Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚNG TA CÓ SỢ TÀU KHÔNG!

Cao Minh
Thứ năm ngày 18 tháng 6 năm 2015 10:03 PM

Cao Minh

Trung Quốc đang ngang nhiên làm các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thế giới từ các quốc gia hùng mạnh như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Úc…đặc biệt hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 vừa kết thúc đều lên án mạnh mẽ việc làm của Trung Quốc. Phản ứng và thái độ của Việt Nam ai cũng biết cả.

Để hiểu rõ ta và kẻ thù có lẽ cũng nên có nhiều cách nhìn.

CHÚNG TA CÓ SỢ TÀU KHÔNG?

1- Nước Đại Việt nhỏ bé của chúng ta đã từng chịu hàng ngàn năm Bắc thuộc. Năm 938, Ngô Quyền quét sạch bóng quân phương Bắc, mở đầu những thế kỷ độc lập của Đại Việt cho đến nay. Tuy nhiên, hơn một ngàn năm qua Đại Việt xưa, Việt Nam nay luôn luôn bị các triều đại Trung Quốc xưa và nay nhòm ngó với mục đích cuối cùng là thôn tính toàn bộ, biến nước ta thành phiên thuộc… Có một lần chúng đã chiếm trọn nước ta, đấy là năm 1407 khi Hồ Quý Ly đã chiếm ngôi nhà Trần và tỏ rõ sự ươn hèn, không được lòng dân. Lúc này, câu nói nổi tiếng của con trai trưởng Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng: “ Không sợ giặc, chỉ sợ lòng dân không theo” đã nói đầy đủ sự thất bại của triều nhà Hồ. Nhân dân Đại Việt đã phải chịu sự tàn khốc, dã man của giặc nhà Minh hai mươi năm ròng. Lê Lợi với sự phò trợ của Nguyễn Trãi cùng rất nhiều nhân tài kiệt xuất của Đại Việt đã quét giặc Minh ra khỏi bờ cõi.

Một thực tế không thể phủ nhận của lịch sử, mấy ngàn năm nay Đại Việt đã chịu sự ảnh hưởng quá sâu nặng của văn hóa và một phần không nhỏ phong tục của người Tàu. Cao hơn nữa, hệ tư tưởng của người Đại Việt cũng dập khuôn theo khuôn mẫu của Tàu. Từ tư tưởng cho đến mọi thứ, đặc biệt hệ thống chính quyền phong kiến từ trung ương xuống địa phương đều nhất nhất học và làm theo khuôn mẫu của Trung Quốc. Đáng chú ý, càng ở cấp cao thì sự dập khuôn, bắt chước tàu càng đậm nét. Chúng ta may mắn đã giữ được tiếng nói, giữ được văn hóa làng xã....

2- Nhìn sang các dân tộc khác xung quanh Trung Quốc như Nhật, Triều Tiên, Nga, Myanma…Họ cũng là các dân tộc nhỏ (trừ Nga), trong lịch sử cũng luôn luôn bị Trung Quốc bắt nạt và không loại trừ thôn tính. Nhưng chưa bao giờ các dân tộc đó bị Đại Hán “ nhuốm” đậm như Đại Việt. Ngược lại các dân tộc đó trong lịch sử luôn luôn tìm ra những cách đi, bước đi thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Đại Hán; và không ít lần các dân tộc đó làm cho Đại Hán khốn đốn…

3- Từ vấn đề 1 và 2 nêu trên, có thể thấy rằng Đại Việt vốn là một nước nhỏ ( nhược tiểu) từng bị hàng ngàn năm Bắc thuộc, sau đó lại hàng ngàn năm lệ thuộc vào hệ tư tưởng của Tàu, vô hình chung từ ngàn năm nay tư tưởng và tâm lý Đại Việt là sùng bái, khính phục Tàu. Từ đó dẫn đến sợ Tàu là điều không khó lý giải.

4- Nhưng, may thay ý chí phản kháng và không khuất phục của người Đại Việt đã cho chúng ta có Việt Nam hôm nay và lịch sử đã chứng minh.

5- Lịch sử cũng chứng minh nhân dân Đại Việt chưa và chưa bao giờ sợ hay khuất phục Tàu. Vậy ai và tầng lớp nào sợ Tàu? Thời Trần, hoàng tử con vua Trần Ích Tắc cùng một số đại thần trong triều đã quá sợ Tàu mà chạy sang hàng giặc. Rồi nhân vật lịch sử cao nhất của triều đình Lê mạt là Lê Chiêu Thống cùng một bộ sậu quan lại đã hàng giặc và rước giặc vào nhà. Đấy là ở tầng lớp cao nhất của một triều đại. Còn một bộ phận nữa cũng sợ Tàu đó chính là một số người có chữ, có vị trí trong hệ thống triều đình xưa. Họ sợ Tàu, hàng Tàu vì lý do gì? Vì tâm lý sợ Tàu đã có trong họ từ hàng ngàn năm, đến đời họ sợ Tàu chính là sợ mất quyền lực, địa vị, danh lợi của cá nhân, dòng tộc…Toàn bộ những điều này lịch sử đã quá rõ và người dân Việt Nam nào cũng biết.

6- Cho nên nói người Việt Nam không sợ Tàu là không chính xác và không đầy đủ. Đại Việt xưa Việt Nam nay luôn luôn có một bộ phận người sợ Tàu.

VIỆT NAM KHÔNG SỢ TÀU

Nhìn vào Tàu để thấy Tàu không đáng sợ.

1- Trung Quốc là một nước rất lớn, mấy ngàn năm nay đều tự vỗ ngực xưng hùng xưng bá là trung tâm thiên hạ, bậc thầy thiên hạ…các quốc gia xung quanh chỉ là Man, Di, Rợ, Hồ…Tại sao nước Nga cũng rộng lớn không kém nhưng chưa bao giờ dân tộc họ tự vỗ ngực xưng trung tâm của vũ trụ, xưng là bậc Thiên Triều…Chính là nước lớn nên Trung Quốc luôn luôn chiến tranh huynh đệ tương tàn, chém giết lẫn nhau để tranh ngôi, đoạt đất liên miên. Trung Quốc có một nền văn hóa, tư tưởng vĩ đại điều này thế giới thừa nhận. Nhưng cái tư tưởng háo danh cùng sự đại ngôn cũng trở thành truyền thống điển hình trong lịch sử dân tộc Trung Hoa. Tôi cho rằng chính từ sự háo danh trong bản chất, tính cách con người Trung Hoa cổ mà đến Khổng Tử ( sinh năm 551 trước Công Nguyên), ông ta đã nhào nặn mà biến nó thành thuyết chính danh trong hệ thống tư tưởng, giáo lý Nho giáo. Người Trung Quốc từ hoàng đế cho đến dân thường đều thèm muốn một cái danh, và họ tìm mọi thủ đoạn, mọi cách để đạt được, cho dù nhiều khi chỉ danh hão. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người Đại Việt.

2- Trong mấy ngàn năm lịch sử Trung Quốc chưa bao giờ xâm chiếm được các nước lân bang như Nga, Nhật, Ấn Độ, Myanma; ngay một nước nhỏ tí xíu có chưa đầy một triệu dân thời ấy là Mông Cổ, Trung Quốc cũng không khuất phục được, ngược lại bị Thiết Mộc Chân (Thành Cát Tư Hãn) của Mông Cổ chiếm toàn bộ đất nước mấy trăm năm. Đây là nỗi nhục muôn đời của anh chàng vỗ ngực Đại Hán. Trung Quốc mấy ngàn năm chỉ duy nhất bắt nạt và xâm chiếm Đại Việt. Vì sao? Vì con đường, địa lý, địa hình xuống Đại Việt là thuận lợi nhất, ít hiểm nguy nhất. Đồng thời con người của Đại Việt nhiều giai đoạn cũng tỏ ra tự ti, yếu kém và hèn nhát. Qua đây thấy rằng anh Đại Hán chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhưng nếu bắt nạt , lòe được ai là anh ta làm tới cùng. Lịch sử Đại Việt cho thấy khi nào vua sáng, tôi hiền, lòng dân như một; các triều đại Trung Quốc không bao giờ dám có ý định xâm lược. Nhưng giai đoạn nào vua hèn, ngu, gian thần làm loạn, bên ngoài thì sợ giặc, bên trong thì tàn độc với nhân dân, lòng dân chán nản thì Trung Quốc mới dám xua quân xâm lược.

3- Trung Quốc là một nước lớn, bản chất con người Trung Quốc vô cùng háo danh lúc nào cũng muốn là bá chủ thiên hạ, nhất thiên hạ. Mấy ngàn năm nay Trung Quốc chỉ giỏi bày binh bố trận, bày đặt thủ đoạn, âm mưu để tiêu diệt lẫn nhau tranh ngôi đoạt đất. Khi mang quân xâm lược nước ngoài hầu như đều chuốc phần thua. Nhiều phen Trung Quốc xâm lược Đại Việt là minh chứng rõ nhất. Năm 1953, hàng triệu chí nguyện quân Trung Quốc uổng mạng trên chiến trường mà Trung Quốc đành phải chấp nhận dừng ở vĩ tuyến 38 của Triều Tiên. Lịch sử cũng minh chứng rõ: Khi một nước nhỏ nào có ý định xâm chiếm Trung Quốc họ đều thành công. Mông Cổ từ thế kỷ 12 đầu tiên; Mãn Châu ( nhà Thanh ) đầu thế kỷ 17 tiếp theo; cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 là Liên quân 8 nước châu Âu tiến đánh và chiếm đóng Bắc Kinh, triều đình nhà Thanh phải bỏ chạy về Tây An, năm 1901 Từ Hy Thái Hậu phải ký hiệp ước Tân Sửu; trong hai năm 1894, 1895 người Nhật đã đánh bại nhà Thanh, rồi sau đó từ năm 1937 đến 1945 Nhật chiếm đóng Trung Quốc. Như thế đủ thấy từ ngàn xưa Trung Quốc luôn luôn chỉ là con hổ giấy. Thật nực cười mấy chục năm trước Trung Quốc gán danh từ này cho Mỹ.

4- Trung Quốc ngày nay khác Trung Quốc thời xưa. Việt Nam ngày nay khác Việt Nam ngày xưa. Nhưng có một điểm chung: thời nào Việt Nam cũng yếu hơn Trung Quốc nhiều lần. Lại một điểm chung nữa: thời nào Việt Nam cũng đánh và đuổi Trung Quốc ra khỏi bờ cõi. Còn chưa nhắc đến danh tướng Lý Thường Kiệt đánh qua khỏi bờ cõi đòi đất. Và vua Quang Trung cũng đang nuôi ý định đó thì mất sớm...

5- Về quân sự: Quân đội Trung Quốc từ ngày lập nước Trung Hoa mới 1949, chưa trải qua chiến tranh ( trừ đánh giải phóng hộ Triều Tiên năm 1953 và đánh biên giới Việt Nam năm 1979, với lối dụng binh quá cũ, lạc hậu). Cho nên Trung Quốc cho đến nay chỉ có đánh trận trên lý thuyết, không có kinh nghiệm, không có thực tiễn chiến tranh. Trong khi ấy Việt Nam phải đối đầu với Pháp và Mỹ trong mấy chục năm chiến tranh. Việt Nam có thừa bản lĩnh và những kinh nghiệm chống chiến tranh đi đến chiến thắng. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay rất mạnh với vũ khí và công nghệ tiên tiến. So sức mạnh quân sự thì Việt Nam không thấm vào đâu với Trung Quốc (đây là điều đáng tiếc khi chỉ mới trên dưới chục năm nay Việt Nam mới ý thức cần phải xây dựng một quân đội mạnh toàn diện để bảo vệ đất nước). Chiến tranh ngày nay là chiến tranh chớp nhoáng với vũ khí , công nghệ hiện đại nhằm tiêu diệt sức mạnh, sự phản kháng của đối phương, buộc đối phương phải chấp nhận những yêu sách của mình. Chính vì vậy nên các yếu tố: nghi binh, tung hỏa mù, vũ khí khí tài hiện đại, chiến lược chiến thuật quân sự tài giỏi, kinh nghiệm từ thực tiễn chiến tranh, huy động sức mạnh tổng hợp…sẽ quyết định thắng hay bại.

6- Đặt giả thiết một khi Biển Đông xảy ra đụng độ, tất nhiên đây sẽ là chiến trường chính, chúng ta đồng thời phải nghĩ ngay đến tuyến chiến trường phụ là toàn bộ biên giới giáp Trung Quốc; cũng đồng thời trên toàn lãnh thổ Việt Nam phải tính đến là các “ ổ địch” đã được cài cắm trá hình từ nhiều năm nay. Tôi cho rằng có một cơ hội rất hay nhưng hình như đã bị bỏ qua. Ấy là vài năm trước sự việc chế tạo thành công tàu ngầm mini của ông Hòa ở Thái Bình. Theo ông Hòa, tàu ngầm mini của ông có thể lặn ở độ sâu 300mét với thời gian lặn 8 tiếng. Thật tuyệt nếu mời các chuyên gia chế tạo tàu ngầm hoàn chỉnh, hoàn thiện và chế tạo hàng loạt. Mỗi tàu ngầm mini chứa 2 người, vậy khoảng 400 tàu ngầm mini trải khắp bờ biển Việt Nam, khi cần tác chiến có thể luồn lách tiến sâu vào hậu phương kẻ địch thì đây là một đội quân tàng hình vô cùng lợi hại, tổn thất ít mà giặc không biết đâu để chống đỡ.

7- Bối cảnh thế giới ngày nay không dễ để phát động một cuộc chiến tranh. Nhưng cũng cần cảnh giác với những cú “ đánh trộm chớp nhoáng” mà Trung Quốc luôn sẵn sàng thực hiện nhằm tạo nên sự đã rồi. “ Con hổ giấy” Trung Quốc hùng hổ gây sự ở Biển Đông và gây thanh thế ở vài vùng trên thế giới, nhưng vấp phải sự răn đe của Mỹ, Đức, Nhật, Úc…đã có biểu hiện khác cùng những thủ đoạn khác chúng ta cần cảnh giác. Ngày xưa ông cha ta chỉ đơn thương độc mã, yếu hơn giặc rất nhiều những đã làm nên những chiến công hiển hách. Ngày nay, chúng ta có sức mạnh quân sự đáng nể, nhưng nếu đồng hành cùng ta có những người bạn đáng tin cậy, có sức mạnh thực sự; ắt hẳn “ con hổ” Trung Quốc chỉ dám ngồi mà gầm gừ.

8- Lịch sử Trung Quốc đã chứng minh mỗi khi Trung Quốc hung hăng với bên ngoài là khi đang che đậy và lừa đảo nhân dân những biểu hiện suy sụp, những nguy cơ của sự tồn vong…Theo nhiều nguồn nghiên cứu đáng tin cậy dự đoán năm 2016 Trung Quốc sẽ sụp đổ. Tôi không tin điều đó. Nhưng tôi tin chắc chắn một điều: Chỉ khi nào anh Đại Hán vì những tham vọng, những háo danh đến mức ngông cuồng, không biết phải trái, luật lệ… - nói như trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, sẽ Tẩu Hỏa Nhập Ma mà tự hủy chính mình.

9- Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bởi nợ công quá lớn, tham nhũng trầm trọng, dân chủ bị bóp nghẹt và nhiều lý do khác…Đất nước Trung Quốc đang bị hủy diệt nghiêm trọng bởi sự tăng trưởng quá nhanh và bất chấp hậu quả đến môi trường của giới lãnh đạo. Từ xưa đến nay Trung Quốc duy trì sự thống nhất dựa trên bạo lực và tàn sát nhân dân. Chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình thực chất là sự tiêu diệt lẫn nhau của các phe phái trong nội bộ giới lãnh đạo. Mâu thuẫn và xung đột sắc tộc đang tiến tới đỉnh điểm ở Trung Quốc. Ngay người Hán ở các địa phương cũng mâu thuẫn với nhau. Có những dự đoán cho rằng không xa, Trung Quốc sẽ chia thành 5 nước….

10- Rõ ràng chúng ta không được ảo tưởng, nhưng cũng không được khinh suất. Sự giãy chết của con hổ nhưng cái đuôi của nó cũng đủ sức quật con thỏ đến dở sống dở chết.

Bài đã đăng trên FB của Cao Minh ( Minh Nguyễn Cao )