Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÔI ĐIỀU NGHĨ VỀ ĐẠO KHỔNG

Vũ Anh Tuấn
Thứ hai ngày 31 tháng 8 năm 2015 1:57 PM
Đôi điều suy nghĩ về đạo Khổng mà Việt Nam gọi là Nho giáo
Khổng tử sinh năm 551 trước công nguyên, là người nước Lỗ xưa - nay thuộc tỉnh Sơn đông, Trung Quốc.
Thời đó, Trung hoa còn chia năm xẻ bảy, mỗi nhà hùng cứ một phương, xưng hùng xưng bá ở nước Tần, nước Tấn, nước Lỗ… Khổng tử là người có học, ông tổng kết lại quá trình dựng nước Tàu từ đời vua Nghiêu vua Thuấn và đánh giá cách cai trị của các triều đại trước đó, ai làm tốt, ai tàn ác xấu xa và đề ra học thuyết xây dựng đất nước Tàu. Ông là người Hán cho nên học thuyết của ông nhằm phục vụ cho dân tộc Hán. Ban đầu, ông và học trò đi các nước rao giảng học thuyết của mình nhưng các vua chúa còn mải tranh giành quyền lực, đất đai đem quân chinh phạt lẫn nhau không ai nghe theo thuyết giáo của Khổng tử. Học thuyết Khổng tử còn gọi là Nho giáo, được các học trò của ông tiếp tục nghiên cứu phân tích để rao giảng cho người đời, những mong họ tiếp thu để xây dựng một nước Tàu phong kiến tập quyền hùng mạnh thống nhất thiên hạ về một mối.
Học thuyết Nho giáo được tóm tắt như sau:
“Chính tâm,
tu thân,
tề gia,
trị quốc,
bình thiên hạ”
Ta lần lượt xem học thuyết Khổng tử nói gì:
1- Chính tâm là gì?
Khổng tử là người Hán. Chính tâm của người Hán, ý Khổng tử muốn nói người Hán phải chung lòng, chung sức, cùng nhau phục vụ cho sự nghiệp dân tộc Hán phát triển. Người Hán không nên chia năm xẻ bảy, tranh bá đế vương mà chỉ xây dựng dưới trời này chỉ có một nước là Trung Hoa do chân mệnh thiên tử là con trời phái xuống cai quản mà thôi. Các dân tộc khác được coi là man di, xoay quanh phục vụ cho cái trục Trung Quốc.
2- Tu thân là tu như thế nào?
Khổng tử chia con người ra hai loại là người quân tử và kẻ tiểu nhân.
Tu thân theo ý Khổng tử là mỗi người phải biết chăm lo để mình trở thành người quân tử. Người quân tử thì lo thờ quân, sư, phụ. Đối với đất nước là phải biết tôn thờ vua. Đối với xã hội phải biết tôn thờ người thầy dạy mình học đạo Nho. Đối với gia đình phải biết tôn thờ cha đẻ của mình.
3- Tề gia theo Khổng tử phải làm thế nào?
Gia đình là tế bào của xã hội. Khổng tử dạy người ta phải xây dựng gia đình theo chế độ phụ quyền, trọng nam khinh nữ “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”.
Đấy là mẫu gia đình theo chế độ Nho giáo. Mọi việc trong gia đình do người đàn ông quyết định, cai quản. Còn người phụ nữ chỉ làm việc nội trợ. Người cha là người có tiếng nói quyết định nhất, cao nhất trong một gia đình Nho giáo.
4- Trị quốc theo Khổng tử là như thế nào?
Theo Khổng tử, đất nước do một ông vua cai trị, vua là thiên tử cho nên mọi việc đều phải theo ý vua, phục tùng vua. Trung với vua là trung với nước, vua là đấng tối cao được ra mọi mệnh lệnh, cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết, không ai được trái lệnh vua, đó là xây dựng chế độ phong kiến tập quyền để cai trị đất nước. Từ khi học thuyết Khổng tử ra đời, nước Tàu và các nước chư hầu trong đó có Việt Nam xây dựng mô hình cai trị đất nước theo chế độ này.
5- Bình thiên hạ là gì?
Như vậy, một con người thuộc dòng dõi Hán tộc khởi đầu phải lo chính tâm là người Hán theo đúng nghĩa của nó, từ việc tu dưỡng bản thân đến xây dựng gia đình và cai trị đất nước. Cuối cùng đi đến bình thiên hạn. Bình thiên hạn đây chính là bắt buộc mọi dân tộc khác phải phục tùng, tuân theo mình. Bình thiên hạ nghĩa rất rộng, có thể bằng văn hóa xâm nhập văn hóa, dùng văn hóa để thuyết phục theo mình, có thể dùng kinh tế và cũng có thể dùng vũ lực ép buộc phải theo thể chế, theo ý muốn của mình đề ra.
Cái nguy hiểm của học thuyết Nho giáo là ở điểm này đây. Vì điểm này mà dân tộc Việt cả gần ngàn năm nội thuộc Tàu (từ 45 năm trước Công nguyên đến năm 935 sau công nguyên) mà không ngóc đầu dậy được.
Tuy nhiên, dân tộc Đại Nam đã nổi dậy rồi giành lại quyền tự chủ. Từ Ngô quyền chính thức kết thúc hơn một thiên niên kỉ Bắc thuộc đến việc lập ra các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn. Nhưng do thế yếu vẫn là nước chư hầu, hằng năm chịu cống nạp cho thiên triều. Và đau hơn nữa, dưới thời những người cộng sản cầm quyền, năm 1974 ta vẫn bị cướp trắng quần đảo Hoàng Sa, đến năm 1988 ta lại bị cướp thêm 5 đảo ở Trường Sa là Gạc Ma, Len Đao… Và vào năm 2015, họ đang tôn tạo các quần đảo đó thành căn cứ quân sự trên biển. Họ vẫn đang thực hiện học thuyết Khổng tử “bình thiên hạ” như vậy đấy.
Chẳng phải chính đại diện Trung Hoa trong cuộc hội thảo an ninh Châu Á được tổ chức tại Sin-ga-po năm 2014 đã nói họ chiếm Biền Đông là thực hiện lời dạy của cha ông từ trước công nguyên đó sao!
Người Việt Nam đã học Khổng tử nhưng phải hiểu chính tâm người Việt như lời Hồ Chủ tịch đã dạy các chiến sĩ tại đền Hùng là:
“Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”
“Không có gì quý hơn độc lập tự do… Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi…”
Đối với thiên hạ, Bác Hồ lại dạy:
“Bốn phương vô sản đều là anh em… Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước…không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo…”
Việt Nam ta đổi mới như vậy, học người xưa ta phải biết chọn lọc như thế chứ!
Phải chăng các nhà tôn sùng đạo Khổng ở Việt Nam chưa được đọc các thông tin sau đây:
- Năm 1911, khi cách mạng Tân Hợi Trung Quốc ra đời, lập ra chính quyền dân chủ ở Quảng Châu, thực hiện chế độ tam dân chủ nghĩa của Tôn Trung Sơn được 3 ngày. Chính phủ mới Trung Hoa dân quốc ra sắc lệnh: từ này hằng năm không tổ chức lễ kỉ niệm Khổng tử nữa, đưa Khổng tử ra khỏi Văn Miếu thờ tự vì học thuyết Khổng tử không phù hợp với chế độ dân chủ hiện hành.
- Năm 1974, dưới thời đại Mao Trạch Đông, Trung Quốc tiến hành cách mạng văn hóa. Họ tổ chức các đợt “phê Lâm, phê Khổng” rầm rộ khắp cả nước một thời. Những người tôn thờ chủ nghĩa phong kiến một thời, tung hô Khổng tử là ông thầy của muôn đời. Chế độ phong kiến nay đã sang trang, ông thầy muôn đời cũng sụp đổ là lẽ dĩ nhiên.
Vũ Anh Tuấn