Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỮA BỆNH "CHÂN VUÔNG" CHO CÔNG CHỨC

Thọ Vinh
Thứ năm ngày 3 tháng 9 năm 2015 9:46 PM


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa “vi hành” Hải Phòng mà không tiền hô hậu ủng, cờ hoa băng rôn nhiệt liệt chào mừng lãnh đạo về thăm và làm việc như chuyện thường ngày ở địa phương. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ngồi lẫn với cánh phóng viên nhà báo, cùng nghe doanh nghiệp "tố khổ" với lãnh đạo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Tổng giám đốc Công ty GE Power & Water Vũ Thu Trang hoan nghênh việc khai thuế điện tử đã thuận tiện hơn, nhưng doanh nghiệp vẫn mất rất nhiều thời gian và bị gây phiền hà. Chẳng hạn, khi mua hàng ở nước ngoài, nhất là Mỹ, đều không có hóa đơn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói thẳng, nếu còn đòi hóa đơn sẽ không làm việc với doanh nghiệp nữa. Trong khi đó, hiện mỗi năm doanh nghiệp có 9.000-10.000 hóa đơn từ nước ngoài gửi về, riêng phí chuyển phát nhanh số hóa đơn này lên tới 3-4 tỉ đồng. Nhưng đã là doanh nghiệp chế xuất, nếu không có hóa đơn, doanh nghiệp sẽ không được tính vào các chi phí hợp lý, trong khi G&E có 800 nhà cung cấp, trong đó khoảng 600 là nhà cung cấp nước ngoài.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc - chuyên gia tư vấn về thuế, ngành thuế mình quá tôn sùng hóa đơn, dù có hàng nhập khẩu thật, có phiếu thanh toán tiền mua hàng thật nhưng không có hóa đơn cũng không được chấp nhận, không có hóa đơn thì không được tính chi phí hợp lý. Đây là bất cập.

Theo Thông tư 38 năm 2015 của Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp chế xuất thuê gia công của doanh nghiệp nội địa, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra cơ sở nhận gia công đó, máy móc nhập khi nào, nhập ở đâu, có giấy phép thuê mặt bằng... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không giữ những giấy tờ mà hải quan yêu cầu. Do đó, sau nhiều tháng đàm phán với doanh nghiệp đối tác của GE Power & Water, cuối cùng thương vụ nội địa hóa bị đổ bể bởi quy định này.

Ngoài ra, khi hàng xuất khẩu là máy bị hỏng con ốc nhưng doanh nghiệp không thể xuất con ốc cho khách hàng thay thế. GE Power & Water bán sang Mỹ khoảng 6.000 máy phát. Trường hợp có sản phẩm bị hỏng, không làm cách nào để sửa, bảo hành cho khách hàng. Dịch vụ bảo hành, hậu mãi không thể xem là bán hàng.

Doanh nghiệp còn kêu rằng, việc thanh lý thiết bị, dụng cụ, phụ tùng hỏng đang làm khó doanh nghiệp bởi phải xin phép Cục Hải quan, ban quản lý khu công nghiệp và cơ quan môi trường, chưa kể phải khai báo mua ở hợp đồng nào, thời gian nào, tờ khai nào...

Ngay sau buổi làm việc với doanh nghiêp, Viện trưởng Nguyễn Đình Cung mới giới thiệu sự có mặt của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Chia sẻ với doanh nghiệp, Phó thủ tướng nói đây là buổi làm việc hết sức ý nghĩa đối với ông, doanh nghiệp nói, nghe chua xót lắm. Càng nghe càng thấy rầu ruột, nếu không nghe trực tiếp, ông cũng chẳng bao giờ nghĩ đến thực tế lại có những chuyện như thế...

Theo các chuyên gia, sự chua xót của Phó thủ tướng là do người làm chính sách mắc bệnh “chân vuông”, nghĩa là chỉ ngồi bàn giấy để làm chính sách. Ngồi trong phòng máy lạnh, đút chân vào hộc bàn làm sao hiểu nổi nỗi khổ của doanh nghiệp và người dân!

Gọi đúng tên, đây là bệnh quan liêu cần thuốc đặc trị, bởi di căn của quan liêu là tham nhũng!

Thọ Vinh