày. Thuở nhỏ, y từng ước mơ trở thành kỹ sư nông nghiệp và suốt đời làm thơ về làng quê, cảnh quê, những vui buồn của người dân quê ở nơi xóm mạc. Nhưng rồi, cũng như nhiều thợ cày trong làng, y lên đường nhập ngũ vào những tháng cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ và trở thành nhà thơ khoác áo lính.
Đối với Trần Đăng Khoa, thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh. Suốt đời, y luôn có ý thức vươn tới loại thơ đó. Tuy nhiên, theo lời y, để làm được điều ấy, một phần còn do ông giời. Nhưng phần ấy là bao nhiêu? Và ông giời ở đâu? Tính khí ông ta thế nào, thì suốt đời y không thể hiểu nổi? Bài thơ đầu tiên của Trần Đăng Khoa được in báo Văn nghệ vào tháng 5-1966. Khi đó, y tám tuổi, đang học ở học kỳ II lớp một trường làng. Bấy giờ, người làm thơ còn ít. Trẻ con làm thơ lại càng ít, nên tự dưng, y thành của hiếm, thành đặc sản. Nhiều người tò mò vượt hàng trăm cây số bom đạn, lặn lội đến nhà y, chỉ để... xem y như xem... ma quỷ hiện hình. Không ít người còn bắt y xoè tay, ngó đường chỉ, vạch tóc xem xoáy đầu, rồi lặng lẽ ra đi với gương mặt rất bí hiểm.
Bây giờ y đã già và dứt khoát không phải kẻ đắc đạo. Vậy mà y vẫn phải còng lưng, ỳ ạch vác cây thánh giá của cái tuổi trẻ con.
Những năm gần đây, ngoài làm thơ, y còn viết báo, viết văn, viết bình luận văn chương và chân dung văn học. Đề tài y quan tâm là các nhà văn và những vấn đề của văn học Việt Nam đương đại. Ngoài những trang viết, mà ở đấy phần nhiều y dồn hết tâm lực, còn ngoài đời, y là tay nhạt nhẽo và tầm phào. Y chẳng đam mê gì, và nói chung, y là gã vô tích sự”.


 
PHAN KHẮC KHOAN
(1916-1998)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Phan Khắc Khoan. Sinh tháng 6 năm 1916. Quê quán: làng Yên Lăng, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mất ngày 14 tháng 12 năm 1998.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia cách mạng, hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Từng là giáo viên trung học. Ngoài sáng tác thơ còn viết kịch bản sân khấu. Nhiều năm sống và hoạt động văn học ở Hà Nội.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Xa xa (thơ, 1939); Phạm Thái; Trần Can (kịch thơ); Tuyển tập Phan Khắc Khoan (2000).


PHẠM NGỌC KHÔI

Họ và tên khai sinh: Phạm Ngọc Khôi đồng thời là bút danh. Ông chuyên sáng tác kịch bản sân khấu. Năm 1957, là thành viên tham dự Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội.


PHAN KHÔI
(1887-1959)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Phan Khôi. Sinh ngày 20 tháng 8 năm 1887. Quê quán: Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Mất ngày 16 tháng 1 năm 1959.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Hoạt động báo chí, văn học từ những năm 1920. Bài thơ Tình già đăng trong báo Phụ nữ tân văn (1932) được coi là một đóng góp cho việc khởi động phong trào Thơ mới, bày ra một lối thơ: “đem ý thật có trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” và tạm mệnh danh là Thơ mới.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã xuất bản 19 công trình nghiên cứu, sáng tác và dịch thuật. Trong đó có: Chương trình thi thoại; Trở vỏ lửa ra; Việt ngữ nghiên cứu.


TRỊNH ĐÌNH KHÔI

vspace=5Bút danh khác: PHƯƠNG THẢO, ANH THƯ, QUANG TUẤN
Họ và tên khai sinh: Trịnh Đình Khôi. Sinh năm 1946. Quê quán: Tri Phương, Tiên Du, Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: nguyên chuyên viên cao cấp Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Hiện thường trú: Ba Đình, Hà Nội Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1988.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia quân đội 4-1965, thương binh, chuyển ngành học khoa văn Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương nay là Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã xuất bản gần hai chục tập sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, lý luận phê bình và hơn mười kịch bản đã dựng thành phim, gồm phim truyện, phim tài liệu nghệ thuật, phim hoạt hình. Viết khoảng hai trăm bài báo.
 * GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam. Giải thưởng truyện ngắn báo Văn nghệ. Giải thưởng truyện vừa tạp chí Nhà văn, Giải thưởng văn học 5 năm của Bộ Quốc phòng.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tài năng và tâm huyết quyết định thành công của nhà văn.


VŨ THẾ KHÔI

vspace=5Bút danh khác: HÀ MINH THẮNG, VŨ ANH
Họ và tên khai sinh: Vũ Thế Khôi. Sinh ngày 12 tháng 10 năm 1938. Quê quán: Bạch Mai, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: không. Hiện thường trú: Hà Nội. Vào Hội năm 1998.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1949-1951: Thiếu sinh quân ở Việt Bắc. 1951-1954: Học tại khu học xá Việt Nam tại Trung Quốc. 1954-1961: học tại Liên Xô. 1961-1997: Dạy tiếng Nga và văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. 1998 nghỉ hưu, Phó giám đốc Trung tâm tiếng Việt Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: gồm các dịch phẩm: Gắng sống đến bình minh (của Vaxin Bưcốp, 1983); Đội săn của quốc vương Xtác(của Korốtkêvích, 1985);  Lũng mặn (của Zalưghin, 1987). Vũ Tông Phan, cuộc đời và thơ văn (1995). 


ĐỖ TRỌNG KHƠI 

vspace=5Bút danh khác: VĂN THIỆN NHÂN,THÁI CẨM HÀ
Họ và tên khai sinh: Đỗ Xuân Khơi. Sinh ngày 17 tháng 7 năm 1960. Quê quán: thôn Trần Xá, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: ngõ 329, tổ 11, phường Phú Khánh, TP Thái Bình. Vào Hội năm 2001.
VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Do sớm mắc bệnh trọng, phải bỏ học từ năm lớp 4. Tự học và sáng tác tại nhà: thơ, văn xuôi và thanh nhạc.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Con chim thiêng vẫn bay (thơ, 1992); Tháng mười thương mến (thơ, 1994); Trước ngôi mộ thời gian (thơ, 1995); Bến thời gian (thơ, in chung, 1995); Gọi làng (thơ, 1999); Cầm thu (thơ, 2002); Ma ngôn (tập truỵên ngắn, 2002); 90 lần nhật nguyệt (thơ, 2004); Thơ hay - một cách nhìn (tập bình thơ, 2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải nhì thơ báo Văn nghệ 1989-1990. Giải C của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 1993. Giải Nhì thi truyện ngắn báo Tài hoa trẻ. Giải B của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam , 2003. Giải A Lê Quý Đôn - UBND tỉnh Thái Bình 1991-1996.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Mang đời sống hiện thực trên đôi cánh khát vọng của tình yêu về tự do và cái đẹp. Nhờ vậy văn chương mang trong nó động lực có tính hình mẫu của chân lý, chân giá trị cuộc sống giúp cho sự phát triển của xã hội - con người ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
Khám phá và tạo dựng các hình mẫu bản thể và quy luật vận động nhân tính, do đó qua các hình mẫu nghệ thuật đời sống hiện thực xã hội được hiện hữu đúng với giá trị sống của con người. Những giá trị Con người được trường sinh ngay trong thời gian hiện thực của nó.


HỒ VIỆT KHUÊ

vspace=5Họ và tên khai sinh: Hồ Việt Khuê. Sinh ngày  28 tháng 1 năm 1952. Quê quán: P. Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: phóng viên báo Tiền Phong. Hiện thường trú tại: P. Phú Hài, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1975-1982: Công tác tại UBND phường Phú Hài. 1983-1999: viết văn, viết báo tự do; cộng tác viên báo Tiền Phong và các báo khác. 2000 đến nay: phóng viên báo Tiền Phong.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Ở biển (tập truyện vừa, 1996); Các tập truyện ngắn: Lá thư trong vỏ ốc (1990), Đêm ngọt (2003), Chia tay đồi dương (2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích (viết cho thiếu nhi) năm 1993 do Hội Nhà văn Việt Nam và báo Thiếu niên tiền phong trao tặng; Giải khuyến khích (viết cho thiếu nhi miền núi) do báo Thiếu niên tiền phong và Nxb Kim Đồng trao năm 1995. Giải ba cuộc thi sáng tác do báo TNTP và Hội Nhà văn tổ chức năm 1999; Giải khuyến khích (viết về giáo dục đạo đức ) của Nxb Giáo Dục năm 2001; Giải B văn học nghệ thuật Dục Thanh, tỉnh Bình Thuận, lần thứ 2 (1994-1999).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi làm báo, được đi nhiều. Những ánh mắt trẻ thơ bất hạnh, những gương mặt tối câm nín và cam chịu của người mẹ ở núi cao, miền xa sao mà giống ánh mắt đau đáu của đám trẻ nhiều thiệt thòi miền biển, giống gương mặt tượng đá của người mẹ miền biển ngày bão rớt hướng về phía mịt mùng sóng nước mong đợi bóng dáng một con thuyền. Chiến tranh đã đi qua, vai gầy người mẹ không còn gánh nặng chết chóc và đôi môi trẻ thơ đã thắm nụ cười; nhưng vẫn còn những vai gầy người mẹ nặng oằn gánh gồng cơm áo và vẫn còn những ánh mắt trẻ thơ tủi thân, những đôi chân non dại sớm bước vào đời…
Vì thế, tôi chọn viết về tuổi thơ và người mẹ.


LÊ MINH KHUÊ

vspace=5Họ và tên khai sinh: Lê Thị Minh Khuê. Sinh ngày 6 tháng 12 năm 1949. Quê quán: Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Biên tập viên Nxb Hội Nhà văn. Hiện thường trú tại: Cầu Giấy, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1980.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Làm báo Tiền phong; Đài phát thanh Giải phóng; Đài Truyền hình Việt Nam; Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Sáng tác từ năm 1969.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập truyện:  Những ngôi sao xa xôi (1973); Cao điểm mùa hạ (1978); Một chiều xa thành phố (1987); Bi kịch nhỏ (1993); Trong làn gió heo may (1999); Tôi đã không quên (2000); Những dòng sông buổi chiều cơn mưa (2001); Màu xanh man trá (2004).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam.


ĐINH NAM KHƯƠNG

vspace=5Họ và tên khai sinh: Đinh Nam Khương. Sinh ngày 3 tháng 3 năm 1948. Quê quán: Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Tây. Dân tộc: KinhTôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Tây. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2003.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Có nhiều năm công tác tại Sở y tế Hà Tây. Từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, Phó phòng sáng tác xuất bản Sở Văn hoá- Thông tin Hà Tây. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, viết tiểu thuyết, làm thơ, bình luận văn học.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nén hương trên mộ người đàn bà (tiểu thuyết, 1992); Phía sau những hạt cát (thơ, 2001); Đợi chờ gió và trăng (thơ, 2003); Đá vàng (thơ, 2004); Trên lối đi thời gian (thơ, 2006).
 * GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1981-1982. Giải B cuộc thi thơ Lục bát báo Văn nghệ 2002-2003. Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 - Văn nghệ quân đội. Tặng thưởng chùm thơ hay nhất tháng 7/2001 báo Văn nghệ.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Thơ sẽ chẳng là gì cả nếu như thơ không làm xúc động lòng người, không làm cho con người khao khát muốn sống và vươn tới những điều cao đẹp hơn !


HÀN THẾ KHƯƠNG

vspace=5Họ và tên khai sinh: Hàn Thế Khương. Sinh ngày 18 tháng 3 năm 1931. Quê quán: Thành phố Cần Thơ. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 355/43A Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1998.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Đi bộ đội từ năm 1947. Từng làm công tác tuyên huấn, mặt trận… và dạy tại trường Nguyễn Aí Quốc 9 (nay là Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Viết truyện ngắn và tiểu thuyết từ những năm 1980.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập tiểu thuyết: Tháng Tám Cần Thơ (1994); Khói mờ xóm ấp (1994); Mùa mưa năm ấy (1996); Tạm biệt quê nhà (1996); Ở lại miền Nam (1996); Xóm làng yên ả (2002); Vùng ven phía Nam (tập truyện, 2005).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Chuyên công tác Đảng. Về hưu mới được viết văn. Viết mong phản ánh một phần nào hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ anh hùng của nhân dân Việt Nam.


VŨ THỊ KHƯƠNG

vspace=5Họ và tên khai sinh: Vũ Thị Khương. Sinh ngày 13 tháng 6 năm 1953. Quê quán: Đại Thắng, Vụ Bản, Nam Định. Dân tộc: Kinh Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Khu tập thể Uỷ ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm  2003.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Khi còn nhỏ đi học, sau đó tham gia công tác ở địa phương. Tháng 2/1979: đi làm công nhân. Tháng 8/1979: chuyển sang công tác tại phòng Văn hóa huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Năm 1982: chuyển công tác về phòng Văn hóa thị xã Bỉm Sơn (sau đó là Đài phát thanh truyền hình thị xã Bỉm Sơn). Năm 1996-2000: học hàm thụ Đại học Báo chí. Sáng tác thơ từ năm 1976. Cử nhân báo chí.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập thơ: Hương gió miền đồi (in chung, 1983); Hoa trắng không tên (1990); Thơ tình không gửi (1993); Nắng sân trường (in chung).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi nghĩ nghề văn là một nghề khó khăn cực nhọc ở chỗ người viết văn phải thấu hiểu nhân tình thế thái, phải hiểu được tận cùng niềm vui và nỗi buồn của số phận con người, vì cái chính của nghề văn là phản ánh được số phận con người. Và nếu như ta không nói được điều đó, tôi thiết nghĩ văn chương như thế khó bề tồn tại bền lâu với cộng đồng, với thời gian. Sáng tác thơ của tôi cũng luôn trăn trở về điều đó.


NGUYỄN KIÊN

vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Quang Hưởng. Sinh ngày 2 tháng 4 năm 1935. Quê quán: Xã Vạn Phúc, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: P204, nhà A2, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1962.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia kháng chiến chống Pháp từ 1947, là đội viên tuyên truyền xung phong thuộc Ban TTXP của Tổng bộ Việt Minh, sau thuộc Sở thông tin tuyên truyền liên khu Việt Bắc. Từng làm giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên, biên tập viên Nxb Kim Đồng, Văn học và Tác phẩm mới. Là tổ trưởng tổ văn rồi Tổng biên tập Nxb Tác phẩm mới từ 1987-1990. Giám đốc NXB Hội Nhà văn từ 1990-1996. Là Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa IV, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa III. Từ 1998 đến 2004: là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Các tập truyện ngắn in lại từ nhiều tập truyện ngắn đã in nhiều năm trước: Trong làng (1995); Nơi xa (1996); Đáy nước (1997); Tác phẩm chọn lọc (2003). Truyện vừa: Lá rụng (1962); Chân sóng (1967); Ngày và đêm hậu phương (1970); Chặng đường nhớ lại (1984). Tiểu thuyết: Vùng quê yên tĩnh (1974); Nhìn dưới mặt trời (1981); Một cảnh đời (1992). Viết cho thiếu nhi: Những ngày đi lưu động (1956); Con gái người bán chim (1963); Năm tôi 13 tuổi (1977); Chú Đất Nung (đồng thoại, 1995, 1998, 2000).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001. Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2001. Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm  2002.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi viết nhiều về nông thôn, trong thời chiến cũng như thời bình, bởi trong tôi có nhiều ràng buộc tình cảm với làng quê. Người và cảnh làng quê chính là một nét đặc trưng của gương mặt đất nước. Những điều tốt và xấu, hay và dở trong cuộc sống làng quê là tầng sâu sức mạnh và những hạn chế của dân tộc.
Về nghề nghiệp văn chương, tôi nghĩ: văn chương phải gắn với thời cuộc, mang dấu ấn thời cuộc. Còn trong sâu xa, văn chương là cuộc tìm kiếm không cùng ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa đời người.


NGUYỄN CÔNG KIỆT

vspace=5Bút danh khác: PHÓ NHỎ
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Công Kiệt. Sinh năm 1947. Quê quán: Vĩnh Linh, Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong. Hiện thường trú tại: Số 5 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2005.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1965 tốt nghiệp phổ thông Trung học, gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, là thợ lái, sửa chữa xe hơi đơn vị 9073, Cục quản lý xe, Tổng cục Hậu cần. Năm 1972 xuất ngũ về công tác tại Xưởng 105 Bộ Điện và Than làm thợ sửa chữa xe hơi, ngành điện, tiếp tục sáng tác. Từ năm 1976 đến nay, công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong làm phóng viên, biên tập viên của báo.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thi tài (tập truyện ngắn, 1989); Đấu thủ không cân sức (tập truyện ngắn, 1992); Người bảo nông thứ ba (tập truyện ngắn, 1999); Thám tử Sơ lốc Hải (tập truyện vừa, 2002).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Vì say mê văn học từ nhỏ, tôi được các anh chị đi trước như Quản Tập, Định Hải, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ… phát hiện và tạo điều kiện cho được về công tác tại báo Thiếu niên tiền phong làm phóng viên. Kết hợp với tình yêu dành cho các em thiếu nhi, tôi đã viết báo và sáng tác văn học cho các em với nhiểu thể loại khác nhau: truyện, ký, thơ, truyện tranh. Bất kể thể loại gì, miễn là đem đến cho các em thiếu nhi món ăn tinh thần . Đó cũng là nghề nghiệp của tôi.
Tôi sẽ nguyện suốt đời đi theo nghiệp này, dù phải vượt qua những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Tất cả vì các em thiếu nhi yêu quý.


HUYỀN KIÊU
(1915-1995)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Bùi Lão Kiều. Sinh năm 1915. Quê quán: Hà Tây. Sau ngày thống nhất đất nước sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam 1957. Mất ngày 8 tháng 1 năm 1995.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia cách mạng từ những ngày đầu, công tác ở chi Hội Văn nghệ Liên khu III. Từng làm việc ở tạp chí Văn nghệ, nhà xuất bản Văn học, có thời gian là Chánh Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Hồ Chí Minh, tinh hoa dân tộc (trường ca, 1944); Sang xuân (thơ, 1960); Mùa cây (thơ, 1965); Bầu trời (thơ, 1976).
* TẾ HANH VIẾT VỀ HUYỀN KIÊU: “Huyền Kiêu thuộc thế hệ các nhà thơ trong phong trào thơ mới. Tôi còn nhớ năm 1943, nhà xuất bản Đời nay của nhóm Tự lực văn đoàn, có ra một tập sách tên là Giai phẩm. Cùng với tác giả quen biết như Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương… có mấy bài thơ của Huyền Kiêu. Trong đó đáng chú ý nhất là bài Tương biệt dạ, theo tôi đây là bài thơ xuất sắc của Huyền Kiêu trước cách mạng. Nhiều câu thơ vào lòng ta một cách tự nhiên và còn mãi (…). Hôm nay nghe tin anh mất một cách bất ngờ. Trong tâm trí tôi nghe như vang lại 4 câu thơ cuối cùng của bài thơ ấy:
“Sớm biệt ly không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, anh biết đâu?”
(Nhớ tiếc nhà thơ Huyền Kiêu Văn nghệ, số 3, ngày 21 tháng 1 năm 1995).


HỮU KIM

vspace=5Bút danh khác: KHÁNH LINH, LÝ KHÁNH LINH, LÝ VĂN TRINH, VĂN TRINH
Họ và tên khai sinh: Lại Hữu Kim. Sinh ngày 30 tháng 7 năm 1957. Quê quán: Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Chủ tịch Hội Văn nghệ Kon Tum. Hiện thường trú tại: Phường Trần Hưng Đạo, Thị xã Kon Tum. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Trường sĩ quan chính trị quân sự năm 1983. Từng là chuyên gia quân sự ở Campuchia, chính trị viên huyện đội, phó chính trị trung đoàn.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Những chiều mây không trôi (thơ, 2003); Gọi người (thơ, 2002).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Thơ lực lượng vũ trang QK V năm 1989, Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng 1990, Giải thưởng A thơ 10 năm do UBND tỉnh Kon Tum trao năm 2001.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN:
Quan niệm của tôi về thơ:
Tình yêu đắm đuối đến dại khờ, niềm hạnh phúc, khát vọng, những mất mát, nỗi thống khổ của con người, của kiếp người được kết tinh trong tâm hồn thi sĩ, được thoát ra bay lên như rượu, như hương hoa đó chính là thơ.


LÊ KIM

vspace=5Bút danh khác: LƯỠI LÊ, LÊ KIM TIÊM, THẾ NAM
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Duy Long. Sinh ngày 18 tháng 3 năm 1928. Quê quán: Phố Tiền An, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Đại tá, Cựu Chiến binh. Hiện thường trú tại: P.204, nhà E1 Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1957.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Viết báo, làm thơ từ ngày còn đi học. Là chủ bút tờ nội san Đoàn kết của học sinh trường trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh. Ngày 4-6-1946 đi bộ đội, lần lượt làm việc tại báo Bắc Sơn, Quân khu Việt Bắc, báo Quân đội nhân dân, báo Cựu Chiến binh Việt Nam, đến 2003 mới nghỉ công tác. Chuyên làm thơ đả kích, tiểu phẩm, bình luận, dịch một số hồi ký chiến tranh tiếng Pháp, Anh, Nga.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đời cứ tươi (thơ, 1948); Điện Biên Phủ (thơ đả kích địch, 1954); Du kích kiểu Mỹ (tiểu phẩm, 1961); Mỹ nguỵ thảm bại khúc (Thơ đả kích, 1971); Mỹ thế đấy (tiểu phẩm, 1973); Anh Đại Thắng, chị Hoà Bình (tấu , 1973); Khoa học… bịp (tiểu phẩm, 1978); Cuộc hành quân thần tốc (truyện, 1985); Tướng Mỹ bại trận (truyện, 1990); Điện Biên Phủ, nhìn từ hai phía (truyện, 1994); Thơ và Tình (thơ, 1998).Và một số sách dịch về hồi ký chiến tranh.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Bất cứ làm gì cũng phải có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm. Với tôi, viết văn, làm thơ không chỉ là một nghề mà còn là một nghiệp. Tôi viết, không chỉ do hứng thú cá nhân mà còn do sự phân công, giao việc của toà soạn. Tập thơ đầu tay (1948) được nhà thơ Xuân Diệu viết bài nhận xét một cách ưu ái. Bài thơ đầu tiên đăng trên tạp chí Văn nghệ (1952) là do nhà thơ Tú Mỡ giới thiệu. Sự dìu dắt của các bậc đàn anh, cộng với sự khuyến khích của bạn đọc đã thúc đẩy tôi sáng tác trên suốt chặng đường dài. Đó là điều tôi luôn ghi nhớ và luôn tâm niệm. Viết là để phục vụ cuộc sống, dù chỉ góp một phần rất nhỏ bé cho xã hội cũng rất vui.


LÊ THỊ KIM

vspace=5Họ và tên khai sinh: Lê Thị Ngà. Sinh ngày 31 tháng 3 năm 1955. Quê quán: thị xã Thanh Hoá. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 1990.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp kỹ sư ngành Hoá, đang công tác tại phân viện khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia Hội trí thức yêu nước, thành viên của nhóm “ca khúc chính trị Hội trí thức yêu nước thành phố Hồ Chí Minh”.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Khi tình yêu đến (thơ, 1988); Đoá quỳ hư ảo (thơ, 1990); Sương bụi tình yêu (thơ, 1997)
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 1980. Biểu dương 20 năm văn học thành phố. Người phụ nữ tài năng 1990 báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh bình chọn. Nhà thơ yêu thích nhất thành phố.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Đã từ lâu tôi có nguyện vọng được gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam, vì tôi vẫn xem đây như gia đình lớn của những người cầm bút trong sự nghiệp chung : Sáng tác phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Rất mong được các đồng chí coi như một người em bé nhỏ cần phải được dạy bảo, khuyên nhủ trong đại gia đình những người cầm bút của mình.


NGUYỄN THANH KIM

vspace=5Bút danh khác: VIỆT THANH, TRÀ ANH
Họ và tên khai sinh: Nguyễn Kim Thành. Sinh ngày 8 tháng 12 năm 1948 tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc, nay là thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Quê quán: Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Trưởng ban thời sự -chính trị báo Sức khỏe và đời sống. Hiện thường trú tại: 404, tập thể Vĩnh Hồ, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội. Vào Hội năm 1994.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Phóng viên Đài phát thanh Hà Bắc (1975-1980). Cán bộ Hội Văn nghệ Hà Bắc (1980-1989). Phóng viên báo Hà Bắc (1990-1995). Tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du khoá II (1983-1985). Từ 1996 chuyển về công tác tại báo Sức khỏe và đời sống. Là Trưởng ban thư ký- Trưởng ban thời sự báo Sức khỏe và đời sống (1998-2005).
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Nắng triền sông (thơ, 1981); Sông xuân đất bãi (thơ, 1982); Trăng soi thật mình (thơ, 1989); Cánh diều (thơ, 1990; Đam mê (thơ, 1994); Người sinh Năm Sài Gòn - Nẻo nhớ (thơ, 1996); Ước chi một thưở (thơ, 1999); Chuông ngân (thơ, 2002); Ai về Kinh Bắc (thơ chọn và bình, 2000); Khoảng bình yên trong dông bão (hồi ức văn học và tiểu luận, 2004); Xao lộng tôi và em (thơ, 2005); Ký ức không có tuổi (thơ, 2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A thơ Hội Văn học nghệ thuật Hà Bắc 1981-1982. Giải B thơ Hội Văn học nghệ thuật Hà Bắc 1986. Giải nhì Báo chí 1994.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Lao động của nhà thơ nghĩ đến cùng là lao động ngôn từ. Đừng biến những hình ảnh, ngữ ngôn thành mê lộ, thành rừng rậm, người đọc vào chẳng có lối ra. Hãy mở rộng lòng hiếu khách của anh mời bạn đọc tri âm vào ngôi nhà thơ sáng sủa, thoáng đãng để anh có thể tâm tình cởi mở, một thứ tâm tình không áp đặt, một thứ tâm tình đầy cảm thông.


ĐÌNH KÍNH

vspace=5Họ và tên khai sinh: Bùi Đình Kính. Sinh ngày 10 tháng 4 năm 1945. Quê quán: Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Uỷ viên BCH Hội liên hiệp VHNT Hải Phòng, Tổng thư ký Hội Nhà văn Hải Phòng, Chi hội trưởng chi hội nhà văn VN tại Hải Phòng. Hiện thường trú tại: 13, Điện Biên Phủ, Hải Phòng. Vào Hội năm 1986.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Xuất thân trong một gia đình viên chức. Tốt nghiệp phổ thông, vào bộ đội rồi được đào tạo tại trường sỹ quan thông tin. Tốt nghiệp, về quân chủng Hải quân công tác. Năm 1976, về trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị. Năm 1979 học khoá I Trường Viết văn Nguyễn Du. Học xong, về quân chủng Hải quân công tác. Hiện nay sống và viết tại Hải Phòng
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Sóng cửa sông (truyện, 1976); Đảo mùa gió (tập truỵên, 1978); Người của biển (tiểu thuyết, 1985); Đất rừng (tiểu thuyết, 1987);  Lính Thuỷ (truyện ngắn, 1987); Biển có gai (tiểu thuyết, 1990); Đi mãi không hết mình (truyện ngắn, 2001); Đi tìm dấu tích con đường (ký, 2004); Cỏ lông chông (tiểu thuyết, 2004)... Ngoài ra còn viết kịch bản phim và biên soạn 10 đầu sách khác.
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng văn học Bộ quốc phòng1989 với tiểu thuyết Người của biển. Giải thưởng Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 1985. Giải thưởng văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hải Phòng các năm 1992, 1993, 1994-1995. Giải thưởng kịch bản phim truyện của Bộ Văn hoá- Thông tin năm 2001. Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam (2001-2004). Giải thưởng cuộc thi viết ký của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2005; Giải thưởng văn học nghệ thuật Hải Phòng năm 2006.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tài năng là thứ trời cho. Người trời cho ít, kẻ trời ưu ái cho nhiều. Nhưng một nhà văn tự trọng là biết viết đến tận cùng thứ trời cho ấy. Ngoài tài năng, để có tác phẩm, Nhà văn phải trung thực với nhận thức của mình và được trung thực với nhận thức của mình
Viết giả, viết không hay đừng hy vọng vị một cái gì.


HÀ LÂM KỲ

vspace=5Bút danh khác: VI HÀ
Họ và tên khai sinh: Hà Lâm Kỳ. Sinh ngày 18 tháng 7 năm 1952. Quê quán: xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Dân tộc: Tày. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó giám đốc Sở văn hoá thông tin Yên Bái. Hiện thường trú tại: tổ 26, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái. Vào Hội năm 1996.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1971 Đại học sư phạm Việt Bắc. 1972 - 1975 nhập ngũ làm quân y, tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. 1976 chuyển ngành tiếp tục học Đại học sư phạm Việt Bắc, rồi dạy tại trường CĐSP Yên Bái. 1982 là Phó bí thư tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn. 1992-1994 là chuyên viên chính văn phòng Tỉnh uỷ Yên Bái. 1994 đến nay là Phó giám đốc Sở VHTT. Chi hội trưởng Hội Văn nghệ DTTS Yên Bái. Chi hội trưởng Hội VNDG Yên Bái.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Kỷ vật cuối cùng (truyện dài, 1991); Chim Ri núi (truyện vừa, 1992); Xôn xao rừng lá (thơ, 1992); Gió Mù Cang (1994); Những đứa con lên núi (tập truyện thiếu nhi, 1994); Con trai Bà Chúa Nả (tập truyện, 1996). Ông tướng Bọ Ngựa (thơ thiếu nhi, in chung, 2002); Quả nhạc xoè của mẹ (tập truyện, 2006); Nghiên cứu VHDG: Mỗi nét hoa văn (chủ biên VHDT 2001); Từng vuông thổ cẩm (2003). Một góc nhìn (tiểu luận, 2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Hội đồng văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam 1991 (truyện dài Kỷ vật cuối cùng). Giải thưởng VHNT của UBND tỉnh Yên Bái 1994 (truyện vừa Chim Ri núi), 1995 (truyện dài Gió Mù Cang). Giải thưởng Nxb Kim Đồng, báo TNTP 1997 (truyện ngắn Quả nhụ xoè của mẹ).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Sinh thời nhà thơ Nông Quốc Chấn dặn tôi: “Mình là người miền núi, mình nên viết về miền núi, về dân tộc. Viết được nhiều, được ít, đều quý, miễn sao những gì làm ra phải giúp ích cho đồng bào mình”.
Nghe theo lời ông, tôi học đòi viết cho thiếu nhi miền núi, vẫn biết rằng chưa thành công nhưng chắc chắn tôi sẽ không rời bút, hàng triệu trẻ em vùng cao, dân tộc còn đó.


HẢI KỲ

vspace=5Họ và tên khai sinh: Trần Văn Hải. Sinh ngày 08 tháng 11 năm 1949 tại Đồng Hới. Quê quán: làng Mỹ Trạch, xã Mỹ Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: TK2, phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Vào Hội năm 1994.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học hết cấp 3 phổ thông. Đi dạy học 12 năm. Năm 1980 thi vào  trường ĐHSP Huế. Ra trường 1984  về thành phố Đồng Hới dạy học. Làm thơ từ hồi học phổ thông trung học. Hiện đã nghỉ hưu
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Ngọn gió đi tìm (thơ, 1987, tái bản 2001); Đồng vọng (thơ, 1989); Nằm đếm trời sao (thơ, 1997); Đối thoại lục bát (thơ, 1999).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A Giải văn học Lưu Trọng Lư (Quảng Bình) năm 2000.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tác phẩm là nơi ta tâm sự với con người, với cuộc đời, lúc đắng cay chua chát, lúc ngọt ngào hạnh phúc.
Nghiệp thơ thuộc về số phận. Tôi không biết giãi bày lòng mình bằng cách nào rõ nhất ngoài thơ.


LÊ QUÝ KỲ

vspace=5Bút danh khác: KỲ VĂN, LẠI PHÚ CHÂU
Họ và tên khai sinh: Lê Quý Kỳ. Sinh ngày 20 tháng 8 năm 1937 Quê quán: Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Số nhà 27, đường Tân Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh, Nghệ An. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2000.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Khoa văn Đại học sư phạm Vinh (1963), về công tác ở báo Nghệ An cho đến khi về hưu (3-2000). Làm thơ từ hồi còn đi học, sau chuyển sang viết văn xuôi. Giữa những năm 90 của thế kỷ XX bắt đầu viết phê bình văn học.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Cơn giông (tiểu thuyết, 1960); Tản mạn văn chương (tiểu luận, phê bình văn học, 1996); Vĩ thanh (tập ký và truyện ngắn, 2000); Đường biên văn học (tiểu luận, phê bình văn học, 2000); Văn học thời luận (tiểu luận, phê bình văn học, 2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng UBTQ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (loại B, 1996). Giải văn học Hồ Xuân Hương (Nghệ An) năm 1997 (loại C).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi chỉ viết văn khi thể loại báo chí không tải nổi những vấn đề mà tôi nắm bắt được trong cuộc sống.
Phê bình văn học là bộ môn khoa học được diễn tả bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Vì vậy, dù có văn vẻ đến đâu, trung thực vẫn là tiêu chí hàng đầu của phê bình văn học.


LƯU QUÝ KỲ
(1919-1982)

vspace=5Bút danh khác THANH VỆ
Họ và tên khai sinh: Lưu Quý Kỳ. Sinh ngày 31 tháng 10 năm 1919 tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ngày 1 tháng 8 năm 1982.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Tham gia hoạt động cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực báo chí từ thời Mặt trận Dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng 1938-1939, chuyên viết các thể tuỳ bút, bút ký, chính luận.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Bài thơ Nam Bộ (thơ, 1950), Tác phong Văn nghệ nhân dân (lý luận, 1951), Miền Nam yêu quý (bút ký, 1955), Thực tiễn Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ (bình luận văn học, 1958), Phút im lặng (bút ký, 1961), Nước về biển cả (tuỳ bút, 1972).


ĐẶNG VĂN KÝ
(1940-2002)

vspace=5Họ và tên khai sinh: Đặng Văn Ký. Sinh ngày 17 tháng 10 năm 1940. Quê quán: xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Vào Hội năm 1993. Mất năm 2002.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Học, trung học ở quê. Năm 1962 tốt nghiệp đại học về dạy môn văn tại các trường cấp III, và Cao đẳng sư phạm Nghệ Tĩnh. Sau đó, công tác tại tạp chí Văn nghệ Nghệ An (biên tập lý luận phê bình và văn xuôi).
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Những ngày trung du (truyện ngắn, 1974); Chuyện tôi và các bạn (truyện vừa, 1976); Vườn hoa giữa núi (truyện ký, 1977); Bí mật suối Seo Cờ (truyện vừa, 1982); Đôi bạn tù (phóng sự điều tra, 1989); Miền đời khao khát (tiểu thuyết, 1991); Ngổn ngang nơi trần thế (tiểu thuyết, 1992); Nhà có thuốc thần (1998); Tuyển tập Đặng Văn Ký (2006).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Lâm nghiệp, 1970 (truyện vừa Đứa con của đại ngàn); Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Uỷ ban thiếu niên nhi đồng Việt Nam 1976 (truyện vừa Chuyện tôi và các bạn). Giải thưởng cuộc thi ký của Báo Văn nghệ 1992 (bút ký Khởi sắc Quỳnh Lưu).
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN:
Những hiểu biết mang tính sách vở cộng với những trải nghiệm ngót mấy chục năm qua mách với tôi rằng: Tôi chẳng hiểu thấu đáo một điều gì cả, kể cả thứ công việc đổ nhiều tâm lực nhất: viết văn... Cho nên, tôi thường viết trong trạng thái thả lỏng. Với tôi, tỉnh táo quá trong lúc viết là một dấu hiệu xấu. Xúc động quá trong lúc viết là một dấu hiệu chẳng mấy tốt lành. Tôi có cảm giác , khi tôi thả lỏng thì sẽ có một ai đó ghé tai mách bảo: nên thế này, nên thế này... Kể cả viết lại lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 5 cũng vậy.



ĐOÀN THỊ KÝ

vspace=5Bút danh khác: QUÝ TÂM
Họ và tên khai sinh: Đoàn Thị Ký. Sinh ngày 3 tháng 4 năm 1950. Quê quán: Minh Đạo, Tiên Du, Bắc Ninh. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: Phòng 407A, 195B1 phố Đội Cấn, Hà Nội. Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 2005.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1967-1971: sinh viên Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. 1971-1975: giáo viên Trường Sư phạm cấp 2 Tuyên Quang. 7/1973-4/1974: Dự lớp Bồi dưỡng những người viết văn trẻ tại Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. 1975-1982: phóng viên báo Hà Tuyên. 1986-1988: học viên khoá 3 Trường Viết văn Nguyễn Du. 1989-1995: cán bộ tổ chức Công ty Chế biến đất hiếm. 1995-2006: phóng viên tạp chí Kiểm tra của Uỷ ban Kiểm tra trung ương. Hiện đã nghỉ hưu.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Dòng sữa nuôi tôi (thơ, in chung, 1975); Cô gái và cầu vồng (thơ, 1995); Nửa vòng bông gạo (thơ, 2001).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải khuyến khích thơ hay thành phố Hồ Chí Minh 1993, Giải thơ Tây Côn Lĩnh (Hội VHNT Hà Giang, 1997). 
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Văn chương là nghĩa cuộc đời. Đời người càng có nghĩa khi thấm đẫm văn chương. Với tôi, cơ duyên được cầm bút viết văn là dấu hiệu đầu tiên tìm thấy nghĩa đời mình, giữa muôn vàn cuộc đời nhọc nhằn gian khó nhưng không ít niềm vui. Ví như con nhện chăng tơ đâu phải vì nó có tơ…


HOÀNG CHÂU KÝ

vspace=5Bút danh khác: KÉP ĐỎ
Họ và tên khai sinh: Hoàng Châu Ký. Sinh ngày 16 tháng 5 năm 1921. Quê quán: xã Cẩm Kim, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Đà Nẵng. Hiện thường trú tại: 464/6 đường Trưng Nữ Vương, TP Đà Nẵng. Giáo sư Nghệ thuật học (ngành sân khấu). Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1957
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Làm công tác Đảng nhiều năm, làm thơ. Năm 1950 phụ trách Phân Hội Văn nghệ Quảng Nam, Trưởng tiểu ban giáo dục Tỉnh uỷ. 1951 Uỷ viên thường vụ Chi Hội Văn nghệ Liên khu V phụ trách sân khấu. 1954 tập kết ra Bắc làm Trưởng phòng văn hoá quần chúng (Vụ nghệ thuật Bộ Văn hoá), Tổng thư ký, bí thư đảng đoàn Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Sau khi học 18 tháng trường Nguyễn Ái Quốc về làm Hiệu trưởng trường Sân khấu rồi Viện trưởng Viện Sân khấu, năm 1992 về hưu tại TP Đà Nẵng.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã sáng tác các kịch bản sân khấu tuồng: Ông Ích Khiêm, Nguyễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ Vương, Nguyễn Duy Hiệu..; các tập nghiên cứu: Lịch sử tuồng (1973); Khảo cứu về vở Nghêu, Sò, Ốc, Hến (1961); Tuổng cổ (1976) và chỉnh biên các vở: Ngọn lửa hồng sơn; Nghêu, Sò Ốc, Hến…
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đợt 1, 2001.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tuồng, chèo đứng về mặt kịch bản là thuộc loại hình văn học, nhưng đó là kịch hát, tác giả của chúng phải có tư duy thơ ca, trữ tình và tất nhiên là phải hiểu biết quy luật xuất hiện thơ trong tác phẩm. Hiện nay, người sáng tác tuồng chèo còn quá ít, lại chưa có nhiều người thực sự có hiểu biết sâu sắc về những đặc điểm của kịch chủng; đã thế khả năng sáng tác văn học lại hạn chế. Rất đáng lo!


NGUYỄN NGỌC KÝ
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Ngọc Ký. Sinh ngày 28 tháng 6 năm 1947. Quê quán: xã Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 61/3C Phan Huy Ích, phường 12, quạn Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Vào Hội năm 2006.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC,
SÁNG TÁC: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Tổng
hợp Hà Nội năm 1970. Từ 1970-1994: Giáo viên dạy văn cấp 2 tại Hải Hậu, Nam Định. 1994-2005: Cán bộ Phòng giáo dục quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Từ  tháng 11-2006 nghỉ hưu. Tham gia làm chuyên viên tư vấn tâm lý và giáo dục cho Tổng đài 1008 tại TP Hồ Chí Minh.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Những năm tháng không quên (còn có tên khác Tôi đi học, tự truyện in lần đầu 1970); Chú nhện chơi đu (thơ, 1992); Quả bí kỳ lạ (truyện thơ, 1995); Ngôi nhà hoa (thơ, 1997); 101 Câu đố vui (thơ đố, 1998); Rau gì trồng ở đầm ao (thơ đố, 2005).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải B cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi 1968-1970 cho tự truyện Những năm tháng không quên, bài thơ Núi bắt phi công. Giải khuyến khích cuộc thi viết cho thiếu nhi 1990-1993 cho bài thơ Em thương. Giải nhất cuộc thi Viết ngắn về mẹ tôi của báo Tuổi trẻ cho bài ký Cây cau của mẹ.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Tôi bị liệt hai tay từ 4 tuổi. 7 tuổi theo bạn đến lớp và dùng chân tập viết.  Được Bác Hồ 2 lần thưởng Huy hiệu. 
Ngày học cấp 2, tôi rất mê toán, đã phấn đấu đoạt giải học sinh giỏi miền Bắc. Năm vào cấp 3 tôi chuyển hướng sang học tốt môn văn sau khi phải lòng hình tượng Paven Coóc sa ghin trong Thép đã tôi thế đấy. Niềm vui say được đọc, được viết cứ  lớn dần trong tôi từ đó. Nhưng rồi cũng phải chờ đến khi học đại học năm thứ nhất bài thơ đầu tiên của tôi mới được đăng báo. Cũng thời kỳ này tôi đặt bút viết tự truyện Những năm tháng không quên. Cảm ơn Nxb Kim Đồng đã làm bà đỡ mát tay cho đứa con đầu lòng này của tôi. Khi được làm nhà giáo, được đắm mình giữa thế giới hồn nhiên, đáng yêu của tuổi thơ tôi càng cháy bỏng nguyện ước viết cho các em. Và càng viết cho các em tôi càng yêu thêm tuổi thơ, càng gắn bó với sự nghiệp làm thầy của mình.
Khi nghỉ hưu thì tuổi đã lục tuần. Bệnh tật chất chồng. Cái chân cầm bút cũng chừng khó thêm… Song cứ nghĩ được viết cho các em là tôi lại thấy như khoẻ và trẻ ra. Thế là tôi lại say sưa viết và viết, đâu nhớ gì lời dặn của bác sỹ, đâu biết gì những sợi tóc đang chuyển mầu sương khói…


LÊ TRI KỶ
(1924-1993)
 
vspace=5Họ và tên khai sinh: Nguyễn Duy Hinh. Sinh ngày 14 tháng 6 năm 1924. Quê quán: thôn Lưỡng Kim, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đảng viên Đảng CSVN. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Mất ngày 8 tháng 5 năm 1993 tại Hà Nội.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: Sau cách mạng tháng Tám, công tác ở uỷ ban xã. Năm 1946 làm bí thư thanh niên cứu quốc huyện Gio Linh, nhiều năm công tác trong ngành công an ở trung ương và các tỉnh. Từng là đại tá Phó giám đốc nhà xuất bản Công an nhân dân cho đến lúc nghỉ hưu.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Thủ phạm vụ án Ôn Như Hầu (ký sự, 1960); Cây đa xanh (truyện, 1961); Phố vắng (tập truyện ký, 1965); Một người không nổi tiếng (truyện ký, 1970); Đất lạ (kịch bản điện ảnh, 1971); Biển động ngày hè (kịch bản sân khấu, 1976); Những tiếng nói thầm (truyện ký, 1978); Thung lũng không tên (kịch bản điện ảnh, 1971); Sống chìm (tập truyện ngắn, 1984); Câu lạc bộ chính khách (tiểu thuyết, 2 tập, 1986); Không thiện không ác (tập truyện, 1988); Cuộc tình thế kỷ (tập truyện, 1992, tái bản 1994); Truyện ngắn Lê Tri Kỷ (tuyển tập, 1995).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A của Hội đồng văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang Hội Nhà văn 1994 cho tập truyện Cuộc tình thế kỷ . Giải A của Bộ Nội vụ và Hội Nhà văn Việt Nam 1995 cho tập truyện Không thiện không ác.
* SUY NGHĨ VỀ NGHỀ VĂN: Nhà văn Lê Tri Kỷ chủ yếu viết về ngành công an bằng nhiều thể loại, nhưng thành công hơn cả là thể truyện ngắn. Viết về công an, nhưng ông không viết truyện hình sự nhằm hấp dẫn bằng sự ly kỳ gay cấn, mà nói về tình người tình đời. Truyện của ông vừa gợi được sự sáng suốt trong lý trí, vừa tạo được sự rung động đầy tính nhân văn thiết tha hướng thiện. Lê Tri Kỷ đã có công đem đến cho bạn đọc một hình tượng chiến sĩ công an chân thực. Chiến sĩ công an trước hết cũng là con người cũng đau đớn, buồn vui, hờn giận, yêu ghét như mọi người, khiến ta cảm thông và gần gũi..
(Trích báo cáo của Ban Tổ chức Sáng tác Hội Nhà văn trong buổi lễ trao giải thưởng văn học của Bộ Nội vụ kết hợp với Hội Nhà văn 8/1995).


LÊ ĐÌNH KỴ

vspace=5Họ và tên khai sinh: Lê Đình Kỵ. Sinh ngày 4 tháng 4 năm 1923. Quê quán: Điện Hồng, Điện Bàn, Quảng Nam. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Không. Hiện thường trú tại: 32 An Dương Vương, phường 9, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh Đảng viên Đảng CSVN. Vào Hội năm 1968.
* VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1949-1951: Tiểu đoàn phó Quân báo Liên khu V. 1951-1955: dạy học ở trường Trung học Lê Khiết Liên khu V. 1955-1958: dạy trường cấp III Nguyễn Trãi, Hà Nội. 1958-1980: . Giáo sư văn học. Dạy Đại học Tổng hợp Hà Nội. 1980-1990: dạy Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
* TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đường vào thơ (1968); Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du (1970); Tìm hiểu văn học (1980); Thơ Tố Hữu (1979); Thơ mới, những bước thăng trầm (1988); Trên đường văn học (2 tập, 1995); Phê bình nghiên cứu văn học (1999); Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam (1998).
* GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001.