Thấy thiên hạ rộn rịp Ngày Nhà giáo 20/11, mới giật mình, hóa ra mình làm nghề dạy học đã 55 năm! Vào nghề tháng 8/1959, nhưng thôi, lấy năm 1960 cho nó tròn trịa 55 năm.
Hồi năm 1960 – 1965 ở những vùng nông thôn mới có trường cấp 2, nhiều HS lớn tuổi 20 - 25 ngang với thầy giáo. Có cậu đã có vợ con, có nhiều cô đang học thì “xin phép” đi lấy chồng… Nhưng mà thời đó thầy như linh mục, trò như con chiên… Những kỷ niệm về tình thầy trò vẫn đẹp mãi đến bây giờ. Nghĩ cũng ghê, năm học 1961- 1962, mình mới 24 tuổi dám làm Hiệu trường cấp 2 Thái Tân, Nam Sách…
Năm ngoái về nơi dạy học xưa, học trò những năm 1960 vẫn nhận ra, toàn các cụ, tay bắt mặt mừng. Có một cậu làm lễ mừng thọ 80, mình bảo: cậu này 2 lần ăn gian, dạo ấy học lớp 6 cậu đã có vợ con, cậu bảo em phải khai tăng tuổi lấy vợ, cho bố mẹ vui lòng… Lúc ấy cậu còn kém tôi một tuổi, vậy mà bây giờ đã lên lão 80? Rõ là thằng ăn gian 2 lần nhé! Cậu ta cười rung cả chòm râu bạc, nhe hết hàm răng rụng gần nửa, bảo: Nhà quê chúng em nó thế. Thầy thông cảm!... Chuyện có thế mà cảm động, mà vui vui mãi...
Thế rồi năm 1966 mình được cử đi học đại học; rồi về Viện Khoa học GD, cũng vẫn dạy những chuyeen đề bồi dưỡng giáo viên. Sau đó vẫn tham gia bồi dưỡng giáo viên và đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ. Bây giờ vẫn dạy, chắc là lúc nào không giảng dạy được nữa thì mới thôi.
Nhìn lại thấy hài lòng với nghề, chứ đâu dám hãnh diện, vì so với những cô giáo chui trong túi ni-lông vượt qua sông để dạy học, hay những thầy cô mấy chục năm cắm bản, Tết không có tiền về thăm quê, thì đã thấm gì. Lại thấy Thầy Phạm Toàn, Thầy Hồ Ngọc Đại …, ngoài 80 càng yêu nghề, yêu trẻ vẫn xoay trần soạn sách và dạy mẫu cho GV Tiểu học, thì đâu dám nghĩ mình đã già!
Ai muốn làm giàu đừng chọn nghề thầy giáo, mà hãy làm kinh doanh. Ở đâu, thời nào cũng vậy thôi, thầy giáo chỉ sống ở bậc trung lưu của xã hội, nhưng có một hoạt động tinh thần phong phú, tự do, đời sống an lành, được học trò và xã hội tôn trọng… Mình cũng chả thích câu của ông Phạm Văn Đồng: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” (?). Chẳng có nghề cao quý, mà ở nghề nào cũng có những con người cao quý và kẻ thấp hèn, đội lốt nghề nghiệp…
Nghề giáo có một đặc thù là làm việc với con người, đem lại cho con người những điều mới mẻ, bổ ích, lý thú; giúp cho con người phát triển cao hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn… Để làm được điều đó, người GV phải không ngừng tự học hỏi, không ngừng làm mới mình, và phải có tình yêu bền bỉ với công việc, thực sự yêu mến và tôn trong người học; gửi gấm niềm tin và hy vọng vào học trò… Lấy đó làm hạnh phúc. Những người coi thường, ác cảm với trẻ em và không yêu công việc dạy dỗ, chăm sóc trẻ em thì nên chuyển nghề khác càng sớm càng tốt! Ông Lê Duẩn có một câu nói chí lý: “Người GV càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”. Nghề thầy giáo ở ta lương không đủ sống, nên nhiều khi phải nhận những đồng tiền chi thêm của trò, cũng là bất đắc dĩ. Nhưng nếu để đồng tiền trên tình yêu và lẽ công bằng đối với học sinh, thì những giá trị mà xã hội tôn vinh nghề thầy giáo, sẽ dần bị tha hóa.
Tình cờ, thỉnh thoảng mình được biết có học trò vào đến UVTW đảng, có anh là Thiếu tướng, có anh làm Tổng giám đốc…(cũng hưu cả rồi). Mình cũng thấy đó là bình thường, và thú thực cũng chẳng nhớ những ấn tượng mấy anh này hồi còn là học sinh. Nhưng lại nhớ nhất mấy học sinh “cá biệt” tinh quái, phải khổ vì nó và mấy anh học giỏi nhưng con nhà “thành phần”, chịu thiệt thòi … Còn mấy anh, chị học trò hay qua lại thăm nhau thì đã thành bạn bè tri kỷ.
Mình có may mắn, không dính dáng gì đến những danh hiệu nọ kia. Nhưng mỗi lần dạy xong một chuyên đề, thấy người học thích thú và thu được những điều mới mẻ là thấy sung sướng rồi. Hôm nọ có cô lớp trưởng lớp cao học phát biểu: Thay mặt lớp em bày tỏ lòng biết ơn thầy, vì môn học của thầy hấp dẫn quá, mấy ngày học qua đi nhanh quá, chúng em lĩnh hội được nhiều điều mới mẻ cả ở trong giáo trình và ngoài giáo trình. Thầy già rồi, giá thầy còn trẻ thì … chúng em không tha cho thầy đâu! Kia, cái cô mặc váy màu xanh cánh trả xinh tươi, đứng bên thầy trong ảnh, dám đùa tếu thế đấy!
Nghe câu đó mình sướng hơn được phong nhà giáo “yêu tí”, à quên “Ưu tú”!
Mà 20/11 năm nay sao có nhiều học trò gửi ảnh đến. Thì đưa lên mấy tấm hình khoe với bà con cho zui.
18/11/2015
Mạc Văn Trang