Ngày đại lễ cấp Quốc gia Kỷ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du và thế giới tôn vinh ông là Danh nhân văn hóa được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh vào đầu tháng 12 vừa qua đã để lại những dư âm buồn- mà bao trùm là sự cay đắng, thất vọng ở đông đảo người dân dù được tham dự tại chỗ hay xem qua Truyền hình trực tiếp...
1. Phần Lễ : những bài diễn văn được viết sẵn cho các lãnh đạo từ TW tới địa phương đọc đã gây phản cảm không ít cho mọi người. Vị nào cũng cố trình bày cho thật đầy đủ thân thế, sự nghiệp của đại thi hào, với một giọng đọc nếu không nhát ngừng thì cũng gợi cho người nghe cảm giác về một sự gượng gạo, vô cảm, miễn là đọc cho hết "suất"- và nhất là có những cách diễn đạt xách mé, vô văn hóa, ví như: "Bố của Nguyễn Du là ông Nguyễn Nghiễm", v.v. Trong khi đó, bài diễn văn của bà đại diện cho UNESCO lại đầy cảm xúc chân thành, tươi mới, với sự đánh giá khách quan và công bằng về đại thi hào dân tộc Việt Nam, có thể nói là một điểm sáng chói duy nhất trong Lễ Hội trang nghiêm trọng đại này!
2. Phần Hội, qua một chương trình biểu diễn hoành tráng với hàng trăm diễn viên- có thể nói là một sự thất bại thảm hại chưa từng có trong lịch sử các cuộc biểu diễn nghệ thuật ngoài trời ở nước ta! Chúng tôi không rõ tác giả kịch bản là ai, đạo diễn chương trình là ai, mà để những lời dẫn ngô ngọng, thiếu căn cốt học thuật tối thiểu như thế này: "Sáng tác của Nguyễn Du đã vượt lên giá trị văn học để vươn tới giá trị văn hóa..." Thế cả một Ban duyệt chương trình đi đâu hết, hay cũng có xem duyệt nhưng quá bận bịu nên bỏ sót, hay cũng đồng tình với kiểu nói lấy được như thế? Còn các màn múa may qua 6 suốt chương, thì than ôi, nhiều người lắc đầu bảo: "Chẳng khác gì món tạp kỹ, tả pí lù!" Người xem muốn được lắng vào vẻ đẹp của Truyện Kiều và tâm hồn đại thi hào qua những câu ngâm Kiều, ru Kiều, lẩy Kiều, Trò Kiều, mà ánh sáng và vũ điệu sẽ chắp cánh cho cái hay của Thơ Kiều, thì ở đây gặp toàn những màn minh họa dở Tây dở Tàu và những hợp âm điện tử ngang phè phè đến chối tai! Có người còn bình luận: cả một chương trình tốn kém mấy tỷ bạc đó xem còn ra thua xa mấy màn Trò Kiều của các em học sinh và các anh chị nông dân ở Nghi Xuân!
Lúc đầu, trên khán đài đông nghịt người, lực lượng bảo vệ đã phải rất vất vả ngăn cản người không có giấy mời, thẻ đại biểu vào... Song, chỉ nửa buổi biểu diễn, người xem đã lục tục ra về mỗi lúc một đông trước sự nhún vai bất lực của các chiến sĩ công an, nhân viên bảo vệ! Di sản lớn lao và uy tín rộng khắp của đại thi hào dân tộc đã không giữ chân nổi khán giả một khi họ đã bị những người nhân danh Cụ để tạo ra một thứ sản phẩm còn lâu mới đáng được gọi là văn hóa- nghệ thuật!
Đành phải chờ đợi thôi, ít nhất là tới 5 năm sau- nhân ngày Kỵ của đại thi hào, người dân Hà Tĩnh nói riêng và người dân VN nói chung may ra mới được hưởng một Đại lễ tương xứng với Danh nhân văn hóa Nguyễn Du !
Hoàng Văn