Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÁT NGÔN THIẾU CẨN TRỌNG VÀ VĂN HÓA NGHỊ TRƯỜNG

Bùi Hoàng Tám
Thứ tư ngày 3 tháng 6 năm 2015 10:59 AM


(Dân trí) – Gần đây, xuất hiện những phát ngôn thiếu cẩn trọng, mang tính quy chụp, thậm chí thiếu văn hóa của một số đại biểu đã làm ít nhiều ảnh hưởng đến hình ảnh của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất, tinh hoa của đất nước đồng thời là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Xin không nhắc lại những câu nói xúc phạm cử tri “chưa cần luật biểu tình vì dân trí thấp” của một vị đại biểu mà Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị đã từng phải thốt lên “Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?” hay những lời “thóa mạ” cũng của đại biểu này khi ông nói một đại biểu khác là “tứ đại ngu”.

Cũng không nhắc lại câu nói mang tính quy chụp, xúc phạm như “luật sư ở Việt Nam chỉ bào chữa cho những người có tiền” của ông mà chí xin nhắc lại một câu nói gần đây nhất của ĐB Đỗ Văn Đương tại phiên tham gia góp ý cho Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 27/5 vừa qua.

Khi bàn bạc về “quyền im lặng” trong hỏi cung, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái ngược nhau, người thì đồng tình đưa qui định này vào luật, người phản đối.

Riêng ĐB Đỗ Văn Đương, theo báo Pháp luật TP HCM ngày 28/5, bài “Quy định quyền im lặng là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân”, ông Đương không chỉ phản đối mà còn khá gay gắt: “Luật không buộc phải khai, không buộc phải nhận tội, như vậy ngầm hiểu là im mồm rồi. Tội phạm không khai báo gì cả thì sao xử lý? Cái này phải làm rõ là bị can, bị cáo được phép trình bày ý kiến và quan trọng nhất là chống lại bức cung nhục hình. Chứ không phải cứ khăng khăng im mồm như thế, nếu cứ nghĩ như thế là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân…”.

Nếu thông tin này là đúng, không thể nói khác, đây là câu nói thiếu cẩn trọng.

Nói thiếu cẩn trọng bởi bất cứ việc gì một khi đã mang ra bàn thì có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối và có cả người không bày tỏ ý kiến, nếu đồng thuận tất cả thì bàn với bạc làm gì?

Cụ thể ở trường hợp này, phải khẳng định, dù đồng ý hay không đồng ý, tuyệt nhiên ở đây không có đại biểu Quốc hội nào “diễn biến hòa bình” và chắc chắn càng không có đại biểu nào “chống lại nhân dân” cả.

Làm chính khách, mỗi câu nói của mình nếu cảm tính hay thiếu thận trọng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức mà người đó tham gia, thậm chí hình ảnh cả một quốc gia.

Một khi là đại biểu cho dân thì từ lời nói đến hành động đều phải vì lợi ích của nhân dân như trả lời phóng viên Dân trí của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “Đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân, do vậy phát biểu trước Quốc hội bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân. Bất kể đại biểu nào cũng đặt lợi ích nhân dân lên trên hết và phải bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân”.

Hay như ý kiến của ĐB Nguyễn Sỹ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Không có giới hạn nào ngoài nhiệm vụ phải phát biểu cho thông minh, trí tuệ để đóng góp cho chính sách”.

Trở lại với phát biểu của ĐB Đỗ Văn Đương, ĐB Nguyễn Bá Thuyềncho rằng “suy luận theo hướng này (ai đồng tình với quyền im lặng – NV) là không có căn cứ bởi “quyền im lặng” không có liên quan gì đến diễn biến hòa bình”.

Đành rằng không có qui định nào cho việc phát ngôn bởi Hiến pháp đã công nhận quyền tự do ngôn luận, song như lời ĐB Nguyễn Sỹ Dũng: “Tranh luận, phát ngôn của đại biểu, theo đó thể hiện văn hóa nghị viện của mỗi người”.

Nêu trong dân gian có câu: “Uốn lưỡi ba lần…” thì là đại biểu Quốc hội, lời nói càng cẩn trọng bởi nó còn thể hiện “văn hóa nghị viện”, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám