Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết: “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” của tác giả Trần Ngọc Dương vào thời gian rảnh rỗi của những phiên trực đêm. Là một bác sĩ, việc viết bài bầy tỏ quan điểm của mình về một tác phẩm văn học đối với tôi chẳng dễ dàng gì. Song khi xem xong tác phẩm, tôi thấy mình cần phải ghi lại những cảm nhận về cuốn tiểu thuyết. Nhất là khi được đọc vài bài phê bình của một số nhà văn được đăng tải trên các báo và trên các trang mạng. Đã đành, trình độ hiểu biết và cảm nhận của người đọc rất khác nhau, khi viết bài phê bình về một tác phẩm, tác giả chỉ bầy tỏ quan điểm của riêng mình. Song thú thật, tôi thấy hơi buồn vì những người viết đã không hề đả động đến các nhân vật hành nghề Y trong cuốn tiểu thuyết: “Ngôi nhà có giàn hoa giấy”.
Trong phạm vi bài này, tôi cũng không dám có ý kiến về mức độ đúng sai, khen chê của các bài phê bình đã đăng, mà chỉ mạnh dạn nêu cảm nhận của riêng mình về những nhân vật mà tôi yêu quí. Nếu im lặng, tôi cảm thấy có lỗi với tác giả Trần Ngọc Dương - người đã giành nhiều tâm huyết, truyền tải tới cuộc sống một thông điệp đặc biệt, thấm đẫm tình người khi viết về những người thầy thuốc. Trong khi vào thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nói nhiều về thói hư tật xấu của ngành Y, rất hiếm tìm thấy những bài viết có thiện cảm. Là người trong cuộc, nhiều lúc tôi cũng thấy “sợ” cho cái nghề mà mình đang theo đuổi.
Tôi được một bệnh nhân cho mượn cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy”. Khi trao nó, bệnh nhân ấy có hỏi tôi: “Tác phẩm này đã đề cập đến lời thề Hippocrates*. Khi học trong trường, bác sĩ có được biết lời thề này không? Nó gồm bao nhiêu điều? Lúc đọc cuốn tiểu thuyết này, tôi thấy hình như tác giả chỉ lược trích ra một số điều cơ bản...”
Tôi phải thú thật với bác: mình chỉ biết chứ không được học cặn kẽ lời thề trên. Và tôi đã hứa sẽ trả lời bác và cuốn sách khi đọc xong.
Trong tiểu thuyết: “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” những trang viết về người thầy thuốc không nhiều. Nhưng đọc xong, tôi cảm nhận được cái tâm của những người thầy thuốc.
Ngay từ chương đầu tiên, phương châm: cứu người và giúp đời đã được bác sĩ Vân - người thầy thuốc tốt nghiệp Đại học Y ở Sài Gòn trước 30/4/1975 - tuân thủ triệt để. Ngay từ khi bắt đầu đặt bước chân trên con đường hành nghề, bác sĩ Vân đã chọn cho mình nguyên tắc: “...Coi nghề Thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại**...”
Những người đã được bác sĩ Vân cứu chữa trong dịp Mậu Thân 1968 đủ các thành phần của hai phía. Từ anh lính giải phóng như Thanh cho đến Giêm - một người Mỹ bị thương khi lạc đường và: “...không biết mình dính mảnh đạn của phe nào nữa...”
Tất cả những người bị thương mà bác sĩ Vân bắt gặp, đều trở thành bệnh nhân của bà. Khi người bệnh thoát khỏi cơn nguy kịch, bà lại tìm đủ mọi cách đưa họ trở về môi trường có lợi quen thuộc.
Bà “...lấy bộ quần áo lính Cộng hòa của con trai cho Thanh mặc...” dùng xe nhà đưa anh ra vùng giải phóng. Và để Giêm ở lại phòng đọc sách của gia đình, chờ tình hình lắng dịu mới chuyển anh cho lực lượng quân cảnh của quân đội Mỹ...
Số lượng người của hai bên được bà điều trị nhiều đến nỗi không nhớ nổi. Nếu tính riêng về phía Giải phóng vào dịp ấy, qua cách tính nhẩm của Trung tá Sáu Bình : “...Ngoài tay Thanh Sư trưởng ra, bà Vân còn cứu chữa cho khoảng một tá cán bộ cấp cỡ, trong đó có cả một lão Ủy viên trung ương. Đấy là mãi sau giải phóng, lúc công việc ở thành phố đã hòm hòm, các lão ấy mới tìm về. Còn những thằng chưa tìm thấy, hoặc không bao giờ có thể về được nữa thì làm sao mà tính nổi...”
Dạo đó bác sĩ Vân cũng sợ, khi phải điều trị cho quá nhiều người ở cả hai bên. Dù lo sợ, nhưng ai bị thương cũng được bà cứu chữa tận tình, bằng tất cả khả năng mà mình có.
Cũng may cho bà trong những ngày ấy: “...không bị bên nào phát hiện ra cả...” Vì nếu bị phát hiện: “... phía Quốc gia mà bắt được, tòa án binh chắc chắn sẽ bỏ tù bà vì tội: Che giấu cộng sản! Còn đàng Giải phóng nếu biết rõ mọi việc bà làm, cái tội đứng ra giúp đỡ kẻ thù của nhân dân làm sao mà thoát khỏi...” Vậy mà bà vẫn âm thầm thực hiện theo lương tâm của người thầy thuốc. Cho dù bà biết rất rõ: Mình và những người thân trong gia đình đang bị mắc kẹt giữa hai làn đạn.
Thú thực, tôi thấy xấu hổ khi đọc đến đoạn nói về một buồng bệnh ở Quân y viện Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975. Tôi cố tìm câu trả lời cho việc làm của các thầy thuốc phía Giải phóng - những người tiếp quản bệnh viện trên. Đã đành vào lúc giao thời, để quản lý hiệu quả bệnh viện, họ phải đưa ra phương án: “...chuyển toàn bộ số phế binh ngụy ra khỏi bệnh viện. Tuyệt đối không để thương binh của ta nằm lẫn với lính Ngụy...”
Trong căn buồng bệnh toàn là người bị thương ở chân không tự đi lại được ấy, có người lính Ngụy gia đình ở mãi miền tây chưa kịp lên, phải nằm lại chờ người thân tới đón. Vậy mà anh ta lại bị những người thầy thuốc tiếp quản bệnh viện cắt hết tất cả mọi tiêu chuẩn. Từ bữa ăn cho đến thuốc điều trị hàng ngày!?
Cũng may, anh ta được Minh và những người lính giải phóng cùng phòng điều trị san sẻ cho khẩu phần ăn ít ỏi của mình, để: “...Mừng chiến tranh chấm dứt, đất nước yên bình... vì chúng mình là người Việt Nam, đều máu đỏ da vàng...” Còn cô Mai - Bác sĩ thực tập - “...bỏ tiền túi ra mua thuốc điều trị cho thời gian người phế binh ngụy phải lưu lại Quân y viện Cộng Hòa...”
Làm việc tốt, nhưng Mai cũng phải bí mật vì sợ: “... thượng cấp quở trách vì vi phạm chế độ dinh dưỡng của bệnh viện...tự tiện bớt xén khẩu phần ăn của Thương binh... Làm trái lệnh của Ủy ban quân quản...” Mai chỉ an tâm khi được Minh khẳng định: “Bác sĩ không phải lo! Tôi sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm về việc này ... Đây là tiêu chuẩn của tôi, không ai có quyền ngăn cản...”
Nếu như khi ta bắt gặp ai đó trong cảnh khốn cùng đang cầm sự giúp đỡ, mà nhắm mắt làm ngơ thì ta còn xấu xa hơn cả những kẻ đã gây ra tội ác.
Tôi đã cố tìm lý do biện minh cho cách cư sử của những người làm nhiệm vụ quân quản ở bệnh viện lúc bấy giờ. Nào là: Họ chỉ thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của cấp trên... Do quá ít người mà phải tiếp quản cả một bệnh viện của quân đội Ngụy lớn nhất Sài Gòn... Số bác sĩ của chế độ cũ, phần di tản, phần phải đi học tập, số còn lại sợ bị cách mạng trả thù đang lẩn trốn... Để duy trì sự hoạt động của bệnh viện, họ đã phải dùng đến cả số sinh viên ngành Y những năm cuối... Nên phần nào quán xuyến không hết mọi công việc v.v...
Nhưng bà Vân, cô Mai chỉ nhớ lại được những việc họ đã làm, khi nghe những người trong cuộc nhiều năm sau tìm kể lại. Bà Vân đã thẳng thừng từ chối số tài sản khổng lồ, theo di chúc của cha Giêm “...để trả ơn cho người đã cứu giúp đứa con độc nhất của dòng họ...” Khi Giêm ngỏ lời đề xuất: “Hay mình dùng số tiền này, xây một bệnh viện từ thiện cho má đứng ra làm chủ...” Bà Vân cũng không nhận với lý do: “...Tao già rồi...” Bà lắc đầu cho dù Giêm viện lý do: “...nó vẫn theo đúng lời thề Hippocrates...” Bà chỉ đồng ý triển khai phương án, khi tìm được người có tâm có tầm giúp bà đảm đương được trọng trách.
Còn người phế binh Ngụy ngày ấy đã chắp tay vái Minh: “...Tôi tri ân cách mạng, cám ơn anh em giải phóng. Tổ tiên phù hộ cho tôi được nằm cùng phòng với các anh. Ơn này sống để dạ, chết tôi sẽ truyền lại cho con cháu. Tôi...ôi...” Để rồi nhiều năm sau, những người thân quen trong dòng tộc của anh cũng đều cháy bỏng một ước mong: “...muốn biết mặt anh Hai Bắc... biết mặt những ân nhân, đã không phân biệt đối xử gì...”
Phải chăng, sự hòa hợp dân tộc bắt nguồn từ những việc làm đơn giản nhất, như việc san sẻ khẩu phần ăn của những người thương binh phía Giải phóng ngày ấy? Từ việc làm giầu lòng nhân ái của Mai - người bác sĩ thực tập?
Vẫn biết cho dù tất cả những người thầy thuốc có đức và tài giỏi đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng chẳng bao giờ chữa khỏi cho toàn bộ số bệnh nhân. Nhưng phần đông những người hành nghề Y trong tiểu thuyết: “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” không bao giờ từ chối những ai cần giúp đỡ bằng cả cái tâm của mình.
Cách xử sự thấm đẫm tình người của họ ngày xưa, khiến tôi hôm nay phải xem lại hành vi của mình trong công việc hàng ngày.
Trong cuộc đời của mỗi con người, gặp gỡ chia ly là chuyện thường tình. Nhưng phải chăng, lúc gặp lại ta sẽ: “...tìm lại được sự bằng an cho tâm hồn mình...” nếu có những kỷ niệm êm đẹp của một thời đã qua.
Và phải chăng, cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” muốn truyền đi thông điệp về tình người trong cuộc đời còn đầy rẫy những khổ đau này.
Bích Hằng