Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kìa ai hẫng hụt, hao khuyết thi nhân

Lã Thanh Tùng
Thứ năm ngày 18 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

hspace=12Thế là đã một năm tròn, nhà thơ Trần Quốc Thực đi xa cõi đời. Một năm, cháu Châu, cháu Lu, chị Sửu, và gia đình mất đi người cha, người chồng yêu dấu. Một năm, Cơ quan báo Văn nghệ lũ lụt buồn vui mà không có anh. Một năm, chi bộ Văn nghệ vắng mất người Đảng viên trung kiên, lặng lẽ. Một năm, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội vắng bóng người Hội viên mảnh khảnh mà đầy cá tính. Một năm, độc giả xa gần, những bác xe ôm, những cháu bán báo, những chị hàng xôi, những cô bác sĩ... không còn thấy mặt nhà thơ già suốt ngày ôm ngực ho sù sụ. 

      Và với riêng tôi, một năm đã qua, tôi không còn được đưa đón anh len lách qua những con phố hun hút dài, từ cơ quan về nhà rồi chiều ngược lại. Không còn được chí choé (chữ của Dịch giả Đăng Bẩy) cùng anh bên trang báo, cuốn sách, không còn được rong ruổi cùng nhau trên những ngả đường thăm bạn rượu, bạn thơ... Trần Quốc Thực thuộc típ người, tôi không biết gọi là gì, đành liều mạng dùng chữ thiểu thảo. Gọi thế bởi con người, cuộc đời anh như nét bút vẽ phác của tạo hóa tài hoa nhưng mải chơi. Ở anh, cái gì cũng sơ phác. Từ dáng gầy, giọng nhẹ, ánh mắt hoang liêu, câu thơ phiêu dạt, đến vệt ria tạm bợ, nụ cười gút bắt, dốc vai mòn mỏi, mái tóc rơi, trôi... Tôi không hiểu khi các cụ đặt tên cho anh có tiên cảm được tính cách, hình dong anh lúc lớn, khi về già, chứ quả thật cái tên Thực dứt điểm là một đối trọng gay gắt với tri giác, cảm niệm anh tạo ra nơi trần thế.

      Không thể nói anh yêu mượn, sống tạm, hay gửi chân, dự thính cõi đời này. Nhưng cái cách anh hiện diện, giữ chỗ, nghĩ suy, định danh lóc cóc qua năm tháng, thì nó cứ làm cho mọi người phải dằn vặt khó hiểu theo hướng ấy. Đối trọng với thực thì là ảo chăng? Ảo không đúng thì liệu có thể gọi là mộng không? Phàm trần nhếch nhác như tôi làm sao biết nhiều hiểu đủ để có thể lạm bàn, đụng phạm. Nhưng tôi từng chứng kiến nhiều hoạt cảnh đắp đổi, hụt hẫng về cái con người ấy, cái tinh thần ấy

   Đã có một lần bà hàng nước gần cơ quan 17 Trần Quốc Toản bật thốt lên như vô thức: Ông lão ơi, quên g...ậ... ậy!. Khổ, thấy bác khách già chuệnh choạng đứng dậy bước ra mép đường, bà cụ mới hốt hoảng réo với, chứ bản thân nhà thơ, người cựu chiến binh già kia đã bao giờ phải dùng đến gậy chống đâu. Mặc dù dáng vóc liêu xiêu, bước đi thậm thững, nhưng xin khẳng định: Trần Quốc Thực chưa bao giờ ngã. Và nếu như ai đó, nhất là mấy cô gái táo tợn sồn sồn có cậy sức cậy vóc, ỉ eo bắt nạt anh về các khoản, thì nhất định họ sẽ phải sớm nhận ra sự nhầm lẫn tai hại. Vâng, bạn Thực (theo cách gọi của các cô) chắc chắn sẽ thủng thẳng nhả ra vài chữ làm ai có mặt cũng phải lè lưỡi, đỏ mặt. Nhưng ngoài những lúc kiên cường hay lóe sáng kiểu ấy, Nhà thơ quê Phủ Lý - Hà Nam của chúng tôi luôn nằm trong danh mục những mối lo thường trực của cơ quan về mặt sức khỏe. Anh lục quyển sách của một cộng tác viên từ trên giá xuống cũng phải mất mười phút. Anh leo cầu thang lên tầng 3 Ban Thơ thì phải nghỉ 3 chặng. Anh móc túi lấy gói xôi ăn sáng thì cũng phải cầm trên tay đến... tàn điếu thuốc, như một nghi thức linh thiêng đang chờ ứng nghiệm. Tôi không biết những câu thơ thảng thốt đến với anh thì chúng lóe lên theo cách gì, chứ với nhịp điệu và phong cách sống quệt quạc (chữ của anh trong bài Tháp Cúc) kiểu ấy thì Trần Quốc Thực còn quay chậm hơn cả những con lười trên tivi.

      Cuộc sống và con người sinh học của anh thì như vậy. Nhưng trong thơ thì có khác, thậm chí là rất khác, dư ba và thật nhiều dấu vết.
      Trong bài Vô đề, viết về mẹ, Nhà thơ Trần Quốc Thực có những câu thật cảm động:
     
Đi một trưa hè, con thương mẹ
      chợ Bầu, sông Đáy nắng nôi
      phấn trắng mẹ phơi sườn sông vắng
      tóc trắng mẹ phơi dưới trời

      Người đọc không thể chỉ bị ám ảnh bởi cái nắng nôi đầy cực nhọc, cô quạnh giữa trưa hè, sông vắng, mà còn phải thảng thốt giật mình cùng anh với hình ảnh tóc trắng của mẹ, mà lại là thứ tóc trắng phơi dưới trời. Vâng, động tính từ phơi được xác lập hai lần, trong tương quan đối tượng - chủ thể gay gắt, đẩy cảm nhận về Mẹ dâng cao, với sự hy sinh thầm lặng nỗi niềm rất riêng. Sông Đáy, chợ Bầu ở đây chỉ là những địa danh cụ thể, tạo bối cảnh xác tín cho cơn lũ tình cảm. Nhưng mỗi xăngtimet không gian hiu hắt ấy cũng hàm nghĩa một bước lẵng nhẵng theo sát bóng mẹ của Nhà thơ. Nếu đổi những chiều kích cụ thể ấy bằng những rộng dài ước lệ, nhất định hiệu quả thấm tháp của tâm tư người con sẽ suy giảm đi nhiều. Và đây là một trong những thủ pháp sở trường và đầy xác quyết của Trần Quốc Thực.
      Trong bài Tặng, anh viết cho ý trung nhân mà như thể buông một nét nhạc réo rắt:
    
  nhắm mắt mang mang cúc
      khuôn mặt có vầng sáng đến tuyết cũng không sánh nổi

      Câu trên khởi nguồn la đà, miên viễn, tưởng như sẽ dẫn con người vào cõi liêu trai ảm đạm xấp xóa. Nhưng không, đến câu dưới, nhà thơ như tự lượng sức mình, chỉ níu bám lấy vầng sáng thần thánh nơi khuôn mặt người yêu, để rồi hạ cánh bằng phép so sánh hiện thực đời thường, tạo cảm giác bàng hoàng. Hình như thi nhân biết rõ, nếu cứ mang mang mãi, anh sẽ sớm bị dẫn dắt đến chốn phiêu bồng, giống như những Bùi Giáng, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên lừng danh, nhưng có sẵn. Sự dừng lại của anh không phải để vô nghĩa, bỏ cuộc. Trần Quốc Thực dừng lại để trở về với gánh nặng tri âm đủ đầy cho người mộng, cho thơ, và cho bản thân anh.

      Trong bài Cho con, anh viết câu thơ tẩn mẩn như văn xuôi, nhưng dào dạt thắm thiết một thứ tình thơ từ bản thể:
      những chiếu chăn quần áo phơi giăng giăng, cái bếp lò buổi chiều bố nhóm, chậu nước ngải cứu buổi tối cả nhà ngâm chân, bàn chân con bé tẹo đỏ hồng chen huých chân bố mẹ
      Dĩ nhiên, cuộc sống ngổn ngang thì không phải chỉ riêng anh mới thấy. Kể cả cái chi tiết thánh thiện như nhãn tự là đôi bàn chân xinh xắn nghịch ngợm rất đỗi đáng yêu kia nữa, văn xuôi cũng có thể phát hiện. Nhưng cái cách hiện thực cứ bị đẩy dần lên, đẩy mãi lên... rồi bỗng hẫng hụt xuyên thấm trĩu nặng:
      bố có về với con không?
      thì rất Trần Quốc Thực, đến mức dường như là đặc sản Trần Quốc Thực.
      Viết về con, cho con, Trần Quốc Thực còn có những câu khác, bài khác cũng đầy những dự cảm bổi hổi như thế. Ví dụ bài Sân trường nghiêng:
      bố lặng lẽ đến trường con học để được nhìn con từ rất xa, nhìn con rất gần, rồi bố gọi
      con ào đến bố một lúc rồi chạy ra chơi với bạn bè
      con chơi với sân trường. Cái sân trường cứ nghiêng nghiêng thế nào ấy trong mắt bố

      Rõ ràng việc đẩy hình tượng cái sân trường đến chỗ nghiêng nghiêng, dù là cảm giác có thật, vẫn là một cố gắng vượt sức của Trần Quốc Thực. Phải hiểu là anh không quen (và không thích) lên gân với chữ, nên hơi lúng túng, nên nó mới thế nào ấy. Nhưng đến câu sau thì ta hoàn toàn có thể hiểu được: Sân trường cứ nghiêng nghiêng mà bố không dám hỏi vì sao. Vâng, anh không dám hỏi, vì đó là cuộc giằng giật giữa lý trí và cảm xúc thơ, là chỗ anh biết rõ mình sẽ thất bại nếu cố tìm biết cái điều không nên biết, nên đành chỉ dừng lại để lấy sức mà yêu con, thương mình mà thôi. Vâng, hình như sự dừng lại, nếu đúng chỗ, cũng là một cống hiến cho thơ.

      Viết về bè bạn, Trần Quốc Thực vẫn chiu chắt và thấm tháp như thế. Ví dụ trong bài Trăng Hoàng Hữu, thi sĩ trải lòng mình hao khuyết cùng người quá cố:
     
trăng thượng du một mảnh giát ngang trời
      một mảnh đậu trên nóc nhà hoàng hữu
      thắm đau bạn bầu màu xanh xa xăm

      Ta có thể nghe thấy rõ một tiếng thở dài, cả từ hai âm bồi tên Hoàng Hữu (mà phải là không viết hoa!) đặt cuối câu, đến những điệp âm lấp láy đau bạn bầu, xanh xa xăm, thả con thuyền thơ chơi vơi. Cái chất rơi rụng, tiêu sơ... chẳng những dâng đầy qua nội hàm nghĩa chữ, mà còn chập chờn ẩn hiện từ ngay một sự dụng công tạo bóng hài thanh. Thủ pháp ấy cả đời Trần Quốc Thực không nói ra, nhưng qua câu chữ, anh tỏ rõ một tâm huyết luyện ngọc. Một thứ ngọc của tâm sự, duy ngã, tự giác nhưng rất vô ngôn.

      Cố Nhà thơ Ngô Quân Miện phát hiện ra thơ Trần Quốc Thực thầm thĩ tâm tình, tự do hiện đại không lệ thuộc vào số âm tiết và vần, có phần gần với văn xuôi mà vẫn có nhạc điệu, và chủ yếu không viết hoa đầu dòng, cũng ít khi chấm câu, đôi khi có những dấu phẩy hiếm hoi.
      Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha bảo, thơ Trần Quốc Thực Trong vang và thảng thốt... lặng lẽ xâm chiếm tâm hồn ta bằng kinh nghiệm sống.
      Nhà thơ Thanh Thảo lấy làm tiếc rằng, Trần Quốc Thực chỉ đến khi chết mới được nhìn nhận là thơ hay.
      Nhà văn Văn Chinh thì nhận thấy: thơ Thực cất giấu nhiều mảnh vỡ cuộc đời anh, đến nỗi tôi không dám viết lời bình.

      Còn tôi thì nhận thấy một điều rất rõ: Trần Quốc Thực chủ động viết thơ thuần Việt. Câu chữ trong thi pháp anh không muốn dính líu đến bất cứ thành quả du nhập nào, kể cả kho từ vựng Hán-Việt vốn đã ngạo nghễ xác lập vị thế nghiêm đường trong không gian văn hóa xứ ta từ cả mấy ngàn năm nay.
      Có rất nhiều, thậm chí tuyệt đại đa số, những câu thơ của anh là những mẫu lời ăn tiếng nói dung dị, khẩu ngữ trong đời thường, nhưng không hề tầm thường. Bởi vì chúng la đà, cặm cụi, mà anh lại biết đặt chúng vào những bối cảnh, văn cảnh đặc trưng rất cá nhân. Ví dụ:
      em lại dụi đầu vào bạn gái ngồi bên
      mà tóc dày lắm
      xõa che
      anh có cảm giác ngủ trong đó được
      Không có gì cao xa, chẳng kênh kiệu hay đài các lộng lẫy, mà vẫn ngọt lịm duy mỹ đến từng chi tiết.
      Hay câu thốt lên này của anh (sau khi mô tả cảm giác về một người con gái) mới thật xác đáng đến giản dị:
      sao lại có người lạ thế trên đời
      Lắm lúc tôi cứ muốn tự hỏi: Thơ mà thế ư? Nhưng càng đọc anh, tôi càng hiểu: Thơ có dung lượng cực kỳ lớn. Với bốn tập thơ mỏng manh nhưng tinh tế (và cả một đời hành đạo thơ trật trầy, khốn khó nữa), Trần Quốc Thực đúng nghĩa là người góp phần mở rộng dung lượng thơ cho đời và cho văn học Việt Nam. 
    12.2008
Nguồn: lethieunhon.com
 

Cập nhật ( 18/12/2008 )