Đề án phát triển văn hóa đọc với tiền ngân sách đầu tư 230 tỉ đồng đang được đưa ra lấy ý kiến và nhiều đại biểu cho rằng nó khó thành công nếu không bắt đầu từ những thói quen đọc trong cộng đồng.
“Mục tiêu chung của chúng ta là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng nhằm hình thành thói quen và phát triển nhu cầu đọc của mọi tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh phong trào đọc trong xã hội, xây dựng thế hệ đọc tương lai, chú trọng tầng lớp thanh, thiếu niên”, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH-TT-DL nói. Đây là mục tiêu được công bố tại hội thảo góp ý dự thảo đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015 - 2020, định hướng 2030” tổ chức tại Hà Nội hôm qua 28.7.
Theo dự kiến, kinh phí thực hiện đề án (giai đoạn 2015 - 2020) từ ngân sách nhà nước khoảng 230 tỉ đồng (vốn sự nghiệp), được chi cho các hoạt động: tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc (15 tỉ đồng); cung cấp tài liệu hướng dẫn phương pháp đọc sách và khai thác thông tin cho giáo viên, cán bộ thư viện (20 tỉ đồng); trang bị ô tô lưu động cho các thư viện công cộng cấp tỉnh (25 tỉ đồng); thư viện huyện nông thôn và miền núi (60 tỉ đồng); đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thư viện, biên tập, xuất bản, in, phát hành (30 tỉ đồng); xây dựng bộ sưu tập số quốc gia và sách số cho nông thôn (30 tỉ đồng) và kinh phí quản lý thực hiện đề án là 15 tỉ đồng.
Theo TS Nguyễn Ngọc Minh, Khoa Văn ĐH Sư phạm Hà Nội, điều quan trọng nhất của dự án là đã đưa vào vấn đề giáo dục thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. “Thói quen này các em vốn không có”, bà nói và cho rằng nguyên do có phần cha mẹ thấy việc đọc sách không giúp gì cho thi cử nên hạn chế con đọc, dù “thực tế trẻ chăm đọc sách thì học trên lớp rất dễ”.
Ông Nguyễn Quang Thạch, người thực hiện chương trình sách hóa nông thôn để nông thôn có sách đọc suốt 7 năm nay, có cùng nhận định. “Chính cha mẹ, thầy cô giáo lại ngăn cản việc đọc sách. Và nói thẳng ra 40 năm nay hệ thống thư viện nông thôn gần như không hoạt động”, ông Thạch nói.
“Dụ” phụ huynh để trẻ đọc sách
Cũng theo nhiều đại biểu tại hội thảo, việc nhân lên thói quen đọc sách là điều khó khăn. Bởi hệ thống thư viện nhiều khi phụ thuộc vào các sở VH-TT-DL, nhiều khi hoạt động rất gò bó. “Chúng ta chưa thực sự chuyên nghiệp khi phục vụ. Đáng lẽ thư viện phải tìm cách hút người đọc đến”, một đại biểu của ngành xuất bản cho biết.
Trong khi các thư viện lớn chưa tiếp cận tốt với người đọc thì các tiểu dự án lại cho thấy tính linh hoạt mềm dẻo của mình. Dự án của bà Nguyễn Ngọc Minh hiện đang chạy ở nhiều địa điểm. Trong đó, có những tủ sách chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng, sau đó những người đến đọc sẽ góp sách. Các tình nguyện viên là sinh viên khoa văn sẽ hướng dẫn các em nhỏ đọc sách sao cho hiệu quả và hào hứng. “Chúng tôi đi mượn chỗ. Chúng tôi có tình nguyện viên. Và khi bố mẹ các em thấy đọc sách quan trọng, việc đọc sách sẽ bền vững”, bà Minh cho biết.
Song điều thành công nhất của bà Minh lại là các phương pháp gợi mở giúp trẻ đọc sách. Tại những lớp học đọc sách, các em được cùng nhau đọc, cùng nhau trò truyện về những tác phẩm kinh điển mình đọc. “Các em có thể đọc những tác phẩm như Hoàng tử bé, Tiếng gọi nơi hoang dã từ khi mới học lớp 3. Các em sẽ cảm nhận văn hay và có quan điểm về đời sống khi đọc sách”, bà Minh nói và cho rằng “Quan trọng với học sinh thành phố là dụ các em đọc, chứ sách không thiếu”.
Trong khi đó, dự án đọc sách của ông Thạch lại là chống thiếu. Ông chia sẻ khi về nông thôn, ông hỏi lũ trẻ: “Có ai biết Yết Kiêu, Dã Tượng là ai không?”, chúng nhao nhao nói “không, không” rồi với lấy cuốn sách về hai danh tướng này. Cuốn sách thứ hai Những tấm lòng cao cả cũng vậy. “Có đứa nhét sách vào bụng, dưới áo để có cảm giác sở hữu. Khi đưa sách về nông thôn, bọn trẻ rất háo hức. Vì trước đó chúng chưa bao giờ có sách. Khát sách ở nông thôn là vô cùng khát”, ông Thạch nói và cho biết đã 7 năm nay ông xin tiền, vận động các dòng họ ở nông thôn lập tủ sách. Không chỉ trẻ em đọc, người lớn cũng đọc. Tuy nhiên, trẻ em đọc nhiều hơn người lớn.
Ông Thạch lưu ý việc lập tủ sách nên cân đối sao cho phù hợp. Chẳng hạn, với trẻ em nên có những sách văn học như Những tấm lòng cao cả, Túp lều bác Tôm, Không gia đình, Robinson Cruiso... Những cuốn như thế này có tỷ lệ độ 70% là phù hợp. Còn lại 30% sách trẻ em nên là khoa học, lịch sử, tiếng Anh. “Còn với người lớn là sách nông nghiệp và y học thường thức, rồi sách đạo đức và pháp luật, sách nấu ăn. Đó là một con đường nâng cao chất lượng sống”, ông Thạch nói.
Các mô hình tủ sách, theo ông Thạch, cần phải linh hoạt, chạy thẳng vào người dân chứ đừng hành chính hóa như các thư viện hiện nay - chỉ hoạt động trong giờ hành chính, khi trẻ em đi học, người lớn đi làm.
Trong số nhiều mô hình tủ sách ông Thạch đã làm, ông cho rằng then chốt là tủ sách phụ huynh, đặt ngay tại lớp học. Nó do phụ huynh đóng góp và gần các em. Với việc cùng đọc, cùng trao đổi, sẽ có một “bầu khí quyển sách” hình thành. Ở Thái Bình, sau khi có mô hình tủ sách trường học này, học sinh đã đọc trung bình 30 cuốn/năm. Con số này ở Hà Nội cũng chưa đạt được.