Trang chủ » Tin văn và...

HỘI THẢO KHOA HỌC "NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH TRẺ EM...

Hoài Khánh
Thứ năm ngày 1 tháng 10 năm 2009 6:02 AM

Hội thảo khoa học “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế”
 
Sáng qua, 30-9-2009, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, diễn ra Hội thảo khoa học “Những ảnh hưởng của văn học thiếu nhi đến sự phát triển nhân cách trẻ em trong thời kì đổi mới và hội nhập quốc tế”. Các Giáo sư Phong Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Đăng Mạnh, các nhà văn Lê Phương Liên, Vân Thanh, Trần Thiên Hương, các nhà thơ Định Hải, Lê Cảnh Nhạc, Đặng Hiển, Hoài Khánh,… và nhiều nhà nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác, dịch thuật, tuyên truyền, quảng bá văn học thiếu nhi đã tham dự.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lã Thị Bắc Lý – Giám đốc Trung tâm Văn học trẻ em Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – cho biết: sau 4 tháng chuẩn bị, Ban tổ chức Hội thảo thu nhận được hơn 30 bản tham luận của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, giảng dạy văn học thiếu nhi trong cả nước gửi tới. Các tham luận đều khẳng định văn học thiếu nhi là một bộ phận của cả nền văn hóa thiếu nhi và của cả nền dân chí hiện tại. Dân chí lại là kết quả của nhiều tác động trong đó tác động của nền giáo dục đóng vai trò quan trọng nhất. Văn học thiếu nhi đang đứng trước một thử thách sống còn… Nhiều tham luận bày tỏ nỗi trăn trở của những người tâm huyết với văn học thiếu nhi.
Nhà văn Lê Phương Liên – Trưởng Ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam – giới thiệu bức tranh toàn cảnh văn học thiếu nhi Việt Nam từ 1986 đến nay và cho rằng: cần có những biện pháp vừa có ý nghĩa cấp bách vừa có tác động lâu dài với nền văn học thiếu nhi Việt Nam chúng ta. Cần có việc đào tạo bồi dưỡng các tác giả viết cho thiếu nhi nâng cao trình độ về mọi mặt ,bằng việc tổ chức những cuộc gặp gỡ giao lưu, tập huấn ngắn hạn… Tiếp tục tổ chức những cuộc thi, những cuộc vận động sáng tác để phát hiện bồi dưỡng các tài năng trẻ. Tổ chức xét giải thưởng văn học thiếu nhi hàng năm. Cần phải tiếp tục nghiên cứu giới thiệu truyền bá các di sản văn học thiếu nhi trong quá khứ với các thế  hệ tiếp nối, bởi vì những tác phẩm ưu tú sẽ sống mãi với  thời gian. Cần tiếp tục xây dựng một đội ngũ nòng cốt những chuyên gia về văn học thiếu nhi Việt Nam. Nền văn học thiếu nhi Việt Nam chỉ có thể đứng vững vàng trên một nền tảng lý luận phê bình  có đặc trưng riêng hội tụ những yếu tố truyền thống và hiện đại. Một khi có được những chuyên gia văn học thiếu nhi sung sức và nhậy cảm chúng ta mới có thể cập nhật với những sáng tác mới trong nước cũng như những sự du nhập tác phẩm nước ngoài. Nhà văn Lê Phương Liên khẳng định: Viết cho thiếu nhi là viết cho thế hệ công dân tương lai, điều ấy đòi hỏi người viết biết để trí tuệ và tình cảm của mình  vượt lên phía trước. Viết cho thiếu nhi hiện nay không chỉ đòi hỏi người viết vượt qua lũy tre làng, ra đến Biển Đông mà còn phải bay vượt ra ngoài sức hút của trái đất để nhìn thấy lỗ thủng tầng ôzôn ở bầu khí quyển và băng đang tan ra ở hai cực. Viết cho thiếu nhi hiện nay lại là nghe thấy tiếng khóc của con giun đang không còn đất để mà đào… Những gì chúng ta đang làm hôm nay đều có ý nghĩa cho ngày mai.
Nhà báo Nguyễn Như Mai nêu nhiều dẫn chứng sinh động và đặt vấn đề trẻ em với văn học internet – mừng và lo. Nhóm nghiên cứu Thạc sĩ Nguyễn Thu Nga và Thạc sĩ Lê Minh Nguyệt nêu ra hững suy nghĩ về văn học thiếu nhi từ một cuộc khảo sát thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước, cho thấy 18,3% số trẻ em được hỏi là có đọc sách, trong đó 87% là thích đọc truyện tranh, truyện giả tưởng, chủ yếu là sách dịch. Có tới 80% giáo viên  không còn đọc sách thiếu nhi nữa khi họ đã trở thành người lớn, 72% số giáo viên phổ thông thừa nhận không mấy khi hướng dẫn học sinh đọc sách gì. Có 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nado từ khi con họ biết đọc. Tiến sĩ Trần Hạnh Mai đề cập vấn đề văn học trẻ em và vấn đề giáo dục giới.
Tiếp đó, nhà thơ Hoài Khánh phát biểu thêm về sự tiếp cận văn học thiếu nhi qua hệ thống thông tin đại chúng, cảnh báo sự thiếu hụt của đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi, khi sáng tác cần chú ý tới tâm lí từng độ tuổi cụ thể, quan tâm đến độ tuổi mầm non, nhi đồng, giáo dục giới cả cho nhi đồng khi mà trong các trường tiểu học hiện nay số cô giáo nhiều hơn thầy giáo, số học sinh nam có xu hướng nhiều hơn số học sinh nữ. Bàn về yêu cầu giáo dục nhân cách và vai trò của văn học thiếu nhi, Giáo sư Phong Lê cho rằng chúng ta chưa quan tâm nhiều tới chức năng giải trí của văn học, làm sao cho các tác phẩm văn học thiếu nhi có yếu tố giải trí lành mạnh, để các em được thanh lọc tâm hồn và nói lên được mơ ước của con người. Giáo sư Nguyễn Đình Chú nhấn mạnh việc giáo dục gia đình, coi gia đình là nơi đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ, chú ý yếu tố giải trí trong tác phẩm và chú ý hơn tới việc giáo dục thưởng thức văn học. Tiến sĩ Lê Quang Hưng xác định việc xây dựng mô hình nhân cách của trẻ phải theo từng lứa tuổi, phải dựa trên cơ sở thực tiễn đã khảo sát và những điều ghi nhận tại Hội thảo để biên soạn lại giáo trình văn học thiếu nhi cho phù hợp, tâm đắc với việc kết hợp sự nhẹ nhõm và sự sâu xa trong nội dung tác phẩm văn học thiếu nhi.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh tham luận về Tô Hoài và truyện thiếu nhi, khẳng định tuổi thơ là tuổi thiên nhiên của con người, là nguồn nhân tính tốt đẹp của con người. Thời đại ngày nay, phong trào đô thị hóa và sự phát triển của internet có nguy cơ hủy hoại tuổi thơ của các em và làm mất khả năng sống lại tuổi thơ của người lớn. Vậy truyện thiếu nhi phải viết làm sao để cứu lấy tuổi thơ của các em, phải giáo dục lòng yêu thiên nhiên, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường thiên nhiên bằng nghệ thuật ngôn từ. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Ngôn bàn đến văn học dân gian và việc giáo dục trẻ em trong thời kì hiện nay. Nhóm nghiên cứu Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải phân tích về sức hấp dẫn của văn học viết cho thiếu nhi qua “hiện tượng Nhóc Nicolas”. Dịch giả Vũ Phong Tạo cung cấp thông tin về Trung Quốc đã chiết xuất di sản lịch sử văn hoá thành chất dinh dưỡng tinh thần cho lớp trẻ như thế nào.
Hội thảo này đã quy nạp thông tin từ nhiều phía và có tác dụng tương hỗ cho cá nhà sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền, quảng bá văn học thiếu nhi. Đây có thể được coi là một việc làm thiết thực của những người hoạt động văn học cho thiếu nhi nhân dịp đón Tết Trung thu năm nay.
HOÀI KHÁNH