Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HÚT CẠN ĐÁY THẲM, TÔI TÌM THẤY… TÔI!

Hoàng Dân
Thứ sáu ngày 7 tháng 8 năm 2015 2:03 PM
(Bình bài thơ Dường như của Nguyễn Việt Anh)
Dường như số phận trêu ngươi,
Gặp rồi xa, lại gặp … rồi… xa thêm…!
Buông tay, chìm tận tim đêm,
Hút cạn đáy thẳm, tôi tìm thấy… tôi…*
Tạo hóa vốn bất công, một sự bất công muôn thuở mà chúng sinh chỉ có quyền duy nhất là chấp nhận! Oán hận, nguyền rủa, đập phá… chẳng giải quyết được gì! Lẩm bẩm “đáng nhẽ, giả sử, nếu như…” cũng vô nghĩa! Tuyệt vọng, tìm đến cái chết, càng vô nghĩa hơn! Sinh ra, nhiều người lành lặn, khỏe mạnh, thông minh… và hầu như suốt đời hanh thông, may mắn cả trên hoạn lộ lẫn tình duyên; nhưng cũng không ít kẻ bị mù, điếc, câm, bại liệt, thiểu năng… và phải gồng mình lên để sống cho hết kiếp cũng đâu có dễ?
Người điếc mơ một lần trong đời được nghe tiếng chim hót, tiếng suối chảy, tiếng cười trẻ thơ… Người câm chỉ ước trong đời được một lần gọi lên hai tiếng “Mẹ ơi”… Người mù chỉ mong một lần được nhìn thấy cảnh mặt trời mọc… Giản dị vậy thôi, nhưng vĩnh viễn chỉ là ảo vọng! Những kẻ may mắn có đủ mắt sáng, tai thính, mồm dẻo… thường không thể cảm nhận hết giá trị của những báu vật ấy, cho nên không những không biết thành tâm tri ân sự ưu ái của Tạo hóa mà đôi khi còn vén môi lên chửi cả Trời lẫn Phật. Với những kẻ này, không có ước mơ mà chỉ có lòng tham vô đáy!…
Nguyễn Việt Anh là một trong những chàng trai bất hạnh. Ý thức sâu sắc nỗi bất hạnh của mình, nhưng Việt Anh không oán trời trách đất, cũng không chỉ chấp nhận; mà còn vượt lên nỗi bất hạnh bằng cách sáng tác văn chương. Đọc thơ Việt Anh (tập thơ Thức cùng bóng tối (2014), tập truyện mini cho thiếu nhi Bầu trời nhỏ (2015) và Chùm triết tình 36 bài lục bát bốn câu (2015), người đọc sẽ cảm nhận được nghị lực đáng trân trọng này, mà theo tôi, rõ nhất, cụ thể nhất là bài lục bát bốn câu “Dường như”.
***
Dòng thơ đầu: Dường như số phận trêu ngươi là lời cảm thán, tuy chỉ thoáng qua, nhưng đã đủ ám ảnh – nỗi ám ảnh mà dù con người có lí trí đến đâu chăng nữa, cũng có lúc phải bật ra như tìm một sự giải tỏa.
Dòng thứ hai: Gặp rồi xa, lại gặp… rồi… xa thêm… theo tôi, là dòng thơ đầy ám gợi bởi sự đa nghĩa của nó. Gặp rồi - gặp ai? Không xác định!... lại gặp… rồi… xa thêm! Càng mù mờ, vô định! Không có đối tượng nào cụ thể để “gặp” tức là… cô đơn, cô đơn tuyệt đối!
Đến dòng thứ ba: Buông tay, chìm tận tim đêm thì tâm thế cô đơn trên đã được đẩy tới giới hạn cuối cùng. Buông tay là tuyệt vọng? chìm tận tim đêm là trạng thái rơi tự do vào hư vô? Hai từ tim đêm là một sáng tạo ngôn từ khá mới mẻ. Bởi ta thường nói (viết): tim người, tim voi…; tim đường, tim núi… chứ chưa từng nghe có cụm từ tim đêm ở đâu, bao giờ?! Như vậy, tim đêm là một hình ảnh nhân hóa, (vật hóa), đồng thời cũng là ẩn dụ chỉ trái tim thổn thức của người khiếm thị phải vĩnh viễn sống trong bóng đêm, nhưng vẫn ngoan cường “Thức cùng bóng tối”. Đó là một liên tưởng kép, liên tưởng chồng giàu sức biểu hiện. Biểu hiện cái gì? Biểu hiện một sự thật tàn nhẫn: sự vật có thể được nhân hóa để có hồn người, nhưng con người cũng có thể bị vật hóa để trở thành vô tri, vô dụng. Muốn chống lại nguy cơ bị vật hóa thì chỉ còn mỗi cách phải bằng mọi giá vượt lên cảnh ngộ. Mà, lẽ thường, trong mọi cuộc bứt phá, không phải ai cũng có thể dễ dàng tới đích!...
Nhưng bắt sang dòng thơ cuối cùng: Hút cạn đáy thẳm, tôi tìm thấy… tôi! thì người đọc thở phào nhẹ nhõm và chia vui với nỗ lực bứt phá thành công của chủ thể trữ tình. Hút cạn đáy thẳm là dũng cảm đi tới giới hạn cuối cùng của nỗi cô đơn, tuyệt vọng. Hơn thế, chính ở cái giới hạn mà con người sẽ mất hút trong hư vô này, Việt Anh đã: tôi tìm thấy… tôi! Một cái tôi nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng không tầm thường, cái tôi từ chỗ kìm nén mặc cảm mà bùng nổ tự tin… Cái tôi có thể gây xúc động cho những tâm hồn biệt nhỡn liên tài.
Tôi chân thành chia sẻ với những niềm vui và nỗi buồn trong thơ đượm ý vị triết tình (tình cảm mang tính triết lý hay triết lý bằng trái tim) khá tập trung và độc đáo của Nguyễn Việt Anh. Ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ: cây viết khiếm thị trẻ giàu nội lực này có thể là tấm gương cho không ít người đang loay hoay với những nỗi bất hạnh của riêng mình./.
* Bài thơ số 22 trong chùm 36 bài Triết tình lục bát bốn câu (7 – 2015) của NVA.
Thạch Bàn, những ngày mưa
4 - 5.8.2015. HD