Trang chủ » Tin văn và...

TỌA ĐÀM GIỚI THIỆU DỊ HƯƠNG CUỘC HỘI NGỘ ANH TÀI VĂN CHƯƠNG

Hoàng Vân
Thứ hai ngày 5 tháng 10 năm 2009 11:29 PM
(Về cuộc Tọa đàm giới thiệu tập truyện ngắn Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh, NXB Hội Nhà Văn & Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết xuất bản, tháng 9.2009))
Chiều ngày mồng 2 tháng 10, tại café Kim Mã đã diễn ra buổi Tọa đàm giới thiệu tác phẩm Dị Hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Đây là tập truyện thứ 7, và cũng là một bước ngoặt lớn trong phong cách của cây bút quân đội nổi tiếng này.
Sau lời giới thiệu của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, ông Phùng Thế Anh - giám đốc Công ty Truyền thông Hà Thế lên phát biểu lí do ra mắt buổi tọa đàm giới thiệu sách. Cùng với giám đốc, Ban lãnh đạo công ty gồm Phó Giám đốc-nhà văn Võ Thị Xuân Hà, Trưởng Phòng biên tập, Trưởng Phòng Hành chính Tổng hợp, lần đầu tiên - qua rất nhiều cuộc tọa đàm giới thiệu sách khác của công ty - cùng lên chào độc giả và bạn bè trong giới văn chương báo chí truyền thông. 
Về phía chính tác giả, nhà văn Sương Nguyệt Minh bày tỏ sự xúc động, cảm ơn tất cả những người đã góp tay làm nên “Dị Hương”, đặc biệt là vai trò của Công ty Truyền thông Hà Thế, đơn vị xuất bản tập sách. Tác giả cho biết, thực ra ông chưa có ý định ra mắt tập truyện này trong năm nay, nhưng vì “cơ duyên” với Hà thế nên ông đã tăng tốc, trong vòng một tháng viết được thêm bốn truyện ngắn, trong đó có truyện “Dị Hương” được lấy làm tên chung cho cả tuyển tập.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mừng cho những đổi mới về tư duy, dám bước vào phong cách mới của Sương Nguyệt Minh đối với tập truyện ngắn lần này. Theo ông, người viết sau không hẳn là cứ phải hay hơn người viết trước, nhưng nhất thiết phải mới, phải khác. Sương Nguyệt Minh đã làm được điều này, đã bứt phá được một cái mới, đặc biệt thể hiện rõ nhất trong truyện “Dị Hương”: tác giả đã đặt ra một cái nhìn mới về lịch sử, một cách để soi chiếu các vấn đề từ lịch sử đến văn học.
Nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương-Viện văn học lại đưa ra những nhận định về nghệ thuật đặc biệt nhất của “Dị Hương”. Theo anh, cách đặt nhan đề của tác giả như là một kiểu xếp chồng ẩn dụ, và nếu phân tích kĩ, ta sẽ thấy được những yếu tố trung gian trong cấu trúc tam phần của huyền thoại.
Nhà văn Y Ban, người rất có cảm tình với bút pháp lãng mạn lại tiếc nhất cho chính truyện ngắn “Dị Hương”. Nữ nhà văn cho rằng cách khai thác đề tài này bị lặp lại, không mới. Tuy nhiên, ý kiến của nhà văn Vũ Ngọc Tiến lại trái ngược. Ông cho rằng lịch sử là một đề tài khó, và những người dám viết truyện lịch sử là những người dũng cảm. Ông tin “Dị Hương” tạo được những nét khác biệt, và có những thành công nhất định.
Nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức nói về bút pháp hiện thực kì ảo rất đặc thù của Sương Nguyệt Minh. Và với “Dị Hương”, bút pháp này đã biểu tỏ được những gì nhạy cảm nhất. Ông nhận xét Sương Nguyệt Minh viết về đàn bà rất hay, và khẳng định đây là cây bút có mặt trong hàng ngũ đi tốp đầu hiện nay của văn chương quân đội. Ông cũng bày tỏ sự cảm phục sức lao động đầy đam mê của tác giả khi nói về sự chuẩn bị kĩ lưỡng nửa năm trời để ra được truyện ngắn “Đêm thánh vô cùng”. Theo ông, Sương Nguyệt Minh không sao chép lịch sử, mà đã dùng ngôn ngữ hiện đại khiến cho lịch sử nóng bỏng lên, có phi lí nhưng chấp nhận được bởi sự đan xen giữa cổ điển và hiện đại. Với ông, nhà văn là người của mỹ học phái đẹp.
Trong khi đó, nhà văn Khuất Quang Thụy lại gọi buổi tọa đàm đặc biệt này là một “đám cưới sách”. Trong thời buổi hiện nay, việc có một tập truyện ra đời không phải là khó, nhưng tập truyện này đối với tất thảy anh em nhà văn quân đội đều rất quan trọng. Ông tâm huyết với thể loại truyện lịch sử và cho rằng Sương nguyệt Minh đã cho ra đời tác phẩm đáng giá nhất. Những phát hiện ở góc độ dân tộc hết sức quan trọng đã mang đến thành công cho “Dị Hương”.
Cùng “ngôi nhà số 4” với nhà văn Khuất Quang Thụy và Sương Nguyệt Minh, nhà văn Đỗ Tiến Thụy lại đánh giá sự chắc tay và đều đặn của bạn. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, đọc truyện của Sương Nguyệt Minh dường như vẫn thấy thiếu mất điều gì đó cho đến khi đọc “Dị Hương”. Nhà văn mừng cho sự thành công của bạn, mừng cho sự chuyển đổi tư duy rõ ràng. Song ông cũng hơi buồn vì một số hạn chế nhỏ, chẳng hạn như kiểu dùng từ lặp lại, hay việc sử dụng những lí thuyết ngoại đề khiến tầm nhìn của tác phẩm bị thu hẹp đi.
Nhà văn Văn Chinh, người phụ trách trang Web của Hội nhà văn lại tinh tế nhận thấy nét run rẩy của “Dị Hương” và rất chúc mừng điều đó. Nhà văn Hoàng Minh Tường, người chưa đọc hết tác phẩm, nhưng khi mới đọc “Đêm thánh vô cùng”, truyện đầu tiên của tập, ông đã rất ngạc nhiên và bất ngờ, mặc dù có đôi chút vô lí. Ông nhận định chắc chắn rằng, Sương Nguyệt Minh không trẻ, thậm chí già, có đủ năng lực để nối lại bút pháp của những thế hệ đi trước.
Nhà văn trẻ Nguyễn Thế Hùng cảm thấy tiếc vì cảm giác bị bỏ rơi trong văn Sương Nguyệt Minh: giống như khi bị bỏ rơi ở thành phố, về nông thôn cũng thấy lạc lõng, rồi mình thành một gã không quê không tỉnh. Hay giống như công chúa Ngọc Bình, dù lấy đến hai đời chồng là vua, nhưng vẫn không tìm được người thực sự của mình. Bởi lẽ đó, tình yêu trong văn Sương Nguyệt Minh không đứng được.
Cuối cùng, nhà phê bình Văn Giá rất tâm đắc tặng cho người bạn của mình ba chữ: Hoạt – Phiêu – Thõa. Hoạt là sự biến chuyển linh hoạt. Phiêu là sự phong phú về chất liệu và Thõa là sự trẻ trung. Ý ông muốn nói đến nét “trẻ” của “Dị Hương” và chính tác giả của nó, một sự trẻ hóa về bút pháp.
Sự tham gia của những thế hệ cây đa cây đề thực sự đã góp phần đánh giá những thành công nhất định của Sương Nguyệt Minh với “Dị Hương”.
Buổi Tọa đàm giới thiệu tập truyện ngắn mới Dị hương của nhà văn Sương Nguyệt Minh do Công ty Truyền thông Hà Thế đứng ra tổ chức đã có sự góp mặt của đầy đủ các nhà văn, biên tập viên của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi cấp giấy khai sinh cho tác phẩm; như nhà văn Nguyễn Khắc Trường, nhà thơ Trần Quang Quý... cùng sự có mặt của rất nhiều nhà văn nhà thơ có tên tuổi khác như Bảo Ninh, Võ Thị Hảo, Đào Thắng, Đặng  Ái, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Ngọc Tiến, Phạm Công Trứ, Thùy Dương..., các nhà văn nhà thơ trong quân đội, đặc biệt đội ngũ ở tạp chí Văn nghệ quân đội, các dich giả Trần Đình Hiến, Nguyễn Đăng Bảy, những cây bút lý luận phê bình nổi tiếng như Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đăng Điệp, Bích Thu... cùng nhiều nhà văn nhà thơ trẻ như Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Lê Anh Hoài, Nguyễn Quỳnh Trang, Đoàn Văn Mật…, các nhà báo tên tuổi thuộc các cơ quan báo chí truyền thông, Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, Đài VOV...
Có thể nói, cuộc Tọa đàm giới thiệu sách mới này không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ giới thiệu sách của một công ty truyền thông, mà đã mở rộng ra rất nhiều ý nghĩa trong thời buổi kinh tế suy thoái, văn chương trầm lắng: Một cuộc gặp gỡ hội ngộ các anh tài tinh hoa hàng đầu trên đất thủ đô, cũng là một cuộc giao thoa gây hấp lực sáng tạo cho rất nhiều cây bút đang tiềm ẩn những ý tưởng mới.
Và cũng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của một công ty truyền thông văn hóa.
   Hoàng Vân
 








Post bài từ Canada