Trang chủ » Tin văn và...

SAI PHẠM ĐÃ RÕ, SAO CHẬM XỬ LÝ ?

Gia Dũng
Thứ tư ngày 4 tháng 11 năm 2009 10:37 AM
 
 
QĐND - Thứ Ba, 03/11/2009, 8:53 (GMT+7)
 Ngày 15-9-2009, trên trang 6, Báo Quân đội nhân dân đăng bài: Xung quanh vụ vi phạm bản quyền tác giả của cuốn sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”: CẦN LÀM RÕ VÀ XỬ LÝ NGHIÊM HÀNH VI GIẢ TRÁ, của tác giả Vân Hạc và Hoàng Giang.  Sau đó, Tòa soạn nhận được khá nhiều ý kiến của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu gửi về. Chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến về vấn đề này.
Đây là việc cố tình làm liều: Công luận gần đây quan tâm đến vụ vi phạm bản quyền kiểu mới: Sách “Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên”, vốn được NXB Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2004. Năm 2009, (không ghi rõ ngày tháng nộp lưu chiểu) lại được tái xuất bản. Sách in lại năm 2009 giữ nguyên bìa, tên chủ biên Hoàng Đạo Chúc, tên tác phẩm, cùng NXB Văn hóa-Thông tin, do Nguyễn Văn Khương chịu trách nhiệm xuất bản, Nguyễn Huy biên tập, Phạm Hà trình bày, Văn Sáng vẽ bìa, in 1000 cuốn, khổ 13x19cm, tại công ty TNHH PT Minh Đạt, số đăng ký KHXB: 602-2009/CXB/01-61/VHTT.
Điều đáng bàn ở đây là việc NXB Văn hoá-Thông tin, cho ấn hành sách mà không được phép của chủ biên và hội đồng biên tập, lại tự tiện bỏ đi một số lớn bài của các học giả: Nguyễn Ngọc Thu, Trần Huy Bộ, Phạm Đức Duật, Hoài Yên, Nguyễn Văn Tung, Chu Quang Trứ, Nguyễn Xuân Tham, Nguyễn Văn Thành, Vũ Ngọc Khánh,... Sách xuất bản lần đầu có 77 bài, bị bỏ đi tới 57 bài, chỉ giữ lại 20 bài. Do đó sách bị khuyết những mảng nội dung quan trọng.
Hiện tượng trên là một kiểu vi phạm quyền tác giả. Quyền tác giả có hai phần chính: Quyền lợi tinh thần (tên, công lao của tác giả) và quyền lợi vật chất (nhuận bút, nhuận ảnh...). Ở đây người vi phạm ghi tên đầy đủ nhưng chiếm dụng nhuận bút và không xin phép tập thể tác giả hoặc chủ biên. Ngành văn hóa là cơ quan quản lý bản quyền mà lại vi phạm là một điều đáng chê trách. Đề nghị các cơ quan hữu quan sớm xem xét và xử lý việc trên, trả lời cho công luận, góp phần làm trong sáng không khí văn hóa nghệ thuật, tạo sự an toàn cho sáng tác và sáng tạo.
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học PHAN ĐĂNG NHẬT 
Phải nghiêm trị hành vi đạo văn:
 Cuốn sách "Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên" (NXB Văn hóa-Thông tin-2004) do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc chủ biên, vừa bị một người khác tự động in lại, loại bỏ mất quá nửa nội dung, làm biến dạng tác phẩm (tên tác phẩm, tác giả vẫn để nguyên, không ghi tái bản có sửa chữa, bổ sung) là vi phạm Luật Bản quyền tác giả một cách công khai, không còn coi ai ra gì nữa.
Điều không thể chấp nhận được là chính NXB Văn hóa-Thông tin lại cho phép xuất bản cuốn sách, vi phạm bản quyền tác giả với sự sai lệch lớn về nội dung đó. Chính NXB Văn hóa-Thông tin lại vi phạm bản quyền xuất bản tác phẩm của mình.       
Đây là do công tác quản lý vô cùng tồi tệ. Những người cấp giấy phép xuất bản sau đã không tôn trọng quyền hạn của người cấp phép trước, ngay trong cùng một cơ quan, thậm chí một phòng chuyên môn. Tình trạng lộn xộn, coi thường nhau, xâm phạm công việc của nhau, phủ định giá trị lao động của đồng nghiệp… của NXB Văn hóa-Thông tin phải bị đưa ra xét xử trước pháp luật.
Nhà văn MAI THỤC

Tất cả đã sáng tỏ:
Sự vụ đã rõ ràng, không có chỗ nào mờ ám, phức tạp, phải dày công điều tra, nghiên cứu. Các tờ báo lớn như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Đất Việt… đã đề cập, phản ánh rõ sai phạm này. Tại sao NXB Văn hóa-Thông tin lại coi thường Luật Xuất bản? Tôi cho đây là một việc cố tình có chủ ý. Việc ai cắt bỏ, ai in ấn lại, ai phát hành công khai cần phải được xử lý theo pháp luật, nhưng theo tôi tất cả bắt nguồn từ việc Giám đốc NXB Văn hóa-Thông tin hợp thức hóa bằng giấy phép xuất bản chính thức tự mình thảo ra rồi tự mình đăng ký kế hoạch với Cục Xuất bản báo chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để cấp phép thì ai chịu trách nhiệm? NXB Văn hóa-Thông tin? Cục Xuất bản báo chí? Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phải chịu trách nhiệm khi các đơn vị, các cán bộ cấp dưới của mình vi phạm?
Sắp tới mùa lịch, mùa sách xuân kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Hãy cảnh giác cao để tránh tình trạng đạo văn, đạo sách, vi phạm bản quyền.
Soạn giả, nhà thơ GIA DŨNG