Truyện ngắn của Thái Sinh
Cách đây chừng hơn hai mươi năm, ngày ấy tôi vừa tốt nghiệp Sư phạm về mở trường dạy học ở Nà Bon, một bản người Thái đen nằm heo hút dưới chân đèo Ngam Kha. Lớp của tôi có gần ba chục học sinh, lần đầu tiên mở trường nên các em về học khá đông, phần lớn là con trai, tuổi từ mười một đến mười ba. Những đứa trẻ vùng núi ở tuổi ấy đã lớn phổng phao, vâm váp như cây rừng, đá núi. Mấy tuần học đầu tiên vui lắm, dường như cả bản Nà Bon đến quây quanh lớp học “xem” tôi dạy, tiếng đọc bài tràn ra cả ngoài lớp vọng vào vách núi âm vang.
Qua mỗi ngày những người đến xem tôi dạy học thưa dần, cho tới một hôm tôi chỉ thấy một cô bé chừng tám, chín tuổi, gương mặt lọ lem, áo váy rách rưới đứng thập thò ngoài lớp chăm chú theo dõi tôi giảng bài. Mới đầu em chỉ dám vạch kẽ vách, sau không thấy tôi nói gì, em đứng nhô đầu qua cửa sổ, lẩm nhẩm đọc theo. Ngày nào cũng vậy, cứ sau khi ra chơi tôi lại thấy em đứng đó với một gánh củi hay chiếc ớp (giỏ tre) đựng đầy rau và măng rừng. Một hôm tôi hỏi em:
- Em có muốn học không?
Cô bé gật đầu nhìn tôi, đôi mắt trong veo thoáng chốc trở nên sợ hãi, em vội vã trả lời tôi:
- Không! Thưa thầy, em không được học…
- Sao kia, ai cấm em nào?
Tôi dắt tay em vào lớp, em hơi giằng ra khỏi tay tôi, gương mặt chưa hết nỗi bàng hoàng. Tôi xếp em ngồi ngay bàn đầu cho dễ nhìn.
- Em tên gì? Son à! Thế thì Son ngồi đây nhé, ngày mai thầy cho em vở mới, còn bây giờ em viết tạm vào quyển vở này.
Lớp học trở nên xôn xao, nhưng lập tức lặng yên khi tôi chỉ từng chữ trên bảng hỏi Son, em đọc rõ ràng từng chữ không một chút ngắc ngứ. Không chỉ các em mà tôi cũng ngạc nhiên. Chữ Son viết cũng không đến nỗi tồi, khiến cho tôi hiểu ra rằng những tuần qua Son tuy đứng ngoài nhưng thấm từng lời tôi giảng. Kể từ đó, lớp học trở nên sôi nổi càng khích lệ các em học chăm và tích cực hơn. Nhưng chuyện lại rắc rối từ đó. Chừng một tuần sau thì em ngồi cạnh Son ốm phải nghỉ học, tiếp đến là các em khác, tuy không ốm nhưng cũng bỏ học khiến tôi không thể nào hiểu nổi vì sao lại như thế. Đang lúc bối rối thì ông trưởng bản họ Lò đến bảo tôi:
- Thầy giáo nhận cả con của Ma Cà Rồng vào học à?
- Ai kia, bác bảo ai là con của Ma Cà Rồng?
Ông nhìn tôi lắc đầu vẻ thất vọng.
- Me ( tiếng Thái nghĩa là con gái) Son đấy. Nó là con của Ma Cà Rồng… Hai học sinh của lớp thầy giáo nghỉ ốm rồi, con Ma Cà Rồng đã làm nó ốm. Nếu nó chết, thầy giáo không ở đây được đâu, dân bản sẽ đuổi thầy giáo đi nơi khác…
Tôi níu lấy tay ông trưởng bản hỏi:
- Ma Cà Rồng là gì hả bác? Em Son cũng như mọi đứa trẻ khác, ngoan ngoãn xinh đẹp, sao lại là con của Ma Cà Rồng được?
- Ôi ! Thầy giáo chẳng thể nào hiểu được đâu, mẹ của Son là Ma Cà Rồng đấy! Nó đã hút máu làm chết nhiều người, thầy giáo phải đuổi me Son ra khỏi lớp. Nếu không, thầy giáo sẽ chẳng có đứa học sinh nào để dạy, mà dân bản sẽ phạt vạ thầy giáo đấy…
Tối hôm đó, bên đống lửa nhập nhoà ông trưởng bản họ Lò cùng mấy người già trong bản cho tôi biết thế nào là Ma Cà Rồng. Nó cũng là một con người- thường là một phụ nữ xinh đẹp- cũng có chồng con, làm ăn như mọi người trong bản. Nhưng Ma Cà Rồng luôn giấu ở bên cạnh chỗ nằm một ống nước vo gạo ngâm xương người. Ma Cà Rồng đi ăn ban đêm, khi đi thọc hai ngón chân vào hai lỗ mũi, phát ra ánh sáng xanh xanh như đom đóm. Nơi Ma Cà Rồng đến là bãi tha ma, hoặc chỗ người ta vừa mổ gia súc, nó đến để la liếm số máu còn vương trên ngọn cỏ. Người nào trong bản ốm, Ma Cà Rồng đến chỉ cần nắm lấy tay người đó là người ấy cứ xanh dần rồi chết. Người ta bảo, người đó chết bởi Ma Cà Rồng, lúc cầm tay là lúc nó hút máu của người đó. Nhà ai có người ốm họ phải cài lá xanh và gai ở cửa ra vào và xung quanh phía ngoài chỗ người đó nằm cấm không cho ai vào và canh không cho Ma Cà Rồng đến gần. Dưới gầm sàn họ thường đốt lửa, nơi đó Ma Cà Rồng thường nấp rồi thò cọng cỏ tranh qua kẽ quan tài để hút máu của người chết. Ma Cà Rồng mẹ thường truyền lại ma thuật cho con gái mình…
Họ kể về Ma Cà Rồng với bao điều rùng rợn, tôi không tin nhưng lòng đầy hoang mang. Tôi đã tới nhà Son vài bận, nhà em ở biệt lập phía cuối bản. Đó là ngôi nhà sàn ọp ẹp, mỗi bước chân đi làm căn nhà rung rinh như muốn sập. Mẹ Son chừng bốn mươi tuổi, nét mặt buồn rười rượi, năm tháng nhọc nhằn vất vả không xoá nổi nét đẹp của thời con gái còn vương lại trên gương mặt bà. Bố Son mất vì bệnh gì đó khi Son mới hai tuổi, người ta nói chính mẹ Son đã hút máu chồng, dân bản đuổi hai mẹ con lên rừng, mẹ Son xin mãi họ mới đồng ý cho hai mẹ con làm nhà khuất nẻo phía cuối bản. Mẹ Son chẳng ra buồn cũng chẳng ra vui khi tôi kể cho bà nghe Son ham học và học khá tốt. Bà thở dài bảo tôi:
- Cũng chẳng có ích gì đâu, rồi cũng có ngày mẹ con tôi phải bỏ nơi này mà đi nơi khác thôi thầy giáo ạ. Nhưng mà đi đâu được?...
Bây giờ thì tôi đã hiểu, đêm ấy sau khi ông trưởng bản họ Lò đã về tôi lần mò tới cuối bản nhìn về phía nhà Son nằm ở sát mé rừng. Đêm tháng mười ở vùng núi đã lạnh, sương lan toả khắp mặt đất, trời tối đen và nhơm nhớp, lúc đó tôi giống như một tên ăn trộm nấp sau bụi dẻ gai lắng nghe từng động tĩnh trong nhà Son. Ngoài tiếng côn trùng rỉ rả trong cỏ, tiếng nước chảy long tong từ chiếc máng nước cạnh đó, thỉnh thoảng tiếng nai tác trên rừng nghe xa vời, còn lại tôi chả nghe thấy gì, nhìn thấy gì ngoài lũ đom đom đóm bay lập loè trên mặt đất.
Tôi sẽ với Son thế nào khi ngày mai tới lớp? Cứ nhìn gương mặt và ánh mắt rạng ngời của Son lòng tôi lại tê dại. Tôi chọn ai gần ba chục học sinh hay một mình Son? Liệu mai ngày khi Son lớn lên em có hiểu và tha thứ cho tôi hay không? Phải, tôi sẽ nói với em rằng: “ Thôi nhá, em là học sinh không chính thức, thầy cho em nghỉ để em có thời gian giúp mẹ…” Son không thể nào hiểu được chuyện gì xảy ra phía sau câu nói ấy, em vẫn đến lớp đứng bên ngoài cửa sổ ngó vào và nhẩm đọc theo bạn bè. Sự có mặt của em càng khiến trái tim tôi nhức nhối. Em đâu biết, chính tôi đang lừa dối em, tôi là kẻ thất bại trước sự áp đặt vô lý của dân bản đối với mẹ con em. Tôi đuổi em ra khỏi lớp, chính tôi là kẻ đồng loã với cái ác sinh ra từ từ lạc hậu, tối tăm. Một hôm tôi hỏi em:
- Son có muốn đi học không?
- Thưa thầy, có ạ.
- Thầy sẽ gửi em xuống học dưới trường thiếu nhi vùng cao của huyện, em có đi không?
Em gật đầu thay cho lời đáp. Chiều ấy tôi đến nhà Son, trời tối một lúc lâu mẹ Son mới đi làm về. Tôi trình bày ý định của tôi muốn gửi Son đi học dưới trường nội trú, mặt bà trở nên đờ dại, một nỗi buồn hoang vắng đến khó tả hiện lên trên gương mặt đẹp và đau khổ của bà, phải một lúc lâu sau bà mới trả lời tôi:
- Thầy giáo muốn đưa con của tôi đi học ư? Nếu đi học có thể thay đổi được cuộc đời của nó thì thầy cứ việc đem nó đi. Tôi không muốn xa nó, nhưng giữ nó rồi đây nó cũng sẽ khổ như tôi…
Cuối tháng mười một năm ấy tôi đưa Son về trường thiếu nhi dân tộc nội trú, tôi phải nói dối dân bản đưa Son đi chữa bệnh con ma làm…để mọi người không nghi ngờ tôi điều gì.
Sau hai năm dạy học ở Nà Bon tôi chuyển sang dạy ở một trường khác, rồi lại một trường khác nữa…Cứ thế tôi chả còn nhớ mình đã chuyển qua bao nhiêu trường và cũng chả còn nhớ cô bé Son ngày nào đã theo tôi vượt một chặng đường hơn sáu chục cây số về huyện. Cho tới một hôm khi tôi đang ngồi soạn bài thì một cô gái xuất hiện. Cô bé chừng mười tám tuổi với một sắc đẹp kỳ lạ, nếu cô chẳng giới thiệu thì tôi không thể nhận ra được cô gái đang đứng trước mặt tôi đây là Son. Em quỳ sụp dưới chân tôi giọng đầy nước mắt. Em kể cho tôi nghe chuyện của mười năm đã qua: Mẹ em mất rồi, sau cái trận sốt rét đã cướp của dân bản Nà Bon gần chục người, họ đổ ttất cả tội lỗi lên đầu mẹ em, họ cho rằng chính mẹ em đã gây nên sự chết chóc cho dân bản. Rồi họ đuổi mẹ em lên rừng, bà phải tới cái nơi không ai nhìn thấy, cuối cùng bà chết trong nỗi cô đơn buồn tủi…Ngày Son trở lại Nà Bon chẳng ai còn nhận ra cô, nhưng khi hỏi về mẹ mình, Son đã vô tình gợi lên trong lòng họ nỗi ám ảnh về một con Ma Cà Rồng còn lẩn khuất đâu đây. Đợi cho Son thôi khóc, tôi hỏi em:
- Bây giờ em tính sao, trở lại Nà Bon hay đi học tiếp?
- Em đã nộp đơn vào xin vào học ngành y, bằng công việc của mình em muốn bênh vực cho mẹ em, thầy ạ…
- Đúng thế. Chúc em thành công. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Son. Sau này tôi được biết, khi tốt nghiệp bác sĩ, Son xin về Nà Bon công tác. Cô chữa bệnh cho bao nhiêu người, giành lại sự sống cho không ít người từ tay Thần chết . Mọi người dần dần hiểu ra rằng trên đời này chẳng có con ma nào cả, chỉ có sự tăm tối mới là con ma đáng sợ nhất. Mùa mưa năm ấy Son vượt dòng Nặm Bon sang bên kia Nà Sản giúp người Lự chữa bệnh, trận lũ rừng đột ngột ập tới cuốn Son đi. Dân bản Nà Bon thương tiếc Son đến mấy đêm không ngủ, có người kể rằng sớm hôm sau trở dậy đã thấy tóc mình bạc trắng.
Sau đó tôi thôi dạy học chuyển sang làm báo đi đây đó khắp nơi, cuối năm ngoái tôi mới trở lại Nà Bon, không ai còn nhận ra tôi nữa kể cả lũ học sinh ngày xưa tôi dạy. Khi tôi hỏi Son, mọi người kể cho tôi nghe chuyện về Son như một câu chuyện cổ tích với khá nhiều tình tiết đã được thêu dệt. Tôi không nghi ngờ điều gì, bởi Son đã bước vào lòng người dân Nà Bon để làm nên cổ tích của Nà Bon hôm nay. TS