“Nàng” tự phong mình là Kỳ Hoa Nữ, Hoàng Quý Phi nghe như từ triều đại nảo nào hiện về giữa thế giới văn minh này không rõ nữa? Mà cái gã thợ ảnh quái nào đó đã “chộp” cho “nàng” bức chân dung rất chi “con bé đanh đá” để “nàng” trưng lên các thi tuyển, tập san nội bộ vườn nhà hơn hai chục năm nay làm cho bao “nhà thơ” các CLB phải chờn chờn ghê ghê lảng tránh không dám tiếp cận để gẹo một câu suồng sã, quá trớn. Bức chân dung nàng tươi thì tươi thật, cười thì rõ là cười nhưng ánh mắt và cả đôi bờ môi kết thành cái miệng lúc nào cũng hợp đồng tác chiến câng câng gây sự cho các ngươi biết mặt. Vì các ngươi, ai cũng tính cách không biết dơ, gặp người ta đâu là đem thơ thẩn nhạt thếch ra cưa cẩm để được… “ao ước xem phim”, trong khi người ta đang “Nằm cạnh chồng đêm vẫn mơ/ Mê ông Nguyễn Bính đò đưa thơ tình” rồi còn cứ tán để vơ vào: “Động tiên muốn vào không khó/ Chỉ động tim em sao chẳng dễ chút nào” (thơ HK). Có kẻ lợi dụng người ta đau tí cái lưng, đòi đến “bóp hộ, xoa cho…”! Gớm, của đâu sẵn thế? Có lão thì cong môi lên rủa: “Chết đi em. Chết đi em/ Để anh hả những cơn ghen mỗi ngày” (HGT). Lại có chàng băm băm bổ bổ ưỡn ngực ra xin “chết nhờ”: “Vũ Thị Phim, Vũ Thị Phim/ Nếu em chết thật tôi xin chết nhờ”(PĐN)! Lão khác thì voi vĩnh được xin một lần khóc thử: “Em chưa chết anh đà khóc thử”(NV). Một cha nội đầu bù tóc rối, hễ gặp đâu là khề khà huyên thuyên cái con mèo già hoá cáo, bờm xơm tán tào lao về cái vai áo của người ta. Mà có gì đâu, miếng vải khác màu ấy là do thợ may họ máy đè lên một lớp để tạo mốt cho Hoàng Quý Phi đây mặc, diện cho sang mà cứ dớ dẩn ra rằng vai áo bị sờn, bị rách nên phải mạng, phải vá: “Người nào đã vịn vào vai/ Để em rách áo mạng, cài lá dâu/ Của người/ ! Dơ! Của mình đâu/ Mà toan ngắt trộm lá dâu vai người”(LL) nên người ta đành phải câng câng nụ cười con mẹ đanh đá cho mà biết mặt: “Thôi đừng dẻo mỏ tán hươu/ Tưởng em nhẹ dạ sẽ “chiều”… - Còn lâu!” (thơ VTP).
Lần gặp “nàng” tại một CLB thơ phường, trước khi đọc thơ “nàng” tuyến bố một câu trắng phớ mây bông rằng: “Em là người yêu của Nguyễn Bính đây”! Tưởng Bính là gã lẩn thần đang tập tọng làm thơ nào mượn danh nhà thơ Nguyễn Bính để làm sang, cho nhanh nổi tiếng. Lúc “nàng” đọc thơ xong ngối xuống, bèn ghé tai hỏi: “Nguyễn Bính là nhà thơ của CLB nào thế em?” . Nghe xong “nàng” quắc mắt bảo: “Ông ở đâu mới mọc ra mà không biết nhà thơ Nguyễn Bính là ai nữa?”. Hết chịu nổi, tưởng mình đang ngồi cạnh “mẹ khùng” xuyên thế kỷ, vội vàng đánh bài chuồn, luồn ra, xuống ngồi hàng ghế dưới mà đỏ chín mặt, nóng bừng hai tai vì xí hổ. Từ đó không dám đến dự sinh hoạt bất cứ CLB thơ nào nữa, chỉ hãi gặp lại “mẹ khùng” lần nữa.
Bẵng đi vài năm không giao du thơ phú, quên bẵng chuyện “mẹ khùng” năm nào. Một hôm, anh bạn cùng phố rủ đi nghe thơ CLB Văn học Tháp Bút ở 88 Hàng Buồm. Bất ngờ gặp “nàng” đang bệ vệ như bà Phán Chánh thời Tây, chiếm gọn cái bàn ngồi thu tiền quỹ và bán sách thơ cho CLB, bèn hỏi tò mò hỏi một “nhà thơ” bên cạnh: - “Mụ Phim bán những sách gì thế anh?” – Nhà thơ đó tròn xoe mắt nhìn mình từ đầu đến chân đầy vẻ khó chịu: - “Ông là ai mà gọi Vũ Thị Phim là Mụ?” – Bị mắng đốp vậy, thấy ngường ngượng nhưng cũng phải cười trừ và nói theo một câu để xí xóa: -“Xin lỗi, tôi quen mồm ông a!” – Quen mồm ở đâu chứ đến sân văn chương ông phải chỉnh đốn ngay thói quen đó, “nhà thơ” với nhau mà gọi nhau mụ nọ mụ kia thiếu tôn trọng thi nhân, văn sĩ vậy thì đến mùng thất ông cũng không làm nổi một câu thơ ra hồn!” – May, khí ấy được một người ngồi cạnh “cưu” nguy, ngụ ý dàn hòa: -“ Tập san Thát Bút của CLB và cuốn “Việt Nam thư pháp ngữ hình” của Vũ Thị Phim vừa xuất bản, ông ra mua mà đọc mà biết”. - Vôn mất cảm tình với “nàng” từ buổi đầu gặp gỡ, lại bị “nhà thơ” kia lên dây cót tinh thần, đâm bực tôi liền sỗ sàng một câu sau lưng: - “Biếu không chả tèm đọc nữa là mua!”. – Vừa nói xong câu ấy, quay lại đã thấy “nàng” cầm ấm nước đứng cảnh rót ra từng chén mới mọi người và cả “đấm mồm” tôi một chén với nụ nười tủm tỉm kèm cái nguýt vắt tận trần nhà, rồi “nàng” đi thẳng về bàn của mình lấy một cuốn sách cầm bút ghi ghi đem đến đưa tận tay tôi: - “Em tặng anh về đọc cho vui”. - “Ghét ghê cơ, người ta đã không thích còn tặng!” – Nhớ là lúc ấy thoáng nghĩ trong đầu câu ấy, song tay vẫn gượng ngạo nhận sách tặng của “nàng”. Cái tên “Việt Nam thư pháp ngữ hình” nghe mà kinh. To tát kinh! Sách mang tầm quốc gia chứ không phải vừa!
Về đọc đi đọc lại cố thâu tóm, tìm những điểm yếu trong đó với ý định viết bài “chê cho một mẻ”. Đốt đuốc tìm kim mãi cuối cũng cũng ra bốn trang giấy A4. Vờ khen chỗ này để chê chỗ khác. Khen tí tẹo, gọi là tác giả có chút tìm tòi làm mới thư pháp Việt để chê ỏng chê eo cách đúc khuôn chữ quốc ngữ vuông chằn chặn giống chữ nho hoàng phí câu đối người xưa đã thể hiện ở các đình, đền, miếu mạo rồi chả thấy gì là mới mẻ cả, sao nàng cứ vống lên này nọ ghế vậy!
Là kẻ nhát gan, viết xong không dám đưa tận tay mà gửi một nhà thơ thuộc diện CLB đưa giùm. Gửi qua tay người khác mà vẫn run mất cả tuàn lẽ sau.
Buồn thay cho mấy gã si thơ, si tình, cứ gặp “nàng” đâu là xúm vào tán tỉnh xin tí tình vét sái, làm cho “nàng” luôn phải gồng mình chống đỡ. Ghét ai là “nàng” muốn xúc cả đám đất họ vừa đứng đồ đi; quý ai “nàng” nói rằng quý, không như ai đó lập lờ bắn tỉa từ xa. Soi trong trích ngang tiêu sử thì tháng sinh của “nàng” phạm ngược mùa sinh. Dân gian có câu: “gái tháng hai trai tháng tám”, nghĩa là gái sinh tháng hai, trai sinh tháng tám thì hợp mùa sinh. “Nàng” sinh ngày 10 tháng 9 năm 1949 (tuổi Kỷ Sửu), âm lịch là tháng tám, đó là sinh phạm ngược mùa. Tuổi Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu, mệnh Thích Lịch Hỏa (lửa sấm sét). Con trâu hiền lành mang mệnh ông Thiên Lôi thế nên tính “nàng” mới Thiên Lôi nóng nảy thét ra lửa vậy, ai chấp lê thì chấp, mặc kệ.
Tính khí Thiên Lôi thế nhưng được cái mát tay. “Nàng” từng làm “bà đỡ” cho nhiều CLB thơ phường, thơ xã lên đời giữa biển thơ mênh mông chục hơn năm nay. Năm 2002, “nàng” còn ra công, dần sức tập hợp, chọn lựa từ di cảo thơ của Đỗ Như Môn 500 bài thơ, hàng 100 câu đối và những bài viết của bạn bè về nhà giáo Đỗ Như Môn in hành tập: “Đỗ Như Môm với nghiệp văn chương” dày trên 400 trăm trang để con cháu Đỗ Như Môn lưu giữ và tặng bạn bè thân hữu sảm phẩm của một người say thơ, yêu thơ hết mình.
“Nàng” từng làm khá nhiều thơ, nhưng khiêm tốn chưa muốn in thành tập để tặng đời, tặng người. Thơ “nàng” đã được nhà văn Hoàng Tiến khen trên mạng internet rằng: “Cô Vũ Thị Phim là một tài nữ trong các CLB thơ của Hà Nội. Cô làm nhiều thơ thể loại thơ, nhưng giỏi về Lục Bát. (Làm Lục Bát thành thơ không phải dễ dàng đâu nhé, non tay một chút là thành vè ngay thôi). Thơ cô thành thật, xúc động, dí dỏm, nghích ngợm nhất là những bài xướng họa với bạn văn. Câu lạc bộ nào có cô tham dự là đều vui như Tết. Đấy là cái duyên của cô.” Nhà thơ Lê Khả Sĩ khen nức nở trên tập san 1: “Thơ chị khá chắc tay ở bất kể thể loại nào. Phải nói thật rằng , năng lực văn chương của Phim vượt xa sách vở chị đã học. Thơ chị giản dị nhưng thể hiện một cách thông minh tâm trạng con người: “Sợi tóc cứ buộc tim người/ Luôn tay - gỡ cái rối bời chẳng ra”.
- “Em chờ anh không đến
Hương cau ẩn cuối vườn
Lá trầu vàng rũ xuống
Vui gì mà soi gương”
(Em vẫn chờ)
Bức thật ấy chứ, hẹn người ta chờ lại không đến! Lần sau có hẹn nữa người ta sẽ “hương cau ẩn cuôi vườn” cho đến khi “lá trầu vàng rũ xuống” cho biết tay. Ấy là khi đọc bốn câu thơ trên thấy “nàng” khổ vì chờ đợi, tôi suy lung mung ra vậy, chứ bốn câu thơ trên “nàng” viết với trạng huống tâm lý nữ tính khác kia. Bởi thấy “nàng” hay suy diễn lang bang thành kẻ viết cũng ngọn bút đò đưa theo dòng theo “nàng” lun.
- “Em đi tìm biển lãng quên
Sóng cứ duềnh lên thuyền nhớ”
(Nhớ)
Bạn đọc nào để mắt tới bài viết này, xin phục hai câu thơ này đi.
Hễ lâu lâu “nàng” không có thơ, không làm được hơ để tặng bạn bè. Buồn, “nàng” nghĩ ra trò khác. Ốm một trận cho vui, để gây tiếng vang cạnh thơ, sau thơ. Như trường hợp năm 1996, “nàng” vào bệnh viện “nghỉ mát” hai thàng liền là như thế. Hai kì sinh hoạt các CLB thơ không được nghe thơ “nàng”. Ớ giời ơi! Làng nước CLB thơ trên trên thuyền dưới bến ơi! Em Phim ốm rồi, “Thương ghê” (1). “Liệu có chết được không em” (2)? “Phim ơi đừng theo Bính” (3). “Chết ư em” (4)? “Nếu em chết” (5) thật, để anh khóc sống”:
- “ Em còn khỏe lắm, sờ sờ
Anh ti khóc tí vờ lệ rơi”
(HLS)
Lại có bài điếu sống:
- “Em ao ước thành người thiên cổ
Xem ai người thương bên mộ ư?
Có kẻ khóc em lời nham nhở
Nhiều người trêu ghẹo khóc bâng quơ
Em chưa chết anh đà khóc thử
Duyệt đi em – hỡi Phim mộng Phim mơ.”
(NV)
Các đấng mày râu yêu vụng nhớ thầm khóc lóc đã đành, dăm ba bà sồn sồn cũng bị lan truyền tâm lí ồn ào cái chợ hàng vịt:
- “Nếu mai em có chết đi
Là người đồng giới khóc gì Phim ơi”
(HN)
- “Vì như đổi phận anh hùng
Thuyền quyên đã chết ta đồng hành luôn”.
(CAL)
Riêng bác Đỗ Như Môn, CLB thơ Xuân Đỉnh tỉnh táo hơn, bắt mạch đoan ra bệnh ốm để làm nũng chồng con, để dùa dai các bạn thơ, để gây ấn tượng ngoài thơ ca:
- “Bỏng mắt chưa rồi – lại giắt răng
Bệnh chi lắm thế? Rõ lăng nhăng!
Õng à õng ẹo quen thân xác
Tay Rĩnh hắn chiều (tớ một băng)
Gai đôi – cột sống, chắc chưa quên
Gào thét rên la cứ tưởng điên
Thuốc Bắc, thuốc Tây sài đủ thứ
Thơi gian độ tháng – chục cân lên
Đau thế liệu rằng ăn có được?
Hay là nhét tọng phải dùng “sông”
Chắc là ả thích chơi trò mớm
Vớ phải thằng này - xơi quả “tông”.
“Nàng” sinh ở Hà Nội, quê gốc Nam Định. Hai dòng văn hiến hòa trộn vào nhau nên “nàng” có đôi bàn tay tài hoa nghệ sĩ, vì thế mà “nàng” định làm đủ thứ: Nào làm thơ, viết văn, khảo cưu danh nhân, sáng tác chữ thư pháp, vẽ hình họa, thiết kế con dấu nghệ thuật… vv… đạt đến đỉnh nào trên lĩnh vực nghệ thuật thì chúng ta còn phảo chờ “nàng” vậy.
Hoàng Xuân Hoạ