Trang chủ » Tin văn và...

NGƯỜI CANH GIỮ GIÁC MƠ...

Thân Trọng Nhân
Thứ tư ngày 30 tháng 9 năm 2009 10:04 PM
Khi chương trình mỗi ngày một cuốn sách của Đài truyền hình Việt Nam đưa tin về cuốn tiểu thuyết, tôi băn khoăn liệu Hắn trong Người canh giữ giấc mơ có phải là Hắn ở Số ruồi bâu hay không. Tôi đã tìm đọc và nhận thấy đấy chỉ là một. Thành thật tôi tiếc cho tác giả, cái tên của cuốn sách nghe “hiền qúa”. Sao anh không giữ nguyên nhan đề - Số ruồi bâu - như dự định  ban đầu nhỉ?
Đọc gần hết ba trăm trang tiểu thuyết: Người canh giữ giấc mơ - cuốn tiểu thuyết thứ hai của Trần Ngọc Dương do Nhà Xuất Bản Công An ấn hành vào năm 2008, tôi hơi thất vọng vì chưa nhận thấy một chi tiết nhỏ nào có liên quan đến cái tên đề ngoài bìa
Ngay từ những trang mở đầu, tác giả đã cho Hắn - nhân vật chính trong chuyện với tình tiết bị ruồi bâu ngay khi lọt lòng: “...Một con ruồi bay tới đậu trên người hắn, lão Ngật vung tay chộp, trượt.
Lão lẩm bẩm:
- Anh cu này có số ruồi bâu...
... Hôm đó lúc người nhà tắm rửa, mặc quần áo, đeo tất chân và bao tay cho hắn. Họ gỡ mãi mới được xác con ruồi ra khỏi lòng bàn tay nắm chặt của hắn...”
 Những chương tiếp theo không ít lần tác giả nhắc đến cụm từ này  với các chi tiết có liên quan. Nào là, bị kiểm điểm vì đã phát minh ra kiểu chơi bạc  số ruồi bâu. Và ngay cả khi tâm sự với người bạn đời, Hắn cũng thốt lên như câu cửa miệng. Xuyên suốt cuốn sách là những lần Hắn không gặp may vì cái phận không may, cái số bập bênh của mình. Kể cả khi ở trong quân ngũ, cho tới lúc trở về đời thường. Hắn luôn phải viết bản kiểm điểm và nhận những cái lỗi với thái độ tưng tửng. Với Hắn mọi việc xảy ra đều “nhỏ như con thỏ”.
Hắn còn khổ hơn cả chị Dậu trong Tắt Đèn. Vì Hắn đâu có cái quyền bán đàn chó thuộc quyền sở hữu của mình. Thật là mỉa mai và chua xót khi: ... “Các sếp đăng ký đông mà chó thì ít...” Làm sao tránh khỏi cảnh tranh giành. Thế là một “hội đồng phân phối chó” được thành lập. Quyết định của hội đồng “chó” buộc mọi người phải thực hiện. Nhưng có lẽ ai cũng sợ người khác bắt nhầm mất chú cún của mình. Thế là họ tranh nhau đánh dấu quyền sở hữu . Để rồi hôm có phái đoàn lên kiểm tra nơi Hắn làm việc. Ai có thể lặng im không cười khi nhìn thấy... “ đàn chó con lon ton chạy ra, ở cổ mỗi con có sợi dây đeo miếng bìa ghi tên người chủ tương lai...”? Và thế là Hắn bị kỷ luật về tội : “Bôi bác lãnh đạo.”
  Năm 1998 vì muốn độc quyền trong sản xuất và tiêu thụ, ngành than đã làm ầm ĩ lên, đòi ngừng sản xuất, đóng cửa mỏ, cho công nhân nghỉ việc. (Thực dân Pháp mới chỉ dám cho ngưng việc vài trăm cu li mỏ đã làm bùng lên cuộc đình công long trời lở đất. Còn lãnh đạo TKV dám cho ngừng việc hàng chục nghìn thợ mỏ) Việc làm trên gây xôn sao dư luận, người người lo lắng, bất bình. Địa phương náo loạn. Khi cấp trên sờ gáy, để tự  lý giải cho việc làm của mình, lãnh đạo tập đoàn TKV đưa ra nhiều lý do chứng minh cho sự vô tội. Và cụm từ “Than thổ phỉ” được nhắc tới trên tất cả mọi phương tiện thông tin đại chúng từ những ngày đó. Thực chất của vấn đề như nhiều nhà kinh tế lúc bấy giờ nhận xét: Lãnh đạo ngành than không muốn khoản lợi nhuận kếch sù bị chia sẻ. Và ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác.
Lãnh đạo Tập đoàn TKV lúc bấy giờ đã chẳng ngần ngại gọi tất cả những đơn vị, cá nhân làm than không nằm trong tổ chức của họ bằng cụm từ miệt thị đó. Họ không hề đến xỉa gì đến bản chất thực tại, các nguyên nhân cơ bản cốt lõi của vấn đề, và bất kể con người ở đó là ai. Rất nhanh chóng, cụm từ  “Than thổ phỉ” được nhắc nhiều trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, trong đời sống xã hội một cách tuỳ tiện, vô văn hoá.
Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả đã chua xót nói về các “Thổ phỉ”:
“... Ông cứ ghi thật đầy đủ, đúng sự thật theo những gì người ta yêu cầu. Đứng đầu tổ chức khai thác than thổ phỉ là Giám đốc Công ty: Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam Đặng Phi Sơn – Hắn đưa tay chỉ từng người – Kia là chiến sĩ đặc công có ảnh  lưu ở phòng truyền thống của binh chủng. Cuốn sách viết về anh ta được nằm trong phòng đọc Hồ Chí Minh của các đơn vị. Người làm rung chuyển cả đô thành với chiến công làm nổ tung tàu chở dầu của địch trên sông Sài Gòn. Bị thương thủng màng nhĩ, đang khám thương tật lấy thẻ Thương binh. Song chạy mãi không được. Người ta đòi chứng từ gốc. Nằm điều trị ở trạm phẫu tiền phương, chưa khỏi đã trốn về đơn vị tham gia chiến đấu tiếp. Mà có ở lại chờ các bác sĩ cho ra viện đi chăng nữa. Cũng lấy đâu ra dấu đỏ để đóng vào các loại giấy tờ cần thiết. Có người mách chỉ cần đưa cho họ vài triệu là xong béng. Về hưu, lương không đủ ăn lấy đâu ra. Đành xin vào đây làm được hơn hai tháng, mới được một nửa số tiền người ta yêu cầu. Còn mẹ thằng bé hôm rồi, bí thư chi bộ ở một vùng nông thôn. Người con gái đã từng báo công trước nhà hát lớn Thủ đô. Được tuyên dương nhiều lần do có hành động anh hùng. Cũng có  một tấm hình làm chấn động cả thế giới, bất kể ai khi xem cũng phải nghiêng mình khâm phục. Bức ảnh chụp cảnh một cô gái thanh niên xung phong ngồi trên quả bom nổ chậm, miệng nở nụ cười, tay phất cờ chỉ huy đoàn xe vượt qua trọng điểm của con  đường Trường Sơn hồi đánh Mỹ. Tạm thời đến đây xin việc làm vì muốn thực hiên quyền được làm mẹ. ở mục tổng quát ông cứ ghi: Hơn 70,6% số người làm là bộ đội giải ngũ, 56,5% là Đảng viên, nhiều người được kết nạp ngay tại trận đánh. Vì không có công ăn việc làm, họ đều tình nguyện đứng vào tổ chức làm than thổ phỉ này. Số còn lại là học sinh, các cử nhân, kỹ sư mới ra trường chưa có việc làm…”
ở nông thôn còn có đất mà cấy cầy trồng trọt. Còn ở khu mỏ chỉ có cách làm than để duy trì cuộc sống. Thật chua xót, khi những “thổ phỉ” đó vì miếng cơm manh áo phải gom nhặt, bòn mót hòn than bằng đủ mọi cách. Thôi thì lúc ngâm mình xuống dòng suối đầy hoá chất độc hại do các mỏ thải ra đãi lấy chút than trôi. Khi chui vào các lò chuột không lối thoát. Phải bò, cõng từng cân than lên khỏi mặt đất trong cái cảnh: “... Những giọt  nước mắt của đất,  quyện với mồ hôi của người lao động làm quần áo họ luôn luôn ướt đầm. Dưới cái không khí nóng hầm hập và mịt mù của bụi, ta mới thấy hòn than mang lên từ lòng đất vất vả biết nhường nào...”
Cảnh ông già với râu tóc trắng phơ đứng giữa đống bãi xít đen ngòm, bụi bay mù mịt. Những đứa trẻ coì cọc khoắc bao tải thập thò lẫn trong các tảng đá. Từng đoàn “phỉ” gồng gánh, mang vác, bám nhau tụt  xuống đầu đường...
Rồi cảnh các “thổ phỉ” đào than ở những đường lò đi dưới khu nghĩa địa : “...Người chết nằm bên trên, kẻ sống lục lọi moi móc lấy than ở bên dưới...”
Nhưng có lễ khổ nhất là những “phỉ  nữ”. Luôn luôn bị quâý rối tình dục. Phải cắn răng chịu để cho tay bảo vệ vỗ mông khi ra vào cổng mỏ.  Sự phản kháng của họ cũng có đấy, song chỉ ở mức độ tự vệ. Vì họ cũng tự thấy mình sai, là“thổ phỉ” mà. Chỉ biết bôi mỡ bẩn vào đít chiếc quần đi mưa, để làm nhoe nhoét bàn tay kẻ vỗ. Hoặc tụ tập chờ kẻ đó về văn phòng họp, xúm đổ mỗi người một ống bơ dầu thải lên đầu. Khi xong, phải bỏ đi chỗ khác làm ăn.
Sự liên kết liên doanh giữa  mỏ với các công ty trá hình đã tạo ra “cái sân sau của Lãnh đạo”. Chính nguyên nhân này đã đảy nhiều người vào cảnh thất nghiệp. Điều đáng sợ nhất là các liên doanh ma quỷ được hình thành, “ Chí Phèo với Bá Kiến khoắc vai nhau cùng điều hành công việc.” Luật pháp  chẳng là cái quái gì cả, vì họ đã soạn ra lệ làng. Và sự sai phạm là đương nhiên. Có người đã hùng hồn nói về sự liên kết này: “Nhà nước nắm 51% cổ phần, nghĩa là vẫn guĩư quyền chi phối, quyết định.”  Nhưng 49% còn lại của ai? Trong đó chắc chắn có phần của các lãnh đạo không nhỏ! Của các thế lực xã hội đen trá hình?! Của các thành phần kinh tế khác. Và có nơi bằng cả cái “vốn tự có” của đàn bà nữa. Một chút nhỏ nhoi còn lại của người lao động, những công nhân trong doanh nghiệp, họ chỉ biết làm công ăn lương lấy đâu ra tiền mà mua cổ phiếu.
Nếu ai đó gọi tất cả những người làm than không chính thống là “thổ phỉ”, thì chúng ta phải gọi các “lãnh đạo” xuất lậu hàng trăm triệu tấn than sang nước ngoài trong một thời gian dài là gì đây? Rồi ai đó cấp giấy phép khai thác cho bất cứ kẻ nào, ở bất kỳ nơi đâu.  Miễn có phong bao lót tay và bằng cả “...cái khoản thịt tươi...” Với các “lãnh đạo” việc nhận phong bì được coi là văn hoá. Việc đó đã được một vị giám đốc khẳng định: “...Biết làm thế nào được. Một khi nền văn hoá phong bì, đang phổ biến trong xã hội ta vào giai đoạn hiện nay...” Nó mạnh đến nỗi tay trưởng phòng hành chính nọ, trong buổi lễ đón nhận huân chương lúc vội đã phải liếm phong bì. Và phải liếm nhiều quá. Đến nỗi: “...lưỡi phồng rộp cả lên, mồm miệng lở loét...”
Khi có tiền các “lãnh đạo” thoải mái mua danh, mại chức, bán quyền. Đua nhau ăn chơi xa đoạ, bất chấp tất cả luân thường đạo lý. Hát karaoke có tay vịn, mua trinh con gái chưa đủ tuổi thành niên để lấy hên trong làm ăn. Đóng góp cho xã hội một tý chút thì thuê truyền hình về quay, quảng cáo rùm beng, đánh bóng tên tuổi mình. Chẳng hiểu khi những nhà “lãnh đạo” ngành than - những người đã vỗ ngực tự hào - đưa ngành than hoàn thành kế hoạch trước “10 năm”. Một kế hoạch phi lý, một điều như chuyện tiếu lâm sẽ nghĩ gì, khi đọc những dòng tâm sự của Hắn:
 “... Vẫn biết, vào thời điểm hiện nay, sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội chúng ta ngày càng rõ nét. Nhiều khi đồng tiền đã trở thành thống soái. Trong nền văn minh vật chất, người ta bao giờ cũng đề cao các doanh nhân. Vì đồng tiền có kẻ bất chấp tất cả. Sự va chạm với đồng tiền làm tâm hồn của họ trở lên chai cứng. Việc tính toán  mua bán danh vọng cũng trở nên phổ biến. Không những mua cho cuộc sống hiện tại, người ta còn tìm mọi cách lo cho khi đã chết nữa. Đất ở nghĩa trang cũng bị chia lô xấu, đẹp đem bán với giá khác nhau. Em cứ thử đi thăm viếng những ngôi đền, chùa nổi tiếng trong vùng mà xem. Ai có nhiều tiền của kính tặng? Ai được đề tên nhan nhản trên các hiện vật, bia đá? Phải chăng một số những người này, hy vọng dùng đồng tiền mua được sự bằng an cho tâm hồn, để rửa bớt đi một phần tội lỗi mắc phải nơi trần thế. Nhưng đạo làm người có những chuẩn mực riêng biệt. Ai xử sự trái với qui luật này, kẻ đó chỉ giữ được phần con. Phật ở trong tâm! Vậy mà, khi xem một băng ghi hình buổi lễ khởi công đúc chuông ở một ngôi chùa nọ. Ta chỉ thấy cảnh đám rước, dẫn đầu là vị sư trụ trì, xung quanh đen đặc người. Đoàn rước đi đến đâu, nhiều người trút vào cái khay sư thày nâng, đồ trang sức bằng vàng ròng đủ loại. Có người khi bỏ, tay nâng đồ vật thật cao, mặt hướng thẳng vào ống kính thu hình. Loa phóng thanh vặn hết triết áp, điểm tên những ông nọ, bà kia hiến bao nhiêu. Cấm thấy hình ảnh các phật tử nghèo nàn, bỏ những đồng tiền nhầu nát còn ướt mặn vị mồ hôi. Rồi đây, mấy ai nghe được trong tiếng chuông ngân có những âm thanh gì? Lời ca hát của các thiên thần liệu có còn bay cao, bay xa? Hay bị tiếng quỉ dữ thét gào nơi chín tầng địa ngục làm lẫn lộn mất rồi?
  Còn Hắn - một “thổ phỉ” - thì sao? Hắn chua xót: “...Một xã hội sẽ ra sao nếu quá dư thừa nhà hàng khách sạn, trong khi đó lại thiếu trường học, nơi vui chơi  cho con trẻ? Ngành dễ kiếm lời nhất, người ta sẽ đổ xô vào đầu tư! Còn việc nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ lấy ai ra lo liệu đây?”... Và Hắn nổi cáu khi có người khuyên đừng mạo hiểm trong việc: Xây dựng một trung tâm nuôi dạy trẻ. Vì làm việc ấy, nếu có lời lãi cũng chẳng đáng bao nhiêu. Hắn thốt lên: “...Chẳng nhẽ chúng ta kinh doanh cả tâm hồn trẻ thơ.”
Thế là Hắn bỏ tiền ra xây một nhà mẫu giáo giao cho Len – Một “phỉ nữ” đứng ra trông coi và làm hiệu trưởng. Mãi tới lúc này, khi kết thúc cuốn tiểu thuyết ta mới thấy lý do để tác giả đặt tên cho tác phẩm của mình qua câu nói của Len: “...Nếu em là người góp phần tạo ra những giấc mơ hồng. Anh phải trở thành người canh giữ nó, đừng bao giờ để cho ác mộng len vào giấc ngủ của các bé thơ...”
Và rồi hàng loạt những “thổ phỉ” đáng thương, đáng yêu khác như Mai, Phan... những con người được hình thành từ cuộc sống, từ sự sai trái của lãnh đạo ngành than.
Mảng đề tài về chiến tranh trong tác phẩm được tác giả viết một cách khá kỹ. Có nhiều điều chia hề được ai đụng chạm tới. Như việc Hắn hai lần bắn rơi máy bay phục vụ phái đoàn quân sự bốn bên trong giai đoạn thực hiện Hiệp định Pa Ri. Sự “khôn khéo” xử  lý các tình huống của Hắn làm ta bật cười. Và khi kết thúc, trong lúc người khác viết báo công. Hắn lại bò ra làm kiểm điểm. Lần chất vũ khí hỏng vào máy bay đốt để tạo chứng cứ giả. Khi tương cả B40 vào ụ mối, ngóc 12ly 8 bắn lên ngọn cây với lý do: “...Trong đám tàn quân ở tiểu khu Bình Long rút chạy có cả tiếng trẻ con...” Bận dùng bộ đàm chửi nhau với địch. Rồi lúc tự động thả tù binh...
Tác giả có cái nhìn khác về những người ở phía bên kia trận tuyến. Đã để cho Hắn và họ gặp nhau sau chiến tranh, cùng tắm biển phơi nắng và ca cải lương trên đảo Ti Tốp trên vịnh Hạ Long. Để cho người đã từng là kẻ thù của chúng ta được lên tiếng trong tác phẩm của mình. Giống như viên phi công Mỹ  - Người bị Hắn bắn rơi máy bay ngày ấy nói: “...Nền văn hoá của dân da đỏ chúng tao phong phú thế, vậy mà đã bị mất gần hết. Còn đất nước chúng mày, trải qua nhiều cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, nền văn hoá vẫn không bị xoá nhoà. Giờ thì tao đã hiểu, lý do nước Mỹ thua trận. Ngoài những nguyên nhân cơ bản đang được các nhà khoa học phân tích, nghiên cứu. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nước Mỹ còn bị đánh bại bằng cả những bài dân ca, câu hò điệu ví.”
 Tình yêu của các “thổ phỉ” trong tác phẩm cũng đẹp và ngang trái lắm. Hắn yêu Thảo nhưng lại lấy Len. Phan đi tìm Len song lại đến với Mai. Hắn tỉnh táo khi yêu, hay quá tàn nhẫn khi Thảo hối hận muốn nối lại tình xưa. Hắn đốt tập thiếp mời của hai người và: “... lặng im nhìn những tờ thiếp hồng cháy cong lên. Đôi chim câu quằn quại trong ngọn lửa, dòng chữ Hạnh phúc phun nhũ vàng óng ánh đổi dần dần sang màu khác. Một làn gió thổi tới, những tờ thiếp cháy dở tan tác bay đến muôn nơi...”
Trong tác phẩm của mình, tác giả viết hiền quá, mới chỉ chạm vào cái ác. Chưa dám đảy cái ác và nỗi đau đến tột cùng. Cuốn tiểu thuyết chưa lột tả được chân tướng thật của những THổ PHỉ đã phá nát ngành than, huỷ hoại cả một vùng thiên nhiên xinh đẹp và đã để cho các tệ nạn xã hội có đất phát triển trên mảnh đất này. Giá như tác giả nói kỹ hơn về những “cái sân sau của sự liên kết”  chắc chắn cuốn tiểu thuyết sẽ thành công hơn.
T.T.N