Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ CÀ MAU ĐẤT MŨI VỌNG NHỚ NHÀ BÁO PHAN NGỌC HIỂN

Khiếu Quang Bảo
Chủ nhật ngày 21 tháng 6 năm 2015 10:36 AM


Bút ký



Ở trung tâm thành phố Cà Mau có bức tượng đài người chiến sĩ cách mạng Phan Ngọc Hiển, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hòn Khoai trong tổng thể cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đã bị giặc Pháp bắt và hành quyết tử hình cùng các đồng chí của ông. Một biểu tượng đặc trưng Cà Mau, là điểm hẹn hội khách du lịch đón xe xuống bến Năm Căn để ra đất mũi. Bất ngờ gặp lại Jonathan, cựu phóng viên Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (FEER) đi cùng chuyến. “Chúng ta là những kẻ dẻo chân đi”- Jonathan cười khanh khách nói thế. Rồi anh tung ra một câu xanh rờn làm tôi ngỡ ngàng: “Thật tuyệt vời. Trước khi trở thành người Cộng sản, Phan Ngọc Hiển từng là một nhà báo, một nhà văn lớn! Mà những tác phẩm đều thể hiện lý tưởng đấu tranh vì độc lập dân tộc và mong muốn xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Tôi thốt lên: “Ối giời ơi ông Tây Jonathan!”

Tôi quen Jonathan lần đầu ở Đà Nẵng khi tôi cùng các nhà báo Trần Bình Minh (VTV), Phùng Triệu (TTXVN), Nguyễn Văn Vinh (Reuters)…tác nghiệp truyền thông cho “Chương trình EC quốc tế (ECIP) tái hòa nhập người Việt Nam hồi hương” do Cộng đồng châu Âu tài trợ dưới sự hướng dẫn của bà Thật Peel, điều phối viên truyền thông cao cấp của ECIP Việt Nam, chủ yếu là ở các xã ven biển miền Trung. Khi thăm một làng chài của những người từng vượt biên bằng đường biển, thấy người dân đã ổn định đời sống và sản xuất nơi làng mới, vui vẻ chuyện trò với các nhà báo, Jonathan bỗng ngâm nga: “Ta về tắm nước ao ta / Dù trong hay đục ao nhà vẫn hơn” làm chúng tôi cười rũ ra với nhau. Giờ, anh lại biết cả lai lịch nhà báo Phan Ngọc Hiển.

Đúng. Phan Ngọc Hiển tốt nghiệp trung học sư phạm năm 1931 rồi về định cư ở Rạch Gốc mở trường dạy học. Trong giai đoạn này ông theo đuổi lý tưởng giải phóng dân tộc bằng bạo lực do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng. Theo tư liệu từ tuần báo Tân Tiến thì cuối năm 1935 Phan Ngọc Hiển làm phóng viên cho tờ báo có Tòa soạn đặt ở Sa Đéc. Cuối năm 1937 Xứ ủy Nam kỳ điều ông về Sài Gòn bổ nhiệm vào Ban Biên tập báo Liên đoàn Lao động thuộc Công hội Đỏ Nam Kỳ. Tháng 6 năm 1939 Phan Ngọc Hiển được tổ chức đảng phân công trở lại hoạt động ở vùng Rạch Gốc. Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ chống lại chính quyền thực dân Pháp Phan Ngọc Hiển trực tiếp lãnh đạo tổ chức cuộc nổi dậy ở Hòn Khoai ngày 13-12-1940 nhưng do bị lộ nên bất thành. “10 chiến sĩ Hòn Khoai” trong đó có ông đã bị bắt và bị giặc xử bắn tại sân vận động thị trấn Cà Mau ngày 12-7-1941, năm ấy ông mới 31 tuổi.

Những tác phẩm mà Phan Ngọc Hiển để lại thuộc đủ các thể loại báo chí và văn học: phóng sự, phóng sự điều tra, chính luận, phiếm luận, tùy bút, bút ký, tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đặc biệt có 10 bài chính luận, 20 bài phóng sự, phóng sự điều tra, 10 truyện ngắn và một tiểu thuyết hơn 40 ngàn từ, đều được viết và sáng tác trong năm 1936 - 1937. Ông tâm niệm về nghề báo: Báo giới là lòng dân trước Chính phủ, là ngọn đuốc giúp Chính phủ thấy rõ đâu chánh đâu tà, đâu liêm sỉ đâu ô chược, đâu bình dân, đâu hiếp dân. Về văn học: Cái chân giá trị của nhà văn là làm sao người xem văn phải hóa theo văn. Phan Ngọc Hiển coi nghề báo nghề văn gắn liền với trách nhiệm cao cả.

Xe đưa chúng tôi tới bến Năm Căn xuống một chiếc ca-nô theo đường thủy để ra đất mũi. Vũ Tiến - hướng dẫn du lịch khảo cứu cung cấp một tư liệu gây sốc, rằng thời chúa Nguyễn Phúc Chu hơn 300 năm trước thành phố Cà Mau còn chìm trong biển vịnh, một vùng đất sình lầy ngập đầy sú vẹt. Cứ mỗi năm chín cửa sông Cửu Long bồi ra vịnh biển Thái Lan được 100 mét bình quân. 100 năm được 10 ki-lô-mét. Một nghìn năm được 100km. Phù sa bồi ra như thế nên Cột mốc số 0 phải di chuyển liên tục. Cục Bản đồ cứ phải cập nhật để chỉnh sửa. Qúa trình bồi đắp và lấn biển ấy là quá trình tự nhiên do phù sa của sông Mekong. Jonathan cười khằng khặc như lên cơn động kinh, rằng anh mường tượng, nếu ông Trời cho anh sống một triệu năm nữa, phù sa tiếp tục bồi cho mũi Cà Mau vươn xa, anh có thể ngồi ô tô đi đường bộ sang Thái Lan du lịch.

Có sự kỳ diệu ấy, là bởi nước sông Mekong qua Việt Nam đổ ra chín cửa biển mang theo phù sa, các cửa sông lớn Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, khi đổ nước ra nó đã gặp dòng hải lưu ngoài biển chảy từ đông sang tây, nên bao nhiêu phù sa đã bị cuốn về phía tây bồi đắp nên mũi Cà Mau.

Ra mũi Cà Mau nên đi bằng đường thủy. Mây nước hữu tình khí trời thơm ngọt tâm hồn thênh thang gạn đục khơi trong. Chiếc ca-nô đưa chúng tôi từ bến Năm Căn ra mũi Cà Mau chạy theo sông Cửa Lớn rộng mênh mang tàu thuyền xuôi ngược. Khoảng 40 km sau thì ca-nô rẽ vào một con kênh nhỏ hơn gọi là kênh Ông Trang lượn quanh một bãi bồi xanh mướt cỏ. Khoảng 20 km sau nữa ca-nô rẽ vào một cái kênh nhỏ hơn về phía nam gọi là kênh Rạch Tàu để đi tiếp tới chà đất Cà Mau, tức là xã có xóm mũi.

Thanh thản vô cùng. Khoan thai hết nỗi. Đặc trưng hệ thống sông lạch nơi đây có tầm quan trọng trong đời sống người dân vùng sông nước, đó là vận tải đường thủy, hoặc chở nông sản hàng hóa, vật liệu xây dựng, hoặc đánh bắt cá và nuôi trồng thủy sản. Tiếng máy ròn tan lan trên mặt sông trong. Sóng xô vào chân những hàng đước rễ bủa xuống chi chít như chân kiến, đó là loại cây chỉ trồng hoặc mọc tự nhiên ở vùng nước mặn hoặc lợ để chắn sóng giữ đất.

Qua huyện Năm Căn là sang địa phận xã Viên An huyện Ngọc Hiển. Ca-nô rẽ gấp vào nhánh kênh nhỏ hai bên có rất nhiều lạch rẽ ngang như xương cá. Kênh nhỏ nên hai bên đước mọc xanh um tốt tươi trù phú. Các hàng cây mắm cao cao mọc lên từ nước lá reo vui, cho tôi hít hà đầy lồng ngực không khí trong lành không bụi bặm. Và khi ca-nô đi vào những con lạch nhỏ hơn, thì những cành sú vẹt áp sát vào mạn ca-nô có thể với tay là chạm tới được. Câu thơ “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, không chỉ là nơi rừng Tây Bắc hoặc rừng Trường Sơn, mà còn là rừng đước Năm Căn. Đã có những đơn vị bộ đội đặc công nằm vùng trong rừng đước như rừng Sác, sống bằng những sản vật tại bùn đất này cung cấp cho mình.

Dọc hành trình mờ xa sau những rặng cây đước cây mắm thấp thoáng có một con đường bộ. Vũ Tiến nói đó là “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Anh nói thêm rằng ngoài khơi xa còn có một “Con đường Hồ Chí Minh” trên biển, hải trình của “con tàu không số” cũng vận chuyển vũ khí quân lương cùng hội nhau ở mũi Cà Mau.

Nơi Ấp Mũi, xã Đất Mũi huyện Ngọc Hiển giờ dành cho Công viên văn hóa du lịch. Ai cũng khát khao tới đây một lần. Trẻ tuổi ham khám phá. Lớn tuổi như muốn giối già. “Mũi Cà Mau, ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”. Chàng trai Bình Nam Tín hướng dẫn viên du lịch tại địa danh này bỗng ngâm nga câu thơ ấy. Ở đất Mũi có bốn điểm tham quan không thể bỏ qua. Đầu tiên là Đài quan sát cao 21 mét leo lên đứng trên đó có thể ngắm toàn cảnh khu vực. Có mũi Cà Mau nhòn nhọn. Có đảo Hòn Khoai, một di tích lịch sử cách mạng nằm ở phía trái. Ở nơi đó có một cái bến đỗ của “Con tàu không số” xuống hàng quân khí chở từ miền Bắc chi viện vào chiến trường miền Nam. Rồi biểu tượng mũi Cà Mau dựng bằng bê-tông mang hình con tàu . Rồi cột mốc GPS 001- mốc tọa độ quốc gia - Cây số 0. Rồi là Khu căn cứ kháng chiến Tỉnh ủy Cà Mau ngày xưa nằm sâu trong rừng đước.

Vườn quốc gia mũi Cà Mau có diện tích trên 41.800 héc-ta, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đứng thứ hai sau rừng Amazon nam Mỹ về diện tích rừng ngập mặn. Tháng 4 năm 2013 khu vườn này được công nhận thêm là khu Ramsa thứ 2.088 trên thế giới, và là khu Ramsa thứ năm của Việt Nam sau Vườn quốc gia Xuân Thủy ở Nam Định, hồ Ba Bể ở Bắc Cạn, Chàm Chim - Tam Nông ở Đồng Tháp, và Cái Bầu Sấu thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên.

Bình Nam Tín đưa chúng tôi vượt qua một chiếc cầu ghép gỗ vào sâu trong rừng đước. Nơi đây lưu giữ di tích căn cứ cách mạng của Đảng bộ tỉnh Cà Mau, có vinh danh Phan Ngọc Hiển. Ông trở thành một nhân vật mà dân Cà Mau coi như là một lãnh tụ cách mạng của địa phương mình, một niềm tự hào, mà nay tên ông được đặt cho một huyện là huyện Ngọc Hiển, cùng một đường phố chính và hai trường phổ thông trung học ở Cà Mau.

Tôi nói với Jonathan suy nghĩ của một nhà báo hậu sinh, rằng vào cái năm 30-40 của thế kỷ trước khi đất nước tôi còn tăm tối lầm than dưới ách thực dân, mà nhà báo nhà văn tiền bối trẻ tuổi Phan Ngọc Hiển đã có lập luận của một con người chí khí “Phá và lập: Phá tan cái thành khổ, lau khô giọt lệ đau thương, lập cái khí cụ để xây thành mới: Ấm no - tự do – hạnh phúc”. Rất đáng kính nể. Về kinh tế Phan Ngọc Hiển viết: đồng bào chấn hưng nghề nông nhưng đừng dẫm chân trên thửa ruộng, vuông vườn. Phải chung sức chung lòng mở mang thương mại phát triển công nghiệp để tự chủ tự lập. Về giáo dục thì Phan Ngọc Hiển cảnh báo rằng sự dốt nát lu mờ của dân tộc của giai cấp cần lao là nỗi sỉ nhục, là hiểm họa lớn nhất. Phan Ngọc Hiển viết nhiều bài kêu gọi đấu tranh thực thi công việc khai hóa dân trí. Ông cũng bày tỏ thái độ trước sự thờ ơ của giới trí thức với thực trạng dân tộc.

Jonathan xúc động nói lại với tôi, rằng anh nhận ra điều kỳ lạ ở Việt Nam, là có rất nhiều các nhà cách mạng xuất thân từ nghề báo, từng viết báo, viết văn, làm thơ, làm nhạc…để lại những tác phẩm nổi tiếng mà điển hình là Hồ Chí Minh. Có lẽ trong chiến tranh vệ quốc thì báo chí, văn học, nghệ thuật cũng là vũ khí, loại vũ khí rất lợi hại.

Chính xác. Hai tay hai-ba-bốn súng. Sự chiêm nghiệm ấy là thực tế ở Việt Nam. Tôi kể Jonathan nghe, rằng tôi có một đồng nghiệp nhà báo nhà văn Dương Thị Xuân Qúy. Là phóng viên báo Phụ nữ, sinh con được 3 tháng chị đã tình nguyện vào Nam chiến đấu trên mặt trận báo chí. Chị là con gái của Dương Tự Quán, người Chủ bút Văn học Tạp chí Báo quán Tạp chí Tri Tân trụ sở là ngôi nhà riêng ở 195 Hàng Bông Hà Nội, và học giả Dương Quảng Hàm là bác ruột chị. Chị hy sinh ở tuổi 28 khi phá vây ở huyện Duy Xuyên. Cách đây 10 năm nhà báo - nhà thơ Bùi Minh Quốc - chồng chị, mới tìm được xác vợ cùng nhiều kỷ vật bên mình. Anh quyết định để chị nằm lại trong nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên, với tâm niệm “Thôi, em ở lại với đất lành Duy Xuyên”. Bốn ngày trước khi Dương Thị Xuân Qúy hy sinh Bùi Minh Quốc có làm bài thơ tình duy nhất để tặng vợ mang tên “Bài thơ Tình yêu”. Chuyện tình riêng tư ấy sau đó được biết nhiều hơn bội lần với cái tên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” qua âm nhạc phổ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: “Cuộc đời vẫn đẹp sao / Tình yêu vẫn đẹp sao / Dù đạn bom man rợ thét gào…/ Một tiếng chim ngân một làn gió biển / Một sớm mai xuân bước cửa hầm dã chiến / Thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu...”

Cần những cột mốc để biết mình không lùi lại. Ví như lần tới đất mũi Cà Mau này. Thế thôi. Thời gian với mỗi con người là có hạn. Tuy nhiên khi chia tay Jonathan chúng tôi vẫn nói câu “Hẹn gặp lại”.

KQB