Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI SẼ "SỐNG" TỪ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI HÓA

Nguyễn Thu Trân
Thứ hai ngày 1 tháng 6 năm 2015 3:41 PM



NVTPHCM- Đọc bài viết của nhà văn Trần Nhã Thuỵ trong Bàn tròn xây dựng Hội, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến rằng hội nhà văn vẫn rất sang trọng, vẫn có tầm ảnh hưởng xã hội sâu rộng và được vì nể nếu ta biết chăm sóc uy tín, danh dự của hội trong lòng mọi người. Và đây cũng chính là cơ sở để Hội đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá trong điều kiện kinh phí nhà nước dành cho các hoạt động Hội không phải lúc nào cũng kịp thời và đầy đủ.

Là thành viên trong Ban Nhà văn trẻ (BNVT) nhiệm kỳ qua của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, tôi xin được dẫn ra đây một số hoạt động xã hội hoá mà các nhà văn trẻ của chúng ta đã “nổi đình nổi đám”.

Trước tiên là Hội nghị Nhà văn trẻ TP.HCM lần thứ 3 được tổ chức vào tháng 5.2011 tại Bến Nhà Rồng và Cần Giờ. Theo dự định ban đầu của ban tổ chức hội nghị, vì kinh phí eo hẹp, hội nghị chỉ mời khoảng từ 30 - 50 cây bút trẻ tham dự. Nhưng khi BNVT “phát loa” trên trang web của Hội, mời các bạn trẻ gửi tác phẩm tham gia ấn phẩm trẻ chào mừng hội nghị thì chúng tôi thật sự bất ngờ. Trong trường học, công sở và ở các quận, huyện vẫn có rất nhiều bạn trẻ viết giỏi, viết tốt. Bài viết bội thu đồng nghĩa với việc ban tổ chức hội nghị phải xem lại “cơ cấu” đại biểu. Có những cây bút trẻ đến từ các tỉnh, còn rất xa lạ với văn đàn thành phố như Trần Huy Minh Phương (Sóc Trăng), Hoa Nip (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đồng Chuông Tử (Ninh Thuận), Ngô Thuý Nga (Hà Tĩnh), Nguyễn Vân (Đà Nẵng), Tiểu Vũ (Phú Yên)… nhưng dồi dào bút lực đã khiến Trưởng BNVT Phan Hoàng phải băn khoăn. Thế là mạnh dạn mời, mời tất những cây bút trẻ đầy triển vọng đã gửi bài về tham gia ấn phẩm.

Vấn đề kinh phí lại được đặt ra. Hội cùng BNVT đã mạnh dạn vận động các doanh nghiệp mặn mà với văn chương, vận động những nhà văn nhà thơ thành danh có điều kiện kinh tế ủng hộ. Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đã hỗ trợ xuất bản tuyển tập Thơ văn trẻ TP.HCM dày gần 450 trang, một ấn phẩm sang trọng và bề thế nhất từ trước đến nay về văn trẻ cả nước. Nhờ vận động thêm được kinh phí, Hội nghị Nhà văn trẻ TP.HCM tập hợp được đông đảo hơn 100 cây bút trẻ ngày ấy bây giờ cũng thu được nhiều “trái ngọt”, bên cạnh những nhà văn trẻ đã khẳng định mình như Nguyễn Ngọc Thuần, Trần Nhã Thuỵ, Tiến Đạt, Nguyễn Thu Phương, Song Phạm, Trần Văn Thưởng, Trần Lê Sơn Ý, Trương Gia Hoà,… là các cây bút ngày càng vững vàng trên văn đàn thành phố và cả nước như Trương Anh Quốc, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Phong Việt, Phương Trinh, Trần Minh Hợp, Yến Linh, Phùng Hiệu, Bùi Tuyết Nhung, Phạm Phương Lan, Võ Thu Hương, Tiểu Quyên, La Thị Ánh Hường, Tịnh Thuỷ,…

Các nhà văn trẻ ở nông trường cao su Bình Lộc, từ trái sang hàng đứng:

Trần Quế Ngọc, Nguyễn Thu Trân, Ngô Thuý Nga, Hoàng Hiền, Thanh Thuỳ;

hàng ngồi: Phùng Hiệu, Hoa Nip, Trần Huy Minh Phương.

Hoạt động hội nhà văn không chỉ là hội họp để bàn về các vấn đề liên quan đến tác giả tác phẩm, mà còn là những chuyến đi thực tế đầy thi vị. Từ những chuyến đi này, ngoài chất liệu quý giá làm nên tác phẩm; các nhà văn còn có cơ hội giao lưu từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau để hiểu biết hơn và viết hay hơn. Trên tinh thần nhận định này, BNVT đã tổ chức được nhiều chuyến đi khá thành công tại Đồng Nai, An Giang, Phú Yên… Chuyện thức dậy từ ba giờ sáng để ra lô cạo mủ với công nhân cao su của Nông trường Cao su Bình Lộc (Đồng Nai) đã giúp các cây bút trẻ cảm nhận được “bước chảy” của dòng nhựa trắng, để từ đó cho ra đời nhiều tác phẩm viết về cây cao su. Cũng với mục đích trên, BNVT đã kết nối với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam giới thiệu nhiều bạn viết trẻ đi thực tế các tỉnh Tây Nguyên lấy tư liệu sáng tác. Hoạt động liên kết của BNVT với Hội Văn học nghệ thuật An Giang vào tháng 12.2013 cũng đã mang lại kết quả khích lệ với nhiều tác phẩm viết về vùng đất Thất Sơn, mà với nhiều bạn viết trẻ ở TP.HCM mới chỉ là lần đầu đặt chân đến.

Xin thưa, với các hoạt động kể trên, BNVT gần như tự túc hoàn toàn kinh phí (Hội chỉ 2 lần hỗ trợ được 5 triệu đồng tiền xăng/ 1chuyến đi trong gần hàng chục lần tổ chức). Tiền đâu ra để BNVT tổ chức những chuyến đi mỗi lần trên hàng chục người như vậy? Bằng mối quan hệ có trước, chúng tôi đã “đặt hàng” cho các cơ sở. Cơ sở nào dồi dào kinh phí thì đài thọ các nhà văn ăn ở, không thì “chúng ta hùn”. Có nơi phấn khởi tài trợ toàn bộ cho các nhà văn trẻ (thậm chí khi về còn có quà). Có nơi bảo eo hẹp, xin “hùn” 50%. Các nhà văn trẻ cũng rất vui vẻ ở cái khoản “hùn”. Bỏ tiền túi đi thực tế sáng tác, bỏ tiền túi đi giao lưu cũng là một “nghĩa cử” rất “máu” của các cây bút trẻ thân thương của chúng tôi nhiệm kỳ qua. Vấn đề là phải tổ chức làm sao cho chuyến đi hiệu quả, vui vẻ, ấm áp, nghĩa tình. Sau các chuyến đi “hùn” như thế, biết chuyện, các bạn viết trẻ chưa đi đều tha thiết muốn được “hùn”.

Đoàn văn trẻ TPHCM đi thực tế An Giang 2013, mời nhà thơ Phạm Sỹ Sáu cùng tham gia

Một trong các hoạt động nổi bật của BNVT nhiệm kỳ qua là tham gia rất “đình đám” Ngày Thơ Việt Nam hàng năm tại TP.HCM và tỉnh Phú Yên. Riêng tại phú Yên, đoàn văn trẻ TP.HCM tham gia hoàn toàn bằng kinh phí tự túc (đi lại, xăng xe…). Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ do tỉnh bạn đài thọ. Đôi khi cần một buổi nhậu đồng quê với món cá nhét đặc sản bên bờ tre ruộng lúa, cả đoàn lại kéo nhau về quê nhà thơ Phan Hoàng (huyện Tây Hoà). Kinh phí thưởng thức đồng quê đến đây thì do… thân mẫu nhà thơ tài trợ. Với các chuyến đi này, thỉnh thoảng, Hội Nhà văn TP.HCM cũng có “hùn” một lẵng hoa chúc mừng văn nghệ sĩ tỉnh Phú Yên. Đoàn văn trẻ tham gia ngày hội thơ bằng kinh phí vận động tự thân nên chi tiêu có phần eo hẹp, nhưng mà vui. Niềm vui này đã “lôi kéo” được một số nhà thơ thành danh vui lòng “bắc tiến” ra Phú Yên theo “đám văn trẻ” như các nhà thơ Lê Thị Kim, Triệu Từ Truyền, Lê Xuân Đố, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Lương Hiệu, My Hương… Đoàn văn trẻ tham gia Hội thơ Nguyên tiêu ở Phú Yên với danh nghĩa Hội Nhà văn TP.HCM, luôn được các tỉnh bạn ưu ái và trân trọng. Ngược lại, những góp nhặt tài hoa từ đoàn văn trẻ cũng đã làm ngày hội thơ phong phú hơn, vui hơn.

Hoạt động xã hội hoá của BNVT nhiệm kỳ qua đã cho chúng ta những người trẻ đầy tự tin và viết ngày càng chắc tay. Ngô Thuý Nga là một điển hình. Ngày đầu bạn đến với Hội nghị Nhà văn trẻ TP.HCM bằng một truyện ngắn đầy nước mắt. Tại hội nghị, bạn cũng rụt rè và thiếu tự tin như nhân vật của mình. Qua một mùa “xã hội hoá”, Nga đã được tiếp cận nhiều nhà văn thành danh, nhiều bạn viết trẻ giỏi. Với cơ hội tiếp cận này, bạn đã viết văn xuôi ngày càng tốt hơn và làm thơ cũng khá. Từ sân chơi nhà văn trẻ, Nga đã được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM và có công việc ổn định. Giống trường hợp Ngô Thuý Nga là Trần Huy Minh Phương. Thầy giáo trẻ người Sóc Trăng đa cảm và tài hoa này hiện luôn có thơ, các bài viết văn học đăng trên các báo ở TP.HCM và cả nước. Đặc biệt với trường hợp nhà văn Trương Anh Quốc, khi chưa có các “món” hoạt động xã hội hoá của BNVT, anh gần như không biết gì đến hoạt động Hội. Sau khi xách máy đi lòng vòng với BNVT qua vài cuộc giao lưu - tương tác, Quốc đã trở thành “phó nhòm” đắc lực cho Hội Nhà văn TP.HCM. Thật vậy, rất nhiều ảnh minh họa - thời sự xuất hiện trên trang web của Hội là do phó nhòm Quốc bấm máy (hoàn toàn miễn phí). Sự khởi sắc trong các sáng tác của các nhà văn nhà thơ trẻ Trương Thanh Thuỳ, Phùng Hiệu, Hoa Nip, Hoàng Hiền, Lưu Quang Minh, Trần Quế Ngọc,… cũng có thể nói là nhờ thăng hoa từ các chuyến đi điền dã.

Dẫn ra những thực tế sinh động kể trên để tôi chứng minh rằng, xã hội hoá hoạt động Hội Nhà văn TP.HCM là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Hội nhà văn có uy tín, được sự vì nể của xã hội, thế thì tại sao chúng ta không khai thác những thế mạnh này. Bằng các mối quan hệ chừng mực, bằng một cảm quan tốt về nhau, Hội đều có thể đặt vấn đề liên kết hoạt động với các cơ sở. Quan trọng là chúng ta phải biết sẻ chia khi đặt vấn đề. Phải nghĩ đến chuyện liên kết vì lợi ích của đôi bên. Hội nhà văn có lợi trong hoạt động liên kết này, thì cơ sở cũng phải đạt một lợi ích nào đó. Nhà văn có thể là “nguyên khí quốc gia” đâu đó trên trang viết, nhưng trong đời thường, chúng ta cũng cần ăn uống ngủ nghỉ và thở. Cho nên sự sòng phẳng, minh bạch, bình đẳng trong hoạt đông liên kết là điều cực kỳ cần thiết.

“Đi dân nhớ, ở dân thương” cũng là điều chúng tôi “quán triệt” các nhà văn trẻ khi tham gia hoạt động tại cơ sở. Biết giao tiếp, biết thể hiện mình đúng lúc đúng nơi - điều này đã khiến nhiều cơ sở “lưu luyến” các nhà văn trẻ “khôn nguôi”. Giám đốc Nông trường Cao su Bình Lộc Nguyễn Thị Bích năm nào cũng “tha thiết muốn các em trở về”. Những anh lãnh đạo VHNT tỉnh Phú Yên luôn mong mỏi đoàn nhà thơ Sài Gòn đại diện về dự Hội thơ Nguyên tiêu giàu truyền thống nhất nước…

Ngoài ra, Hội cũng cần có kế hoạch khai thác nội lực trong hoạt động xã hội hoá. Trước tiên là sự hợp tác của các nhà văn. Chuyện sẵn sàng “hùn” đi thực tế của các nhà văn trẻ là một ví dụ. Thế mạnh của các nhà văn cũng cần được đặc biệt chú ý. Ô tô của các nhà thơ Lê Thị Kim, Phùng Hiệu, Hoa Nip… liên tục được BNVT trưng dụng trong các chuyến đi. Các nhà thơ cho mượn xe mà vui vẻ, mà hỏi chừng nào mượn nữa… cũng là biệt tài của nhà tổ chức. Vấn đề còn lại thuộc về “chất” của cán bộ Hội. Anh có nhiệt tình hay không, có năng nổ hay không, có ngại khó hay không… Chính anh sẽ là người đi tìm câu trả lời để thể hiện uy tín, danh dự mình trước những lá phiếu kỳ vọng đến những 5 năm dài.