Vào thế kỷ XIX đã có nhiều người Nga có quan hệ với Việt Nam thông qua giao thương, thám hiểm và du lịch. Số lượng người Nga đến Việt Nam khi ấy là rõ nét hơn so với người Việt đến Nga. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga, mối quan hệ của hai dân tộc đã trở nên gần gũi và người ta ghi nhận sự hiện diện của nhiều nhân vật tầm cỡ thế giới trong hoạt động chính trị như Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng khác của Việt Nam. Những nhà hoạt động chính trị của Việt Nam lúc này có cơ hội lần đầu tiếp xúc với các nhà Đông phương học và những nhà hoạt động phong trào, hoạt động thực tiễn ở Nga có quan tâm đến các vấn đề về thuộc địa, về châu Á, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á.
Vào những năm 30 của thế kỷ XX, ở Nga xuất hiện những mô tả mang tính khái quát có chọn lọc về tình hình Việt Nam; các mô tả này chủ yếu tập trung về thực trạng và diễn biến kinh tế, xã hội của quốc gia thuộc địa Pháp dưới lá cờ bù nhìn của triều Nguyễn đang bước vào buổi suy tàn. Đây là tác phẩm của hai tác giả A.A.Guber và B.M Dantsig với tư cách là những người đi tiên phong qua các nghiên cứu nghiêm túc có tính khoa học cao xuất hiện ở Nga về Việt Nam. Độc giả Nga cũng vì thế có cơ hội tiếp nhận, nắm bắt, hiểu hơn các thông tin kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử Việt Nam; chủ yếu về thế kỷ XIX và XX. Không còn nghi ngờ gì nữa Viện sĩ A.A.Guber đã trở thành người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học ở Nga. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời sau Tuyên ngôn bất hủ của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ở Nga xuất bản cuốn sách miêu tả về đất nước Việt Nam tự do của nhà nghiên cứu V.Ya. Vasilieva. Cuốn sách đề cập đến nhiều vấn đề xã hội, lịch sử, chính trị, quân sự trong giai đoạn sơ khai của nước Việt Nam độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, phong kiến.
Một sự kiện đáng ghi nhớ đó là, vào những năm 1950, lần đầu tiên ở Đại học Moskva, Viện sĩ A.A.Guber đã đăng đàn bằng những bài giảng về lịch sử Việt Nam từ thời cổ đại đến hiện đại. Sau sự kiện này, chương trình đào tạo về tiếng Việt và các chuyên ngành bổ trợ khác về Việt Nam đã được giới thiệu cho sinh viên và nghiên cứu sinh. Việc đào tạo các chuyên gia về Việt Nam cũng như các nhà Đông phương học được triển khai bằng nhiều cấp khác nhau, cho cả sinh viên và cán bộ. Số đông trong họ đã trở thành những nhà Việt Nam học có uy tín, tên tuổi như: A.I.Muhlinov, V.A.Zelentsov, N.I.Nikulin, G.G.Kagymov, I.A.Ognetov, Yu.K.Lekomtsev…
Vào giữa những năm 1950, ở Đại học Moskva đã có những nghiên cứu sinh chuyên về Việt Nam. Họ được học tiếng Việt tại trường, họ nghiên cứu sâu rộng và độc lập hơn về lịch sử Việt Nam. Tiếp sau đó là những thành tựu của họ khi nghiên cứu về xã hội, chính trị nói riêng, về phong trào giải phóng dân tộc, về sự hình thành nhà nước và tiến xa hơn là lịch sử quân sự của nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Từ những năm 1960 trở đi Việt Nam học của Nga đã trở thành một lĩnh vực có sức hấp dẫn và thu hút được rất nhiều nhân tài trong lĩnh vực nghiên cứu về Việt Nam trong hệ thống các trường đại, các viện nghiên cứu chuyên ngành, các nhà nghiên cứu tự do…Những chuyến đi qua lại giữa Nga và Việt Nam của các nhà nghiên cứu Nga đã tạo nhiều điều kiện cho họ làm quen với nhiều tài liệu quý hiếm, cũng như những nhận định, đánh giá, phân tích, kết luận của các đồng nghiệp Việt Nam về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử. Kết quả là, nhiều công trình khoa học đầu tay ra đời có sử dụng nguồn sử liệu Hán – Việt, kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc rất riêng biệt của Việt Nam.
Trong những năm 1960, quan hệ giữa Liên Xô và Việt Nam không ngừng được mở rộng, các trung tâm nghiên cứu chuyên về lịch sử Việt Nam ở Đại học Moskva và Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã được thành lập. Song hành với nó, cũng có những nhóm nhà Việt Nam học ở các cơ quan khoa học khác đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động thực tiễn ở Nga cũng công bố các công trình có giá trị khi nghiên cứu những khía cạnh khác nhau về lịch sử, con người và văn hóa Việt Nam đến tay độc giả. Rất dễ để nhận ra rằng, vào những năm 1970, hầu như tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội của Việt Nam đã được giới học giả Nga quan tâm nghiên cứu trên bình diện lớn và sâu rộng. Điều đặc biệt là nó được tiến hành cùng với sự tham gia tích cực, nhiệt tình, tâm huyết của các chuyên gia Việt Nam, đa phần họ là những người được đào tạo ở trên 50 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn Liên bang Xô viết, hơn 20 cơ quan nghiên cứu ở Leningrat và Moskva.
Trong môn Việt Nam học ở Nga, các nghiên cứu văn bản học gần như phải dựa trên các nguồn tài liệu nhất định đã trở nên phổ biến ngay cả trong giai đoạn đương đại. Ví dụ: Phần lớn bản dịch ra tiếng Nga bộ biên niên Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Qúy Đôn đã được hoàn thành và đang gấp rút cho việc xuất bản. Các bộ sử cá nhân, văn bia, sắc phong, văn học sử, gia phả…nhiều người đang miệt mài dịch sang tiếng Nga để nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi. Theo các nhà nghiên cứu Nga, vấn đề quan trọng trong Việt Nam học là việc làm quen với các tư tưởng triết học truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Nghiên cứu về triết học cổ Việt Nam không chỉ đòi hỏi phải có một trình độ cao về ngôn ngữ mà còn phải am hiểu về văn hóa, tôn giáo và triết lý Việt Nam. A.V.Nikitin không hổ danh là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Tuyển tập các công trình triết học hiện đại do A.V.Nikitin dịch đã được xuất bản ở Nga. Giờ đây, gần như tất cả các khuynh hướng tư tưởng truyền thống của Việt Nam (trừ Khổng giáo), đều được minh họa bằng bản dịch và các nghiên cứu văn bản học sống động và tin cậy nhất có thể.
Nhiều khám phá thú vị và có giá trị đã xuất hiện trong các nghiên cứu của các nhà Việt Nam học ở Nga. Đơn cử như chuyên đề nghiên cứu của A.B.Polyakov về thời điểm thành lập Văn Miếu ở Thăng Long – Hà Nội; của K.Yu Leonov về hình thái sơ khai của biên niên sử Việt Nam; hay như điều tra của A.V.Nikitin về các tác gia Việt Nam thời cổ; những người mở mang nền văn hóa Việt Nam còn chưa được biết đến.
Văn học là một trong những cái đẹp mà nhân loại sáng tạo nên làm cho cuộc sống trở nên tươi tắn và đáng sống hơn. Người ta tìm đến văn học theo những cách thức khác nhau: có người với mục đích giải trí, có người để học tập, tìm hiểu, có người lại đáp ứng cả hai điều trên, hoặc cho nhiều mục đích khác nữa. Với bản chất là cái đẹp, văn học là nhịp cầu văn hóa nối các dân tộc lại với nhau, các cộng đồng, các cá nhân trên thế giới. Sự giao lưu văn hóa qua nhịp cầu văn học giữa nước Nga và Việt Nam từ lâu đã được mở rộng thông qua nhiều con đường, mà một trong những con đường chính là dịch thuật, in ấn, xuất bản, phát hành, giới thiệu các tác phẩm cả mới và cũ giữa hai nước. Ở Nga đội ngũ các chuyên gia ngôn ngữ và văn học Việt Nam rất đông đảo, cùng với những người hiểu biết sâu về Việt Nam ngày càng nhiều, họ là những người đầy tâm huyết và nhiệt tình trong công việc dịch, nghiên cứu, giới thiệu các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam đến với công chúng Nga. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sự phát triển của văn học Việt Nam chắc chắn gặp nhiều khó khăn hơn khi không còn nhận được sự bảo trợ của chính phủ hay các tổ chức đoàn thể xã hội, các quỹ phát triển và xúc tiến giao lưu văn hóa. Nhưng dù sao vẫn có thể khẳng định rằng, đến thời điểm này, ở Nga số lượng các tác phẩm văn học Việt Nam dịch sang tiếng Nga rất nhiều. Đó là các tác phẩm văn học của Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyên Hồng, Nam Cao, Sóng Hồng, Chu Văn, Anh Đức, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Ma Văn Kháng, Thơ chống Mỹ…v.v. Sự xuất hiện của nhiều tác phẩm văn học dịch này đã giúp độc giả Nga làm quen với văn phong Việt Nam, tinh thần Việt Nam, văn hóa Việt Nam ở một mức độ nhất định nào đó. Công việc dịch các tác phẩm văn chương cổ và hiện đại của Việt Nam cũng như các công trình nghiên cứu về một số vấn đề văn học được tiến hành bởi các giáo sư, các nhà nghiên cứu M.N.Tkachev, N.I.Nikulin, A.A.Sokolov, T.N.Finimonova…v.v.
Khi khảo sát và tóm lược tình hình, thực trạng nghiên cứu về Việt Nam của người Nga người ta không thể không nêu ra đây những đặc điểm riêng biệt của trường phái Việt Nam học của trường Đại học Moskva; một trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Đặc điểm thứ nhất: Đó là vận dụng rộng rãi các phương pháp định lượng vào nghiên cứu các văn bản và thông tin mà nó chứa đựng, có nghĩa là, hệ thống hóa và phân loại các văn bản vốn không được giải thích rõ ràng. Giáo sư D.V.Deopik là người đứng đầu cho khuynh hướng này. Những thành tựu thu được đã vượt xa sự mong đợi của giới nghiên cứu khi chúng ta soi vào các công trình nghiên cứu về lịch sử nông nghiệp, lịch sử xã hội, trường ca, và các phương pháp văn bản học. Đó là nghiên cứu trường ca Việt Nam của A.L.Fedorin, về quá trình tiến hóa của cấu trúc xã hội của V.I.Antoschenko…v.v, đều thuộc khuynh hướng nghiên cứu nên trên.
Đặc điểm thứ hai: Nghiên cứu về nước Việt Nam truyền thống, cụ thể là lịch sử Việt Nam đến cuối thế kỷ XIX, hiện đang trở thành một khuynh hướng áp đảo trong môn Việt Nam học ở nước Nga. Các nhà nghiên cứu Nga nhận ra rằng, làng xã Việt Nam là một hiện tượng văn hóa nổi bật và họ dồn tâm huyết nghiên cứu sâu hơn về nó. Trong rất nhiều công trình nghiên cứu ở Nga về Việt Nam đều cho thấy, vào khoảng thế kỷ XVII đến XIX, Việt Nam là một nước mà làng xã đã sản sinh ra một khối lượng khổng lồ các tài liệu. Nghiên cứu các quan hệ nông nghiệp ở các nước khác nhau trong khu vực, người Nga cũng chỉ có thể có được vài ngàn tài liệu, trong khi ở Việt Nam, mỗi làng là một kho lưu trữ các tài liệu cỡ lớn, nhiều khi chúng được liệt vào loại quý hiếm. Nhờ vào nghiên cứu làng xã Việt Nam mà các nhà khoa học xã hội Nga đã có thể nghiên cứu địa bạ trong những chương trình dài hơi, mà trong đó các kỹ thuật nghiên cứu được cải thiện và các kết quả thu được dùng cho việc tìm hiểu những vấn đề cơ bản của lịch sử Việt Nam, cũng như những vấn đề liên quan khác của Việt Nam học.
Lịch sử không có điểm dừng. Lịch sử luôn tiến về phía trước và chúng ta hy vọng rằng những công trình khoa học nghiên cứu về đất nước Việt Nam của người Nga sẽ là cây cầu hữu nghị nối liền giữa hai đất nước, hai dân tộc từ Âu sang Á trên con đường cùng nhân loại đi tới văn minh, phát triển, hòa bình và thịnh vượng!