Đó là tập “Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ” (Nxb Văn học, 2009), và “Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ” (Nxb Hội Nhà văn, 2015), có thể coi là tập I và tập II vì cùng có chung một nội dung và một thể thức biên soạn. Trần Minh Hà và Trần Nhuận Vinh đã rất công phu và nghiêm túc, sưu tầm các bài viết về thơ Trần Nhuận Minh đã in sách, đăng báo trong nhiều năm qua, tập hợp lại trong 2 tập sách này, với tổng độ dày 756 trang, của khoảng 80 tác giả, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc như Huy Cận, Phong Lê, Mai Quốc Liên, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Trần Mạnh Hảo, Vũ Quần Phương, Xuân Cang, Ma Văn Kháng, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Trọng Tạo, Thái Doãn Hiểu, Vũ Văn Sĩ, Phạm Khải, Nguyễn Văn Quảng… và nhiều tác giả khác, cùng 5 nhà thơ, nhà văn, GS-TS nước ngoài, là Iuri Konhetxki, Châu Hồng Thủy ( Nga ), Nguyễn Đức Tùng ( Canada) và Phùng Trọng Bình, Dương Hạ Nguyệt ( Trung Quốc).
Đến nay, Trần Nhuận Minh đã được xuất bản 31 tác phẩm, bao gồm 17 tập thơ; 3 tập truyện vừa và tiểu thuyết, 1 tập tiểu luận, 1 tập Đối thoại văn chương và 9 tập biên khảo. Trong đó nhiều tác phẩm đã được tái bản từ 5 đến 22 lần. Một số thơ Trần Nhuận Minh cũng được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Giáo sư Phong Lê, trong một bài viết rất công phu: “Trần Nhuận Minh và ba lần định vị cho thơ”, đã chỉ ra rằng, Trần Nhuận Minh có 3 lần định vị cho thơ: lần thứ nhất là đến với giai cấp Công Nhân, lần thứ 2 là đến với Nhân Dân và lần thứ 3 là đến với Con Người. Nhà thơ Nga, Iuri Konhetxki, là người đầu tiên, từ năm 1992, đã cho rằng Trần Nhuận Minh là người học tập và kế thừa rất rõ rệt truyền thống hiện thực chủ nghĩa của thơ Đỗ Phủ và điều ấy được giáo sư Mai Quốc Liên và nhà thơ Vũ Quần Phương nói sâu sắc hơn, còn nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thì coi Trần Nhuận Minh là nhà thơ thế sự rất đặc sắc của thơ đương đại Việt Nam. Có thể nói, những ý kiến trên, đã có ảnh hưởng ít nhiều tới các bài viết khác và đặc biệt, tới các luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn về thơ Trần Nhuận Minh của các nghiên cứu sinh, được trích in trong 2 tập sách này.
Tôi rất thú vị với bài viết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Trần Nhuận Minh, người bay bằng chân”, khẳng định thơ Trần Nhuận Minh bay lên bằng đôi chân trần của sự thật, cũng là cái chân trong chân, thiện, mĩ của nghệ thuật. Cách viết của Trần Mạnh Hảo rất tinh xảo và tài hoa, rằng: cái thời em trai Trần Đăng Khoa đã nổi như thần đồng, thì “thi tứ” của Trần Nhuận Minh còn rất nghèo, phải đi nhặt vỏ bom Mỹ về làm thơ, hệt như người đi lượn ve chai thơ vậy. Thế rồi, khi tìm được con đường đi của mình, tức là nhận ra cái chân của thơ, của đời sống, Trần Nhuận Minh làm thơ hăng như cuốc đất. Ông (TNM) thả hồn lên trời như chim, hết làm mây gió lại làm trăng sao… Ông bỏ làng quê và giun dế cho người em ruột, để đánh đu với thiên hà, đi mà mò thơ trong vũ trụ như người mò tôm cá…Ông quyết đi bằng đôi chân trần mà “bay lên” tới tận cùng, “thăng hoa theo phép bay bằng chân của bút pháp hiện thực phương Đông”, và, ( ở một phương diện khác của bút pháp hiện thực nghiệt ngã của Trần Nhuận Minh), mà, nén không gian, sự thật và tâm trạng của người đời “vào các khe chữ cho đến lúc phải bật máu”…
Những tác phầm của Trần Nhuận Minh đề cập đến nhiều lĩnh vực nên có “quang phổ” rất rộng. Trong bài viết: “Bản Xônat hoang dã nhìn từ góc độ thiền học”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Sơn, lại đặt thơ Trần Nhuận Minh trong hệ quy chiếu của thiền học mà nhận ra lẽ phải trái, thị phi, yêu ghét, còn mất… , những quan niệm về vũ trụ, nhân sinh. Bằng ngọn đuốc thiền học chiếu sáng, Trần Nhuận Minh luôn chỉ ra, phân tích sự vật, hơn là khẳng định hay phê phán. Và khi đã đạt đến Đạo, thì:
Cõi trần gian
Chẳng có cái gì tươi đẹp hơn Cái Chết
Nếu tất cả mọi người từ thượng cổ
Đều sống cùng chúng ta
Thì thế giới này khủng khiếp đến nhường nào…
Vì thế, Trần Nhuận Minh cảm nhận được điều không dễ cảm nhận:
Những sung sướng…..
Không còn làm tôi sung sướng
Những đau khổ
Cũng không còn làm tôi đau khổ…
Nhà thơ Vũ Quần Phương qua bài “Khúc đàn bầu thân phận” đã rất thấm thía và sâu sắc khi đánh giá về Trần Nhuận Minh: “ Ông tỉnh táo và tin vào mắt mình, khi nhìn vào thực chất xã hội, khi theo dõi những số phận người. Không cố tình ca ngợi, cũng không có ý định phê phán, Trần Nhuận Minh chỉ muốn thể hiện đúng nhất, bản chất nhất, cái cuộc đời vốn có. Bút pháp hiện thực nghiêm ngặt, sâu sắc và hàm súc, đã giúp ông lưu giữ được cả tâm và sự của một giai đoạn giao thời khá nhiều nghịch cảnh, nghịch lí của cái xã hội “làm chủ tập thể” đang tư bản hóa theo “định hướng xã hội chủ nghĩa”
Trong “Trần Nhuận Minh và một hướng tìm diện mạo mới cho thơ”của nhà phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên và nhiều tác giả, là tập tiếp theo tập trên. Đỗ Ngọc Yên cho rằng : “Trần Nhuận Minh là người mạnh mẽ đến quyết liệt, không chỉ trong việc đổi mới thơ, mà quan trọng hơn là làm lại chính mình với tư cách là một chủ thể thơ, một sự làm lại nhọc nhằn, quằn quại và đau đớn. Ông không cần quan tâm đến lý thuyết về các trào lưu, trường phái hay chủ nghĩa nào, mà có lẽ chỉ quan tâm làm sao đem đến cho thơ Việt, một diện mạo mới và một hơi thở, sức sống mới”. Đỗ Ngọc Yên đánh giá cao hai tác phẩm đặc sắc, dài hơi, được viết với bút pháp “lạ” của Trần Nhuận Minh là “ Bản Xônat hoang dã” và “45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh”. Ông nhận ra mạch trữ tình chiêm nghiệm và biểu dương “phát hiện” của Trần Nhuận Minh trong đoạn thơ:
Con người là những giọt nước mắt
Cảu Đấng Âm U rơi xuống trần gian
Giọt nước mắt bên phải là đàn ông
Giọt nước mắt bên trái là đàn bà
Chúng lẫn trong nhau
Mà hóa ra bát ngát…
Ông cũng nhận ra “tính tự sự khái quát, mang tính tổng kết nghiệm sinh và sự suy tư về cuộc đời, về sự bất biến của tự nhiên” và cho đó là “cái tài của Trần Nhuận Minh” được bộc lộ trong thơ vừa rõ rệt và vừa huyền ảo, để rồi từ đó, “từ việc tạo ý, lập tứ, đến bố cục tác phẩm; từ ngôn ngữ đến hình tượng; từ giọng điệu đến khúc thức… đều là của riệng Trần Nhuận Minh”:
Kẻ khôn ngoan thường dấu điều mình nói
Ý nghĩ ở đàng đông
Miệng nói ở đàng tây
…….
Dấu mưu toan dưới những cốc rượu đầy…
Ta già rồi
Chẳng biết dấu vào đâu
Nỗi ngu dại
Học từ thời Tốt Đẹp
Nén hương tắt khi mình chưa trọn kiếp
Cầm chân hương đi đến cuối cuộc đời…
Hai dịch giả Trung Quốc, GS-TS Phùng Trọng Bình và Th.S văn chương Dương Hạ Nguyệt, trong 2 bài viết “Nhà thơ Trần Nhuận Minh” và “Giá trị nghệ thuật thơ Trần Nhuận Minh”, đã có nhiều ý kiến xác đáng, có thể coi là một công trình nghiên cứu nghiêm túc, mang tính phát hiện cao. Hai bài này, in ở đầu tập Trần Nhuận Minh, thi ca tinh tuyển tập, Nxb Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc ấn hành, Bắc Kinh, 2014, với những dòng rất xúc động: “ Quá trình soạn thảo bản dịch này, khiến tôi có cảm giác như mình đang bước vào tận sâu đáy lòng của một con người, bước vào thế giới tinh thần của một dân tộc, tôi mê mẩn, ăn ngủ không yên… khiến tôi thậm chí muốn bộc lộ một điều gì đó, nảy sinh một ý tưởng bộc phát, không thể kìm nén, những cảm xúc đó khiến lòng tôi thổn thức không yên. .. Thơ của ông Trần Nhuận Minh đã gợi cho tôi quá nhiều cảm xúc mãnh liệt, và lối tư duy quá sâu sắc. Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã dùng đôi mắt tinh tế, cách tạo dựng hình ảnh độc đáo, cùng nhân cách độc lập, được tôi luyện của mình, để phác thảo thành công bức tranh sinh tồn, phấn đấu và tư tưởng của dân tộc Việt Nam, thể hiện sức hấp dẫn nghệ thuật độc đáo và giá trị thẩm mĩ cao, với thủ pháp vô cùng tươi mới ” . Và hai nhà dịch giả cho rằng, đó là thơ của Việt Nam ngày hôm nay “ đang từng bước tiến vào văn đàn thế giới ”. ( Hoàng Thiên Hương, Hệ phát thanh Đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, dịch từ tiếng Trung).
Trong tập còn nhiều bài khác về các nội dung được đề cập, trong đó có các bài về tập Đối thoại văn chương, các chương trích từ các Luận văn khoa học về thơ Trần Nhuận Minh đã đăng báo… tất cả tạo thành một bức chân dung dày dặn, và nghiêm túc về nhà thơ Trần Nhuận Minh, một trong nhiều nhà thơ đã trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc và đi qua Công cuộc đổi mới đất nước đến ngày hôm nay. Hai tập tiếp liền nhau sẽ là nguồn tư liệu phong phú để bạn đọc tham khảo và có thể là sách công cụ tiện lợi cho các nghiên cứu sinh, nếu có nhu cầu tìm hiểu nghiên cứu thơ Trần Nhuận Minh từ năm 1960 đến nay.