Trang chủ » Viết về Trần Nhương

Trong lành "Gió đang xoan" của Trần Nhương

Nguyễn Hưng Hải
Thứ hai ngày 1 tháng 1 năm 1900 12:00 AM

Trần Nhương không còn trẻ nữa. Nhưng đọc Gió đang xoan - tập thơ mới nhất của anh, vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành - có cảm giác bút lực của Trần Nhương còn đầy sung mãn, trẻ trung.

Với 12 tập sách xuất bản từ năm 1980 đến nay cùng với hàng trăm bức họa, có thể nói Trần Nhương là người viết khoẻ, vẽ khoẻ; bởi bên cạnh nghiệp viết anh còn phải làm tròn bổn phận cán bộ của Hội Nhà văn Việt Nam.

Cầm tập thơ Gió đang xoan đọc đi đọc lại nhiều lần trên chính quê hương Phú Thọ - nơi sinh thành nhà thơ Trần Nhương - tôi càng tin tưởng quý mến và trân trọng những gì anh gửi gắm trong từng câu chữ như những nét vẽ trong 43 bài thơ in trong tập thơ này.


Thừa nhận bút lực sung mãn của Trần Nhương là thừa nhận tố chất của một năng khiếu bẩm sinh, viết như trời bắt viết; viết như trời cho viết; và hình như có cả việc viết để trả ơn trời, trả ơn đời.

Với bản chất của một người lính Cụ Hồ, chuyển ngành với quân hàm trung tá, thơ Trần Nhương “khoẻ” ở tư tưởng, “khoẻ” ở lối tư duy triết luận đã qua nhiều truân chuyên, trải nghiệm. Tạng của Trần Nhương là trực diện. Anh không thích lối nói vòng vo. Tính bộc trực thẳng thắn và rất đỗi chân thành của Trần Nhương hiện rất rõ trong từng câu chữ. Anh yêu, ghét rõ ràng, không lờ nhờ nửa trong nửa đục. Có lẽ bởi vậy mà hơn 20 năm nay đọc Trần Nhương tôi có cảm giác thơ anh xung kích như những người lính trận.

Điểm qua vài bài điển hình, vỡ ra nhận định trên đây của mình không nhầm, dù Trần Nhương không tuyên bố. Ngay bài thơ mở đầu của tập Gió đang xoan, trong một trạng thái xao động, nôn nao nào đó, có thể chỉ là khoảnh khắc thôi, Trần Nhương đã thừa nhận: “Phượng là ai mà thấu ruột gan ta / lòng bộc trực kìm nén gì được mãi...” (Phượng).

Không kìm nén được, đó là cái làm nên sung mãn của bút lực. Nhưng ở đời dường như không kìm nén được nhiều khi cũng lắm phiền hà. Tự ý thức được điều đó nên trong bài thơ Trò chơi trong siêu thị - một trong những bài thơ sáng giá nhất, ấn tượng nhất của Gió đang xoan - Trần Nhương đã viết: Dắt cháu vào siêu thị/ chẳng mua hàng gì, cháu thích vui chơi/ quá nhiều trò moi tiền/ trò bạo lực, trò lái xe tốc độ/ cháu tôi thích trò đập đầu con thú/ con nào đòi nhô lên miệng lỗ/ đập một nhát nó vội vàng thụt xuống/ và con khác lại nhô lên/ cháu tôi đập liên hồi/ những con thú liên hồi nhô lên thụt xuống. Tưng tửng như chơi mà ám. Tưởng như chơi, tưởng chỉ là trò chơi nếu không trải nghiệm dễ gì nhận được điều đó. Sao cái trò chơi trong siêu thị lại giống cái trò đời ở đâu đó hôm nay. Thêm một cảm phục Trần Nhương ở phẩm chất thi sĩ khi anh quy nạp “Thì ra sự nhoi lên để hơn người/ cũng là điều khao khát/ thì ra không muốn để ai hơn người/ cũng là điều thích thú”.

Những ai đang mang trong mình sự đố kỵ nhỏ nhen đọc những câu thơ vừa dẫn ở trên liệu có giật mình xấu hổ? Không phải dắt cháu vào siêu thị đâu, Trần Nhương đang cho ta xem lại “Tấn trò đời”. Anh buồn và chúng ta cùng buồn khi Trần Nhương nghi hoặc: “Rời siêu thị lòng tôi héo rũ/ trò chơi ư hay hồn cốt quê tôi?”. Cũng trên một cảm hứng như thế, Trần Nhương liệt kê bao nhiêu loại virus để rồi : “Những con virus sinh ra/ là phiên bản của con người/ có phải ???”.

Đã có lần người viết bài này phải thốt lên: “Khi cái giả đã thật hơn cái thật/ ta còn xem tem nhãn để làm gì”. Đọc Trần Nhương càng thấu hiểu thêm điều này: “Người bán rau bỏ sâu vào cho thành rau sạch/ người nấu rượu bỏ đạm vào cho thành rượu ngon/ người bán hoa quả bỏ điôxin vào cho hoa quả tươi/ người quá lứa bỏ silicôn vào cho thành người trẻ/ người đểu cáng bỏ nụ cười vào cho thành người thánh thiện/ người trọng bệnh bỏ tư tưởng vào mong trở thành tráng kiện...”. Xa xót của Trần Nhương cũng là xa xót của nhân tâm luôn phập phồng nỗi lo băng hoại về đạo đức, lối sống. Nhưng trước sự thật phũ phàng ấy vẫn còn một nơi để lòng ta ấm áp: Anh bỏ vào em câu hát/ chúng mình cùng ngân nga...

Ngòi bút của Trần Nhương tinh nhạy

cập nhật những bất cập của xã hội hôm nay và anh đưa vào thơ một cách khéo léo, thấm ngọt và đắng đót nhưng không sa vào trào lộng, đả kích. Bây giờ người ta dựa vào thần thánh linh thiêng để linh đình lễ hội, bao nhiêu dịch vụ ăn theo tốn kém hàng tỷ đồng cho những công việc không mấy thiết thực, ai cũng biết là vô bổ nhưng chẳng ai dám can ngăn. Trần Nhương lên tiếng : “Vĩ nhân cứ để vĩ nhân/ đình kia ít lể thì thần mới thiêng/ hay gì hương khói triền miên/ tụng ca quá thể càng thêm bẽ bàng... Và những câu thơ như đồng dao mà ý tứ của nó không bé bỏng tý nào: Vô danh là của số nhiều/ cớ sao lại ít người yêu/ thật buồn. Và: Này bé nhập vào cho to/ này to chia ra cho bé/ nhớ sao trò chơi con trẻ/ vẫn thường chơi ô ăn quan...”

Trong Gió đang xoan còn một mảng thơ khiến người đọc rưng rưng những hoài niệm về tuổi trẻ, về tình yêu, về những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời mình trên Trường Sơn. Một cô gái giao liên ngã xuống khi mùa hoa chuối đỏ, một ông lão vốn là chiến sĩ thồ hàng lên Điện Biên, một manh áo của cha để lại. Thơ anh lúc này chuyển sang tự sự: Bây giờ mình thành ông lão/ xe thồ đã ngơi bảo tàng/ tớ chán ở nhà đọc báo/ ra đường bơm vá xênh xang... Hay viết về Mẹ xuống đồng giữa ngày giá rét, anh cầu mong: Rét qua đi cho ngày nắng ấm lên/ để mẹ cấy chiều nay khỏi cóng/ để mùa vàng nay mai ong óng/ uốn câu như dáng mẹ trên đồng...

Và thi sĩ Trần Nhương lại trở về với một thi nhân mộng mơ đắm đuối với những câu thơ óng ánh: Bóng mây là cái mưa chi/ Đến thì như vỡ mà đi như lành rồi: Giữa đường ngỡ thế là xong/ Bóng mây một thoáng sao không... tạnh buồn (Mưa bóng mây). Lại mưa ở Sa Pa gặp cô gái người Mông cùng ngồi trú mưa với bộ váy áo thổ cẩm, anh viết: Đường thêu thổ cẩm vẫn duyên/ đong đưa khoé liễu làm nghiêng cả trời/ và nghiêng luôn cả anh rồi/ hàng hiên cứ muốn cùng ngồi trú mưa/ bỗng nhiên trời tạnh buồn chưa/ em đi sao nỡ để thừa một anh...”. Trong bài Bão anh viết về sự đơn côi của chàng trai trong giờ phút người yêu về nhà chồng: Ngược với chiều hạnh phúc/ người đi trong mộng du/ thơ buồn ngâm mấy khúc/ tê tái tràn suốt thu. Đọc khổ thơ này tôi như đẫm trong không khí Đường thi. Và khi nói về nỗi buồn Trần Nhương viết khá độc đáo: Và người và phố và em/ Và sông đổ ngọn sang bên nỗi buồn (Tháng Tư ).

Từ năm 2002 đến nay Trần Nhương mỗi năm cho in một tập thơ: Gió tháng Ba vẫn thổi (2002), Gió bát ngát đồng rừng (2003) và Gió đang xoan (2004), tập nào cũng có từ Gió mở đầu, hình như anh cố tình cho ra một sê-ri gió. Xin kể thêm là vào tháng 7-2003, Trần Nhương tổ chức triển lãm hội hoạ lần thứ 2 của mình tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam với trên 50 tác phẩm. Thi và hoạ là sự đam mê của anh. Qua những tập thơ gần đây Trần Nhương đang tìm tòi tiếng nói mới cho thơ, anh đang tự đổi mới mình. Thơ anh gắn với số phận con người hèn kém, như tiếng nói của số đông. Thơ anh ngào ngạt hơi thở của chính ngày hôm nay. Sự tìm tòi của anh đáng khích lệ, còn nó có được bạn đọc chấp nhận không thì còn phải chờ đợi. Có thể thành công, có thể thất bại nhưng sự lao động cần cù, chắt chiu từng câu chữ, tìm tòi cho thơ trong thời buổi @ này là điều đáng biểu dương.

Khép lại bài viết này tôi thấy Trần Nhương như gửi gắm trong Gió đang xoan lời nhắn gửi hãy sống khoẻ và trẻ như gió đang xoan, trong lành và tốt đẹp như gió đang xoan. Bởi chỉ có những làn gió xoan mới nhiều hoa thơm cỏ lạ, mới khoáng đạt, thiếu đi hương vị ấy cuộc đời này sẽ buồn tẻ, oi nồng biết bao...

*Nhân đọc tập thơ Gió đang xoan của Trần Nhương - Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2004.

(Báo Văn nghệ)